Hôm nay chúng ta được chứng kiến đức tin của một người phụ nữ không phải là một trong những người được chọn, nhưng đã tin rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành con gái bà. Thực tế, người mẹ này: “ là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.” (Mc 7:26). Nỗi đau và tình yêu khiến bà nài nỉ, không sợ bị khinh thường, không nản lòng vì bị trì hoãn, sẵn lòng đón nhận sự tủi nhục… Và bà đã đạt được điều bà cầu xin :“Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và quỷ đã xuất khỏi.”(Mc 7:30)
Thánh Augustinô nói rằng: “Nếu những lời cầu nguyện của chúng ta đôi khi không được nhậm lời, đó là vì chúng ta cầu xin ‘ aut mali, aut male, aut mala : aut mali, vì là người xấu, và không chuẩn bị đủ để cầu xin ; aut male, chúng ta cầu xin sai, ý hướng không tốt, không có đức tin hay không kiên trì, hay thiếu lòng khiêm tốn; aut mala, chúng ta cầu xin những điều xấu xa hay những điều, vì lý do này hay lý do khác, không thích hợp với chúng ta”( Trích Thành Đô Thiên Chúa, 20,22). Vì vậy, chúng ta phải cố gắng cầu xin một cách tốt đẹp. Người phụ nữ Phê-ni-xi này là một người Mẹ tốt, Bà ấy đã cầu xin một điều rất tốt đẹp là xin Chúa (“đuổi con quỷ ra khỏi con gái mình”) và Bà ấy cầu xin điều đó một cách chân thành, cung kính, tốt đẹp: (“ Bà ấy liền vào sấp mình dưới chân Người ”).
Bài đọc thêm: Đối thoại với Chúa Thánh Thần
“Chúa Giêsu khen ngợi người phụ nữ Phê-ni-xi đã kiên trì cầu xin Người chữa lành con gái bà. Sự kiên trì này chắc chắn rất mệt mỏi, nhưng đây là thái độ cầu nguyện. Thánh Têrêsa nói về lời cầu nguyện như một cuộc đàm phán với Chúa” (ĐGH Phanxicô).
Và Chúa cũng luôn mời gọi chúng ta kiên trì dâng lời cầu nguyện lên Người. Có nhiều kiểu cầu nguyện khác nhau như – thờ lạy, sám hối, tạ ơn – nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng chúng ta phải thực hành lời cầu xin thật liên lỉ và thật tha thiết, phát xuất từ đáy lòng mình.
Vậy chúng ta cầu nguyện để làm gì? Có rất nhiều lý do: Vì chúng ta luôn cần sự trợ giúp của Thiên Chúa để đạt được các mục tiêu của mình, vì lời cầu nguyện diễn tả niềm hy vọng và tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa , vì lời cầu nguyện thể hiện sự tuyên xưng đức tin của chúng ta. Nhưng có một lý do khác quan trọng hơn mà chúng ta thường không chú ý đến đó là : Chúa muốn mọi việc diễn ra theo thánh ý chúa nhưng đồng thời cũng theo cách chúng ta muốn một chút. Bằng cách này, lời cầu nguyện của chúng ta – tuy là một hành động tự do – nhưng phải kết hợp với sự tự do toàn năng của Thiên Chúa, phải làm cho thế giới trở nên như Thiên Chúa muốn và một chút như chúng ta mong muốn. Và khi có sự kết hợp ấy, chúng ta sẽ thấy : Sức mạnh của lời cầu nguyện thực sự vô cùng tuyệt vời!
Cha Enric CASES Martín – (Barcelona, Tây Ban Nha)