Hôm nay, cùng với toàn thể Hội thánh, chúng ta hân hoan cử hành Đại lễ mừng kính trọng thể Đức Giê-su Ki-tô, từ cõi chết trỗi dậy, Phục Sinh khải hoàn chiến thắng vinh quang để trở thành Vua muôn vua, Chúa muôn chúa, để ở cùng chúng ta mỗi ngày cho đến tận thế, nhất là để làm cho chúng ta cũng được trỗi dậy từ cõi chết và được cùng phục sinh với Ngài. Vậy Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết như thế nào và chúng ta trỗi dậy từ cõi chết ra sao? Đó là sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gởi đến cho mỗi người chúng ta.
Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết !
Tin Mừng nói rõ rằng : “Theo Kinh thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Chúng ta biết rằng việc Đức Giê-su bị đóng đinh vào thập giá là một sự kiện lịch sử, xảy ra tại xứ Giu-đê, vào thế kỷ thứ nhất, được ghi lại trong bốn sách Tin Mừng, và được ghi lại trong những nguồn tài liệu cổ đại khác. Các tài liệu ngoài Kitô giáo ghi nhận đây là một sự kiện lịch sử. Theo trình thuật của các Tin Mừng, Đức Giê-su bị bắt, xét xử, kết án, đánh đòn, cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá và trút hơi thở cuối cùng. Đến ngày thứ ba, Đức Giê-su sống lại, hiện ra với nhiều người, nhiều nơi, nhiều lần, để cho người ta biết Người đã phục sinh, đánh bại tử thần. Để diễn tả biến cố vĩ đại, độc nhất vô nhị này, Thánh kinh đã phải sử dụng những thuật từ khác nhau như chỗi dậy, sống lại, phục sinh từ trong cõi chết. Còn để người ta đón nhận được biến cố này thì Thiên Chúa đã dùng miệng các ngôn sứ để dọn đường. Chẳng hạn : “Đây lời Chúa phán : “Gặp gian truân, chúng vội tìm đến Ta”. Họ bảo nhau : “Nào ta hãy trở về cùng Chúa. Người đã xé nát thân ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho ta sự sống; ngày thứ ba sẽ cho ta chỗi dậy. Và ta sẽ được sống trước nhan Người” (Hs 6,2-3). Rồi trong bài ca của Tôi tớ Gia-vê đau khổ cũng đã nói rõ : “Khi Ngài đã hiến mình làm lễ hy sinh tạ tội, Ngài sẽ được thấy dòng giống, sẽ thọ trường niên, và ý định Gia-vê nhờ Ngài sẽ nên trọn” (Is 53,10). Còn trong Tân Ước thì chính Đức Giê-su đã nói ba lần công khai về việc chỗi dậy từ cõi chết. Theo thánh Matthew thì ở chương 16,21; chương 17,22; chương 20,17 : “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, cách thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Còn trong Tin Mừng Marco thì bắt đầu chương 8, 31; chương 9,31; chương 10,33 : “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sống lại”. Trong Tin Mừng của thánh Luca cũng như vậy. Riêng trong các thư của Phê rô, Phao lô, nhất là Công vụ tông đồ thì đầy những lời chứng nói về sự chỗi dậy, sự Phục Sinh của Đức Giê-su. Còn trong Tin Mừng của thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe công bố, những lời chứng của thánh nhân và những chứng nhân về Đức Giê-su phục sinh thì rất rõ ràng, cụ thể, chi tiết. Tóm lại từ lời tiên báo trước cửa các ngôn sứ trong Cựu Ước, đến lời tiên báo trực tiếp và gián tiếp của Đức Giê-su, rồi những chứng từ của Tân Ước, các thánh tông đồ, thánh Phao lô, Đức Giê-su đã chỗi dậy từ cõi chết và phục sinh vinh hiển để làm Chúa của toàn thể vũ trụ vạn vật muôn loài là hoàn toàn chính xác. Vấn đề còn lại tùy thuộc vào lòng tin và lựa chọn của mỗi người trong chúng ta.
Chúng ta cũng phải chỗi dậy !
Đức Giê-su Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết và phục sinh vinh hiển để làm Chúa, làm Vua của tất cả chúng ta. Đặc biệt, để Ngài giúp cho những ai tin vào Ngài cũng được vượt qua con người cũ, con người thế gian, con người tội lỗi để cùng được phục sinh vinh hiển với Chúa Ki-tô. Đó cũng chính là sứ điệp mà Thiên Chúa, qua Phaolô gởi đến cho mỗi người chúng ta : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm đến những gì hạ giới” (Cl 3,1-2). Như vậy, chúng ta được mời gọi hãy chỗi dậy ra khỏi những gì thuộc hạ giới, những gì của thế gian, của sự xấu, sự tội, sự ác, để vươn tới sự thánh thiện công chính của Thiên Chúa. Phao lô còn khuyên chúng ta : “Chúng ta đừng lấy men cũ là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật mà ăn mừng Đại lễ” (1Cr 5,8). Chúng ta biết rõ mình phải chỗi dậy ra khỏi những gì đang trói buộc chúng ta như lòng thù hận, sự ghen tuông, ích kỷ, tham lam, lòng kiêu căng, tự mãn, tự tôn, tự ti, chẳng xem ai ra gì; hay ra khỏi sự ươn lười việc đạo đức, lo việc nhà Chúa, ra khỏi sự bàng quan, vô tâm, vô lạm, lạnh lùng với những nỗi đau, nỗi khổ của người khác. Chúng ta hãy ra khỏi não trạng duy vật, vô thần cũng như tinh thần thế tục ham muốn tiền bạc của cải, danh vọng, dục vọng, khoái lạc thân xác đã giam hãm, cầm tù chúng ta lâu nay với bao sức nặng của chúng. Có một số người đã ngụp lặn, chìm mình làm nô lệ cho chúng mà không cố gắng để thoát ra. Chúng ta hãy chỗi dậy ra khỏi chốn tử vong là sự nghi ngờ, bất tín, cứng tin, mà hãy mặc lấy tâm tình đơn sơ mà đón nhận và thực thi những lời Chúa dạy. Chúng ta hãy cố gắng chỗi dậy, thoát ra khỏi tâm thức giữ đạo như một bổn phận trách nhiệm mà vươn tới việc sống đạo và truyền đạo, để làm cho Nước Chúa được lan rộng khắp nơi. Có rất nhiều thứ chết chóc, tội lỗi mà chúng ta phải chỗi dậy, để thoát ra khỏi đó mà mặc lấy sức sống mới của Chúa Phục Sinh. Vấn đề là chúng ta có muốn chỗi dậy hay không mới là quan trọng?
Cầu nguyện với Chúa phục sinh !
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã chỗi dậy ra khỏi nấm mộ, ra khỏi âm phủ, ra khỏi cõi chết để làm Chúa của tất cả chúng con. Đặc biệt hơn nữa là Chúa chỗi dậy để kéo chúng con chỗi dậy, ra khỏi con người cũ, con người tội lỗi, con người thế gian, để mặc lấy con người mới, con người được Chúa cho phục sinh, con người của thượng giới. Chúng ta xin tạ ơn Chúa Phục Sinh rất nhiều. Xin Chúa Ki-tô Phục Sinh tiếp tục làm cho chúng con và nhiều người khác được chỗi dậy mà can đảm sống làm chứng và rao giảng về Chúa Phục Sinh cho những người còn đang ngồi trong bóng tối của tử thần. Để nhờ đó, những người này cũng được chính Chúa làm cho họ được phục sinh như chúng con. Amen.
Bài đọc thêm: Tình yêu vì tình yêu
Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR