Icon Collap
...
Trang chủ / Yêu như Thầy đã yêu !

Yêu như Thầy đã yêu !

Cộng đoàn phụng sự thân mến ! Chúng ta đang sống trong những thời khắc tuyệt vời và vô cùng quan trọng; thời khắc mà Chúa Giê-su sắp hiến tặng tình yêu tận cùng của Ngài cho những môn đệ và cho chính chúng ta, đúng y như lời thú nhận của người môn đệ được thương mến đã quả quyết : “Ngài yêu thương họ đến cùng”. Không chỉ dừng lại nơi việc trao ban tình yêu tận cùng của Ngài cho các môn đệ, cho chúng ta mà Đức Giê-su còn truyền cho các môn đệ và cho chúng ta :“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vậy giờ đây, chúng ta hãy chiêm ngắm và chuẩn bị tâm hồn thật tốt, để đón nhận tình yêu tột cùng mà Chúa Giê-su sẽ hiến trao cho chúng ta ngay trong thánh lễ này.

Yêu cho đến tận cùng !

Thánh sử Gioan là người môn đệ đã cảm nếm sâu xa tình yêu tận cùng của Thầy Giê-su dành cho riêng mình cũng như cho các môn đệ, nên đã tường thuật lại khá chi tiết những gì mà Đức Giê-su đã làm cho các ông, để diễn giải cho người ta hiểu rằng yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em cũng chính là yêu nhau cho đến tận cùng. Vậy thì yêu cho đến tận cùng là yêu như thế nào? Chắc hẳn yêu cho đến tận cùng nghĩa là yêu cho đến cạn kiệt sức mình, yêu đến mức không còn gì để mà yêu nữa. Yêu cho đến tận cùng được cụ thể hóa như sau. Thứ nhất, yêu cho đến cùng là tự hiến chính thân mình để làm của ăn của uống, nuôi sống các môn đệ, không phải một vài ngày mà là mọi ngày cho đến tận thế. Quả thật, với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su đã làm cho lời quả quyết của Ngài trở nên hiện thực tỏ tường :“Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống muôn đời. Vì thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống”. Và khi chấp nhận hủy mình trở thành tấm bánh và chén rượu cho người khác được hưởng dùng thì đúng là một sự trao ban đến mức không thể nào có hình thức khác trao ban hơn nữa. Quả thật, để trở thành thức ăn, thức uống nuôi sống người khác thì bản thân mình phải chấp nhận bị người ta cắn xé, bị nhai đi nhai lại, nghiền nát nhuần nhuyễn, rồi mới bị nuốt vào trong bụng. Đúng là một sự đau đớn tột cùng và một sự hy sinh tận cùng. Thứ hai, yêu cho đến cùng  không có nghĩa chỉ dừng lại ở việc hủy mình làm thức ăn, thức uống cho người ta mà còn trao cho họ quyền đại diện cho mình, tiếp tục làm được những gì mình đã từng làm như rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua đuổi quỷ dữ và các thần ô uế, tha thứ tội lỗi, cứu độ người ta.

Như vậy, yêu cho đến cùng nghĩa là trao ban không chỉ thân xác làm của ăn của uống mỗi ngày mà còn trao ban cả năng quyền của mình cho các môn để họ cũng làm được những gì mà mình đã làm. Nói theo ngôn ngữ của Gioan tẩy giả là chủ tâm làm cho tôi phải nhỏ lại để cho Ngài được lớn lên. Đức Giê-su vì yêu cho đến cùng đã chấp nhận ẩn mình trong các linh mục, những con người yếu đuối, tội lỗi, bất xứng, để làm cho các linh mục trở nên lớn lao cao cả, khi thi hành sứ vụ của chính Ngài. Hơn nữa, vì yêu cho đến cùng mà Chúa Giê-su đã trao cho các linh mục cả quyền làm cho Ngài phải hiện diện nữa. Thứ ba, yêu cho đến cùng, chính là tự hạ mình xuống, làm một người nô lệ để rửa chân và lau chân cho những môn đệ của mình. Hành động kỳ lạ và rất khó hiểu này của Đức Giê-su đã khiến cho Phê-rô bị choáng, bị sốc mà kêu to  lên :“Không đời nào Thầy lại đi rửa chân cho con”. Thì ra yêu cho đến cùng là quên đi vị thế, phẩm giá của mình là  ông chủ đề hạ mình xuống phục vụ những môn đệ của mình như là những ông chủ của mình vậy. Hành động này quả là một điều nghịch lý, khó tin, khó chấp nhận về mặt lý trí tự nhiên, nhưng lại là một chọn lựa có chủ ý để nói lên tình yêu tận cùng dành cho các môn đệ của Đức Giê-su. Đúng là không ai giải thích được tình yêu, vì con tim có những lý lẽ mà lý trí không sao hiểu được, như văn hào Pascal đã trải nghiệm. Như vậy, yêu cho đến cùng là quên đi không chỉ chính mạng sống, quyền bính của mình mà ngay cả địa vị phẩm giá cao quý của mình cũng bị quên luôn, để cho những người mình yêu được sống và sống dồi dào.

