Tông thư nhấn mạnh ý nghĩa của việc trưng bày hang đá để mừng đón Chúa Hài Ðồng, “một dấu chỉ tuyệt vời, vô cùng thân thuộc với Kitô hữu, và vẫn luôn mang lại nhiều bất ngờ và sự thán phục”.
Bản Tin Mừng sống động
Theo Ðức Thánh Cha, hang đá “thể hiện lại sự kiện Chúa Giêsu chào đời, là cách thức giản dị nhưng đầy niềm vui để loan báo mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể” và là “một bản Tin Mừng sống động, diễn đạt lại các trang Sách Thánh”. Khi chiêm ngắm tác phẩm đặc sắc này của mùa Noel, “chúng ta được mời gọi hướng tâm trí để lên đường, được thu hút bởi sự khiêm hạ của Ðấng đã làm người để gặp gỡ mỗi người. Và chúng ta khám phá ra Người yêu thương đến độ hiệp nhất với chúng ta, để chúng ta cũng vậy, hiệp nhất với Người”.
Qua bức tông thư, vị chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ muốn bày tỏ sự ủng hộ với truyền thống mà nhiều gia đình Công giáo vẫn gìn giữ, một minh chứng cho lòng đạo đức bình dân phong phú được ông bà, cha mẹ truyền lại cho thế hệ con cháu. Ðức Thánh Cha mong muốn hang đá có thể được dựng ở nơi làm việc, trong trường học, bệnh viện, trại giam, các địa điểm công cộng… Từ những vật liệu đa dạng, nhiều nghệ nhân đã làm nên những kiệt tác, “thật sự là sản phẩm của trí tưởng tượng đầy sáng tạo”. Ngài mong rằng truyền thống này không mất đi, ngược lại, sẽ được khôi phục mạnh mẽ ở những nơi đang có phần bị mai một.
“Dấu chỉ tuyệt vời” nhắc lại nguồn gốc của việc tái dựng cảnh Chúa Hài Ðồng chào đời nơi máng cỏ. Hoạt cảnh Giáng Sinh đầu tiên do thánh Phanxicô cho diễn lại ở Greccio vào năm 1220 để những khách hành hương không đến được Ðất Thánh vẫn có thể “sống” lại những giây phút thiêng liêng ở Bêlem năm nào. Ðức Thánh Cha viết: “Thánh Phanxicô, với dấu chỉ bình dị này, đã làm nên một kiệt tác về truyền giáo. Lời giảng dạy của ngài đã thấm vào tận tâm can của các Kitô hữu và được lưu truyền đến thời của chúng ta như một cách loan báo đức tin giản dị mà chân thực”.
Hang đá Giáng Sinh có thể mang lại nhiều cảm xúc vì đã thể hiện một cách trọn vẹn “sự dịu dàng của Thiên Chúa”, Ðấng đã hạ mình xuống để chạm đến loài người bé mọn. Chúa lựa chọn sự nghèo khó để mời gọi chúng ta theo Người trên hành trình của sự khiêm nhường, để gặp gỡ Người và phụng sự Người bằng lòng thương xót với những anh chị em túng thiếu nhất.
Cảnh Giáng Sinh làm với vỏ trái bắp ở Slovakia, dù thực hiện với cách thức nào, điều quan trọng là những hình ảnh này gợi mở về tình yêu Thiên Chúa |
Cách mạng của tình yêu
Tông thư nêu ra những dấu chỉ của hang đá Giáng Sinh, trước tiên là bầu trời sao giữa đêm tĩnh mịch. Ðức Phanxicô giảng giải, cuộc đời mỗi người đôi khi cũng trải qua những màn đêm tăm tối, nhưng ngay cả trong những hoàn cảnh ấy, “Thiên Chúa không bao giờ để chúng ta đơn độc, Ngài luôn hiện diện”. Sự hiện diện của Ngài mang lại nguồn sáng cho những nơi đang u mê, soi rọi cho những ai đang phải trải qua bóng đêm sâu thẳm của nỗi đau khổ.
