Sai lầm của mình
Hiện nay Đức Hồng y Barbarin là tuyên úy của Dòng Nữ tử Khó nghèo ở Bretagne, nước Pháp. Ngài xuất bản quyển sách nhìn lại bốn năm qua được đánh dấu qua phiên xử của Ngài.
lavie.fr, bài phỏng vấn của nhà báo Laurence Desjoyaux và Sophie Lebrun, 2020-09-30
Trong quyển sách xuất bản ngày 1 tháng 10, Đức Hồng y Barbarin nhìn lại “các hối tiếc” của mình và “cơn sóng thần” mà ngài đã trải qua trong bốn năm qua. Hình: Bruno Levy
“Vụ Hồng y Barbarin” đã gây sốc trong Giáo hội Pháp, một Giáo hội thường thiu thiu ngủ và thường phủ nhận trong cuộc chiến chống ấu dâm. Vài tháng sau khi Ngài được tòa không tố cáo tội che giấu trong vụ ấu dâm của linh mục Bernard Preynat, chúng tôi đã gặp Hồng y Philippe Barbarin ở nhà dòng Lazard vào tháng 9. Cựu Tổng Giám mục giáo phận Lyon phải “chịu chụp hình” nhưng Ngài cũng thoáng tỏ ra mất kiên nhẫn. Trong bốn năm qua, Ngài đã sống dưới cái nhìn của các ống kính… và dưới sự giám sát của cơ quan Tư pháp. Trong suốt quá trình xét xử, các nạn nhân của linh mục Bernard Preynat, những người cáo buộc ngài đã không tố cáo kẻ tấn công họ, họ đã thành công trong việc xoay ống kính vào hệ thống giáo quyền Công giáo trong các trường hợp này, buộc phải đặt lại vấn đề. Hôm nay, Hồng y Philippe Barbarin nhận ra các sai sót của mình khi xử lý hồ sơ và tầm quan trọng của việc đánh dấu một cách tượng trưng sự thất bại của Giáo hội công giáo khi từ bỏ chức vụ của mình. Bây giờ Hồng y là tuyên úy của Dòng Nữ tử Khó nghèo ở Rennes và làm việc với các chủng sinh ở Bretagne, Ngài xuất bản quyển sách Trong tâm hồn tôi và lương tâm.
Vì sao cha xuất bản quyển sách này bây giờ?
Trước hết vì tôi được yêu cầu. Họ cho rằng, sau khi phiên tòa chấm dứt, sau khi các phương tiện truyền thông lắng xuống, tiếng nói của tôi nên được lắng nghe.
Bản án đã kết thúc từ 8 tháng nay và việc khiếu nại lên tòa kháng án đang tiến hành. Cha kêu gọi xoa dịu, như thế có quá sớm không?
Có thể. Nhưng theo tôi, lời kêu gọi chia sẻ những gì đang xảy ra trong tâm hồn tôi là chính đáng.
Các cảm nhận này là gì? Cha có hối tiếc điều gì không?
Có. Công lý đã nói ngay từ đầu, không có vấn đề xét xử chống lại tôi. Nhưng toàn bộ quá trình đã làm cho tôi phải suy nghĩ và thấy rõ hơn các sai lầm tôi đã mắc phải. Bây giờ tôi hiểu, ngay khi tôi nghe nói đến các điều khủng khiếp này, lẽ ra tôi phải đấu tranh nhiều hơn. Năm 2010 khi tôi gặp linh mục Bernard Preynat, lẽ ra tôi phải yêu cầu Cha viết chính xác những gì đã xảy ra. Và tôi đã phải bắt đầu hành động từ lúc đó. Tôi không tự hào mình đã không làm. Bây giờ các hướng dẫn đã rõ ràng: các Giám mục bắt buộc phải ngưng chức linh mục đã hành hung trẻ vị thành niên, ngay cả trong quá khứ xa xôi.
Ngày hôm nay, tất cả các lời chứng tôi đã nghe và đọc đã giúp tôi lượng định được sự đau khổ kinh khủng này, sự đau khổ đã trở nên trầm trọng hơn vì bị ngăn chận và im lặng.
