Icon Collap
...
Trang chủ / “Này là Mẹ con” (Ga19,27)

“Này là Mẹ con” (Ga19,27)

Tam nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Quan thầy Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp giáo tỉnh miền Bắc diễn ra từ ngày 25-27 tháng Sáu đã kết thúc một cách hết sức tốt đẹp trong hồng ân của Thiên Chúa và sự chở che của Mẹ Hằng Cứu Giúp. Không quản đường xá xa xôi cùng tiết trời mùa hè oi ả nóng bức, từng đoàn xe cùng hàng ngàn người là hội viên Hội Mẹ cũng như khách hành hương từ muôn nơi đã về bên Mẹ nơi ngôi đền Mẹ Hằng Cứu Giúp tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội. Mỗi người một cuộc sống, mỗi công việc, quê hương khác nhau nhưng cùng mang một tâm tình con thảo quây quần về bên Mẹ để dâng lời tạ ơn, dâng lên Mẹ những tâm tình yêu mến trong ngày cuối cùng của Tam nhật kính Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Hôm qua, ngày 27/06 đã diễn ra Bế mạc tuần Tam nhật kính Mẹ trong bầu không khí thiêng liêng và sốt sắng do Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp miền Tây Bắc đảm trách. Trong buổi lễ bế mạc có sự góp mặt của đội kèn Bắc Ninh, sau khi cha đặc trách bế mạc Tam nhật đã có dâng hoa kính Đức Mẹ. Muôn sắc hoa vàng tươi, đỏ thắm, trắng tinh khôi,… đã được các Hội viên miền Tây Bắc của các Chi hội Đồng Đam, Yên Thái và Mông Sơn chuẩn bị từ sớm tinh mơ để kịp chuyến xe về Thái Hà để dâng kính lên Mẹ dấu yêu. Sau đó là giờ hành hương kính Mẹ Hằng Cứu Giúp và buổi rước kiệu Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp một cách trọng thể và Thánh Lễ bế mạc.

Trong Thánh Lễ có sự hiện diện đông đảo của cha bề trên và quý cha Dòng Chúa Cứu Thế, cha đặc trách các Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp của giáo phận Hưng Hóa làm chủ tế và cha đặc trách Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp giáo tỉnh miền Bắc- Gioan Lưu Ngọc Quỳnh CSsR, quý thầy, quý sơ, các hội viên của Hội và toàn thể cộng đoàn. Cha Giuse Ngô Văn Kha – Phó bề trên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội đã có bài chia sẻ với Hội viên cùng cộng đoàn với chủ đề: “Này là mẹ con” (Ga 19,27) – đây cũng là chủ đề chính xuyên suốt trong ba ngày Đại lễ:

“Giữa cái nắng mùa hè nóng bức như thế này, con cái của Đức Trinh Nữ Maria –  Mẹ Hằng Cứu Giúp trong những ngày vừa qua đã đến đây – ngôi đền nhỏ thân thương – nơi có bức Linh ảnh Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp để tạ ơn để cầu khẩn để than thở với Mẹ về những nỗi truân chuyên trong cuộc sống. Và cả nghìn và hàng nghìn người từ khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam đặc biệt ở miền Bắc ở các Giáo phận đã tề tựu về đây. Và những ai tề tựu về đây nhận ra rằng mình có một người mẹ chung duy nhất, một người mẹ mà chính Chúa Giêsu đã ban tặng trên cây thập giá – Mẹ Maria. Và người Mẹ đó chắc chắn sẽ  nhìn đến từng người một với ánh mắt yêu thương của Mẹ. Mẹ nhìn tất cả mọi người, mẹ nhìn tất cả nhân loại này là nhân loại mà Chúa Giêsu con của mẹ đã hết lòng yêu mến đã đổ máu đào ra để cứu chuộc và trên cây thập giá Người đã ban cho Mẹ, ban cho Mẹ để Mẹ làm Mẹ toàn thể nhân loại này. Và cũng để làm Mẹ từng người một. Ánh mắt của Mẹ do đó nhìn thấu nỗi khổ đau của tất cả mọi người và của từng người một. Chúng ta đến đây với Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ của chúng ta, chúng ta nhận ra nhau trong hành trình đi theo Chúa, trong hành trình Đức tin chúng ta là anh em với nhau, chúng ta là anh em trong một Chúa, chúng ta là những đàn em của Chúa Giêsu, là trưởng tử và đến đây chúng ta mới hiểu thấu được thế nào là tình mẹ. Trên cây thập giá, lạ lùng thay khi cúi nhìn xuống dưới chân cây thập giá, Chúa Giê-su đang chịu đóng đinh thấy Mẹ của Người và người môn đệ mà Người thương mến, Chúa Giêsu nói: “Thưa bà, đây là con của bà.” Câu “thưa bà” hay có bản dịch là “thưa mẹ” không được sát nghĩa lắm, dịch nghĩa cho đúng phải là “Hỡi người phụ nữ kia”. Một tiếng nói mà như thể Chúa Giêsu trên cây thập giá đang lúc chịu hành hình, hấp hối, trong những giây phút cuối cùng đang ngạc nhiên vì thấy một người phụ nữ – một người phụ nữ đứng bên mình trong dáng vẻ thảm sầu, khóc thương. Và Người nói với người phụ nữ kia “Đây là con bà”.

