Mẹ ơi! Mẹ là gì của con.- Nhiều gia đình ngày nay đang gặp phải vô vàn vấn đề nan giải không thể giải quyết. Những vấn đề này để lại nhiều tổn thương sâu sắc, đặc biệt đối với người trẻ. Những tương lai tươi sáng, những ước mơ chưa kịp thành hình đã bị lớp bụi của roi đòn phủ lấp. Những lời yêu thương con cái chưa kịp nói đã bị sự ích kỷ, kỳ vọng của cha mẹ đánh mất. Thật đau đớn và cô đơn cho những tâm hồn luôn tự vấn: Mẹ! Mẹ là gì của con. Đó cũng chính là tựa đề bức tâm thư mà Kim Oanh, trong tuyệt vọng, dưới hàng nước mắt đầm đìa, muốn gửi đến mẹ mình- người mẹ mà cô không thể thấu hiểu.
Mẹ ơi! Mẹ là gì của con. – “Sinh một đứa con ra trên đời cũng mang nặng, cũng đớn đau. Nhưng, mẹ ơi! Dường như con ở đây làm mẹ không vui thì phải? Dường như trong không gian mênh mông chỉ có mình con với mẹ, con không chịu được? Lúc mà cơn nóng giận, ghen tương đang là đỉnh điểm, mẹ ngang nhiên trút hết lên con của mẹ, ngang nhiên đánh nó, đến nỗi những vết thương bầm tím, bầm dập hết cả người, thậm chí máu nó rỉ ra, mệt nhoài. Mẹ của con cũng độc ác thật, cũng hung hăng như một con sư tử mẹ gầm gừ rồi rượt cắn cả con mình. Những lúc mẹ đánh con, mẹ chẳng khác gì bố, mẹ chẳng khác gì một con quỷ với đôi mắt đỏ ngầu. Mẹ! Mẹ là gì của con mà hành hạ con, khiến con đau đớn cả tâm hồn lẫn thể xác, khiến trí óc con quay cuồng trong những ý niệm hận thù?
Sau những ngày lắng mình tĩnh tâm và sống trong tình thương của Chúa, con đã đau đớn, đã khóc thật nhiều trước những sự thật mà Ngài cho con thấy, cho con chiêm niệm. Và giờ đây, khi cảm xúc đang dâng trào, con vội viết dòng tâm thư này gửi đến mẹ.
Mẹ à! Con đang đau, đang cô đơn, đang tuyệt vọng, đang nhớ nhà và nhớ mẹ. Nhưng chính mẹ lại là tấm chắn vô hình ngăn cản trái tim con dành tình yêu cho mẹ. Con không hiểu vì sao lại vậy. Con thương mẹ, rất thương, một niềm thương không thể diễn tả bằng môi miệng. Con thương những khi mẹ bị bố đánh, đánh cho tàn tạ, cho thâm tím, cho bầm dập, cho máu cùng nước mắt mẹ tuôn trào. Con thương những lần đôi má gầy của mẹ bị bàn tay to lớn của bố đánh thẳng vào mặt, rồi ngất lịm đi. Con thương những khi mẹ rên la trong đau đớn. Con thương mẹ mỗi lần khúm núm, vội vàng, vất vả bưng bát cơm mà ăn không nổi. Tuy vậy, mẹ vẫn luôn cho chúng con sự sung túc, dạy chúng con một cuộc sống biết yêu thương lẫn nhau. Nghĩ đến đây, con thấy mình là thứ vô dụng, con chìm trong những câu hỏi tự vấn lương tâm: phải chăng con chỉ là cục đá ngáng đường mẹ đi, con làm được gì mỗi lần mẹ bị bố đánh?
Tình cảm con dành cho mẹ là chân thật và rõ ràng.
Tại sao với con mẹ là một nỗi sợ? Tại sao mỗi đêm con vẫn co mình lại, cắn răng chịu đựng cái lạnh mà vẫn không chịu ôm lấy mẹ? Tại sao những lúc ốm, lúc ngất lịm ở trường con lại không gọi mẹ mà lại báo cho chị ở xa? Nhiều lúc con thèm lắm cái cảm giác được mẹ quan tâm, được an toàn, được bảo vệ khi ở bên mẹ nhưng tại sao càng gần mẹ con càng thấy sợ hãi?
Tại sao mỗi lần tâm sự với mẹ là khoảng cách giữa chúng ta lại nới rộng thêm? Con thực sự rất cần mẹ hiểu rằng: những khi yêu thương tràn trề, con khao khát vòng tay mẹ ôm lấy, khi đau đớn hoành hành thân xác, con muốn mẹ ở bên…Những lúc đó mẹ đang ở đâu vậy mẹ? Rồi khi con cô đơn, đi tìm những thú vui để bầu bạn, sao mẹ lại đánh con, chửi mắng con thậm tệ… Sao vậy mẹ?
