Icon Collap
...
Trang chủ / Thực tại Thiên Chúa Ba Ngôi !  

Thực tại Thiên Chúa Ba Ngôi !  

Mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trung tâm và là mầu nhiệm thâm sâu nhất của lòng tin Ki-tô giáo, có nhiều người lòng tràn ngập niềm vui mừng khôn tả, nhờ đã sống thân tình với mầu nhiệm này và cảm thấu được phần nào giá trị cũng như ý nghĩa của nó. Thế nhưng cũng có không ít người lấy làm lạ, khó đón nhận, và khó giải thích được mầu nhiệm này cho phù hợp với lý trí tự nhiên của con người. Làm sao mà một Thiên Chúa lại gồm có Chúa Cha – Chúa Con và cả Chúa Thánh Thần? Làm thế nào mà Ba Ngôi lại chỉ có một Chúa? Nhưng khi nhìn vào trong thế giới này, cả về tự nhiên lẫn xã hội thì lại thấy khá nhiều những thực tại, tuy là có ba phần khác nhau, mà cũng chỉ là một. Vậy chúng ta cứ tìm hiểu kỹ xem về những thực tại đó, thử gẫm suy xem, ngang qua những thực tại đó, thì Thiên Chúa muốn nói gì đây ?

Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần Thực tại Thiên Chúa Ba Ngôi !

Một mà Ba là những thực tại !   

Trước hết, chúng ta có thể dừng lại trên bình diện toán học để có thể chiêm ngắm ba đường thẳng giao nhau, dù có độ dài như nhau hay khác nhau thì vẫn làm nên một tam giác đó thôi. Rồi thử vẽ một mặt phẳng, đi qua ba điểm không thẳng hàng sẽ ngộ ra được tại sao người ta lại nói vững như kiềng ba chân. Dù ba chân kiềng ở ba góc khác nhau, nhưng cả ba cái chân đó mới làm nên một cái kiểng thực thụ, ba điểm không thẳng hàng mới làm nên một mặt phẳng. Rồi trên bình diện vật lý thì cũng có ba dạng thức để hiện hữu, nhưng chỉ có một bản chất mà thôi. Chẳng hạn, dù tồn tại dưới thể rắn, thể lỏng hay thể khí thì chúng chỉ là nước đó thôi. Còn nếu nhìn cái quạt xoay, một cái máy là quần áo hay một bóng đèn bật sáng, dù hình thể và sự hiện hữu khác nhau, nhưng cái làm nên những hiệu năng của cái bàn là, quạt hay bóng đèn cũng chỉ là điện mà thôi. Còn về sinh học thì sao ? Trong một thân thể thì có nhiều bộ phận, nhưng tất cả các bộ phận chỉ làm nên một thân thể. Giờ chúng ta thử quay sang âm nhạc hay hội hoạ cũng thấy rõ các nốt nhạc có âm thanh, tuy khác nhau, nhưng cũng chỉ làm nên bản nhạc tuyệt vời đó thôi. Các nét trong hội họa cũng vậy. Tuy chúng muôn màu muôn sắc, nhưng cũng chỉ làm nên một bức tranh đa sắc màu. Còn nếu như ở chốn pháp đình, chúng ta muốn có được một sự thật nghiêm túc mà người ta vẫn gọi là công lý thì phải có sự phối hợp giữa ba bên : lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dù ba bên độc lập với nhau, nhưng cùng nhau làm nên một chân lý. Về bình diện lịch sử cũng thế. Muốn hiểu được một nhân vật hay một dân tộc… thì cũng cần phải kết hợp sự tìm hiểu về quá khứ, hiện tại và cả dự phóng tương lai nữa. Ngày nay người ta đang nói về đa nguyên, đa đảng… không phải là để loại trừ nhau, nhưng để làm cho xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. Còn trong một gia đình, tuy bố khác mẹ, khác con cái. Nhưng cả bố, mẹ và cả con cái mới làm nên một gia đình. Như vậy, ba mà một không chỉ là thực tại mà còn là nền tảng của hiện hữu. Nhưng điều quan trọng hơn là sống được mầu nhiệm này trong đời sống thường nhật của mình.
Bài đọc thêm: Với Ơn Chúa Tôi Có Thể Tha Thứ Cho Cha Tôi   

Mầu nhiệm tình yêu và hiệp thông ! 

