Icon Collap
...
Trang chủ / Ngày Sabbath – Ngày của Chúa

Ngày Sabbath – Ngày của Chúa

Có lẽ một trong những cái cớ mà Đức Giê-su cố tình tạo ra cho các Kinh sư, Biệt phái, khó chịu, tức tối, căm ghét Ngài, chính là việc chữa bệnh vào ngày Sabbath. Vậy thì tại sao Đức Giê-su lại cố tình làm vậy ? Có lẽ phải có một chủ đích hay một nguyên do nào đó. Chúng ta cứ thử tìm hiểu xem.       

Ngày sa bát -Ngày của Chúa

 Ngày Sabbath trong Cựu Ước 

Chúng ta biết rằng, theo trình thuật Thánh kinh thì Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vạn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy; ngày cuối tuần, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Chữ Sabbath trong ngôn ngữ của  Do Thái có nghĩa là dừng, là nghỉ ngơi, không làm việc như những ngày bình thường. Như vậy, ngày Sabbath là ngày Thánh, đã được Thiên Chúa thiết lập, để cho con người nghỉ ngơi, dừng mọi việc, mà tôn thờ Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên toàn thể vũ trụ vạn vật này và để Thiên Chúa chúc phúc cho dân Ngài. Dù Thiên Chúa làm việc liên lỉ, không cần nghỉ ngơi, nhưng Thiên Chúa thiết lập nên ngày Sabbath là cốt để cho con người được nghỉ ngơi và có sức mà đi tiếp. Có lẽ cũng chính vì mục đích này mà Đức Giê-su đã không ngần ngại nói rõ rằng ngày Sabbath được thiết lập cho con người và vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabbath. Thiên Chúa nghỉ ngơi cốt để cho con dân của Ngài cũng phải được nghỉ ngơi trong Ngài và với Ngài mà phụng thờ Ngài. Trong ngày Sabbath, dân riêng của Thiên Chúa, dùng khoảng thời gian đặc biệt này để sống tình con thảo với Thiên Chúa, bằng các việc như tế lễ, phụng thờ, yêu mến, lắng nghe Lời của Thiên Chúa. Còn Thiên Chúa thì dùng ngày này để sửa dạy, an ủi, khích lệ, hướng dẫn con dân của Ngài. Nhưng ngày Sabbath trong Cựu Ước chỉ là hình ảnh tiên trưng, là sự dọn đường dẫn chúng ta tới ngày mà Đức Giê-su Phục Sinh khải hoàn, đánh bại tử thần để làm Chúa Tể của toàn thể vũ trụ vạn vật này.

Ngày của Chúa – Ngày Cứu độ   

Đức Giê-su đã thực hiện cuộc vượt qua ngày Sabbath của Cựu Ước để dành lại chiến thắng vào ngày thứ nhất trong tuần, để khai mở một tạo thành mới của Tân Ước. Để từ đây, chỉ trong Thiên Chúa là Đức Giê-su Phục Sinh mà thôi, hồn con mới được nghỉ ngơi yên hàn. Chúa Giê-su mới thật sự là chốn nghỉ ngơi muôn đời của con người. Bởi thế, ngày Chúa Phục Sinh luôn được gọi là ngày của Chúa, ngày Chúa nhật, ngày thứ nhất và ngày đầu tuần. Cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Thánh Thần đã tuôn đổ xuống trên các Tông đồ, làm cho các ông trở nên những người hoàn toàn mới, can đảm, mạnh mẽ lên đường để loan báo Tin Mừng Đức Giê-su phục sinh và sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho nhân loại biết về một Thiên Chúa đã đánh bại tử thần, đang ở giữa họ, ở trong họ mọi ngày cho đến ngày tận thế. Ngày Sabbath được Thiên Chúa thiết lập để con người được nghỉ ngơi mà phụng thờ Thiên Chúa trong toàn tâm, toàn lực. Nhưng với ngày Sabbath mới, ngày của Chúa, ngày Chúa Phục Sinh khải hoàn chiến thắng, không chỉ để con người được nghỉ ngơi trong Chúa Giê-su, được thờ Thiên Chúa một cách cụ thể và xứng đáng nơi Chúa Giê-su Ki-tô mà còn được Thiên Chúa cứu độ trong Đức Giê-su Ki-tô. Việc Đức Giê-su cứ hay chữa cho những người bị bệnh trong ngày Sabbath để cho thấy chính Ngài là Chủ của ngày Thánh và ngày Thánh đó phải là ngày con người đến với Thiên Chúa không chỉ để được nghỉ ngơi, bổ dưỡng, tạ ơn và tôn thờ Thiên Chúa mà còn để Thiên Chúa tái tạo, chữa lành và cứu giúp họ khỏi những bệnh hoạn, tật nguyền, quỷ dữ, các thần ô uế, các cơn cám dỗ và nhất là tội lỗi.

Bài đọc thêm: Bốn điểm nổi bật trong cuộc đời thánh Inhã, mẫu gương cho giới trẻ

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến để cứu độ nhân loại, cứu độ chúng con, để đưa dẫn chúng con trở về với Thiên Chúa là Cha của tất cả thế giới vũ trụ vạn vật này, bằng chính cuộc phục sinh khái hoàn của Chúa. Để từ đây, một tạo thành mới được mở ra, mọi thời khắc đều là của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con hiểu và chạm đến được điều mà thánh Phao-lô đã chạm ” không phải là tôi sống mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”. Nhờ đó, chúng con biết tận dụng mọi thời khắc trên trần gian này mà mà phụng thờ yêu mến Chúa và làm cho mọi người cũng nhận biết và tôn thờ Chúa như chúng con. Để nhờ đó, chúng con được Chúa thương cứu độ trong mọi ngày sống và cả cuộc đời của mỗi người chúng con. Amen.

Lm Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn: svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!