Typography: Ga 19,26 - Catholic in Art

Người Mẹ duy nhất mà Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại đó chính là Mẹ Hằng Cứu Giúp mà chúng ta đến với Mẹ hôm nay. Người Mẹ ấy đã yêu thương Chúa Giêsu con của mẹ bằng cả tấm lòng, bằng cả cuộc đời và cũng có thể nói rằng những đau khổ Chúa Giêsu mang lấy vào thân mình thì Mẹ cũng sẵn sàng gánh lấy, chịu thay vì Mẹ là mẹ của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là con của Mẹ. Nếu có thể nói rằng: có thể chết thay cho cái chết của Chúa Giêsu thì trong nhân loại này không ai dám cả trừ một người đó chính là Đức Trinh Nữ Maria – mẹ của Chúa. Tình cảm của một người mẹ nhìn lên cây thập giá thấy người con của mình chịu đóng đinh, chịu hấp hối trong cơn đau đớn tận cùng đó thì làm sao mà không thấu cả tâm hồn, nát cả tâm can nhưng Chúa Giêsu không muốn Đức Maria diễn tả bằng tình cảm của một con người theo lẽ thường tình nhưng Chúa muốn mời gọi Đức Maria bước vào trong một lĩnh vực khác đó là lĩnh vực thiêng liêng. Nếu Mẹ nhìn vào trong những đau khổ của Chúa Giêsu mà cảm thấy tâm hồn của mình cũng tan nát như vậy và quả thật tâm hồn Đức Mẹ tan nát không còn gì, bị tổn thương đến tột cùng thì cũng là lẽ đương nhiên. Trong Giáo Hội chúng ta vẫn thường kính nhớ 7 sự thương khó Đức Mẹ, suốt cả cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria – mẹ của Chúa Giêsu. Kinh thánh diễn tả ra 7 sự thương khó, 7 sự đau khổ tột cùng và cái đau khổ này là cái đau khổ tột cùng nhất khi thấy con bị treo trên thập giá. Mẹ Maria đã đón nhận tất cả những đau khổ ấy mà không một lời than trách. Mẹ bằng lòng vác lấy những đau khổ như là một người môn đệ, từ bỏ tất cả mọi sự, phải từ bỏ ngay cả những tiếng than vãn, kêu van, phải từ bỏ những mối tương quan mà giờ đây dưới chân thập giá mẹ mới hiểu được rằng: bây giờ mối tương quan mẹ – con theo ruột thịt theo huyết thông theo nhân loại không còn giá trị nữa mà giờ đây mẹ phải mở ra một mối tương quan rộng lớn hơn, quan trọng hơn, sâu sắc hơn và thiêng liêng hơn. Đó là làm Mẹ của nhân loại này.

