Hôm nay chúng ta long trọng cử hành sự hiện diện Thánh Thể của Chúa Kitô giữa chúng ta, một “ Ân Phúc tuyệt hảo”: “Đây là Mình Thầy (…). Đây là máu Thầy” (Mc 14:22-24). Chúng ta hãy chuẩn bị khơi dậy trong tâm hồn mình “sự kinh ngạc về Thánh Thể” (Thánh Gioan Phaolô II).
Với bữa ăn Vượt Qua, dân Do Thái tưởng niệm lịch sử cứu độ, những kỳ công của Thiên Chúa đối với dân Người, đặc biệt là việc giải phóng họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Trong lễ kỷ niệm này, mỗi gia đình đều ăn thịt Chiên Vượt Qua. Chúa Giêsu Kitô trở thành Chiên Vượt Qua đích thực và dứt khoát được hiến tế trên thập giá và được ăn như Bánh Thánh Thể.
Bài đọc thêm: Mình – Máu Chúa Giê-su Ki-tô
Bí tích Thánh Thể là Hy tế: đó là hy tế của thân thể bị hiến tế của Chúa Kitô và máu của Người đổ ra cho tất cả chúng ta. Sự hy sinh này đã được báo trước vào thời điểm Bữa Tiệc Ly. Và xuyên suốt lịch sử, tại mỗi lần cử hành Hy Lễ Tạ Ơn thì Bí tích Thánh Thể lại được hiện thực. Chính trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tìm thấy lương thực của mình: lương thực mới mang lại sự sống và sức mạnh cho người Kitô hữu đang tiến về với Chúa Cha.
Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Chúa Kitô phục sinh và vinh quang vẫn ở giữa chúng ta một cách huyền nhiệm , đặc biệt trong thực tế, Người ngự trong Bí tích Thánh Thể. Sự hiện diện này bao hàm thái độ tôn thờ của chúng ta và thái độ hiệp thông cá nhân với Người. Sự hiện diện của Thánh Thể bảo đảm với chúng ta rằng Người vẫn ở với chúng ta và vẫn luôn hoàn thành công cuộc cứu độ.
Bí tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin. Đó là trung tâm và là chìa khóa cho đời sống của Giáo hội. Đó là nguồn gốc và cội rễ của sự tồn tại Kitô giáo. Không có kinh nghiệm Thánh Thể, đức tin Kitô giáo sẽ chỉ là một triết lý.
Với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban cho chúng ta giới răn bác ái. Đây không phải là lời khuyên cuối cùng kiểu như của người bạn đi xa hay của người cha khi thấy cái chết đang đến gần. Giới Răn này là một sự khẳng định về động lực mà Chúa Giêsu đặt vào trong chúng ta. Bởi vì với Bí tích Rửa tội, chúng ta được bắt đầu một cuộc sống mới, được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể. Và một khi đã sống cuộc sống mới thì Tính năng động của cuộc sống này sẽ dẫn chúng ta đến việc yêu thương người khác, và tính năng động này phát triển đến mức chúng ta sẵn sàng hiến dâng sự sống của chúng ta: nhờ điều này chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta là những Kitô hữu.
Bài đọc thêm: Sự hận thù chờ ngày dứt
Chúa Kitô yêu thương chúng ta vì Người nhận được sự sống từ Chúa Cha. Chúng ta cũng sẽ yêu thương bằng cách đón nhận sự sống từ Chúa Cha, nhất là qua lương thực Thánh Thể.
Đức Cha José Ángel SAIZ Meneses, Tổng Giám mục Seville – Tây Ban Nha