Khi dựng lại cảnh Chúa Hài Ðồng xuống thế, thường có hình ảnh những ngôi nhà cũ kỹ, đôi khi mục nát quanh hang Bêlem, đây là “nhân loại đang lầm than”, được Chúa Giêsu đến để “chữa lành và xây dựng lại”. Bên cạnh đó, còn có núi đồi, sông suối, gia súc, “mọi tạo vật đều hòa vào niềm vui đón Ðấng Cứu Thế”. Các thiên thần và ngôi sao Bêlem là những dấu chỉ cho thấy chúng ta cũng được mời gọi lên đường, đến với hang đá để chiêm ngắm Ðức Kitô. Sự hiện diện của tượng các mục đồng hay những người hành khất khẳng định rằng chính “những người khiêm nhường nhất, nghèo túng nhất đã biết cách đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể”. Người nghèo luôn là những người giỏi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Bằng cách sinh ra trong máng cỏ, “Chúa đã mở đầu một cuộc cách mạng thật sự để mang lại niềm hy vọng cho những người bị xã hội ruồng bỏ: cách mạng của tình yêu, của sự dịu dàng”.
Trong các hang đá được thực hiện ở khắp các châu lục ngày nay, có những tượng thoạt trông không có vẻ gì liên quan đến sự kiện được miêu tả trong Sách Thánh, nhưng điều này có nghĩa rằng “trong thế giới mới mẻ mà Chúa Giêsu đã khai sáng, có chỗ cho toàn thể nhân loại và mọi tạo vật”. Mục đồng vẫn ở bên máng cỏ, và kế bên có thể là thợ làm bánh mì, nhạc sĩ kéo đàn, hay trẻ em đang chơi đùa. Tất cả là bức tranh toàn cảnh của “sự thánh thiện hằng ngày, là niềm vui của một cuộc sống trọn vẹn, khi mà Chúa Giêsu chia sẻ đời sống thánh thiện của Người với chúng ta”.
Và đương nhiên, tâm điểm của hang đá Giáng Sinh là Thánh Gia, với Ðức Mẹ là chứng nhân cho sự từ bỏ bản thân mình trong đức tin theo thánh ý Chúa và thánh Giuse là người cha luôn bảo bọc gia đình bằng sự tận tụy. Hài Nhi giữa máng cỏ nhắc nhở rằng Thiên Chúa là đấng quyền năng, luôn vượt ngoài mọi sự lượng định của con người, “giữa sự mong manh, nhỏ bé là sức mạnh có thể tạo dựng và biến đổi tất cả”. Hang đá giúp chúng ta thấy được, chạm được mầu nhiệm tuyệt vời đã làm thay đổi dòng chảy của lịch sử.
Ðức Thánh Cha kết lại tông thư, “hang đá là một phần của tiến trình lưu truyền đức tin”. Cách thức các tín hữu dựng lại cảnh Ngôi Hai Giáng Trần không quan trọng, điều quan trọng là những hình ảnh này mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và thể hiện được tình yêu của Thiên Chúa, “Ðấng đã trở nên Hài Nhi bé nhỏ để cho thấy Ngài gần gũi với mỗi người trong chúng ta đến thế nào, bất kể người ấy ra sao”.
Hang đá và cây thông Giáng Sinh của Vatican đặt tại quảng trường Thánh Phêrô khánh thành vào ngày 5.12 và được lưu lại đến ngày 12.1.2020. Năm nay, cả hai món quà này đều đến từ các địa phương miền núi phía bắc của Ý. Cây thông Noel cao 26m, đường kính 70cm đến từ thị trấn Altopiano di Asiago thuộc vùng Veneto. Hang đá là quà tặng của tỉnh Trento, làm hoàn toàn bằng gỗ. Cả hai địa phương trên đều bị tàn phá nặng nề trong các trận bão vào tháng 10 và 11.2018. Trong hang đá có trang trí một số cành cây được thu nhặt từ đống đổ nát sau khi bão quét qua. |
Nguồn: Công giáo và dân tộc