Bài đọc thêm: Con có yêu mến Thầy không?

Yêu như Thầy đã yêu !

Đức Giê-su không chỉ yêu thương chúng ta là những môn đệ của Ngài cho đến cùng mà còn truyền cho chúng ta là : “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”. Đức Giê-su còn khẳng định rằng : đây chính là giới răn mới của Thầy. Mà đã là giới răn thì trong tư cách là môn đệ của Ngài thì chúng ta buộc phải thực hành, để người ta sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy. Vậy thì trước hết, chúng ta hãy hiến dâng chính mình cho nhau để trở nên của ăn, của uống nuôi sống nhau từng ngày như Thầy Giê-su đã thực thi để làm gương và truyền dạy cho chúng ta. Nhưng bằng cách nào đây? Dĩ nhiên, dù  chúng ta là ai, làm tới vị trí nào thì cũng không có khả năng để tự hiến mình trong tấm bánh ly rượu như Chúa Giê-su được. Nhưng ngược lại, chúng ta đều có cơ hội để đón nhận những hành vi cử chỉ, lời nói đến từ người mình yêu, có khả năng làm cho con người chúng ta tan nát, bầm dập, vỡ vụn và có khi còn tiêu tan luôn. Nếu như chúng ta sẵn sàng đón nhận những hành vi, lời nói, thái độ có khả năng hủy diệt nhau như vậy, với một chủ đích rất rõ ràng là để được yêu thương nhau cho đến cùng như Thầy Giê-su đã yêu thương chúng ta, thì có khả năng chúng ta sẽ thực hiện được và ước muốn sẽ trở thành hiện thực.

Thứ hai yêu như Thầy Giê-su yêu là dám trao cho nhau cái năng quyền được đại diện mình và nhân danh mình để làm được những gì mà mình đã làm. Chúng ta biết rằng việc hiến tặng, trao ban thân xác cho người mình thương vốn dĩ là đã can đảm hy sinh rồi. Nhưng nếu phải trao cho họ quyền đại diện mình để làm những việc họ muốn làm thì không dễ tí nào. Chẳng hạn người chồng trao cho vợ cái quyền muốn làm gì mình thì làm, thì quả thật là rất hiếm người dám trao quyền cho người khác cái quyền như vậy. Hơn nữa, Đức Giê-su còn dám trao cho linh mục thậm chí cả quyền để buộc mình phải hiện diện làm của lễ hy sinh trên bàn thờ mỗi ngày. Vì thế, để thực thi giới răn yêu thương Đức Giê-su đã truyền dạy, chắc hẳn mỗi chúng ta cũng phải trao cho nhau quyền buộc chúng ta phải hiện diện như một của lễ toàn thiêu từng ngày. Và cuối cùng, yêu như Thầy đã yêu, còn đòi buộc chúng ta phải quên đi vị thế của mình để hạ mình xuống phục vụ nhau như những người tôi tớ mà Thầy Giê-su đã thực thi cho các môn đệ, vào tối tiệc ly, bằng việc thắt lưng, cúi xuống rửa chân và lau chân cho từng môn đệ. Việc làm này của Đức Giê-su đã thách thức chúng ta trong việc hủy mình, hạ mình để phục vụ cho những người được Thiên Chúa trao gửi cho chúng ta. Những gì mà chúng ta cử hành trong đêm tiệc ly, qua việc chủ sự quỳ xuống để rửa chân cho một số người, chỉ mang tính lễ nghi thôi. Còn trong thực tế của đời sống con người, có bao nhiêu người đã thật sự dám can đảm quỳ xuống để rửa và lau chân cho người khác, dù là trong bí mật âm thầm, hay công khai trước mặt người khác? Quả thật, hạ mình xuống để phục vụ người khác thật không mấy người có thể làm được.

Bài đọc thêm: Tình yêu hoàn hảo nhất!

Cầu nguyện với Chúa Giê-su !

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô của chúng con ! Hôm nay, Chúa muốn trao ban tình thương tận cùng cho các môn đệ và cho chính từng người trong chúng con, qua việc dâng hiến chính thân mình trong Bí tích Thánh Thể, trao ban quyền năng và phẩm vị cao cả của Ngài cho chúng con qua Bí tích Truyền chức và hạ mình phục vụ chúng con như một tôi tớ, qua việc quỳ xuống để rửa và lau chân cho các môn đệ. Chúng con xin chân thành cảm tạ tri ân Chúa Giê-su rất nhiều. Hơn nữa, Chúa còn truyền cho chúng con là phải thương yêu nhau như chính Chúa đã thực hiện. Đúng là một đòi buộc vô cùng khó khăn, vượt quá khả năng và giới hạn của chúng con. Chúng con tha thiết, xin Chúa tiếp thêm sức mạnh và tình yêu cho từng người, để chúng con thực thi được giới luật thương yêu tuyệt vời này của chính Chúa. Amen.

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền thông sinh viên Công giáo

 

.

Bình luận
error: Content is protected !!