Trong quyển sách, cha quay lại với các lời nói của nạn nhân và sự xáo động đã gây ra trong lòng cha. Tại sao bây giờ?
Các nạn nhân biết tôi thương họ. Mỗi sáng khi tôi mở sách nhật tụng, tôi đọc tên của họ tôi chép trên tấm ảnh Chúa Kitô bị đóng đinh. Không chỉ các nạn nhân đưa tôi ra tòa, nhưng cả các nạn nhân tôi gặp và tôi cầu nguyện cho họ. Trước phiên tòa, tôi không ý thức được độ sâu và quy mô của thảm họa. Ngày hôm nay, tất cả các lời chứng tôi đã nghe và đọc đã giúp tôi lượng định được sự đau khổ kinh khủng này, sự đau khổ đã trở nên trầm trọng hơn vì bị ngăn chận và im lặng. Đây không phải là đau khổ của tôi, nhưng tôi xin Chúa chữa lành cho những ai cần được chữa lành, vì chúng ta, chúng ta không ý thức được tất cả những gì cần được chữa lành. Câu của một nạn nhân làm tôi xúc động nhất ở tòa là câu: “Đúng, chúng tôi biết Hồng y đã bị lôi vào đống bùn ba năm nay, nhưng Hồng y có biết chúng tôi đã phải đau khổ từ 30 đến 40 năm nay không?” Và đó là sự thật.
Bài đọc thêm: Nỗi sợ sai lầm
Cha nhắc đến nhiều tha thứ khi cha giải thích cha đã trải qua một “vụ ám sát của truyền thông”. Cha đã tha thứ cho những gì cha cảm thấy mình bị bức hại chưa?
Tôi không bao giờ giận các nạn nhân. Còn về các phương tiện truyền thông, tôi không hiểu lô-gích của họ. Khi tôi nhìn các sự việc xảy ra, tôi hiểu mình phải xin Đức Giáo Hoàng, vì để xoa dịu, Ngài nên cất bỏ chức vụ của tôi. Để mọi người có thể nói: Giáo Hội cuối cùng cũng nhận ra các điều kinh hoàng đã diễn ra trong lòng Giáo Hội! Ngài đã từ chối trong thời gian tòa xử, Ngài tôn trọng giả định vô tội, sau đó, ngay sau khi tôi được trắng án ở tòa kháng cáo, Ngài đã chấp nhận.
Như một sửa chữa?
Theo nghĩa, đó là một chấn thương nghiêm trọng, và một cách biểu tượng thì phải có một ai đó trả giá. Linh mục Bernard Preynat đã bị kết tội (ông đang kháng cáo, ghi chú của nhà báo), nhưng mọi người mong chờ nhiều hơn.
Cha có cảm thấy cha có trách nhiệm không?
Tôi là Tổng Giám mục của Lyon, và sự việc xảy ra ở Giáo phận này. Cũng như cách đây 30 năm, khi tôi còn là tuyên úy trường trung học ở Créteil, tôi xúc động, quan tâm và đoàn kết trong bất cứ lỗi lầm nào của Giáo hội. Đó là một linh mục đã phản bội sứ mệnh của mình ở giáo phận này, sự việc được đưa ra ánh sáng khi tôi ở Giáo phận Lyon.
Có một làn sóng căm thù trào lên. Mọi người phỉ nhổ tôi. Tôi cũng chưa bao giờ trách họ.
