Hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta một cách gián tiếp từ thập giá : “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. Vâng đúng thế, cái giá của sự bình an này là cuộc ra đi đau đớn khi ra khỏi thế gian của Người! Ngày nay đang khi chúng ta được đón nhận ơn bình an này, đang khi chúng ta được điềm tĩnh đọc những lời Người nói trước hy tế Thập Giá và được viết sau khi Người Phục Sinh thì chúng ta phải xác tín rằng trên Thánh Giá, bằng cái chết của mình, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và sự sợ hãi; chúng ta cần phải hiểu rõ rằng bình an Người ban cho chúng ta không“theo kiểu thế gian” (x. Ga 14:27), nhưng Người đã ban bình an qua đau đớn và tủi nhục: Và khi làm như thế là Người đã chứng tỏ tình yêu nhân hậu của Người đối với nhân loại chúng ta.
Bởi vì trong cuộc sống con người, đau khổ là điều không thể tránh khỏi kể từ ngày tội lỗi xâm nhập thế giới. Đôi khi đó là nỗi đau thể xác; lúc khác, nỗi đau luân lý; cũng có khi nó là một nỗi đau tinh thần…, và sớm hay muộn tất cả chúng ta đều phải chết. Và Thiên Chúa, trong tình yêu vô biên, chính Người đã nêu gương cho chúng ta, Người đã ban cho chúng ta phương thế để được luôn bình an giữa đau thương: Người đã chấp nhận “ra khỏi” thế gian này bằng một “cuộc ra đi” đau khổ nhưng lại được bao bọc trong một sự thanh thản êm đềm và tràn đầy niềm tin.
Bài đọc thêm:Dừng lại một chút…để tìm bình an.
Tại sao Chúa lại muốn cho chúng ta đón nhận đau khổ theo cách đó? Thưa, bởi vì theo cách này, nỗi đau của con người – được kết hợp với nỗi đau của Chúa Kitô – sẽ trở thành một hy lễ cứu chúng ta khỏi sự dữ và tội lỗi. “Trên Thánh Giá Chúa Kitô (…) mọi đau khổ của con người cũng được cứu chuộc” (Gioan Phaolô II). Chúa Giêsu Kitô thanh thản chịu đau khổ vì hành động vâng phục đắt giá của Người, qua đó Người tự nguyện hiến thân để cứu rỗi chúng ta và làm hài lòng Cha trên trời.
Bài đọc thêm: Đã qua rồi những ngày gian khổ.
Một tác giả vô danh của Thế kỷ thứ hai trong một bài giảng cổ về ngày thứ Bảy Tuần Thánh – Bài Đọc Kinh Sách đã gán cho Chúa những lời sau: “Hãy nhìn xem nước miếng người ta khạc nhổ trên mặt Ta. Vì ngươi, Ta đã đón nhận, để trả lại cho ngươi sinh khí trước kia ngươi đã lãnh nhận. Hãy nhìn xem những cái vả trên má Ta, Ta đã hứng chịu, để phục hồi gương mặt hư hỏng của ngươi cho giống với hình ảnh của Ta. Hãy nhìn xem những đòn vọt trên lưng Ta, Ta đã hứng chịu, để cất gánh tội đè nặng trên lưng ngươi. Hãy nhìn xem tay Ta bị đóng đinh chặt vào cây gỗ, vì có lần ngươi đã đưa tay hướng về cây gỗ mà phạm tội…”
Cha Enric CASES Martín – (Barcelona, Tây Ban Nha)