Hôm nay, cử chỉ của Chúa Giêsu mang đầy tính chất ngôn sứ. Giống như các nhà tiên tri thời xưa, Người thực hiện một hành động tượng trưng, đầy ý nghĩa cho tương lai. Bằng cách trục xuất khỏi đền thờ những người buôn bán những của lễ dành cho việc cử hành lễ tế; và bằng cách gợi lên sự kiện nhà Thiên Chúa sẽ là nhà cầu nguyện: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56,7), Chúa Giêsu loan báo một nghi thức mới mà Người sắp thiết lập, qua nghi thức này, các con vật hiến tế không còn chỗ đứng của chúng. Thánh Gioan định nghĩa việc thờ phượng mới sẽ là thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”.(Ga 4,24). Hình ảnh phải nhường chỗ cho thực tế. Thánh Tôma Aquinô đã nói một cách thi vị: “Hãy để Cựu Ước nhường chỗ cho Tân Ước”.
Bài đọc thêm: Chúa Giê-su đã khóc thương !
Nghi thức mới chính là lời của Chúa Giêsu. Ngoài ra, thánh Luca cũng đã liên kết nghi thức này với cảnh Chúa thanh tẩy đền thờ, và cho chúng ta thấy hình ảnh Chúa Giêsu rao giảng ở đó mỗi ngày. Sự thờ phượng mới tập trung vào việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa. Nhưng trên thực tế, trung tâm của mọi nghi thức Kitô giáo là con người sống động của chính Chúa Giêsu, Đấng đã hiến dâng Mình và Máu của mình trên thập giá và ban chúng cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Thánh Tôma cũng nói điều đó một cách tao nhã: Người “Ngồi cùng bàn với anh em (…) tự chính mình, Người đã hiến thân”.
Trong các nghi thức của Tân Ước mà hôm nay Chúa Giêsu khai mạc, thì những người bán bò và chiên không còn cần thiết nữa. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã diễn giải: “Đền thờ với sự sùng kính của nó đã bị “phá hủy” khi Chúa Kitô bị đóng đinh; thay vào đó là Hòm Giao Ước Hằng Sống là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh”.
Bài đọc thêm: Kẻ khiến tôi biến dạng !
Cũng như “toàn dân ngưỡng mộ Người” (Lc 19:48), thì chúng ta không vào đền thờ để sát tế, nhưng là để đón nhận Chúa Giêsu, Con Chiên đích thực đã hiến tế một lần là đủ cả cho chúng ta: “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.”(Dt 7,27), và qua việc dâng chính mình Người, Người cũng đã kết hợp cuộc sống của chúng ta với cuộc sống của Người !
Cha Josep LAPLANA OSB Đan sĩ (Montserrat, Barcelona, Tây Ban Nha)