Với câu hỏi không mấy thiện chí của một người thông luật về giới răn nào quan trọng nhất trong tất cả lề luật của Môi-sê, Đức Giê su đã trả lời rằng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môi-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 37-40). Vị Chân phúc người cùi của Dòng Chúa Cứu Thế tại Châu Mỹ, Phê-rô Donders đã sống giới răn qua trọng nhất này thật dũng mạnh, qua hai việc làm cụ thể: kiên trì cầu nguyện liên lỉ và hiến thân quên mình vì những người nghèo.
Kiên trì cầu nguyện liên lỉ !
Chúng ta biết rằng tình yêu luôn thúc bách người ta phải gặp gỡ tâm sự với đối tượng mà họ yêu; nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Phê-rô Donders là một người như vậy. Dù gia cảnh nghèo khổ, ít học, sức khỏe ốm yếu, gầy còm, nhưng khát vọng hiến thân để phục vụ Thiên Chúa chưa bao giờ ngưng nghỉ nơi vị Chân phúc này. Dù mới chỉ mười hai tuổi mà phải nghỉ học để phụ giúp bố quản lý xưởng dệt may, cậu thiếu niên này vẫn không nản chí bỏ cuộc, vẫn bám chặt vào Thiên Chúa qua những giờ cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể. Ngay cả khi công việc rất bận rộn, cậu thiếu niên này vẫn giữ được mối tương quan thân nghĩa với Thiên Chúa bằng việc kết hợp cầu nguyện với công việc. Rồi khi Phê-rô Donders được đón nhận vào chủng viện, không có tiền học để đóng, chàng trai này vẫn không nản chí và càng cầu nguyện nhiều hơn. Sau một thời gian, chàng trai này đã can đảm trình lên cha Bề trên của chủng viện nguyện ước muốn được ra đi truyền giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa và được gợi ý xin gia nhập vào một dòng tu nào đó, chàng đã lên đường đi tìm và gõ cửa ba dòng tu lớn; đó là dòng Tên, dòng Phanxicô và dòng Chúa Cứu Thế, nhưng đều bị chối từ bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, Phê-rô Donders vẫn không từ bỏ ý định của mình, vẫn chuyên chăm bám chặt vào Thiên Chúa trong các giờ cầu nguyện. Rồi khi có vị đặc trách truyền giáo ở Surinam đến thăm chủng viện và gợi ý mời gọi các chủng sinh dấn thân cho sứ vụ tại vùng đất mới này thì chỉ có một mình Phê-rô Donders tình nguyện xung phong và được Đức Giám Mục hân hoan chào đón. Và khi đến mảnh đất đất lạ này với những khó khăn đến từ khí hậu, văn hóa, con người… nhưng không làm cho vị thừa sai này chùn bước. Càng khó khăn thử thách thì nhà Thừa sai càng bám chặt vào Thiên Chúa và Đức Mẹ qua đời sống cầu nguyện liên lỉ.
Bài đọc thêm: Lời cầu xin rất hiệu nghiệm
Hiến thân cho người nghèo khổ !
Chính tình yêu dành cho Thiên Chúa đã thúc bách cha Phê-rô Donders hiến trọn 44 năm cho những người bị phong cùi, nô lệ, da đen, da đỏ không mệt mỏi. Đối diện với một thực trạng bất công của những chủ đồn điền thực dân tham lam, bóc lột, đày đọa và chà đạp, xúc phạm đến phẩm giá của con người, nhất là những dân bản xứ, ít học, những người nô lệ với đủ các thứ tệ nạn xã hội như bài bạc, nghiện ngập, mại dâm, mê tín, đồng bóng, ma thuật, cha đã phải can đảm lên tiếng, vạch trần những tệ nạn, tội ác này, để bảo vệ cho những người nô lệ, nghèo khổ, bất chấp những nguy hiểm đến từ những chủ đồn điền và cả những đối tượng nguy hiểm khác. Cha mở các lớp giáo lý, ngồi toà giải tội, đi thăm viếng các gia đình, cha đến các bệnh viện thăm những người bị dịch sốt rét vàng da vào năm 1851, một ngày hai lần và cha cũng bị nhiễm luôn. Sự hy sinh tận tụy với tình yêu chân thành của cha Phê-rô đã hoán cải và chinh phục được nhiều người trở về với Thiên Chúa. 26 năm ở chung với người cùi ở trại Batavia, cùng với việc cầu nguyện, dâng lễ cho họ hàng ngày, cha còn đến các trại thăm hỏi, chuyện trò, rửa lau, băng bó cho các bệnh nhân. Rồi sau đó, cha mời gọi họ cùng lần chuỗi mân côi, cầu nguyện với Đức Mẹ Maria dưới chân Thánh giá ở giữa trại. Một chứng nhân thời đó đã nói rằng: “cả trại là nhà nguyện của cha, nhà xứ của cha, vì cha không đến đây để giam mình trong phòng thánh hay thu phục cảm tình của bệnh nhân qua lớp khăn chống nhiễm trùng“. Cha đã dành cho những con người khổ đau bất hạnh này một tình yêu thương chân thành với sự tôn trọng phẩm giá của họ. Chỉ có tình yêu nồng cháy trong trái tim cha mới giúp cha vượt thắng được những khó khăn nguy hiểm này và làm cho tâm hồn của những con người này được sưởi ấm phần nào. Có những lần cha đã đi sâu vào những khu rừng già để tiếp cận với những người da đen da đỏ đã lập thành băng đảng để cướp phá các đồn điền, trang trại. Có lần cha bị dí dao vào người nhưng vẫn thản nhiên rửa tội cho người khác. Dù đã dấn thân như vậy, nhưng cha Phê-rô Donders vẫn chưa mãn nguyện. Khi Dòng Chúa Cứu Thế được sai đến truyền giáo ở vùng Surinam này, cha Phê-rô Donders đã tìm gặp cha bề trên để được xin gia nhập vào Dòng Chúa Cứu Thế khi cha đã bước vào tuổi 57. Lòng ngưỡng mộ tinh thần truyền giáo của cha thánh Alfonso vẫn nung đốt, thôi thúc cha. Và lần này thì cha Phê-rô Donders đã được gia nhập và khấn dòng ở tuổi 58. Nếu không có một tình yêu say đắm dành cho Thiên Chúa và những con người nghèo khổ, khốn cùng trong xã hội, thì làm sao cha Phê-rô có thể làm được những điều vĩ đại cao cả đáng phục như vậy !
Cầu nguyện cùng cha Phê-rô !
Thân lạy Chân phúc Phê-rô đáng kính, hôm nay, mừng ngày cha đã hoàn thành sứ mạng nơi trần gian này để trở về với Thiên Chúa tình yêu. Chúng con xin hợp với cha để cảm tạ tri ân Thiên Chúa về tất cả những gì mà Người đã thương ban cho cha. Chúng con xin cha Phê-rô Donders tiếp tục chuyển cầu cho chúng con, cho Dòng Chúa Cứu Thế trên khắp thế giới luôn biết noi gương cha mà can đảm dấn thân hơn nữa cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho những con người khổ đau bất hạnh nhất. Nhờ đó, ơn cứu độ chứa chan nơi Đức Ki-tô mới được tuôn trào cho những người khác. Chúng con luôn biết ơn cha nhiều. Amen.
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn: svconggiao.net