Chúa Giêsu khi ở trên cây thập giá, Người biết nỗi đau của Đức Mẹ. Một người con như Chúa Giêsu làm sao có thể bỏ qua, có thể lạnh lùng, có thể nhẫn tâm được trước nỗi đau của người mẹ đã từng sinh hạ ra mình. Các cụ ta nói rất hay, khi phụ nữ sắp sinh, hồi xưa người ta gọi là lâm bồn còn sắp chết người ta gọi là lâm chung. Cái đau đớn khi người mẹ vật vã, đứt ruột sinh ra một người con, cái đau khổ cái đau đớn, sự hiểm nguy đó có thể nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Lâm bồn – chúng ta biết đó có biết bao người mẹ đã không thể sống được, không vượt qua được nỗi đau đấy và đã chết trong lúc sinh con. Đó là lâm bồn còn lâm chung thì cũng thế. Chúng ta thấy cảnh tượng của một người trước khi từ giã cõi đời, trước khi đi vào trong cõi chết nó kinh khủng như thế nào. Vậy Chúa Giêsu trên cây thập giá, Người hiểu được nỗi đau đớn như chết đi được của Đức Trinh nữ  Maria – mẹ của Người và Đức Mẹ đứng dưới cây thập giá nhìn lên cơn hấp hối của Chúa Giêsu thì Đức Mẹ cũng hiểu được thế nào là sự lâm chung của người con yêu quý của mình, một người con phải gánh tội, phải gánh thay hình phạt của cả nhân loại này và đang hấp hối từng giây phút một như thế. Chính trong giây phút thiêng liêng, quan trọng và đặc biệt ấy, Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ: “Này bà, đây là con bà”. Y như thể sự đau đớn của Chúa Giêsu phải chịu để cứu chuộc nhân loại bây giờ được nhìn sang một khía cạnh khác, như thể qua cái đau khổ, qua đau đớn của Chúa Giêsu, Chúa Giêsu sinh ra cho Chúa Cha một đoàn con – một đoàn con thánh thiện, công chính, đầy vẻ đẹp mĩ  miều và đươc tắm gội trong ân sủng của Chúa là máu châu báu Chúa đã đổ ra.

Thánh Phaolô Tông đồ trong thư gửi Tín hữu Côlôxê, Ngài đã nhìn trong cái nhìn này và Ngài đã nói: Chúa Giêsu đã trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc, một đàn em của Chúa Cha mà Chúa Giêsu phải quy tụ về thì giờ đây người em kế tiếp là Gioan và những người em kế tiếp Chúa Giêsu đó là cả nhân loại này vì Gioan là đại diện của cả nhân loại này, những ai tin vào Chúa Giêsu, những ai trở thành môn đệ Chúa Giêsu thì đều trở thành và có những mối tương quan thiêng liêng và thân mật nhất với Chúa Giêsu đều là những người em, là những người con của Chúa. Chính trong giây phút thiêng liêng đặc biệt ấy, mà Đức Mẹ mới nhận ra được ơn gọi làm mẹ của Mẹ không dừng lại ở huyết thống, xác thịt, chỉ là Mẹ Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa thôi nhưng Mẹ còn phải trở nên Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của loài người và nhất là những ai đau khổ. Mẹ không tìm công để mà thưởng, Mẹ không tìm những người hạnh phúc, Mẹ không đi tìm kiếm những giá trị trần gian này nhưng Mẹ tìm kiếm những người con đang đau khổ, những người con đau khổ như Mẹ đứng dưới chân thập giá, những người con đau khổ vì hoàn cảnh, vì tội lỗi vì tình trạng như Chúa Giêsu quằn quại từng ngày một như thể là hấp hối từng ngày một trong cơn đau khổ trường kì trải suốt cuộc đời của mình như vậy. Mẹ đã nhận những người đó làm con. Chúa Giêsu nói đấy những người đó là con của bà và thánh Gioan đã hiểu ra được điều này và Ngài đã ghi: Kể từ giờ đó, kể giây phút quan trọng thiêng liêng đó, người con đó đã đón Mẹ về nhà mình. Điều Chúa Giêsu tha thiết là mỗi người chúng ta đón Mẹ về nhà. Điều Giáo Hội tha thiết không phải là quy tụ anh chị em đến để thờ phượng, đó là một mặt, một khía cạnh nhưng hãy đón Chúa về nhà mình, hãy đón Đức Mẹ về nhà mình để rồi trong cái đau khổ của cuộc sống làm người và làm con Chúa, phải vác thập giá theo chân Chúa trên những chặng đường thương khó riêng của mỗi người. Chúng ta có Chúa hiện diện, chúng ta có một vị Chúa hiểu thấu nỗi đau của chúng ta và chúng ta cũng có một người mẹ thấu hiểu được tận cùng nỗi đau chúng ta phải chịu vì hoàn cảnh vì tình trạng hay là vì tội lỗi đang đè nặng linh hồn của chúng ta nữa. Đấy mới là gía trị Chúa ban Mẹ của Chúa cho chúng ta là để giúp cho chúng ta giữ vững lòng tin, giữ vững ơn cứu chuộc của Chúa. Tất cả mọi sự dữ mọi sự khốn Chúa đã mang lấy trên thập giá, Chúa đã lãnh vào trong thân thể Chúa, Chúa đã chịu đóng đinh và đó là một sự khủng khiếp vô cùng. Chúng ta không đáng để bị như Chúa đâu, chúng ta chỉ bị ít thôi, chúng ta chỉ bị phần nào thôi nhưng Chúa muốn mời gọi chúng ta hãy thánh hiến nó bằng cách nhận Mẹ làm mẹ. Vì sự an ủi của người mẹ giúp cho những sự đau khổ của chúng ta, những trăn trở, những bi thương, bế tắc của chúng ta trở nên có sức cứu rỗi chúng ta, thánh hóa con người và cuộc sống của chúng ta. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta một người mẹ biết yêu thương như vậy và người mẹ ấy vẫn hằng ngày yêu thương đoàn con, quy tụ đoàn con đến ngôi đền nhỏ thân thương nơi có Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp này”.

