Ai trong chúng ta chưa bao giờ nghe bạn bè, người thân than phiền mình: “Bạn không nghe tôi gì hết!” chưa? Biết lắng nghe là một nghệ thuật khó khăn, nhưng không phải là không làm được!
Chúng ta tất cả đều nhớ về một kinh nghiệm “mình đã thất bại.” Rõ ràng là mình đang ở trước mặt người đối diện, nhưng đầu óc mình để chỗ khác, lo nghĩ chuyện khác. Có phải đó là một ngày làm việc khó khăn, khi về nhà mình không để công việc ở sở qua một bên không? Có phải vì các con mãi chơi không nghe cha mẹ dặn dò không? Các hành vi đôi khi có tính cách khiêu khích này làm chúng ta không lắng nghe người thân.
Vì sao chúng ta không biết lắng nghe người khác?
Đôi khi chúng ta mãi theo suy nghĩ của mình để rồi ngưng ngang câu người đối diện vừa bắt đầu nói, nhất là khi chúng ta đã biết: đôi khi đúng, nhưng cũng có khi sai! Chúng ta có bỏ thì giờ ra để nghe cho xong câu nói trước khi trả lời không? Chúng ta có tôn trọng sự chậm chạp diễn tả, đôi khi rất tỉ mỉ của người đối diện, nhất là khi chúng ta được trời phú cho đầu óc nhanh nhẹn không? Đôi khi sự lắng nghe của chúng ta bị giai đoạn vì người kia nhắc đến một kỷ niệm mà chỉ nghe một chữ thôi cũng đủ làm chúng ta nhớ lại các kỷ niệm khác. Khi đó chúng ta đi vào câu chuyện cá nhân của mình: “Cũng như tôi…!” và chúng ta độc quyền kể!
Đôi khi chúng ta xúc động mạnh khi nghe kể về một hoàn cảnh. Chúng ta để mình bị xâm chiếm bởi các cảm xúc giận dữ, sợ hãi, phẫn nộ mà chúng ta thường không biết nguồn gốc, nó đến làm xáo trộn, thậm chí làm ngừng mọi khả năng lắng nghe, và có nguy cơ tạo các phản ứng không phù với hoàn cảnh thực tế lúc đó.
Lắng nghe có những đòi hỏi của nó
Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải ngừng sinh hoạt của mình. Các bạn có thấy biết bao nhiêu lần trẻ con đặt các câu hỏi tế nhị đúng lúc chúng ta bận nhất không? Nếu chúng ta không thể ngừng lại, thì chúng ta phải nhớ để sau đó trả lời cho các con. Lắng nghe đòi hỏi phải biết im và phải có một sự im lặng nội tâm. Nếu các mối bận tâm chiếm hết đầu óc thì chúng ta không còn khả năng tiếp thu được.
Lắng nghe là cởi mở. Nếu chúng ta vẫn bám vào cái nhìn của mình, các xác quyết, các vững tin của mình thì chúng ta đặt rào cản để không tiếp nhận câu chuyện của người khác. Lắng nghe đòi hỏi một tấm lòng nhân hậu nội tâm. Thái độ này sẽ dễ dàng nếu chúng ta có được một bầu khí thanh thản, và nó sẽ khó hơn khi có quá nhiều căng thẳng.
Vợ chồng và gia đình là nơi đào tạo tuyệt vời cho khả năng lắng nghe này. Khả năng lắng nghe sẽ tùy thuộc vào bình an nội tâm của chúng ta và cũng tùy thuộc vào khả năng có một độ lùi của chính bản thân. Nó đòi hỏi một sự hiểu biết về bản thân, điều này có được từ từ nhờ chúng ta ý thức được “các thất bại” trong lãnh vực này của mình.
Lắng nghe, một đức tính kitô giáo
Chính Chúa Giêsu cũng rất coi trọng việc lắng nghe khi Ngài nói: “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8, 18). Lắng nghe người khác là nhận một món quà mà chỉ có người đó mới có thể tặng. Có phải anh em chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần đó không? Chúng ta có đặt tâm hồn mình sẵn sàng để đón nhận họ không? Tiến bước trên con đường này là mở lòng ra với mọi người đến với chúng ta, có phải đó là học để lắng nghe Chúa và để Ngài biến đổi chúng ta đó không?
Và nếu trong lời cầu nguyện của chúng ta, khi chúng ta cần nói lên lòng biết ơn, các lo âu, các lời cầu xin thì chúng ta phải học thinh lặng, lắng đọng các tưởng tượng của mình để trở thành người biết lắng nghe, khi đó chúng ta mới có thể nghe Chúa Thánh Thần muốn nói gì với mình. Chúng ta mới tiếp nhận Lời Chúa như hạt giống rơi vào mãnh đất màu mỡ và mang hoa trái.
Bằng cách thực tập các bài tập nhỏ này mỗi ngày giữa người thân trong gia đình, giữa bạn bè, và khi có được sự tiếp nhận nội tâm thì chúng ta sẽ tiến bộ dần dần. Lúc đó tâm hồn chúng ta sẽ dịu dàng khi nói với Chúa như người thanh niên trẻ Samuen đã nói: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” (1Sm 3, 9).
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch