Năm vừa qua ghi nhận những “thu hoạch” dồi dào trong lĩnh vực khảo cổ học Kinh Thánh, từ ứng viên mới cho Nhà thờ Các Thánh Tông Ðồ đến con đường hành hương từ thời Chúa Giêsu.
Nhà thờ của các thánh tông đồ?
Các nhà khảo cổ học cho rằng có thể đã tìm được tàn tích của một nhà thờ cổ xưa được xây trên nơi từng là nhà của các thánh tông đồ Phêrô và Anrê. Cấu trúc này đã được phát hiện gần biển hồ Galilee. Bên trên phần nền của tàn tích xưa là một nhà thờ được xây từ thời Byzantine, cách đây khoảng 1.400 năm và vẫn còn những bức phù điêu cũng như đá cẩm thạch được khắc chạm. Các chuyên gia cho rằng nhà thờ có lẽ nằm tại khu vực trước đây là làng chài Bethsaida, thị trấn nơi Chúa Giêsu đã biến cá và bánh hóa nhiều đủ cho 5.000 người ăn. Nếu thực sự là thế, đây có thể là “nhà thờ của các thánh tông đồ” theo truyền thuyết, được xây nhằm vinh danh hai thánh Phêrô và Anrê.
Một ứng viên khác có thể là Bethsaida đang nằm ở khu khảo cổ et-Tell gần đó. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ sớm phát hiện thêm những chứng cứ mới để có thể xác định cuối cùng nơi nào mới làng chài trong Sách Thánh.
Nguồn gốc của người Philistine
Một trong những khám phá ấn tượng nhất trong lĩnh vực khảo cổ học Kinh Thánh năm 2019 không bị chôn vùi trong cát sa mạc, mà được ẩn giấu bên trong ADN của những người cổ đại ở một khu khảo cổ của người Philistine. Kết quả phân tích ADN cho thấy tổ tiên của người Philistine ở Hy Lạp, Sardinia hoặc bán đảo Iberia, có nguồn gốc từ những tộc người di dân đến vùng Levant (khu vực bao quanh phía đông Ðịa Trung Hải) khoảng 3.000 năm trước.
Người Philistine được đề cập thường xuyên trong Cựu Ước và cũng xuất hiện trong các tài liệu của người Ai Cập cổ đại. Nhờ vào những văn bản này, các nhà khảo cổ lần theo dấu vết tìm đến cổ thành Ashkelon, nơi hiện nay là Israel, và phát hiện tại đây những phần còn lại của cổ vật của người Hy Lạp từ thời đồ đồng. Thông tin thu được từ việc phân tích gien đã góp phần chứng tỏ sự liên hệ này, cho thấy người di dân thời xưa đã mang theo các cổ vật văn hóa đến vùng Levant.
Thị trấn Emmaus
Phúc Âm thánh Luca kể lại câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh và về gặp các môn đồ. Theo lời kể lại của vị thánh sử, Ðức Kitô xuất hiện trước hai môn đồ trên đường về Emmaus, lúc đó cách Giêrusalem khoảng 10-12 km. Trong năm 2019, các nhà khảo cổ học loan tin có lẽ họ đã tìm ra Emmaus. Theo đó, tiến sĩ Israel Finkelstein, giáo sư danh dự của Viện Khảo cổ học thuộc Ðại học Tel Aviv (Israel) và đồng nghiệp Thomas Römer, giáo sư của Collège de France – ngôi trường nổi tiếng nhất về học thuật của Pháp, đánh giá rằng khu khảo cổ Kiriath-Jearim chính là Emmaus. Các tàn tích được tìm thấy tại khu vực này phù hợp với mô tả trong Thánh Kinh về thị trấn trên. Tuy nhiên, một số nhóm khảo cổ không đồng ý với lập luận đó và đưa ra các đề xuất khác.
Bí mật của cuộn giấy đền
Các cuộn giấy Biển Chết thật sự là “phép lạ” của khảo cổ học. Bất chấp giấy viết đơn thuần chỉ là những miếng da thuộc, các cuộn giấy vẫn có thể tồn tại suốt 2.000 năm trong các hang động sa mạc gần khu khảo cổ Qumran. Trong năm 2019, các nhà nghiên cứu khám phá bí mật cho phép bảo quản một trong các cuộn giấy dài nhất của bộ tài liệu cổ quý giá: Cuộn giấy đền.
Kết quả phân tích mẩu da thuộc cho thấy cuộn giấy da được ngâm trong dung dịch muối khoáng khác với những khoáng chất bên trong hang mà người ta tìm thấy nó. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng cuộn giấy đền có lẽ được bảo quản theo phương pháp hoàn toàn khác với những cuộn giấy còn lại. Có vẻ như người xưa đã tìm cách pha chế được dung dịch muối giúp giữ được chất lượng giấy bất chấp năm tháng và điều kiện trong hang đá sa mạc.
Con đường hành hương từ thời Chúa Giêsu
Các nhà khảo cổ học vừa khai quật một đoạn đường lớn, dài 600m, được xây vào thời Tổng trấn Philatô cai quản Giêrusalem, tức vào thời Chúa Giêsu còn tại thế. Ðoạn đường ngắn nhưng mất đến 10.000 tấn đá vôi để xây dựng và nhiều khả năng liên kết hồ Siloam đến núi Ðền. Khi giới khảo cổ học phát hiện hồ Siloam (Ga 9:7) vào năm 2004 trong quá trình triển khai dự án sửa chữa hệ thống thoát nước gần đó, họ đồng thời cũng khai quật được một đoạn đường dẫn đến núi Ðền vào thế kỷ thứ nhất. Kể từ đó đến nay, các chuyên gia cần mẫn đào bới con đường này, với hy vọng một ngày không xa cho phép những người hành hương Do Thái và Kitô giáo ngày nay có thể cùng bước trên lối đi mà các Kitô hữu vào thế kỷ thứ nhất đã từng đặt chân.
Nguồn: Báo công giáo và dân tộc