Một trong những điểm tương đồng giữa Kitô giáo và đạo hiếu của Á đông, nhất là với người Việt Nam chính là lòng hiếu kính dành cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Hiểu rõ điều đó, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn ngày mùng hai Tết để tôn thờ Chúa Con và cầu nguyện đặc biệt cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên; những người còn sống cũng như những người đã được an nghỉ trong Chúa. Đây cũng là cơ hội rất thuận tiện, để cho con cháu được diễn tả lòng hiếu kính dành cho những Đấng sinh thành, dưỡng dục và nhất là để đào sâu sự hiểu biết này. Nhờ đó, chúng ta có thể sống tốt hơn lòng hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Giới luật của Thiên Chúa !
Thánh Kinh nói rõ cho chúng ta biết : hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên là giới luật thứ tư trong mười giới luật của Thiên Chúa đã được trao ban cho con người. Nói đến luật là nói đến sự bắt buộc phải thực hiện, phải làm. Nếu mà không làm thì đã phạm tội. Chúng ta biết rằng giới luật do con người tạo ra thì trong một số hoàn cảnh có thể châm chước được. Nhưng giới luật của Thiên Chúa tạo ra thì không thể không thực hiện. Trong mười giới luật, thì có ba giới luật đầu được ưu tiên được dành cho Thiên Chúa và giới luật hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên được đặt ngay sau ba giới luật này và đứng trước cả giới luật cấm giết người. Như vậy, chúng ta thấy rõ giới luật này có vị trí quan trọng như thế nào trong cái nhìn của Thiên Chúa. Hơn nữa, hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên còn là một điều kiện phải có để người ta mới được vào hưởng sự sống đời đời trong Vương Quốc của Thiên Chúa.
Nhưng chính con người, cụ thể là những người Do Thái đã lập nên cái được gọi là truyền thống tiền nhân, để phá hoại lòng hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên. Và chính Đức Giê-su đã đến, để đưa giá trị giới luật này trở về với vị trí nguyên thủy mà Thiên Chúa đã ấn định. Tin mừng cho chúng ta thấy rõ rằng, khi mà những người Pha-ri-sêu thắc mắc các môn đệ của Ngài không giữ tập tục của tiền nhân, không rửa tay trước khi dùng bữa thì Đức Giê-su đã trả lời rất rõ là :”Tại sao các ông lại dựa vào truyền thống của các ông mà lại vi phạm điều răn của Thiên Chúa ? Quả thế, Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì sẽ bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo : Ai nói với cha mẹ rằng : những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm đáng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời của Thiên Chúa”(Mt 15,3-6). Câu trả lời này cho thấy rõ chủ đích của Đức Giê-su không phải là chuyện rửa tay mà là lòng hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên. Không những thế, Đức Giê-su còn làm gương cho nhân loại biết mà bắt chước trong việc sống lòng hiếu kính với Thiên Chúa là Cha của Ngài, với thánh Giuse – Người cha nuôi và với Mẹ Maria – Đấng đã cưu mang và sinh hạ Đức Giê-su.
Đạo hiếu tại Á đông và Việt Nam !
Có lẽ không chỉ ở Á đông, ở Việt Nam mà trong các nền văn hóa khác, lòng hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên là một trong những giá trị phổ quát được trân trọng, phổ biến và thực hành nhiều nhất. Tuy nhiên, cách diễn tả lòng hiếu kính đó không hoàn toàn giống nhau. Riêng tại Việt Nam đạo hiếu được xem như một sợi chỉ đỏ, một vòng xích nối kết, liên kết và cầm giữ các mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình, gia tộc được bền chặt nhất và góp phần rất lớn trong việc duy trì ổn định trật tự xã hội. Đạo hiếu thường được hiểu theo nghĩa tích cực bao gồm lòng biết ơn, kính yêu và sự phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ ông bà tổ tiên. Vì nhờ cha mẹ ông bà tổ tiên mà mỗi người đã được sinh ra, được nuôi dưỡng, được giáo dục để trở thành người và biết cách để làm một con người đúng nghĩa. Đứng trước công ơn trời biển đó thì con cái phải biết ơn và sống tình con thảo, biết kính trên nhường dưới, biết kính trọng và yêu mến những đấng bậc đã sinh thành và dưỡng dục ra ta. Điều này thật phải đạo, hợp lý, hợp tình cách hiển nhiên.
Vì thế, mỗi người con không chỉ đối xử tốt với cha mẹ ông bà tổ tiên, giữ vững và phát huy đúng lễ nghĩa gia phong mà còn tuân giữ sự hiếu kính này như là một tín ngưỡng tâm linh nữa trong đời sống thường nhật, nhất là trong những dịp hôn nhân, ngày tết, giỗ chạp, mừng thọ… để diễn tả việc uống nước nhớ nguồn. Đạo hiếu của người Việt Nam thường được diễn tả qua ba việc cụ thể, quan trọng sau đây là vâng lời, phụng dưỡng và thờ cúng cha mẹ ông bà tổ tiên. Thế nhưng, do những biến chuyển dữ dội về kinh tế, xã hội và tư tưởng mà đạo hiếu đang bị biến dạng và xuống cấp dần. Bởi thế, việc tìm về cội nguồn của đạo hiếu trong truyền thống của Thánh kinh là vô cùng cần thiết. Những giá trị của con người có thể thay đổi. Nhưng những huấn lệnh của Thiên Chúa thì không phải như vậy. Khi con người biết kính sợ Thiên Chúa thì lòng hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên sẽ được cầm giữ và phát huy mãi. Còn nếu chỉ dựa vào sức riêng của mình để tuân giữ những giá trị chỉ thuần túy mang tính con người thì sẽ không thể bền vững mãi được. Nếu như người ta hiểu được đạo hiếu được bắt nguồn từ Thiên Chúa như Thánh kinh đã nói thì chắc chắn đạo hiếu của người Việt Nam không những được cầm giữ, phát huy mà còn có thế giá và được tôn trọng hơn.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến làm người không chỉ để cứu độ chúng con mà còn để làm gương và dạy cho chúng con biết sống lòng hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên. Chúng con xin tạ ơn Chúa rất nhiều. Xin Chúa soi trí và mở lòng cho chúng con hiểu được gốc rễ của đạo hiếu là bắt nguồn từ Thiên Chúa, để chúng con không những sống lòng hiếu kính với cha mẹ ông bà tổ tiên cách quyết liệt hơn mà còn biết sống lòng hiếu kính với Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng con cách chân thành và cụ thể hơn. Amen.
Bài đọc thêm: Một nền hòa bình đích thực!