Chúng ta biết rằng Đức Giê-su là trung tâm điểm của lòng tin Ki-tô giáo, cũng là mặc khải, và là tiếng nói chung cục, tròn đầy nhất của Thiên Chúa dành cho nhân loại và toàn thể thế giới, vũ trụ vạn vật. Vậy thì trung tâm điểm hay đỉnh điểm mà Đức Giê-su muốn mặc khải cho nhân loại là gì ? Xin thưa đó chính là tình thương của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại và thế giới đã được Người tạo ra.
Tình thương của Thiên Chúa !
Nếu chúng ta ý thức nhìn lại tất cả những gì Đức Giê-su đã giảng dạy, đã sống, đã chết, đã thể hiện, thực hiện trong suốt cuộc đời tại thế của Ngài thì dễ dàng nhận ra tình thương của Thiên Chúa vẫn là trọng tâm, là tiêu điểm, là đỉnh điểm quan trọng nhất của tất cả toàn bộ mặc khải. Tình thương đó được Đức Giê-su diễn tả cách cụ thể, sống động qua những thái độ lời giảng dạy giáo huấn và nhất là những việc làm của chính Ngài. Giờ đây, chúng ta hãy để cho Lời Chúa mà Tin Mừng vừa công bố minh chứng, diễn giải về sứ điệp này : “Khi Đức Giê-su thấy một đoàn người đông đảo, thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, 34). Đối diện với đám đông dân chúng đi theo mình, Đức Giê-su nhận ra họ là những người đang sống trong tình trạng tất bạt, bơ vơ, không có ai hướng dẫn họ. Chỉ những ai có sự quan tâm, bận tâm thực sự về những đối tượng mới có được cái nhìn trực giác sâu xa về tình trạng của đối tượng. Hiểu rõ tình trạng đó, Đức Giê-su đã dành thời gian để dạy dỗ họ nhiều điều và chắc chắn là những điều cần thiết cho đám đông dân chúng này. Rồi khi các môn đệ nói với Ngài : “Nơi đây hoang vắng và giờ đã muộn, xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” (Mc 6, 35-36). Nhưng Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6, 37). Các môn đệ làm gì có được số bánh cho cả chục ngàn người ăn như thế. Nếu các ông có tiền để mua thì mua đâu trong nơi hoang vắng này để có đủ số bánh đó. Đấy là chưa kể đến việc các môn đệ đi theo Đức Giê-su thì làm gì có tiền. Đức Giê-su thừa biết điều đó nên liền hỏi các ông : “Anh em có mấy chiếc bánh ? Đi coi xem !” (Mc 6, 38). Sau khi biết rõ có năm chiếc bánh và hai con cá thì Đức Giê-su đã làm cho số bánh và cá đó hoá nhiều đến nỗi số người ăn no nê là khoảng năm ngàn người đàn ông, còn trẻ em và đàn bà thì không tính, mà ăn xong, đi thu gom những mảnh bánh và cá còn dư được mười hai thúng đầy. Đức Giê-su muốn cho chúng ta và các môn đệ cũng phải chia sẻ những gì mình có, thì Chúa sẽ làm cho những gì mà mình chia sẻ đó sẽ ra dư thừa thoải mái cho những người khác được hưởng dùng. Quả thật, tình thương của Thiên Chúa, nơi Đức Giê-su được thể hiện không chỉ ở sự hy sinh, chia sẻ những gì mình có mà còn làm cho người khác cũng biết mở lòng ra để có thể trao ban, chia sẻ những gì họ có cho những người đói khát quanh ta. Đó là cách mà Đức Giê-su đã chọn để đào tạo nên những môn đệ, những chứng nhân của tình thương. Đúng là chỉ có tình thương mới sinh ra được tình thương và làm cho tình thương đó ngày càng lan tỏa và nhân rộng ra cho nhiều người.
Bài đọc thêm: Thiên Chúa Toàn năng và Chạnh thương
Chứng nhân của tình thương !
Thánh Gioan Tông đồ khi đối diện với những gì Đức Giê-su đã làm cho mình, cho nhân loại, đã phải thốt lên rằng : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16) và tuyên xưng mình là người môn đệ được Chúa thương. Cũng nhờ những xác tín, trải nghiệm về tình thương của Thiên Chúa dành cho mình mà thánh nhân đã bước theo Thầy Giê-su cho đến tận đồi Can-vê để đón nhận những trăng trối cuối cùng của Thầy. Đặc biệt hơn nữa, Thánh Gioan đã thật sự trở một môn đệ, một chứng nhân đích thực của tình thương. Trong Tin Mừng và các thư của mình, Gioan đã dùng rất nhiều hình ảnh, ngôn từ để chỉ nói về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người một cách ví von, cụ thể : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đặc biệt trong thư thứ nhất, ngài viết : “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4, 7-9). Thánh kinh đã nói : lòng có đầy thì miệng mới nói ra ngoài. Cứ nghe những lời của Gioan đã được diễn tả qua những bức thư của ngài, chúng ta có thể nhận ra một trái tim, một con người được thẫm đẫm bởi tình yêu của Thiên Chúa và cứ vậy mà tuôn trào ra ngoài như vậy. Thánh nhân không chỉ là chứng nhân cụ thể và sống động của Thiên Chúa tình thương qua những quả quyết, tuyên tín, xác tín, mà còn qua chính cuộc sống hy sinh, dấn thân hết mình để mở rộng vương quốc tình yêu đến với những người khác. Cuộc đời của thánh Gioan Tông đồ như một tấm bánh của Thiên Chúa đã được bẻ ra cho muôn người.
Cầu nguyện với Chúa Cha !
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng ta cảm tạ Cha đã ban Chúa Giê-su là quà tặng, là hiện thân, là dung mạo tình thương của Cha cho chúng con. Nhờ đó, chúng con mới biết được Thiên Chúa là Tình Yêu; chúng con mới dám đến gần với Cha. Xin Cha tiếp tục ban ơn trợ giúp cho mỗi chúng con, để chúng con có thể sống được giới luật yêu thương mà Đức Giê-su đã truyền dạy và trở nên những chứng nhân sống động của một Thiên Chúa tình thương giữa lòng thế giới hôm nay như thánh Gioan Tông đồ đã làm gương cho chúng con. Chúng con xin tạ ơn Cha hết lòng. Amen.
Bài đọc thêm: Nhân chứng về tình yêu thương của Chúa và Đức Mẹ
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo