Tôi lớn lên trong một gia đình có ba anh em. Tôi là con thứ hai. Cha mẹ tôi làm nghề nông. Người ngoài nhìn vào gia đình tôi, có lẽ ai cũng nghĩ là chúng tôi rất hạnh phúc. Nhưng có ai biết được những gì thật sự đã xảy sau cánh cửa nhà tôi và hậu quả để lại như thế nào? Đó là những gì tôi muốn diễn tả lại qua câu chuyện có tựa đề “Nên hận hay thương !” của chính tôi, như một sự trải lòng gởi đến tất cả những đấng sinh thành của những người con khốn khổ như tôi và cả những ai đang rơi vào tình cảnh như tôi.
Là một thành viên trong gia đình, ngay lúc còn nhỏ, tôi đã được chứng kiến và ghi sâu những cảnh tượng bi thương xảy đến trong ngôi nhà này. Cảnh tượng đầu tiên, khiến tôi không thể nào quên được đó là hôm lễ trọng, sau khi đi uống rượu về và đã ngà ngà say, cha tôi lớn tiếng la mắng mẹ tôi như tát nước. Mẹ tôi đã không thể kiềm chế được nên đã thốt lên mấy lời. Thế là hai người cãi nhau ầm lên. Cha tôi liền cầm lấy cây dao dùng để chặt củi, vung cao và xua đuổi mẹ tôi ra khỏi nhà. Ông quát lên : “cút về nhà mày đi.” Mẹ tôi dòng lệ tuôn trào, trong uất ức và phải bước ra khỏi nhà của mình.
Sự việc không dừng lại ở đó. Hai người cùng nhau giằng co, xô đẩy trên đường đi về nhà bà ngoại của tôi. Đi được một quãng ngắn, những người dân chung quanh đều ngoảnh mặt lên nhìn. Có một số người chỉ dám khuyên thôi. Không ai dám ngăn cản, bởi họ sợ cha tôi làm bừa. Trong lúc đó, tôi và em gái chỉ biết chạy theo sau khóc. Chúng tôi sợ hãi, lo lắng cho mẹ tôi lắm. Cha tôi vừa đuổi mẹ tôi vừa chưởi bới. Đến gần nhà dì tôi thì có rất nhiều người can ngăn nên ông đã dừng lại và thả cây dao xuống. Mẹ tôi thì chẳng sợ gì cả, lúc đó bà cứ bước đi như tên tù bị đưa đi xét xử.
Bài đọc thêm: Một sự giải thoát khó tin!
Sau lần đó, hình ảnh người cha trong tôi đã mờ nhạt dần. Lòng kính trọng giảm sút. Tôi sợ hãi, không dám đến gần cha tôi. Tôi đã nhìn ông với một ánh mắt khác. Ánh mắt của oán hận, của ghen ghét. Không những chỉ có lần đó mà tôi cũng đã chứng kiến nhiều lần bạo hành khác nữa. Hầu như tất cả các lần đó cha tôi đều uống rượu. Có lần hai người cãi nhau, cha tôi bực quá không biết làm gì thì lấy cây rừu chặt củi đánh vào cửa tủ và nó đã hư luôn. Trong những lần đó tôi chỉ biết khóc, tôi tức tối và sợ hãi.
Tôi ước mong mình có thể rời khỏi ngôi nhà này càng nhanh càng tốt. Trong đầu tôi, hình ảnh người cha nóng tính thích uống rượu, thích đập phá đã làm tôi sợ hãi, hoảng loạn. Tôi đã đánh mất lòng tin nơi ông. Tôi không thích ông ở nhà. Tôi chỉ muốn ông đi làm thật xa để tôi khỏi bị chứng kiến những cảnh tượng đau lòng ấy. Có những lúc tôi buồn bực đến nỗi tôi đã cầu cho ông chết sớm để mẹ con chúng tôi được sống bình an, vui vẻ hơn. Tôi đã không dành tình cảm nhiều cho ông. Tôi không dám lại gần, trò chuyện hay đùa giỡn với ông. Tôi luôn mong đi học về không có cha tôi ở nhà. Tôi luôn lo sợ mỗi lần ông đi chơi và uống rượu về thì sẽ có chuyện xảy ra trong nhà.
Hai mươi lăm năm trôi qua, nhưng hình ảnh người cha say rượu, nóng nảy, hay gây chuyện, khó tính luôn tái hiện liên tục ở trong đầu tôi. Tôi luôn cầu nguyện với Chúa lớn lên con sẽ đi tu để cầu nguyện cho cha tôi. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi đã tìm hiểu một dòng tu và tôi quyết định vào đó. Trong thời gian qua, tưởng rằng tôi có thể quên đi được những ký ức bi thương về ông. Nhưng ngược lại, cảm thức căm ghét, tức tối dành cho cha tôi vẫn không sao thoát ra được. Tôi cứ ngỡ rằng, mình chắc phải ôm lấy mối hận này cho đến chết. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã cứu tôi.
Ngay khi bước vào ngày đầu của kỳ tĩnh tâm năm nay, cha giảng phòng hỏi tôi về nỗi bận tâm day dứt nhất xảy đến gần đây của tôi. Rất nhanh, chẳng tốn nhiều thời gian, tôi đã nghĩ đến cha tôi. Tôi đang rất bận tâm về ông. Tôi luôn bận tâm về mối quan hệ của tôi với ông. Tôi muốn hàn gắn tình cảm của tôi và cha, nhưng tôi chưa can đảm dám làm điều mình mong ước. Đã bao nhiêu năm chưa một lần cha con tôi ngồi trò chuyện với nhau. Tôi chẳng dám mở lòng ra để nói chuyện với cha tôi. Tôi luôn im lặng trong những lần trò chuyện. Thực ra trong thâm tâm tôi, tôi luôn muốn đến chia sẻ, nói chuyện với ông. Nhưng tôi sợ khi đến với ông. Tôi sợ bị ông la mắng.
Lần tĩnh tâm này tôi đã quyết định đối diện với chính bản thân tôi. Tôi nhờ đến sự giúp đỡ của cha giảng phòng. Bước vào tiến trình chữa bệnh, cha bảo tôi: “Con hãy viết một lá thư cho cha con, để nói lên tất cả những cảm xúc thật của con về những việc mà ông đã làm con bị tổn thương.” Tôi vào trước Chúa Giê-su Thánh thể, cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để tôi viết đúng sự thật. Càng viết tôi càng tức giận cha tôi. Cả một ký ức kinh hoàng ập đến trên tôi. Tôi sợ hãi, quằn quại, đau đớn. Lòng tôi trào dâng những oán hận, căm ghét, toàn thân thấm đẫm mồ hôi, người tôi nóng ran và tôi đã hét ầm lên “Tại sao cha lại làm như vậy ? cha có biết là con sợ lắm không ?” Trong lá thư này, bao nhiêu tội lỗi tôi đều trút cả lên đầu của cha tôi.
Nhưng sau khi viết xong lá thư này, một cảm giác lạ đã xảy đến trong tôi. Tôi cảm thấy mình lâng lâng như vừa trút được một gánh nặng khổng lồ mà lâu nay nó đã đè nặng lên tâm trí tôi. Bao nhiều uất ức, tức tối bỗng biến đâu mất. Tôi lên gặp cha giảng phòng để trình bày tâm trạng của tôi lúc đó. Cha bảo tôi viết thêm một lá thư nữa cho cha tôi. Đang lúc tôi ngơ ngác, cha mỉm cười nói tiếp : “Lá thư này con cố gắng tìm hiểu thật kỹ, để giải trình những hành vi kỳ cục, nhất là bệnh nát rượu của cha con.”