Điều gì đã thay đổi trong quan hệ của cha với các người khác? Cha đã tuôn trào giận dữ…
Tôi trở thành một biểu tượng. Một mặt, các lá thư của nạn nhân ở khắp nơi gởi đến tôi, và thường không liên quan đến giáo phận của tôi hay Giáo hội. Vì thế tôi chuyển các thơ này đến những người có thẩm quyền; tôi không thể chịu đựng tất cả. Bây giờ Tòa giám mục đã lo việc này, có một ủy ban độc lập làm việc này. Mặt khác, Có một làn sóng căm thù trào lên. Mọi người phỉ nhổ tôi. Tôi cũng chưa bao giờ trách họ. Tôi đại diện cho những gì đã làm họ kinh hoàng và gây tai tiếng. Tên tôi xuất hiện trên các báo – nhiều hơn tên của linh mục Bernard Preynat -, tôi phải chịu…
Bây giờ cha sống ở Bretagne, cha làm tuyên úy cho các nữ tu. Một ngày làm việc của cha như thế nào?
Tôi trở về với ơn gọi đầu tiên: ơn gọi làm linh mục! Tôi dâng thánh lễ, tôi giải tội, tôi giảng ở nhà mẹ của Dòng Nữ tử Khó nghèo. Họ là các nữ tu phi thường, các sơ chăm sóc người lớn tuổi. Tôi cũng phụ trách khóa Giáo hội học tại chủng viện Rennes. Tôi chưa bao giờ dạy nên tôi phải làm việc! Tôi cũng giảng cho nhiều cuộc tĩnh tâm. Tôi làm những việc mà trước đây tôi không làm được vì “quá bận rộn” khi làm Tổng Giám mục.
Cha sẽ là diễn viên trong các cuộc tranh luận với công chúng một lần nữa?
Tôi không còn lý do để làm. Ở thành phố Lyon, tôi đã có các mối liên hệ sâu đậm với thành phố và tôi đã tạo được mối liên hệ huynh đệ bền chặt với các tôn giáo khác. Lyon là thành phố tôi cảm thấy mình gắn bó, nó cho tôi có quyền và có dịp để nói lên nhiều chủ đề.
Cha đã gặp Đức Phanxicô vào cuối tháng năm, Ngài nói gì với Cha?
Ngài lắng nghe, tôi kể với ngài về Giêrusalem, nơi tôi vừa ở ba tháng. Sau đó ngài nói với tôi, có thể ngài cần đến tôi cho các nhiệm vụ ở Trung Đông, nơi tôi biết một chút. Dĩ nhiên nếu Ngài yêu cầu tôi làm gì đó, tôi sẽ sẵn sàng. Và khi tôi nói với ngài về những gì tôi sẽ làm, ngài nói: “Tốt lắm!”
Mối quan hệ của Cha với Đức Phanxicô có vẻ khá riêng tư…
Điều này đã xảy ra trước khi Ngài được bầu chọn. Cả hai chúng tôi đều ở trong các bộ Tôn giáo và phụng vụ, chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Chúng tôi điện thoại cho nhau từ Buenos Aires hay từ Lyon. Khi Ngài đưa ra năm kỷ niệm Pauline Jaricot (1799-1862), Ngài nói với tôi: “Lẽ ra anh phải làm chuyện này từ lâu, chân phước ở Lyon!” Vì thế nhân kỷ niệm 150 năm ngày Chân phước qua đời, chúng tôi đã làm dự án này. Cả hai chúng tôi đều có mối quan hệ huynh đệ. Trong lần ra tòa đầu tiên, Ngài gọi cho tôi để biết xem mọi chuyện xảy ra như thế nào. Ngài nghe các lập luận, Ngài dành thì giờ cần thiết, rồi Ngài quyết định.
Cha có biết vì sao Ngài không gặp các nạn nhân của linh mục Bernard Preynat không?
Đó là điều đáng tiếc, và trong lòng tôi, tôi cũng có trách Ngài. Ngài đã gặp nhiều nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục. Các nạn nhân của linh mục Bernard Preynat đã xin Ngài và tôi cũng xin Ngài… Tôi mong ít ra Ngài cũng sẽ viết thư cho họ. Đó là cách thừa nhận các tổn thương của họ và có lẽ sẽ mang lại sự an ủi cho các nạn nhân.
Về phần tôi, tôi luôn nghĩ phải hành động với nhóm người đau khổ, để họ cảm thấy mình được lắng nghe.
