Dù đã được Đức Giê-su chỉnh sửa não trạng độc hữu, hám chức quyền, thích thống trị và loại trừ những người khác, nhưng Gioan vẫn chưa thể thay đổi được, chưa thể thoát ra khỏi những não trạng của thế gian, đã ăn sâu vào trong tâm trí của ông và các môn đệ. Hôm nay, nhân chuyện thầy trò chuẩn bị lên Giêrusalem, có những sứ giả được sai đi trước, đã đi ngang qua một làng dân Samari. Nhưng những người này không được dân làng đón tiếp. Thấy vậy, ông Giacobe và ông Gioan lại đến gặp Đức Giê-su mà nói :” Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không ?”. Đức Giê-su quay lại quở trách các ông và Thầy trò đi qua một làng bên. Vậy đâu là sứ điệp mà hôm nay Đức Giê-su muốn nói với chúng ta qua biến cố này ? Giờ chúng ta cũng suy gẫm để tìm hiểu xem.
Não trạng bất khoan dung
Qua lối ứng xử của hai môn đệ, một lần nữa cho thấy não trạng thế tục muốn báo thù, trả thù, tiêu diệt, bất khoan dung với những người không làm theo ý mình của hai môn đệ này thật đáng sợ đến chừng nào. Họ không chỉ muốn những người này phải chết cách bình thường, mà phải chết cách bi thương, đau đớn, bởi lửa từ trời mới làm hả cơn tức giận của họ. Tội của những người này phải bị Trời trừng phạt mới xứng để cảnh tỉnh những làng khác. Họ phải bị thiêu rụi không chỉ con người mà mọi thứ trong cả làng này nữa. Nếu như luật Cựu Ước chỉ cho phép : mắt đền mắt, răng đền răng, thì với các ông : một mắt một răng bị thì phải đền toàn bộ. Nhưng không phải chỉ có hai môn đệ này mang nặng não trạng bất khoan dung mà có rất nhiều trong chúng ta cũng có thể rơi vào tình trạng như hai ông. Cứ can đảm nhìn thẳng vào mình để duyệt xét lại, chúng ta sẽ dễ dàng nhận diện ra chúng. Có những người thì khi bị người khác phản đối, không chấp nhận ý kiến, quan điểm của mình thì tỏ lộ sự bực tức, giận giữ, muốn phản đối, muốn những người này phải ra đi, phải biến mất khỏi cuộc đời mình. Cũng có một số người, khi thấy những người chống đối mình bị gặp hoạn nạn, bị rơi vào tình cảnh khó khăn, vất vả thì lấy làm mãn nguyện, thích thú, hả hê, như thế trời đã trả thù cho mình rồi. Lại có những người cố chấp, không chịu tha thứ, bỏ qua những lầm lỗi cho những người đã phản đối mình, đã làm phật lòng mình, dù những người này đã rất thành tâm xin lỗi mình. Như vậy, chúng ta thấy rõ não trạng bất khoan dung, không tha thứ, muốn trả thù, muốn hủy diệt những người không đồng quan điểm với mình, không đón nhận ý kiến của mình, đã ăn sâu vào trong tâm trí và đang điều khiển phần lớn những hành vi, cử chỉ, thái độ, suy nghĩ, những ý định, ước muốn của rất nhiều người trong chúng ta. Nhưng cái bi đát là nhiều người trong số này không nhận ra được tình cảnh đáng thương, khốn cùng này.
Bài đọc thêm: Công bằng của Thiên Chúa
Tinh thần của Đức Giê-su
Đứng trước thái độ bất khoan dung, muốn rửa hận trả thù của hai môn đệ, Đức Giê-su đã đưa ra một hướng đi, một lối thoát mới cho họ. Dĩ nhiên, đây là một lối đi hoàn toàn ngược lại với những gì mà hai môn đệ đã đã có, đã làm. Hướng đi này bao gồm sự kiên nhẫn chịu đựng, mạnh dạn quở trách và chọn một lối khác để đi mà không làm tổn thương những ai đang có ý chống đối mình.
Kiên nhẫn chịu đựng sự khó hay chậm thay đổi nơi các ông. Đây là thái độ đầu tiên của Đức Giê-su đối với Giacobe và Gioan. Dù mới sửa dạy, cảnh tỉnh các ông về sự hám quyền, muốn khai tử, loại trừ những ai không cùng phe nhóm với mình, và bây giờ lại thấy thái độ bất khoan dung, ngược với tinh thần của Tin Mừng, Đức Giê-su vẫn nhẫn nại bao dung với sự chậm tiến của họ. Đúng là với những người bất bao dung thì họ lại rất cần lòng bao dung của Thiên Chúa. Đức Giê-su không chỉ bao dung với hai môn đệ mà còn bao dung với những cư dân làng Samari đã không tiếp đón Ngài. Hơn ai hết, Đức Giê-su hiểu rõ không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được não trạng bất khoan dung của thế gian đã ăn sâu vào trong máu huyết của các môn đệ. Ngài cũng hiểu rõ mối thâm thù giữa dân Do Thái và dân Samari. Bởi thế, cần phải nhẫn nhịn chịu đựng sự chậm tiến của những người này. Thứ hai, Đức Giê-su đã lên tiếng quở trách thái độ bất khoan dung của các môn đệ. Hôm qua, Đức Giê-su dùng một em nhỏ và nói : “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón chính Đấng đã sai Thầy”, để cho các môn đệ thấy được tinh thần của Tin Mừng là như vậy. Còn hôm nay, Đức Giê-su lại nặng lời quở trách các ông. Như vậy, nhẫn nại chịu đựng không có nghĩa là im lặng, đồng loã với tội lỗi, nhưng phải lên tiếng quở trách những sai lầm của họ. Cuối cùng, Đức Giê-su đã dẫn các môn đệ đi sang làng bên. Thay vì bỏ cuộc trở về hay đứng tức tối trách mắng những người không tiếp đón chính, Đức Giê-su lại dẫn các môn đệ đi sang làng khác. Đức Giê-su đã diễn tả lòng khoan dung của Thiên Chúa bằng một hành vi cụ thể. Ngài muốn những người Samari và hai môn đệ thoát ra khỏi sự bực tức dành cho nhau bằng cách nhìn vào những gì Đức Giê-su đang làm. Đúng là chỉ có Đức Giê-su mới nghĩ ra được những cách thức để chữa trị não trạng bất khoan dung của con người cách tinh tế như vậy.
Cầu nguyện
Chúng con hết lòng cảm tạ Thiên Chúa đã gởi Đức Giê-su, Con Chí Ái của Cha đến thông truyền lòng khoan dung của Thiên Chúa cho chúng con, để chữa lành não trạng bất khoan dung của thế gian đã ăn sâu vào trong tâm trí của chúng con. Chúng con cũng xin Chúa Giê-su tiếp tục uốn nắn, nhắc nhở và giúp chúng con biết sống lòng khoan dung đối với những người bất đồng, bất hoà, bất mãn với chúng con như chính Đức Giê-su đã làm gương cho chúng con. Amen.
Bài đọc thêm: Sống mầu nhiệm cứu độ
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo
Nguồn: svconggiao.net