Chúng ta biết rằng tảng đá xây nên lòng tin của Hội thánh Công giáo là Đức Giê-su Ki-tô phục sinh và nển tảng làm nên lòng tin đó chính là các tông đồ. Nhưng nhìn lại nền tảng làm nên lòng tin của Hội thánh chúng ta lại thấy rõ các tông đồ, vốn dĩ ban đầu là những con người chậm tin và cứng tin nhất. Nhờ vậy, mà toà nhà lòng tin của Hội thánh mới vững vàng như vậy. Giờ đây, chúng ta cùng xem lại sự cứng tin và chậm tin của các tông đồ là những người đã xây nên nền móng lòng tin của Hội thánh Công giáo chúng ta.
Lòng cứng tin và chậm tin !
Chính Tin Mừng đã ghi nhận khá chân thực về sự cứng tin và chậm tin của các tông đồ về cuộc phục sinh vinh hiển của Đức Giê-su Ki-tô Chúa của chúng ta. Dù rằng các tông đồ đã được Đức Giê-su trực tiếp tuyến chọn, đào tạo, cho các ông được cùng ăn uống, ngủ nghỉ và được chứng kiến, lắng nghe tất cả những lời giảng dạy và những phép lạ vĩ đại Thầy làm; ngay cả ba lần được Đức Giê-su báo trước công khai về cuộc tử nạn thương khó và phục sinh của Ngài và cả những lần gián tiếp như ở trên núi Ta-bo, hay dấu lạ duy nhất về gio na, rồi xây dựng lại Đền thờ trong ba ngày, nhưng khi Đức Giê-su bị giết chết thì dường như những gì mà Đức Giê-su chuẩn bị cho các ông về sự phục sinh của Ngài đã tan biến hết. Đến khi bà Maria về báo cho hai ông Phêrô và Gioan rằng cửa mộ bị mở và không thấy xác Thầy nữa. Cả hai ông chạy ra mộ và thấy băng vải được xếp lại, còn xác Thầy thì không thấy, rồi hai ông trở về nhà. Kế đến thì Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra với bà Maria Magdalena. Bà này về nói rõ là : tôi đã thấy Chúa và những gì đã xảy ra với bà. Vậy mà các ông vẫn chậm tin và cứng tin. Tới khi hai môn đệ trên đường về lại làng Emmau, nhận ra Đức Giê-su phục sinh đã đi với họ, giảng dạy Kinh Thánh cho họ hiểu về cuộc vượt qua của Ngài, và đã bẻ bánh trong bữa ăn, thì lập tức hai ông trỗi dậy trở lại Giêrusalem để báo cho các môn đệ khác. Nhưng khi các ông chưa kể thì nhóm mười một đã kể về chuyện Đức Giê-su đã hiện ra với Si-mon. Còn hai ông thì kể lại chuyện Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra với các ông. Ngay lúc đó, Đức Giê-su lại hiện ra và tất cả các ông đều kinh hồn bạt vía, vì tưởng là ma. Hiểu được tâm trạng của họ, Đức Giê-su nhẹ nhàng trấn an họ : “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? Nói xong, Người đưa tay chân cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không? Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24, 36-43). Biết rằng các ông vẫn chưa tin, Đức Giê-su lại dùng Kinh thánh để cắt nghĩa, giúp họ : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Môi-sê, các Sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44). Có lẽ Đức Giê-su đã kiên nhẫn chịu đựng sự cứng tin, chậm tin của các tông đồ để xây dựng nên nền tảng lòng tin cho Hội thánh.
Cứng tin để vững tin hơn !
Nếu như các tông đồ là những con người nhẹ dạ cả tin thì liệu rằng lòng tin vào sự phục sinh vinh hiển của Đức Giê-su Ki-tô nơi Hội thánh có được bền vững đến ngày hôm nay hay không? Chắc hẳn là không? Ngược lại, nhờ vào sự cứng tin của các tông đồ vào sự phục sinh vinh hiển của Đức Giê-su Ki-tô, đã được chính Đấng Phục Sinh chinh phục và làm cho các họ trở nên những chứng nhân mạnh mẽ về cuộc vượt qua của Thầy Giê-su mà làm cho lòng tin của Hội thánh, của mỗi người chúng ta ngày một vững tin hơn. Quả thật, kinh nghiệm của cuộc sống cho chúng con thấy, những người cứng tin, chậm tin thường lại là những người có chứng kiến của riêng mình. Với họ, để thuyết phục được lòng tin của họ vào ai đó hay một điều gì đó thì không dễ dàng chút nào. Họ cần đến sự hợp lý, chứng cứ nội tại, ngoại tại đầy đủ mới đón nhận được. Còn khi họ đã tin thì những người này sẽ rất trung thành với những gì mà họ đã đón nhận. Trong khi đó, đối những người nhẹ dạ cả tin thì họ rất dễ đón nhận những người hay những điều gì mới mà không cần đến sự thẩm định của lý trí và vì thế, nhiều lúc họ cũng dễ dàng trở nên những người mê tín, thậm chí là cuồng tín nữa. Nhưng vì dễ tin quá nên họ cũng dễ nản, nhất là khi gặp phải những thử thách thanh luyện hay bị những người khác dèm pha thì lập tức bị nao núng mà đánh mất lòng tin của mình vào những người hay những điều mà mình đã một thời gắn bó hết mình. Thực ra, chúng ta cũng phải chẳng nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn vào việc thực hành lòng tin của những người có học, có vị thế xã hội, và của những người ít học hay trẻ em, cũng thấy được lòng tin của người nào đáng giá hơn để mà chọn lựa cho riêng mình. Tóm lại, chính để cho lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô phục sinh được xây trên một nền tảng vững chắc mà Đức Giê-su đã chọn các tông đồ là những người cứng tin, chậm tin để chinh phục và thuần phục họ trở nên những người vững tin, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để làm chứng về Chúa Giê-su phục sinh. Nhờ vậy, lòng tin của Hội thánh, của chúng ta vào Chúa Phục Sinh mới đứng vững qua dòng thời gian cho tới bây giờ và vững bền mãi mãi.
Cầu nguyện với Chúa Phục Sinh !
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Phục Sinh cũng cốt để củng cố lòng tin cho các tông đồ, cho Hội thánh, cho chúng con, về sự hiện diện thật của Ngài trong từng ngày sống của chúng con. Để nhờ đó, chúng con luôn biết khao khát tìm kiếm Chúa, biết đón nhận lấy Chúa làm Chúa của chúng con và được Chúa đào luyện để trở nên những chứng nhân đích thực của Đấng Phục Sinh, như các tông đồ thuở xưa vậy. Chúng con xin chân thành cảm tạ tri ân Chúa. Amen.
Bài đọc thêm: Xét lại lòng tin mỗi người !
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn : svconggiao.net