Tại sao con gái mẹ yếu đuối mà vẫn luôn cố tỏ ra mạnh mẽ? Có lẽ chỉ để mẹ vui. Con mẹ thiếu thốn tình cảm mà lúc nào cũng tỏ ra dư thừa để mẹ không lo lắng. Rồi khi mệt mỏi, ngã quỵ con nén mình lại, vì không muốn mẹ đau. Khi mẹ chìm sâu trong giấc ngủ, con vẫn thường khóc một mình, con không muốn mẹ biết điều đó.
Tại sao mẹ cố gần gũi còn con lại muốn xa lánh? Đôi khi ốm nặng mà con chỉ cầu xin lúc mê man con không nghe thấy mẹ đang nói con bị quỷ ám. Tại sao mẹ không tin thứ con sợ hãi nhất là bóng tối và cô đơn? Tại sao mẹ chưa kịp suy xét lại chấp nhận tin rằng tiền mất là do con lấy và rồi đánh con như bố đánh mẹ. Bao nhiêu năm con giấu, con gìn giữ những câu hỏi này trong uất hận. Vậy mà lúc điên cuồng con trốn mình trong góc tối mẹ cũng lôi ra đánh, ngồi khóc dưới mưa, đi đâu giải tỏa mẹ lại mắng con đang giả vờ.
Bài đọc thêm: “Này là mẹ con”- Hãy làm cho thế giới biết mẹ
Mẹ! Mẹ không hiểu hay cố tính không hiểu?
Mẹ ơi! Mẹ là gì của con. – Mẹ có hiểu rằng con là con gái của mẹ không? Mẹ mang thai con trong đỉnh điểm của sự hận thù, trong cao trào của lòng đau đớn, trong tột cùng của sự thất vọng. Mẹ mang thai con trong ý định muốn chết đi. Rồi đau đớn ấy, mẹ trút hết lên con. Con chỉ là gánh nặng chứ không phải là món quà. Con không được mẹ đón nhận từ lúc thành hình trong lòng người. Con cần được yêu thương mà!
Mẹ có hiểu mẹ đang trao cho con nhiệm vụ quá nặng nề? Mẹ bắt con phải học để kiếm tiền gánh nợ giúp mẹ. Mười một năm trời con học mà đâu phải học cho con. Con hận mẹ sống giả dối. Vì sao con đã cố mở lòng mà mẹ vẫn chẳng hiểu? Con đang cố học tập vì những danh lợi hão huyền của mẹ. Mẹ gắn vào đầu con những thứ khiến con kinh rợn, bắt con thành công không được phép thất bại, bắt con chiến thắng không được phép gục ngã. Gục ngã sẽ bị cười chê. Mẹ bắt con phải có danh vị trong lớp nếu không sẽ bị khinh khi.
Mẹ có hiểu sẽ có những lúc thất bại đánh gục con? Thế mà mỗi lần như vậy mẹ lại mắng con. Mẹ không biết là mẹ càng mắng, con càng chìm sâu vào vũng bùn của sự thất vọng. Mẹ gắn vào đầu con danh vọng và lợi lộc, cái gì cũng tìm lợi cho mình trước. Mẹ à! Con không thể làm được. Mẹ có hiểu con mẹ đã cố hy sinh quá nhiều, yêu thương quá nhiều, đã thất vọng quá nhiều? Con đã giấu tất cả mệt mỏi và áp lực để mẹ được nở mày nở mặt. Ánh mắt mẹ chỉ rạng ngời, nụ cười mẹ chỉ mãn nguyện khi nhắc tới thành tích của con.Vậy khi con thất bại, khi con buồn chán thì sao? Mẹ có hiểu con cũng chỉ là một đứa con gái bình thường trong xã hội này? Mẹ có hiểu là áp lực đang đè lên vai đứa con gái bé nhỏ này kinh khủng như thế nào không?
Sao mẹ không thử hiểu con gái mẹ muốn gì? Cần gì? Để giờ, khi con buông tay, con rã rời mệt mỏi, mẹ không nâng con lên, không bên cạnh động viên con mà còn lại là kẻ khinh chê con, xem thường con. “Mày là đồ vô dụng! Mày chết đi. 16,17 tuổi mà chẳng kiếm được đồng nào giúp mẹ. Mày là đứa bất hiếu! Mày giống bố mày…máu mủ của bọn đĩ điếm!” Mẹ có hiểu những lời nói này là mũi dao đâm thẳng vào trái tim con không? Mẹ có biết suy nghĩ không? Có bao giờ mẹ nghĩ con cũng là con người và con cũng biết đau không mẹ? Con đấm ngực tự hỏi: với mẹ, con là sao chổi hay là quạ đen?