Cha Giuse đã có những chia sẻ rất thực về hoàn cảnh một người ngoại đạo đã đến tìm cha để chia sẻ câu chuyện của chính anh nơi chính ngôi đền Mẹ Hằng Cứu Giúp này. Cách đây mấy hôm có một anh thanh niên bế một đứa trẻ chắc là con của anh sau lễ sáng gặp cha và kể rằng con của anh cách đây một tuần bác sĩ nói rằng sẽ chết, đừng có chữa nữa, có tiền tỉ cũng không chữa được đâu, phải chấp nhận số phận đã an bài. Anh hỏi người ta để tìm chốn linh thiêng để cầu xin và được một người đạo Công Giáo chỉ đến ngôi đền Mẹ Hằng Cứu Giúp này. Anh đã đến cầu nguyện trước núi đá Đức Mẹ cho con gái mình trước ngày phẫu thuật. Anh nói đây là một phép lạ của Đức Bà và xin tạ ơn xin công đức vào nhà thờ với chính số tiền anh định để dùng chữa trị bệnh tình cho con mình. Và cha đã chỉ cho anh bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp trong nhà thờ để anh tạ ơn, đó là Mẹ của anh đấy, anh hãy tạ ơn Đức Mẹ đi, Đức Bà đã cứu con của anh đấy. Anh đã quỳ gối trước Mẹ với đứa con đang ẵm trên tay tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ như là một hồng ân của Đức tin giờ này khi biết là trong cuộc đời của mình, trong cuộc sống của mình có một người mẹ yêu thương mình hơn tất cả mọi người mẹ, có một người mẹ quyền năng hơn tất cả mọi thứ quyền năng kể cả khoa học kĩ thuật, có một người mẹ sẵn sàng đoái thương, cứu giúp tận tình, chiếu cố đến mình đến hoàn cảnh của mình.

Kết thúc bài chia sẻ, cha Giuse đã thay lời toàn thể cộng đoàn đặc biệt là các Hội viên của Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria – Mẹ của chúng ta:

“Tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ trong ba ngày vừa qua chúng ta đã đến đây với tình con thảo và điều đó càng làm cho chúng ta cảm nghiệm được ơn Chúa ban cho chúng ta trong đời sống, có Mẹ ở cùng, người mẹ mà Chúa đã yêu thương, đã ban cho chúng ta để người mẹ đó hằng cứu giúp, hằng che chở, hằng dẫn dắt chúng ta, giữ vững Đức tin cho chúng ta cho đến ngày được rỗi cho đến ngày chúng ta ra trước tòa Chúa. Chúng con xin dâng lên Mẹ tất cả những đau khổ, những vất vả, những trăn trở trong cuộc sống cả tội lỗi của chúng con nữa bởi vì Mẹ là mẹ của con, Mẹ sẽ luôn có cách đưa dẫn chúng con về với Chúa là nguồn ơn cứu chuộc. Amen!”

Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã cho chúng con đặc biệt là Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp giáo tỉnh miền Bắc có được ba ngày Tam nhật mừng kính Mẹ Hằng Cứu Giúp diễn ra một cách sốt sắng và long trọng ngập tràn lòng mến và tâm tình cảm tạ. Chúng con lại hẹn Mẹ năm sau, năm sau và thêm nhiều năm nữa lại quây quần đông hơn năm nay để về bên Mẹ Hằng Cứu Giúp dấu yêu nơi nhà thờ Thái Hà thân thương này. Xin Mẹ tiếp tục đồng hành, nâng đỡ cho mỗi Hội viên của Hội và toàn thể con cái Mẹ trong mỗi ngày sống cũng như trên hành trình dương gian đầy đau khổ và gian truân này để chúng con không ngừng tin cậy, phó thác vào trong tay Chúa và Mẹ của chúng con.

Teresa Nguyễn Ngọc Duyên

Ban truyền thông Hội Mẹ Hằng Cứu Giúp & St.Alfonso

Bình luận
error: Content is protected !!