Icon Collap
...
Trang chủ / Định hướng cho việc giáo dục giới tính trong gia đình, nhà trường và giáo xứ (phần I)

Định hướng cho việc giáo dục giới tính trong gia đình, nhà trường và giáo xứ (phần I)

Định hướng cho việc giáo dục giới tính trong gia đình, nhà trường và giáo xứ, giáo dục giới tính, giới trẻ ca ngợi giáo dục giới tính trong giáo phận

WHĐ (07.03.2021) – Giáo dục giới tính là một thuật ngữ rộng miêu tả việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai, và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người.[1] Giáo dục người nam và người nữ về giá trị của tính dục phải là một chiều kích cơ bản trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Như bất cứ một giá trị nào khác, giá trị tương giao của tính dục[2] không tự nhiên mà có nhưng phải được giáo dục trong một khung cảnh luân lý đạo đức nhất định.

Tông huấn Gia Đình xác định: “Tính dục là một sự phong phú của toàn thể ngôi vị – thể xác, tình cảm, linh hồn – và biểu lộ ý nghĩa thâm sâu của nó bằng cách đưa ngôi vị ấy đến chỗ tự hiến mình trong tình yêu. Là quyền lợi và bổn phận căn bản của cha mẹ, việc giáo dục tính dục phải luôn luôn được thực hiện dưới sự hướng dẫn chu đáo của cha mẹ, tại gia đình cũng như ở các trung tâm giáo dục được cha mẹ chọn lựa và kiểm soát…Trong bối cảnh ấy, không thể nào chối bỏ việc giáo dục đức khiết tịnh, là nhân đức làm phát triển sự trưởng thành đích thực của ngôi vị, làm cho ngôi vị có khả năng kính trọng và nâng cao ý nghĩa hôn nhân của thân xác” (FC 37).

“Tùy từng lứa tuổi, con trẻ cần được cung cấp một nền giáo dục tích cực và khôn ngoan về tính dục”.[3] Việc giáo dục tính dục trong gia đình phải đóng vai trò chủ đạo, nơi giáo xứ và nhà trường có vai trò hỗ trợ. Dù trong môi trường giáo dục nào, cha mẹ và các nhà giáo dục phải chủ động; đừng để con em tự tìm hiểu qua những thông tin sai lệch và nguy hiểm.

I. GIÁO DỤC VỀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

Con người có khả năng để thực hiện một tình yêu cao hơn, được mời gọi bước vào tình bạn chân tình và biết sẵn sàng hy sinh. Tính dục được ví như một dòng thác mạnh mẽ. Nếu dòng thác đó có được một định hướng đúng đắn, nó sẽ làm phát sinh nguồn năng lượng cho cuộc sống; ngược lại, nó bị lãng phí và thậm chí chỉ đem lại băng hoại: “Tính dục phải được tình yêu định hướng, giáo dục và bổ túc, vì chỉ có tình yêu mới giúp cho tính dục mang tính nhân bản” (TD 11).[4] Như vậy, mục đích chính của giới tính là tình yêu. Giáo dục giới tính rõ ràng và tế nhị chính là giúp cho con người đạt được mục đích đó. Chỉ khi đạt được mục đích đó, con người mới có thể đáp ứng lời mời gọi nên thánh.

Người ta không thể lấy dầu để chữa lửa. Cũng vậy : ” Để có thể sống vui và tránh gây bạo động nhau, con người không thể cậy dựa vào một thứ điều hoà tính dục cách giả tạo là lấy tính dục điều hoà tính dục, thật vậy, để sử dụng tính dục cho có giá trị nhân bản, luôn luôn cần nhớ tới sự điều hoà của khoa đạo đức”.[5] Quan trọng cách riêng là mọi người nên đánh giá cao nhân đức khiết tịnh, vẻ đẹp và sức mạnh hấp dẫn của nhân đức này. Nhân đức này làm gia tăng phẩm giá con người và làm cho con người có khả năng yêu mến thật sự, vô vị lợi, không ích kỷ và lòng tôn trọng người khác.[6]

Con người được mời gọi để sống yêu thương trong toàn thể tính thống nhất của nó (FC 11). Vì vậy, “Tính dục là nơi biểu lộ sự tùy thuộc của con người vào thế giới vật chất và sinh học ; nó trở thành cá vị và thật sự nhân bản khi gắn với tương quan giữa người với người, trong việc hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn giữa người nam và người nữ” (SGL 2337).

Chính sự trao ban vô vị lợi trong tình yêu đòi hỏi người trao ban phải coi trọng đức khiết tịnh, biết tự chủ trước những xung lực bản năng tự nhiên. Nhân đức khiết tịnh nhắm đạt đến các mục tiêu cao hơn và tích cực hơn. Đó là một nhân đức liên quan đến toàn thể nhân cách, cả về nội tâm và hành vi bên ngoài.[7] Đức khiết tịnh là nhân đức dành cho mọi bậc sống, từ bậc phu phụ, người góa bụa đến kẻ đồng trinh (SGL 2349). Vì vậy, ngay trong gia đình, con cái phải được hun đúc đời sống khiết tịnh qua bầu khí yêu thương, đạo đức và quý trọng sự sống do Thiên Chúa ban tặng. Làm sao để con cái dần dà hiểu được giá trị của tính dục và đức khiết tịnh, khám phá ra ơn gọi của mình, sống ơn gọi đó với sự sung mãn của ơn Chúa Thánh Thần.

Đây là các phương thế để sống đời khiết tịnh: “Kỷ luật của giác quan và tâm trí, tỉnh thức và thận trọng tránh dịp tội, tuân giữ đức khiêm tốn giản dị, điều độ trong giải trí, nghề nghiệp lành mạnh, chuyên cần cầu nguyện, và thường xuyên đón nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Người trẻ một cách đặc biệt nên nhiệt tình thúc đẩy sự dâng hiến cho Mẹ Thiên Chúa Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, và noi gương đời sống của các Thánh, của cả những tín hữu khác, cách riêng những người trẻ, những ai thực hành nhân đức khiết tịnh”.[8]

Bài đọc thêm: Mạng xã hội tấn công hạnh phúc gia đình

Nguồn:hdgmvietnam.com

Bình luận
error: Content is protected !!