Icon Collap
...
Trang chủ / Kẻ thù truyền kiếp là ai vậy !

Kẻ thù truyền kiếp là ai vậy !

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa nhật thứ tư, Mùa Thường Niên, một lần nữa nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta phải luôn biết đề phòng, canh chừng về một kẻ thù truyền kiếp vô cùng nguy hiểm của con người; kẻ thù đó chính là những định kiến, tức là những cái nhìn cố định, không thể thay đổi được của chúng ta về một đối tượng, một thực thể hay một con người. Những gì mà dân làng Nazareth đối xử với Đức Giê-su và lời tuyên bố của Ngài :” Không một ngôn sứ nào được nổi danh nơi quê hương mình” là một trong những minh chứng cụ thể cho thấy nguy hiểm của những định kiến này. Để có được cái nhìn sâu sắc hơn về kẻ thù này, chúng ta cùng suy xét, cầu nguyện với sự hướng dẫn của Lời Chúa và Chúa Thánh Thần.

kẻ thù truyền kiếp là ai vậy !

Định kiến đóng khung người ta!

Chúng ta biết rằng con người là một huyền nhiệm mà ngay cả chính chúng ta đã nỗ lực cố gắng và rất muốn biết về mình mà vẫn không sao hiểu được về mình. Sự thật mà chúng ta biết được về bản thân mình thì quá ít so với những gì chúng ta chưa biết được về chính mình. Ngay cả khi chúng ta được thành thai trong dạ mẹ cho đến khi chúng ta được chào đời, có biết bao điều đã xảy đến với mẹ của chúng ta và tác động ảnh hưởng trên chúng ta rất lớn, nhưng ít người hiểu được sự thật này. Vậy mà có nhiều người lại tự cho mình đã hiểu được người nọ, người kia, dù chỉ có một vài lần tiếp xúc với họ. Vả lại, vạn vật đều thay đổi huống chi là con người. Thế mà, có khi chỉ một lần tiếp xúc hay một thời gian sống gần nhau, nhất là có những xung đột và chạm với nhau, trong ta đã có một suy nghĩ cố định về người đó rồi. Bởi thế, sau bao tháng ngày gặp lại, dù đối tượng đã có nhiều thay đổi, nhưng trong ta thì con người đó vẫn y như cũ. Chúng ta đã đóng khung những người đó như những vật thể đã chết, không thể nào thay đổi được nữa. Thật là phi lí nhưng lại là một sự thật mà nhiều người đã vướng phải và khó có thể thoát ra được.

Những ví dụ trong Kinh thánh!

Đức Giê-su vừa trưng dẫn hai ví dụ cụ thể và ngay cả chính bản thân Ngài cũng trở thành nạn nhân của những định kiến này. Tin mừng thuật lại việc Đức Giêsu vào hội đường Nazareth, sau khi đọc sách ngôn sứ Isaya đã khiến cho những cử tọa trầm trồ khen ngợi, thán phục. Nhưng họ liền nói :”Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ?” Đức Giê-su hiểu rõ tâm tư thái độ mỉa mai của những người này nên nói rõ :”hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-pha-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào? Đức Giê-su còn đưa ra hai trường hợp khác khi nói :”Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Elia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà góa nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xa-rep-ta, miền Sidon.
Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Elisa, thiếu gì những người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi”. Như vậy, Đức Giê-su đã đưa ra những chứng nhân cụ thể, cho thấy những cái nhìn, những suy nghĩ đóng khung người khác, khiến cho lòng tin bị tắc nghẽn, và người ta không sao có thể đón nhận được những gì là kỳ diệu, tốt đẹp nơi người khác. Vì dân làng Nazareth đã sống với Đức Giê-su đã lâu nên trong đầu họ Đức Giê-su dù có nổi tiếng ở đâu thì nổi, còn chúng tôi không tin những gì mà người ta đồn thổi về ông. Ông vẫn chỉ là con ông Giuse nghèo khổ trong làng này ai mà chẳng biết. Có khoác lác thì đi đâu mà khoác lác, còn về đây thì chẳng có ai tin đâu.

Câu chuyện của chúng ta !

Những định kiến, những cái nhìn đóng khung người khác, đóng khung chính mình, nhất là đóng khung Thiên Chúa như một vật thể bất động, đã chết sẽ khiến cho chúng ta trở nên mù loà, tăm tối, bi quan, chán nản, khiến cho chúng ta trở nên lẩn thẩn, không còn nhìn thấy được những điều kỳ diệu bất ngờ, mới mẻ vẫn xảy ra thường xuyên nơi con người và nơi Thiên Chúa. Đây chính là tình trạng đáng sợ và đáng thương cho chúng ta. Liệu chúng ta có thể có được liệu pháp nào mà thoát ra khỏi tình trạng khốn khổ này không ? Những câu nói nổi tiếng như ” không ai tắm hai lần trong một dòng sông” cũng cốt để nhắc chúng ta cẩn trọng mà thoát ra khỏi những định kiến về người khác, về chính mình và về với Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta không được chủ quan nghĩ rằng mình không rơi vào tình trạng này.
Thay vào đó, chúng ta cần phải suy xét kỹ về những định kiến nơi mình để xem chúng đến từ đâu, từ người nào, từ biến cố nào, từ lúc nào, để đào đổ tất cả những ký ức của những người khác đã áp đặt lên mình, của người khác áp đặt lên người khác và của bản thân mình áp đặt lên người khác thì mới có thể thoát ra khỏi tầm khống chế, điều khiển của những ký ức này trên con người của ta được. Chúng ta cần ý thức rõ những gì mà chúng ta tự nhận là của mình phần lớn là của những người khác áp lên chúng ta trực tiếp hay gián tiếp. Phải kiên nhẫn tống khứ tất cả những ký ức xấu đó ra khỏi tâm trí của mình thì mới có thể thoát ra khỏi những định kiến cố hữu được. Lý thuyết thì là như vậy, nhưng thực tế thì rất khó thoát ra khỏi những định kiến này được. Chúng ta cần phải có ơn trợ giúp của Thiên Chúa và nỗ lực quyết tâm đến cùng của chính mình thì mới hy vọng thoát ra khỏinhững định kiến này được.

Cầu nguyện với Chúa Giê-su!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã bị những định kiến của người đồng hương đóng khung lại và từ chối những điều cao quý nhất Chúa muốn làm cho họ. Chúa đón nhận và cảnh báo cho chúng con biết được sự thật đau lòng này. Để nhờ đó, chúng con đủ sức đón nhận những gì sẽ xảy đến với chúng con nơi những người thân cận và sẽ cố gắng để hóa giải những định kiến của chúng con về người khác, về chính bản thân mình và về chính Chúa. Ngõ hầu chúng con luôn đón nhận được nhiều điều kỳ diệu, mới mẻ nơi bản thân, nơi người khác và nơi Thiên Chúa. Chúng con tạ ơn Chúa Giê su rất nhiều. Amen.

Bài đọc thêm: Hãy là một cây đèn tỏa sáng !

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn: svconggiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!