Sau một thời gian ra đi thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng ở nhiều vùng miền khác nhau, danh tiếng của Đức Giê-su đã được nhiều người biết đến. Ngài trở về quê hương mình là Nazareth, để loan báo Tin Mừng cho cư dân ở đây. Nhưng, những lời giảng dạy của Đức Giê-su nơi đây đã không được cư dân đón nhận. Bởi thế, Đức Giê-su đã nói một câu, khiến cho người ta phải suy nghĩ : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4,24). Vậy thì nguyên do bởi đâu mà ngôn sứ lại không được đón nhận nơi quê hương mình ? Chúng ta cùng cầu nguyện và suy gẫm, để hiểu được sứ điệp mà Đức Giê-su muốn nói.
Canh chừng những định kiến !
Xét về phương diện tâm lý, chúng ta có thể hiểu rằng tính ích kỷ nơi mỗi người là một thực tại có thật, đã được cắm rễ sâu trong nhân cách của con người. Bởi vậy, khi thấy một người đồng hương đạt được thành công, thay vì mừng vui cho họ, thì người ta lại thường nổi những cơn ghen mà lấy làm tức tối, khó chịu với người được thành công này. Cùng với tính ích kỷ, con người có cả những định kiến, thành kiến ảnh hưởng, tác động và chi phối, càng khiến cho các ngôn sứ, không được đón nhận nơi quê hương và người nhà của mình. Người ta vẫn nhận thấy tình trạng “Bụt nhà không thiêng”. Nhưng hỏi lý do tại sao thì người ta không giải thích được. Song tất cả hiện tượng này xảy đến đều do những cái nhìn cố định, thậm chí là những cái nhìn tiêu cực, không mấy thiện cảm của người ta về một con người hay một thực tại nào đó, đã bị đóng khung cố định rồi, không thay đổi được nữa. Dẫu người ta vẫn thường nói với nhau rằng : “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông” để nói lên một sự chuyển dịch, thay đổi liên tục của vạn vật, nhưng trong thực tế thì người ta lại hay đóng khung một con người hay một thực thể nào đó, cho vào trong hộp, xem như là một vật chết rồi và không bao giờ thay đổi nữa. Chính vì vậy mà không chỉ các ngôn sứ mà cả những người làm quan lớn, chức này, chức nọ, nhưng về quê mình thì vẫn không được đón tiếp. Bên cạnh đó, việc các ngôn sứ không được người ta đón nhận nơi quê hương mình, còn do ảnh hưởng, tác động của chủ nghĩa duy vật.
Bài đọc thêm: Chúa ơi ! Sao con người ta lại ích kỷ đến vậy ?
Canh chừng não trạng duy vật !
Chúng ta đang sống trong một thế giới bao gồm những thực thể hữu hình và vô hình hay thế giới vật thể và phi vật thể. Đó là chân lý. Nhưng với những người sống theo chủ nghĩa duy vật, vô thần thì tất cả thế giới này chỉ là vật chất mà thôi, chả có thần thánh nào cả. Thần thánh chỉ là những sản phẩm do chính con người tạo ra để phóng chiếu, làm thoả mãn những khát vọng mà trong cuộc sống đời này không đạt được. Do ảnh hưởng của não trạng duy vật vô thần, mà nhiều người đã đánh mất cảm thức về sự hiện hữu của những thực thể tinh thần siêu việt mà các giác quan không chạm tới được. Cũng giống như Na-a-man, vị quan người xứ Xy-ri, bị phong hủi đầy mình, khi nghe ngôn sứ Elisa bảo xuống sông Gio-đan tắm bảy lần thì lấy làm tức tối, khó chịu. Ông cho rằng con sông Gio-đan này chẳng đáng là gì so với những con sông ở Đa mát. Trong đầu ông nghĩ rằng : “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phong hủi mà chữa khỏi. Nước các sông A-va-na và Pác-pa ở Đa mát chẳng tốt hơn tất cả những con sông ở It-ra-en sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch sao?” (2 V 5, 11-13). Ông Na-a-man chỉ thấy con sông là con sông mà không thấy được con sông mà vị ngôn sứ bảo ông xuống tắm khác với các con sông ở những nơi khác về điểm nào. Nhưng nhờ lời khuyên của những người tùy tùng mà ông đã xuống sông Gio-đan tắm bảy lần và kết quả là da thịt ông được mới lại và phong hủi biến mất. Nhờ đó mà ông đã thoát ra khỏi não trạng duy vật và tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa của Ít-ra-en vĩ đại. Vì vậy, chúng ta phải canh chừng não trạng duy vật, vô thần, để có thể nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động trong thế giới này qua những con người, những thực tại hữu hình của thế giới này.
Bài đọc thêm: Não trạng duy vật
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su, nhân việc Chúa bị những người Nazareth chối từ những lời giảng dạy, Chúa đã chỉ cho chúng con thấy trước sự chối từ của những người đồng hương dành cho các ngôn sứ. Hơn nữa, Chúa còn muốn tỏ cho người ta biết rằng Chúa được sai đến trần gian này để rao giảng và cứu rỗi mọi người, chứ không phải chỉ để rao giảng và cứu người Do Thái mà thôi. Chúng con chân thành cám tạ ơn Chúa. Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức được sự thật này để không thất vọng hay nản lòng khi bị người ta, nhất là những người thân, người đồng hương khước từ, không đón nhận lời rao giảng từ chúng con. Amen.
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR
Nguồn: Svconggiao.net