Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng dấu lạ Người sắp ban cho “thế hệ gian ác” cũng giống như “dấu lạ ông Giôna” (x. Lc 11,30). Giống như Giôna đã cho phép mình bị ném xuống biển để làm dịu cơn bão và cứu mạng sống của các thủy thủ, Chúa Giêsu cũng cho phép mình bị ném xuống biển để làm dịu cơn bão tội lỗi đang đe dọa cuộc sống của chúng ta. Và cũng như Giôna sống ba ngày trong bụng cá voi trước khi được thả lên bờ, Chúa Giêsu cũng sống trong lòng đất trước khi bước ra ngoài ngôi mộ trống.
Bài đọc thêm: Sám hối để đón Chúa đến !
Dấu hiệu mà Chúa Giêsu sẽ ban cho “kẻ xấu” của mỗi thế hệ là dấu hiệu về cái chết và sự phục sinh của Người. Cái chết của Người, được tự do chấp nhận, là dấu chỉ tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta : Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình để cứu chúng ta. Sự sống lại của Người từ cõi chết là dấu hiệu quyền năng thiêng liêng của Người. Đó là dấu hiệu mạnh mẽ và cảm động nhất từng được đưa ra.
Nhưng Chúa Giêsu vẫn là dấu hiệu của Giôna theo một nghĩa khác. Giôna là một biểu tượng và một tác nhân hoán cải. Trong lời rao giảng của ông, “Trong bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá hủy” (Ga 3:4), người dân ngoại giáo Ninivê quyết định ăn chay và ăn năn hối cải, bởi vì tất cả mọi người, từ nhà vua đến trẻ em và súc vật đều quấn vải bố và ngồi trên đống tro. Trong bốn mươi ngày Mùa Chay, chúng ta có một người “vĩ đại hơn ông Giôna rất nhiều” (x. Lc 11:32), người rao giảng sự hoán cải cho chúng ta – chính Chúa Giêsu – một cuộc hoán cải cũng phải có lương tâm như vậy.
Thánh John Chrysostom đã viết nhân danh Chúa Kitô: “Giôna vốn là đầy tớ, còn Ta là Chủ ; và Giôna bị cá voi nhả ra, nhưng Ta, Ta đã sống lại từ cõi chết ; và ông ta tuyên bố hủy diệt, nhưng Ta đến để công bố Tin Mừng và Nước Trời”.
“Có một điều rõ ràng : dấu hiệu Thiên Chúa dành cho loài người là Con Người, chính là Chúa Giêsu. Và điều này được thực hiện cách sâu xa trong mầu nhiệm vượt qua của Người, trong mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh. Chính Người là “dấu chỉ của Giôna!” (ĐGH Bênêđictô XVI).
Bài đọc thêm: Tình yêu đáp trả tình yêu !
Cách đây một tuần, vào Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta được xức tro và mọi người đã nghe những lời trong bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu : “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (x. Mc 1:15). Câu hỏi dành cho chúng ta hôm nay là : Chúng ta đã bao giờ đáp lại bằng sự hoán cải sâu sắc như người dân thành Ninivê và đón nhận Tin Mừng này cách chân thành và đầy sốt mến chưa?
Cha Roger J. LANDRY (Hyannis, Massachusetts, Hoa Kỳ)