Thiên Chúa duy nhất : Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần diễn tả rõ ràng bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu như thánh Gioan Tông đồ đã minh định nhờ đã được chạm đến Đức Giê-su là dung mạo và là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu. Quả thật, chỉ trong tình yêu, người ta sẽ hiểu được thế nào là ba mà chỉ có một mà thôi. Quả thật, chính Đức Giê-su đã nói đi nói lại nhiều lần là Ngài được sai đến trần gian này chỉ với một mục đích duy nhất là để thi hành thánh ý của Chúa Cha và lương thực để nuôi sống Đức Giê-su cũng chính là thánh ý của Chúa Cha. Còn Chúa Thánh Thần, được ban tặng cho nhân loại cũng chỉ giúp chúng ta nhớ lại tất cả những gì Đức Giê-su đã nói và giúp chúng ta thực hiện tốt những gì mà Đức Giê-su đã truyền dạy cho chúng ta. Hay nói cách khác là Chúa Thánh Thần được ban tặng cho nhân loại là để giúp họ nhận biết và thực thi được thánh ý của Chúa Cha. Như vậy, chính thánh ý của Chúa Cha làm cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với Chúa Cha cách trọn vẹn và tròn đầy nhất. Nhưng tại sao Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần lại làm được như vậy ? Thưa rằng tất cả chỉ vì tình yêu. Chúa Cha yêu Chúa Con đến mức ban tặng mọi sự cho Con để mọi sự của Cha là của Con. Còn Chúa Con yêu Chúa Cha đến mức mà sẵn sàng tự hiến chính bản thân mình để cho ý của Chúa Cha được thành sự. Chính Chúa Thánh Thần là Tình Yêu gắn kết Chúa Cha với Chúa Con đến nỗi Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Ai thấy Con là đã thấy Cha. Như vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta sống được tình yêu và sự hiệp thông dành cho nhau như chính Thiên Chúa đã làm gương cho chúng ta, để chúng ta không chỉ được nên một với Thiên Chúa mà còn được nên một với nhau. Nếu như trong một gia đình hay trong một cộng đoàn, chúng ta biết hy sinh, từ bỏ những ý riêng của mình để sống cho thánh ý của Thiên Chúa như Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần đã thực hiện thì chắc chắn gia đình đó, cộng đoàn đó sẽ hạnh phúc. Còn ngược lại, nếu ai cũng muốn người khác làm theo ý riêng của mình thì gia đình và cộng đoàn đó sẽ gặp nhiều đau khổ. Như vậy, khi tuyên xưng và tôn thờ một Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi không chỉ sống thân tình với từng Ngôi một, mà còn nỗ lực hủy mình ra không, để thực thi những gì mà chính Chúa Cha đã truyền dạy cho chúng ta, nơi Đức Giê-su Ki-tô. Đó là sứ điệp mà Chúa Ba Ngôi gởi đến cho mỗi người chúng ta và cũng là cách tốt nhất để chúng ta tuyên xưng và tôn vinh Ba Ngôi Một Chúa.
Bài đọc thêm: Lá Thư Gởi Thiên Đường

Cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi !  

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, chúng con chúc tụng, tôn vinh, cảm tạ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã tỏ lộ và soi sáng cho chúng con hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm cao trọng này. Chúng con nguyện xin Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần tiếp tục đến ở với chúng con và giúp chúng con cử hành mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bằng chính đời sống hy sinh, nỗ lực thực thi từng thánh ý của Thiên Chúa, trong chính gia đình và cộng đoàn mà Chúa gởi chúng con tới. Chúng con, một lần nữa xin tạ ơn Chúa. Amen

 

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn: svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!