Mẹ ơi! Mẹ là gì của con. – Mẹ có hiểu cái cảm giác tủi thân thế nào khi con sợ hãi ẩn mình trong góc tối mà mẹ vẫn tìm thấy và lôi ra đánh? Một cái gậy to như thang giường mà mẹ vẫn có thể cầm và nện thẳng vào người con. Rồi lúc cô đơn con trốn chạy giấc ngủ ngồi viết nhật kí mẹ cũng đánh con. “Tao hối hận khi sinh ra mày”. Ơ! Mẹ ơi, cuộc đời này vốn chẳng còn ý nghĩa gì với con đâu mẹ. Với mẹ con là đứa con bất hiếu vậy sao? Con vẫn vô dụng chẳng thể lớn trong mắt mẹ sao? Khi con làm những gì bằng tất cả niềm đam mê và sự thích thú mẹ lại chê bai và trách mắng con, rồi bắt con làm những gì con không muốn.
Mẹ coi trọng bề ngoài, coi trọng suy nghĩ, coi trọng ánh mắt của người khác nhìn mình. Vì vậy con cứ phải cười vui, cứ phải giả dối trao cho người khác ánh mắt yêu thương trong khi mây đen và giông tố bủa vây tâm hồn con. Mẹ là ai trong cuộc đời con, là ai mà khiến con trở nên hoang tàn, lụi dần trong lớp bụi thù hằn của quá khứ như lúc này đây?
Nếu mẹ không muốn sinh con ra, mẹ không giết luôn đi, không vứt đi để không là vật vướng chân mẹ? Chị em chúng con đã sống, đã cố gắng mà không một lần than vãn để dù trong nhục nhã, trong nợ nần người ta vẫn thương chúng con, vẫn khen rằng mẹ có phúc vì sinh ra ba cục vàng. Mẹ sống trong sự thiếu hiểu biết.
Mẹ đã quá ích kỉ hẹp hòi, luôn đi tìm lợi ích riêng cho mình. Mẹ nghĩ chỉ cần kiếm tiền thật nhiều để cho con cái được sướng vui trong đầy đủ, trong giàu sang, trong phú quý là được sao mẹ? Nhầm rồi mẹ ạ! Nhầm lớn rồi. Mẹ đã nghe người ta kệch cỡm nói rằng con đang điên tình. Con điên tình cảm nam nữ hay điên tình mẫu tử, phụ tử? Tự mẹ biết! Con điên tình hay quá uất hận, hay tâm con đã mệt nhoài, đã quá khô khan khi bao yêu thương đã ép mình đi trao tặng. Tự mẹ biết!
Con biết! Mẹ đang cố gần gũi, cố yêu thương, cố quan tâm để níu dần cái khoảng cách giữa mẹ và con ngày một xa. Bây giờ mẹ mới nhận ra, mẹ đã lạc mất con từ lúc nào không hay biết. Khi mà trong đau đớn tột cùng người con tìm kiếm vẫn không phải là mẹ. Bởi mẹ chỉ nhìn con bằng ánh mắt cao sang nơi người mẹ của một đứa con hoàn hảo. Con biết mẹ đau đớn khi thấy con bệnh tật, ốm đau triền miên… Nhưng làm sao cho yêu thương trở về với thực tại. Làm sao để con chấp nhận được tất cả mà cắt đi sợi dây khiến con và mẹ xa cách nhau. Làm sao đây khi trong mắt con tất cả những gì mẹ làm chỉ là sự giả tạo, tất cả những hành động của mẹ khiến con sợ hãi.
Mẹ ơi! Mẹ là gì của con. – Mẹ à! Sau tất cả con chỉ mong mẹ biết cái sai của mình để quay về với Chúa, biết nới lòng tha thứ. Con mong mẹ thay đổi lối suy nghĩ và cách ăn nói cho dịu dàng, cho thùy mị như một người phụ nữ thực sự. Con mong mẹ hiểu và quan tâm tới đứa con gái đang chết dần chết mòn trong hận thù và đau khổ. Con ghét mẹ, hận mẹ. Tuy nhiên con tin tưởng vào Thiên Chúa từ nhân sẽ biến đổi mẹ, sẽ đập tan bức tường vô hình ngăn cắt mẹ con chúng ta.
Giờ đây, trong đêm tối Hà Thành, trong nước mắt nhạt nhòa, con dùng những giọt mặn đắng ấy để vẽ chân dung Mẹ… Bắt chước người đời, con vẽ lên khuôn mặt dịu dàng của mẹ một nét nhăn… Nỗi nhớ trào dâng như những con sóng tràn con tự tô lên tóc mẹ. Nỗi nhớ cào xước làm con nhói đau như những vết chân chim, con vẽ dần bên khóe mắt mẹ. Nỗi nhớ cuộn xoáy vào tim khi giữa hai khoảng sáng tối, con khắc họa một nụ cười phúc hậu mà con muốn nơi mẹ ở lứa tuổi 40. Cả đường chân mày lưa thưa của mẹ, con thêu nhẹ bằng những sợi buồn đan xen nỗi nhớ…
Con gái bé nhỏ của Mẹ!”
Bài đọc thêm: Sáu điều bạn nên ngừng nói với một đứa trẻ
Hoàng Oanh
Truyền thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp & St. Alfonso