Icon Collap
...
Trang chủ / Tôn vinh lòng thương xót Chúa !

Tôn vinh lòng thương xót Chúa !

Chúa Nhật thứ hai, Phục Sinh, hàng năm, đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, chọn làm Chúa Nhật để tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa, thể theo nguyện vọng của Chúa Giê-su, đã thông truyền cho chị thánh Faustina. Để hiểu rõ hơn thánh ý của Thiên Chúa, trong việc tôn vinh lòng thương xót của Người chúng ta cùng cầu nguyện,  và để cho Lời Chúa đang nói với chúng ta, hướng dẫn chúng ta.

   Tôn vinh lòng thương xót Chúa !

Tôn vinh lòng thương xót Chúa !

Chúng ta biết rằng lòng thương xót của Thiên Chúa được thực hiện và thể hiện một cách tròn đầy nơi Đức Giê-su Ki-tô, nhất là trong cuộc tử nạn, thương khó và phục sinh của Ngài. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được Đức Giê-su Ki-tô phục sinh diễn xuất một cách sống động, cụ thể, qua ba chiều kích căn bản sau đây :

Thứ nhất : Mang lấy tất cả những bận tâm, ưu tư, trăn trở, khó khăn, khốn khổ của người khác làm của mình và làm hết sức để giúp cho người khác sớm vượt thắng được những khó khăn, đau khổ đó. Rõ ràng, chính Đức Giê-su đã mang lấy tất cả những đớn đau, bất công, gian ác, hận thù, dối trá, phản bội, oan khiên, vu khống, cáo gian, đòn vọt, nhục hình, chửi bới, mạ lị, thách thức, bạo lực, bạo hành, tội lỗi của cả nhân loại này, vào nơi chính bản thân mình, để mang lên cây thập giá, đóng đinh tất cả những thứ đó, bằng cái chết bi thương của chính Ngài, để rồi được Chúa Cha ân thưởng bằng cuộc phục sinh vinh thắng khải hoàn, trở thành Vua muôn vua, Chúa muôn chúa và nhất là trở thành Đấng Cứu Độ của toàn thể nhân loại và của vũ trụ vạn vật muôn loài. Như vậy, qua cái chết và sự phục sinh của mình, Đức Giê-su Ki-tô tỏ rõ cho chúng ta biết : lòng thương xót của Thiên Chúa, hệ tại ở nơi việc Đức Giê-su luôn mang lấy những bận tâm, trăn trở, những đau khổ, bất hạnh của người khác làm của chính mình và nỗ lực làm tất cả những gì mình có thể làm được, kể cả việc chấp nhận cái chết oan nghiệt, khổ hình, bi thương trên thập giá, để cứu con người thoát khỏi tình trạng đau thương, khốn khổ, hư mất đời đời, có được một cuộc sống hạnh phúc đích thật.

Thứ hai : Lòng thương xót của Thiên Chúa còn được diễn tả một cách hữu hình về khả năng chịu đựng phi thường sự cứng tin của các môn đệ, nơi Đức Giê-su phục sinh. Quả thật, dù Đức Giê-su đã hiện ra với nhiều người, nhiều lần, nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng các môn đệ vẫn không chịu tin. Cụ thể là khi Đức Giê-su phục sinh đã hiện ra với các môn đệ, chỉ thiếu mỗi Tô ma, nhưng khi được các môn đệ kể lại thì Tô ma đã trả lời rõ ràng  rằng : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Cũng chỉ vì lòng thương xót dành cho con người, mà Đức Giê-su đã phải chiều theo sự cứng tin của những môn đệ đến cùng để chinh phục lòng tin của họ và Ngài đã nói rõ với Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Như vậy, lòng xót thương đòi buộc chúng ta phải kiên nhẫn chịu đựng những cứng cỏi, cố chấp và cả sự gàn bướng của những người mình thương, để nâng đỡ, chinh phục và vực dậy lòng tin đã bị gục ngã của họ.

Thứ ba : Chúng ta có thể nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa còn được tỏ lộ qua việc trao ban những gì quý nhất của mình cho họ. Quả thật, Đức Giê-su đã trao ban hết tất cả mọi sự của Ngài, kể cả danh dự, phẩm giá, quyền bính và ngay cả mạng sống của mình cho nhân loại. Và sau khi trỗi dậy từ cõi chết, Ngài còn trao ban bình an, Thánh Thần và năng quyền tha tội hay cầm tội cho các môn đệ của Ngài : “Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo :”Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 21-23). Như vậy, Đức Giê-su phục sinh, một lần nữa, tỏ lộ cho chúng ta biết Ngài chẳng còn giữ lại một cái gì cho riêng mình mà đã sẵn sàng trao ban tất cả những gì Ngài có được, nhờ sự phục sinh của Ngài, cho các môn đệ và cho tất cả chúng ta. Vì vậy, thương xót luôn đồng nghĩa với việc xả thân, hy sinh, trao ban tất cả những gì quý nhất của mình cho người mình thương, không chỉ một lần, mà trao ban liên tục và trao ban mãi mãi không dừng.

Cầu nguyện với lòng thương xót !

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh, Chúa chính là Dung mạo, là Hiện thân, lòng thương xót của Chúa Cha dành cho toàn thể thế giới được tạo thành và cách riêng cho tất cả mọi người chúng con. Chúa đã diễn tả lòng thương xót đó vô cùng cụ thể qua cái chết và cuộc phục sinh vinh thắng khải hoàn của Chúa. Chúng con xin chân thành cảm tạ tri ân Chúa. Nguyện xin Chúa Giê su phục sinh, Hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha, tiếp tục thương xót chúng con và toàn thể nhân loại tội lỗi khốn cùng này, ban thêm sức mạnh và biến đổi chúng con trở thành những tông đồ, những chứng nhân của lòng thương xót Chúa, giữa một thế giới đang bị tổn thương hôm nay. Amen.

Bài đọc thêm: Lòng nhân từ của Thiên Chúa 

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn : svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!