Nhiều linh mục cảm thấy họ phải gánh chịu tội ác của một số linh mục khác. Ngoài vấn đề lạm dụng tình dục, các vụ tự tử của các linh mục cũng khá thường xuyên, nhắc cho chúng ta nhớ họ có thể cô đơn đến mức như thế nào…
Đây là một trong các đau khổ lớn của các Giám mục khi không thể đồng hành với các linh mục như họ cần phải được đồng hành, cũng như hiểu được sự cô đơn của họ. Về phần tôi, tôi luôn nghĩ phải hành động với nhóm người đau khổ, để họ cảm thấy mình được lắng nghe.
Cha hiểu rõ các Giáo hội Đông phương, các ông đã lập gia đình có thể được phong chức. Cha có nghĩ nên mở cuộc tranh luận giữa chúng ta không?
Đây không phải là điều mà các linh mục yêu cầu ở tôi cho bằng việc bổ nhiệm nhiều người ở cùng một chỗ và có thể sống chung với nhau. Tôi nghĩ cách này sẽ lan rộng. Theo tôi, việc phong chức cho các ông đã lập gia đình luôn tồn tại trong Giáo Hội. Đức Phaolô VI đã trả lời điều đó trong Thông điệp Độc thân linh mục Sacerdotalis cỉlibatus năm 1967. Và được Đức Bênêđictô XVI nhắc lại ở Thượng hội đồng năm 2005, không kể các cuộc thảo luận hiện nay. Đây không phải là vấn đề cấm kỵ; mặt khác, Giáo Hội không thay đổi dưới áp lực của truyền thông và xã hội.
Sau thời gian cách ly, giáo dân không trở lại nhà thờ đông như trước. Điều này có đáng lo không?
Trước hết, tôi muốn nói đến điều tích cực: tôi ấn tượng trước vô số sáng kiến được đưa ra trong thời gian cách ly. Tôi nghe các câu chuyện tuyệt vời về việc cầu nguyện trong gia đình, giữa các cặp vợ chồng, dâng thánh lễ Lễ Lá hoặc Phục sinh tại nhà, v.v. Sau đó, tôi nghe các người có trách nhiệm ở nhà thờ, chủ nhân các công ty cho biết, họ không “năng động” trước khi bị cách ly. Như thử chúng ta chưa hình dung được chuyện gì đã xảy ra.
Kitô giáo theo thói quen, điều này không tồn tại. Đức tin phải sinh động, phải được hoán cải. Chúng ta phải thức tỉnh.
Cha đã viết: “Chúng ta không có gì chắc chắn Kitô giáo sẽ tiếp tục ở các nước theo truyền thống Công giáo như nước Pháp”…
Đây là chuyện tầm thường! Quý vị nhìn nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hàng ngàn nhà thờ từ các thế kỷ đầu tiên, nhưng bây giờ không còn ai ở đó! Nước Pháp không phải lúc nào cũng theo Kitô giáo và không có gì đảm bảo cho tương lai. Giáo hội có lời của sự sống đời đời! Chúng ta biết Giáo Hội sẽ tồn tại cho đến cuối thời gian. Kitô giáo theo thói quen, điều này không tồn tại. Đức tin phải sinh động, phải được hoán cải. Chúng ta phải thức tỉnh.
Cha nói, đã có lúc cha ở trên bờ vực của trầm cảm… Cha có còn cảm thấy mong manh không?
Đi từ địa vị Tổng Giám mục giáo phận Lyon đến làm tuyên úy là một sự thay đổi nội tâm “vững mạnh”. Càng ngày tôi càng tin sự bảo đảm không bao giờ đến từ chính mình, mà đến từ Lời hằng sống của Chúa trong chúng ta. Và Chúa Giêsu đã nói: “Vậy anh em hãy đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề!” Đối với tôi, bối cảnh chính là câu hỏi Chúa Giêsu đặt cho chúng ta trong Tin Mừng Thánh Luca: “Nếu Con Người trở lại, liệu chúng ta có đứng vững trước mặt Con Người không?”