Triết gia Hy Lạp Socrate của thời Cổ đại, 5 thế kỷ trước Công nguyên nổi tiếng là nhà hiền triết với lời lẽ khôn ngoan và các đối thoại của ông được triết gia Platon dàn dựng, ông kêu gọi chúng ta trước khi nói tự hỏi liệu những gì mình sắp nói là đúng, tốt và hữu ích hay không.
Ngày chúa nhật 3 tháng 3 năm 2019, trong buổi gặp giáo dân ở giáo xứ San Crispino da Viterbo, khu vực Labaro miền bắc Rôma, Đức Phanxicô cảnh báo: “Với cái lưỡi, mọi cuộc chiến bắt đầu”. Trước đó, ngài đã lên án “nạn khủng bố nói xấu” và cảnh báo chống “các thì thầm và ghen tị”. Một căn bệnh có từ ngàn xưa.
Triết gia Socrate đã nhắc đến quy luật ba cái rây. Dù với vợ chồng, dù trong gia đình, với bạn bè, dù với đồng nghiệp, ông khuyên chúng ta nên dùng ba cái rây trước khi lên tiếng: điều mình nói có đúng không, có tốt không và có hữu ích không? Nếu không, triết gia khuyên chúng ta nên im lặng và quên đi. Một phương pháp tốt để tránh nói dối và buôn chuyện.
Một ngày nọ, có người đến hỏi ông:
– Xin ông nghe tôi, tôi phải kể cho ông biết cách bạn của ông đã cư xử.
– Xin dừng lại! Anh đã dùng ba cái rây để sàng lọc những gì anh sắp nói với tôi chưa?
– Ba cái rây? Người kia hỏi lại đầy kinh ngạc.
– Đúng, anh bạn yêu quý của tôi: ba cái rây. Anh xem liệu câu chuyện anh kể có lọt qua ba cái rây này không: cái thứ nhất là sự thật. Anh đã kiểm xem chuyện anh sắp nói là đúng chưa?
– Chưa, tôi nghe người ta kể, và …
– Tốt tốt. Nhưng chưa chắc anh lọt qua cái rây thứ nhì. Đó là lòng tốt. Những gì anh muốn nói với tôi, nếu nó không hoàn toàn đúng, thì ít nhất nó có tốt không?
Người kia ngập ngừng trả lời: không, nó không phải là một cái gì tốt, ngược lại …
– Hừ… bây giờ chúng ta thử dùng cái rây thứ ba, xem chuyện này có hữu ích để nói với tôi không …
– Hữu ích? Không chắc.
Triết gia Socrate mỉm cười nói, nếu những gì bạn muốn nói với tôi là không đúng, cũng không tốt, cũng không hữu ích, tôi không muốn biết điều đó, còn bạn, tôi khuyên bạn nên quên chuyện này…
Theo Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: phanxico.vn