Ngày nay phép rửa của Gioan ở sông Giođan vẫn còn như mới xảy ra, và như luôn nhắc nhở chúng ta về sức mạnh hoán cải của phép rửa của chúng ta: “Tất cả chúng ta, là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.”(1Co 12:13). Đây là lý tưởng của sự hiệp nhất: hợp thành một thân thể duy nhất, trở thành một thực thể duy nhất trong Chúa Kitô, để thế giới có thể tin tưởng chúng ta mà tin nhận Chúa là Thiên Chúa.
Bài đọc thêm: Ai sẽ cứu gia đình tôi!
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy “nhiều người từ Galilê” và nhiều người khác (x. Mc 3:7-8) đến gần Chúa. Và Người đã ân cần chào đón tất cả; chào đón hết thảy mọi người, không có ngoại lệ; đây là cách thức đặc biệt của Chúa. Chúng ta phải ghi nhớ bài học quý giá này trong Tuần lễ Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu hôm nay.
Chúng ta hãy nhận ra rằng, trong suốt nhiều thế kỷ, các Kitô hữu đã chia rẽ thành Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, Lutheran và một loạt các giáo phái Kitô giáo. Tội lịch sử đã chống lại một trong những đặc điểm thiết yếu của Giáo hội: Đó là Sự Hiệp Nhất của Giáo hội!
Và hôm nay chúng ta hãy đi vào thực tại giáo hội của chúng ta. Đó là giáo phận của chúng ta, là giáo xứ của chúng ta. Đó là nhóm Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta có thực sự là một không? Mối quan hệ hiệp nhất của chúng ta có phải là lý do để hoán cải những người đang ở xa Giáo Hội không? “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17:21), Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha như thế. Đây chính là một thách đố. Hãy để những người dân ngoại thấy các tín hữu đến với nhau như thế nào, thấy những người được Chúa Thánh Thần hiệp nhất trong Giáo hội của Chúa Kitô, có một trái tim và một tinh thần ra sao! (x. Cv 4:32-34).
Chúng ta hãy nhớ rằng, là hoa trái của Bí tích Thánh Thể, đồng thời là sự kết hợp của mỗi người với Chúa Giêsu, thì sự hiệp nhất của Cộng đoàn phải được thể hiện,vì chúng ta ăn cùng một Bánh để trở nên một thân thể. Do đó, ý nghĩa của các bí tích, ân sủng mà chúng chứa đựng, đòi hỏi những cử chỉ hiệp thông với người khác. Chúng ta hãy hướng về sự hiệp nhất Ba Ngôi (một hồng ân từ trên) và việc nên thánh của chúng ta không thể loại trừ những cử chỉ hiệp thông, cảm thông, đón tiếp và tha thứ đối với người khác như Chúa Kitô đã dạy và làm gương .
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc cho chúng ta rằng: “Con người của Người không gì khác hơn là tình yêu. Những dấu chỉ Người thực hiện, đặc biệt đối với những người tội lỗi, người nghèo, người bị loại trừ, bệnh nhân và đau khổ, đều được đánh dấu bằng lòng thương xót”.
Cha Melcior QUEROL Solà – (Ribes de Freser, Girona, Tây Ban Nha)