Vâng lời vị giảng phòng, lần đầu tiên, tôi bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc về gia đình, tính cách của người cha và cuộc hôn nhân giữa cha mẹ tôi. Cũng thật may mắn cho tôi, vì thời điểm còn ở nhà, tôi đã được nghe kể khá kỹ về gia đình bên nội và rất nhiều chuyện liên quan đến cha mẹ tôi. Tôi hiểu thêm về những biến cố đau thương đã xảy đến với cha tôi, những tổn thương, đổ vỡ, những nỗi khổ tâm mà cha tôi đã phải cam lòng gánh chịu ngay khi còn ở trong gia đình bên nội. Càng viết về những nổi khổ của cha, tôi càng thấy thương ông. Ngay cả cuộc hôn nhân với mẹ tôi cũng chẳng có chút tự do và tình thương thật. Mối tình đầu đời của cha tôi không thành vì sự cấm đoán của ông bà. Cuộc hôn nhân với mẹ tôi chỉ là một cuộc hôn nhân gượng ép. Càng viết về cha tôi thì những bóng mờ về cuộc đời và con người của cha tôi càng rõ hơn. Có lẽ nơi con người của cha tôi, hạnh phúc chẳng thấy mà thấy toàn khổ đau, bất hạnh.
Viết xong lá thư thứ hai, tôi lên gặp cha giảng phòng. Tôi trình bày nội dung của lá thư đó. Ngài đã gợi mở và giúp tôi hiểu rõ hơn về những vấn đề của cha tôi. Vị giảng phòng hỏi tôi “Theo con, khi nào thì người ta tìm đến rượu. Khi vui hay khi buồn?” Tôi đáp : “Cả hai.” Ngài hỏi tiếp “Với cha con thì sao !” Tôi đáp “Do buồn quá.” Ngài gật đầu và nói “Vậy giờ đây con đã có thể viết lá thư thứ ba để xin lỗi cha con.” Tôi lại đi vào nhà nguyện cảm tạ Chúa và xin Chúa soi sáng tôi biết viết lá thư xin lỗi cha tôi. Tôi viết liên tục, viết không ngừng. Viết đến đâu nước mắt chảy dài theo gò má. Bao nhiêu kí ức đau thương, buồn bực, oán hận trong tôi đã biến mất. Thay vào đó là lòng hối hận và tình thương mến mà tôi dành cho cha tôi. Tôi đã được chữa lành. Tôi tạ ơn Chúa đã giúp tôi hóa giải được mối tương quan căng thẳng và khó khăn của cha con tôi. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho cha tôi. Tình phụ tử đã tìm lại được.
Nhìn lại hành trình sa mạc vừa qua, đối diện với những trục trặc xảy ra nơi mình vừa được hóa giải, tôi mới dám tin rằng các mối tương quan đều có thể thay đổi được. Nhưng để việc thay đổi có hiệu quả tốt thì cần phải phối hợp việc chữa trị cả tâm lý lẫn tâm linh. Trước hết, nhất thiết phải thải hồi tất cả những gì uất ức, tích tụ, dồn nén trong ta, nhất là những cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm tiêu cực của quá khứ về đối tượng đã làm cho mình tổn thương, chúng ta mới có thể có được cái nhìn mới về người đó. Nhờ vậy, chúng ta mới có cơ hội khám phá ra những sự thật của người đã từng làm ta bị tổn thương, nhưng vốn dĩ đã bị những định kiến, ác cảm của ta về họ che phủ bấy nay. Thứ đến, chúng ta rất cần đến sự trợ giúp thiêng liêng, mới có khả năng can đảm đối diện với những vết thương của lòng mình và đón nhận được ơn chữa lành.
Ngang qua những dòng tâm sự này, tôi cũng rất mong muốn các bậc làm cha làm mẹ, hãy cố gắng tránh khỏi những trường hợp mà cha tôi mắc phải. Xin đừng làm cho con cái phải trông thấy những bạo hành trong gia đình, khiến cho họ phải đau khổ dẫn tới oán hận cha mẹ. Xin đừng cãi nhau, đánh nhau, đập phá đồ dùng trước mặt con cái. Những việc làm đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tính cách của con cái sau này. Tất cả những thứ đó sẽ được lưu giữ trong đầu con cái, và khiến con cái oán hận cha mẹ mà cha mẹ chẳng bao giờ biết. Đồng thời, tôi cũng muốn gởi tới những ai đang rơi vào hoàn cảnh như tôi một thông điệp, một ước nguyện chân thành, là các bạn hãy bình tĩnh tìm cách đối diện với nó, tìm cách chữa trị nó, đừng để kéo dài như tôi.
Bài đọc thêm: Ma quỷ thời đại mới
Thái Từ Tâm