Icon Collap
...
Trang chủ / Hội chứng cứng đầu – Phần II

Hội chứng cứng đầu – Phần II

Tiếp đến, tôi lại được viết ra hết những kí ức liên quan đến sự cứng đầu của những người khác mà tôi đã được chứng nghiệm hay nghe kể lại. Càng viết tôi càng cảm thấy có quá nhiều hình ảnh, kí ức về sự cứng đầu của người khác đã nhập tịch vào trong tôi và chúng đã cướp đi bản chất ngoan hiền của tôi ngay từ khi tôi còn thơ ấu. Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà dường như mọi người đều bị bệnh cứng nhắc, không thể thay đổi được, nhất là trong thời điểm tôi được 1 tuổi đến năm tôi 10 tuổi. Họ nói có là có, không là không, đi là đi, đánh là đánh, đổ là đổ, chửi là chửi, … mà không cần biết những gì họ nói, họ làm là như thế nào, đúng hay sai, hợp lý hay không. Ai mà không đồng ý với họ là họ cãi vã, to tiếng với nhau, chẳng ai chịu thua.

Hội chứng cứng đầu

Bài đọc thêm: Được Gì Khi Dám Buông Bỏ ?

Rồi những thời khắc ba chở tôi đi uống rượu. Tôi nghe những người xung quanh nói, nhìn những việc họ làm và muốn tôi phải làm theo họ. Chỉ cần chừng đó thôi cũng đã làm tôi phải đổi đời. Tôi dần dần trở nên một con người khác trước. Những gì cứng cỏi, cứng nhắc của họ đã du nhập vào trong tâm trí tôi từ từ và từng ngày thay đổi con người tôi mà tôi đâu hay biết. Chúng đã thắng được con người ngoan hiền, ít nói, có vẻ như trầm cảm trước đây trong tôi và thay vào đó một con người khác – con người cứng đầu. Đó là biệt danh mà những người khác đã gắn và đóng hộp cho tôi và tôi mặc nhiên thừa nhận nó là của tôi. Chính vì thế, tôi không muốn bất cứ ai xâm phạm vào “lãnh thổ” của tôi, khi tôi không muốn. Bất cứ việc gì của tôi thì không ai có thể được đụng vào. Tôi sẵn sàng cãi tới cùng, cãi cho bằng được, dù biết rõ là mình sai.

 

Viết xong những kí ức đó, tôi mới ngộ ra được chân lý “mọi sự đều có nguyên do của nó” mà người đồng hành cứ lặp đi lặp lại trong bài giảng của ngài. Điều mà tôi ngộ ra đầu tiên, liên quan đến hội chứng khó chịu này của tôi là ảnh hưởng của gia đình và của môi trường quanh tôi, trên tôi quá lớn. Sau khi thải hết những ký ức về hội chứng cứng đầu của tôi và của những người khác tác động lên tôi trong quá khứ, tôi nhớ ngay tới thời thơ ấu : thời đó, tôi rất ngoan, hiền, ít nói, dễ thương. Mọi người trong nhà còn nói là tôi là bị trầm cảm. Lúc ở nhà, tôi không mấy khi vui đùa, nghịch ngợm và rất ít khi đi chơi với những người khác hay bạn bè. Nhớ về đó, tôi cảm thấy tiếc nuối về con người nguyên thủy của mình. Tôi muốn trở về với nó mà không sao làm được.

Bài đọc thêm: Sự thật sẽ giải thoát anh em !

Biết được gốc rễ làm nên hội chứng cứng đầu đã thấm mệt, nhưng hóa giải được hội chứng này lại còn mệt hơn. Việc thải ra hết những gì thuộc hội chứng này đã là một phần quan trọng trong tiến trình trị liệu gian nan này. Ngộ ra được gốc rễ làm nên hội chứng này lại là bước hai trong tiến trình vượt khó. Phần còn lại, là nỗ lực tập luyện trong ý thức liên lỉ, để không bị mệnh lệnh vô thức cứng đầu điều khiển mình. Dù bước ba, tôi bắt đầu tập luyện, nhưng qua được hai bước đầu, tôi đã thấy mình bớt cứng hơn và xem ra đầu mình đang mềm dần. Có lẽ tôi phải thải ra vài lần nữa thì những mệnh lệnh vô thức, những ký ức sẽ mất dần và việc tập luyện sẽ kết quả hơn.

Ước gì những ai rơi vào tình cảnh cứng đầu như tôi sẽ can đảm hơn tôi, can đảm vượt qua mọi ranh giới “lãnh thổ” để “tìm về cội nguồn” nơi chính con người của mình. Hầu tự tạo cho mình một cuộc sống được vui tươi – bình an và tự do hơn.

Thái Nguyên Từ

Bài viết độc quyền tại svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!