Icon Collap
...
Trang chủ / Họ cũng chẳng chịu tin !

Họ cũng chẳng chịu tin !

Lòng tin là nền tảng căn bản, là cầu nối không thể thiếu được giữa con người với nhau và con người với những thực thể khác; nhất là với thế giới linh thiêng. Vì thế, đã là người thì không ai sống được mà không có lòng tin. Tuy nhiên, lòng tin đó được đặt trên nền tảng nào mới là quan trọng. Với người Kitô hữu thì nền tảng mà lòng tin của họ được xây nên là chính Đức Giê-su Ki-tô – Vị Cứu Chúa đã nhập thể làm người, đã rao giảng, hy sinh chính mình và phục sinh vinh hiển để làm chứng cho những gì Ngài đã rao giảng. Mà tin vào Đức Giê-su Ki-tô tức là đón nhận lấy Ngài làm Chúa thật của mình và tuân theo những gì mà Ngài đã truyền dạy cho chúng ta. Vậy chúng ta cùng suy gẫm và cầu nguyện về những chân lý của Đức Giê-su trong Tin Mừng được công bố về dụ ngôn “Người phú hộ và ông Lazaro”.

Họ cũng chẳng chịu tin !

Bốn chân lý về Tứ chung !

Với dụ ngôn đặc biệt này, bốn sự thật cuối cùng về con người được Đức Giê-su trình bày một cách cụ thể, sống động và dễ hiểu.Trước hết là cái chết. Ông phú hộ giàu có, ngày ngày yến tiệc linh đình và ông Lazaro nghèo xơ nghèo xác, ngày nào cũng ngồi ăn xin ở nhà ông phú hộ, cuối cùng cũng đều phải chết. Không chỉ có ông phú hộ và ông Lazaro mà tất cả chúng ta, đã là con người thì giàu hay nghèo, sang hay hèn, thì sớm muộn gì cũng phải chết.Tử thần không buông tha một người nào. Đây là chân lý thứ nhất. Chân lý thứ hai là phán xét. Sau khi con người tắt thở thì linh hồn của họ không chết mà vẫn sống và sống bất diệt. Vậy thì linh hồn đi đâu, ở đâu sau khi con người tắt thở ? Đức Giê-su nói cho chúng ta biết linh hồn phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét về tất cả những gì mà họ đã làm khi còn sống ở trần gian này, chứ không phải đi lung tung, sống vất vơ vất vưởng hay nhập vào người này, người kia như một số người đã tin như vậy. Chân lý thứ ba là thiên đường. Có người cho rằng thiên đường chỉ là sản phẩm của sự phóng chiếu do con người tạo ra. Nhưng với các tín hữu Công giáo thì không phải tin như vậy. Cung lòng của Tổ phụ Abraham là biểu tượng của thiên đường, vì vào thời điểm mà Đức Giê-su nói dụ ngôn này, cửa thiên đường đang bị đóng lại, sau khi Nguyên tổ phạm tội không vâng phục lời dạy của Thiên Chúa. Sau này, chính Đức Giê-su đã nói với người trộm cướp biết thống hối ăn năn rằng : “Hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đường với Ta”. Chân lý thứ tư là hoả ngục. Ông phú hộ đã phải sa hoả ngục đời đời và phải chịu muôn cực hình trong đó mà không sao có thể ra khỏi được. Sở dĩ ông phải sa hoả ngục là bởi vì ông đã sống một cuộc đời ích kỷ mà không hề biết đến người nghèo khổ đang chờ đợi từng miếng ăn thừa của ông. Ông đã sống vô tâm, vô cảm mà không có một chút bận tâm hay chạnh thương với ông Lazaro. Vì thế, ông phải chịu sự trừng phạt vì đã không nghe lời Thiên Chúa răn dạy là phải yêu thương người thân cận như chính mình. Tóm lại, Đức Giê-su đã nói rõ cho chúng ta biết về bốn chân lý cuối cùng của con người là : chết, phán xét, thiên đường và hoả ngục.

Nhưng người ta vẫn không tin !

Rõ ràng ông Môi-sê và các Ngôn sứ là những người vâng lời Thiên Chúa để truyền lại những gì Thiên Chúa đã nói cho các ông, trước khi Đức Giê-su được sai đến trần gian. Vì thế, lời mà ông Môi-sê và các Ngôn sứ truyền dạy chính là lời của Thiên Chúa. Nhưng ông phú hộ giàu có cũng như những người anh em của ông đã vứt bỏ ngoài tai những lời dạy này. Tuy nhiên, ông phú hộ này, trong giờ đau khổ vẫn biết nghĩ về những người anh em của ông và muốn xin Tổ phụ Abraham cho người đến báo cho họ, nhưng kết quả đâu được như lòng ông mong muốn : “Lạy Tổ phụ, vậy thì con xin Tổ phụ sai anh Lazaro đến nhà cha con, vì con hiện còn có năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! Ông Abraham đáp :”Chúng đã có Môi-sê và các Ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói : “Thưa Tổ phụ Abraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Abraham đáp : “Môi-sê và các Ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16,27-31). Như vậy, Đức Giê-su đã khẳng định rõ ràng giá trị của lời Thiên Chúa đã được phán dạy qua Môi-sê và các Ngôn sứ là rất đáng tin cậy. Không cần đến một sự trợ giúp nào khác, cũng không có chuyện cho người chết trở về để làm chứng hay cảnh cáo cho những người cứng lòng không tin vào lời của ông Môi-sê và lời của các Ngôn sứ.Chết, phán xét, thiên đường và hoả ngục là những thực tại mà chính Thiên Chúa, qua Môi sê và các Ngôn sứ đã nói rõ cho con người. Thế còn chúng ta thì sao? Lời của Đức Giê-su Ki-tô nói với chúng ta có thế giá và đáng tin hơn cả Môi sê và các Ngôn sứ không? Đức Giê-su không những dùng lời mà còn làm báo dấu lạ điềm thiêng, nhất là đánh bại tử thần bằng cuộc phục sinh vinh hiển của Ngài để cho chúng ta có được nền tảng vững chắc mà tin vào Thiên Chúa. Thế mà có nhiều người trong chúng ta, đến bây giờ vẫn không chịu tin, còn nghi ngờ và không đón nhận những gì Đức Giê-su đã truyền dạy cho chúng ta. Đúng là một sự cứng lòng tin.

Cầu nguyện với Chúa Giê-su !

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói rõ cho chúng con biết về những sự thật căn bản cuối cùng của con người là sự chết, phán xét, thiên đường và hoả ngục và cả tội nguy hiểm khiến cho nhiều người phải sa vào chốn cực hình muôn kiếp là tội thờ ơ, vô cảm, vô tâm trước những nỗi khổ đau, khốn cùng của những con người bất hạnh. Chúng con cảm tạ tri ân Chúa rất nhiều. Chúng con xin Chúa đến chữa lành căn bệnh nguy hiểm này nơi nhiều người trong chúng con, để chúng con luôn biết quan tâm chăm lo cho những anh chị em nghèo khổ đang sống chung quanh chúng con. Amen.

Bài đọc thêm: Đấng bảo vệ che chở Hội Thánh !

Lm. Gioan Lưu ngọc Quỳnh, CSsR

Nguồn: svcongiao.net

Bình luận
error: Content is protected !!