Thiên Chúa : Cha – Con – Thánh Thần vẫn luôn là một mầu nhiệm vượt trên mọi suy nghĩ cũng như tầm hiểu biết của con người. Và Lời Chúa trong Chúa Nhật thứ VI phục sinh, lại nhắc cho chúng ta nhớ đến một Đấng Bảo Trợ khác mà chính Chúa Cha sẽ sai đến với chúng ta. Vậy Đấng Bảo Trợ khác này thực chất là ai đây ? Và Ngài được sai đến với chúng ta cốt để làm gì ? Giờ đây, chúng ta cùng nhau cầu nguyện, suy gẫm, để có thể hiểu rõ thêm được phần nào về Đấng Bảo Trợ này cũng như về vai trò của Ngài đối với chúng ta.
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần !
Đức Giê-su nói rõ :”Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy“(Ga 14,26). Quả thật, những gì chúng ta biết được về Chúa Thánh Thần, đều nhờ vào những gì mà Đức Giê-su tỏ ra cho biết : Ngài chính là Đấng Bảo Trợ, được Chúa Cha sai đến, nhân danh Đức Giê-su. Như vậy, Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần đều được Chúa Cha sai đến với chúng ta. Điều này minh chứng cho thấy rằng Chúa Cha có toàn quyền trên Chúa Giê-su và trên Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, cả Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần cũng được gọi chung cùng một danh xưng là Đấng Bảo Trợ, nghĩa là Đấng luôn cận kề bên chúng ta để mà sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Nhưng Chúa Thánh Thần lại được Chúa Cha sai đến với chúng ta, nhân danh Chúa Giê-su, nghĩa là ở trong Chúa Giê-su. Vì thế, sứ vụ của Chúa Thánh Thần gắn liền với sứ vụ của Chúa Giê-su. Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về sứ vụ của Chúa Thánh Thần.
Sứ vụ của Chúa Thánh Thần !
Đức Giê-su tỏ rõ sứ vụ của mình được Chúa Cha sai đến để truyền giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, xua đuổi quỷ dữ và các thần ô uế, kêu gọi người ta hoán cải để trở về với Thiên Chúa, trở thành môn đệ của Ngài, rồi sai họ đi thực hiện những gì mà Đức Giê-su đã làm và tự nguyện dâng hiến mạng sống của Ngài làm giá chuộc muôn người. Còn riêng về Chúa Thánh Thần thì sao ? Đức Giê-su nói rõ : “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em“(Ga 14,26).
Bài đọc thêm: Vị thánh 15 tuổi muốn nói gì với chúng ta ?
Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh
Như vậy, trước hết, Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho chúng ta mọi điều chứ không phải một số điều. Ngài dạy chúng ta trong Kinh Thánh, vì Lời Chúa trong Thánh Kinh là lời của Thần Khí, được chính Thần Khí lính hứng cho tác giả Kinh Thánh viết lại những gì mà họ đã được Thần Khí soi sáng, hướng dẫn. Và trong Thánh Kinh thì có đủ mọi điều đã được ghi chép lại. Bởi thế để hiểu được Thánh Kinh thì phải cầu xin Tác giả của Thánh Kinh là Chúa Thánh Thần soi sáng mở trí thì chúng ta mới hiểu được. Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động trong Thánh Kinh mà còn trong Hội thánh của Ngài.
Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh
Ngày lễ Ngũ tuần, chính Chúa Thánh Thần đã khai mạc Hội thánh, qua các tông đồ, bằng việc ngự xuống trên các ông và biến các tông đồ trở thành sứ giả của Tin Mừng. Rồi suốt cả chiều dài của lịch sử Hội thánh, Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động, ngang qua các vị mục tử đã được tuyển chọn, để dẫn dắt toàn thể Hội thánh và đưa ra các quyết định quan trọng để hướng dẫn các tín hữu, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy, khi một số người Do Thái trở lại Ki-tô giáo, họ đã muốn những người Ki-tô hữu cũng phải chịu phép cắt bì như họ. Nhưng ông Phao-lô và ông Bar-na-ba đã đi gặp các thủ lãnh trong Hội thánh lúc bấy giờ ở Giê-ru-sa-lem để trao đổi, chia sẻ về vấn đề này. Sau đó, các ông đã đạt được sự đồng thuận, nên đã cử ông Giu-đa và Xi-la đi cùng hai ông Phao-lô và Bar-na-ba đên tại An-ti-ô-ki-a, để trình bày trực tiếp về những gì mà các ông đã thống nhất :”Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác, ngoài những điều cần thiết này : là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết và ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em mạnh khỏe“(Cv15,28-29). Như vậy, Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Hội thánh, để dẫn dắt dân Chúa. Chính Đức Giê-su đã nói rõ có những điều bây giờ anh em chưa hiểu. Nhưng khi Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ giúp anh em hiểu được những điều đó. Sau này, trong các công đồng, công nghị, phần lớn các văn kiện, tài liệu của Hội thánh cũng nói rõ: “Chúa Thánh Thần và chúng tôi quyết định“.
Bài đọc thêm: Thằng quỷ mình chia tay nhau đi
Chúa Thánh Thần nơi các Tín Hữu
Hơn nữa, Chúa Thánh Thần còn hoạt động trong tâm hồn của mỗi tín hữu, giúp cho mỗi người biết phân định thiện ác, làm lành, lánh dữ, biết thưa lên với Chúa Cha hai tiếng :”Abba !” và dẫn dắt người ta đến với Đức Giê-su Ki-tô chính là Sự Thật toàn vẹn. Đúng là Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ qua việc dạy dỗ chúng ta mọi điều và giúp cho chúng ta nhớ lại những gì Đức Giê-su đã nói với chúng ta.
Cầu nguyện với Thánh Thần !
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Cha đã ban cho chúng con, để dạy bảo chúng con mọi điều và giúp chúng con nhớ được những gì mà Đức Giê-su đã nói với chúng con. Chúng con xin chân thành cảm tạ, tri ân Chúa Cha, đã thương ban cho chúng con Quà Tặng rất tuyệt vời này. Chúng con xin Chúa Thánh Thần tiếp tục ngự xuống trên chúng con, trên toàn thế Hội thánh, để canh tân, tái tạo và làm cho Hội thánh ngày càng xinh đẹp, tinh tuyền hơn, hầu xứng đáng làm Hiền thê của Đức Giê-su Ki-tô. Amen.
Nguồn: Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo