Icon Collap
...
Trang chủ / Những người thay đổi thế giới !

Những người thay đổi thế giới !

Chúng ta biết rằng xã hội hóa là một tiến trình hai chiều. Chiều thứ nhất, xã hội tác động và ảnh hưởng trên cá nhân và làm cho cá nhân đó dần dần đi vào trong xã hội loài người và trở nên một thành viên của xã hội. Chiều thứ hai : chính cá nhân tác động lên xã hội và làm cho xã hội phải thay đổi. Đó cũng là thực trạng của xã hội hôm nay. Nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh Cha Phanxicô thì không phải chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều thay đổi mà là trong sự thay đổi xã hội đã đạt tới ngưỡng của nó. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử của xã hội cũng như của Giáo hội thì một trong những nhân tố làm thay đổi thế giới này chính là các thánh và nhất là các thánh tử đạo. Vì thế, trong ngày mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta được mời gọi nên giống các ngài trong việc làm cho thế giới này sớm trở thành vương quốc của Nước Trời.

Những người thay đổi thế giới ! Những người thay đổi Việt Nam !

Quả thật, tính từ thế kỷ thứ XV trở về trước, thì xã hội Việt Nam của chúng ta chưa có sự hiện diện của Ki-tô giáo, mà chỉ các đạo như : Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, đạo ông bà tổ tiên và các tín ngưỡng dân gian. Các nhà sử học cho rằng: năm 1533, đạo Công giáo mới chính thức được truyền vào Việt Nam ở làng Ninh Cường, thuộc giáo phận Bùi Chu bây giờ, bởi giáo sỹ I-ni-khu. Rồi năm 1533 lại là năm Lê Trang Tông ra chỉ dụ cấm theo đạo Công giáo. Vậy thì, đạo Công giáo phải có mặt ở Việt Nam ít là trước hay đầu của năm 1533. Dù phải trải qua những thời khắc khó khăn, bị bách hại khốc liệt nhất, với tổng số 53 sắc chỉ chính thức, cả vua chúa ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, nhất là vào thời kỳ các ông vua Nhà Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, rồi đến phong trào Văn thân, Cần Vương… hàng trăm ngàn tín hữu đã bị giết chết cách tàn nhẫn và không biết bao nhiêu nhà thờ, họ đạo đã bị phá hủy, san bằng địa, ít nhất 130.000 tín hữu đã bị giết. Nhưng đạo Công giáo ở Việt Nam chẳng những không bị tiêu diệt như những bạo vương khát máu này nghĩ mà lại ngày càng phát triển mạnh mẽ khắp nơi. Đúng y như lời nhận xét rất chính xác đã trở thành câu ngạn ngữ của ông Tertuliano :“Máu các vị tử đạo là hạt giống sinh nhiều giáo hữu”. Thật đúng như vậy. Nhờ máu của các thánh tử đạo Việt Nam đổ ra mà Giáo hội Việt Nam đã trổ hoa đơm bông và sinh được nhiều hạt như chúng ta nhìn thấy. Kết thúc thời bách hại, đầu thế kỷ XX, số tín hữu đã gia tăng nhanh chóng, đến năm 1960 hàng giáo phẩm Việt Nam đã được thiết lập. Các tín hữu Công giáo đã trở thành tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam và chiếm đến hơn 7% dân số. Riêng đối với Châu Á, số tín hữu đứng vào vị trí thứ năm, sau Philippines Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và được gọi là Giáo hội “Trưởng nữ” của Châu Á. Đúng là các thánh tử đạo đã thay đổi đất nước và xã hội Việt Nam. Những kẻ chủ mưu bách hại đạo Công giáo đều tàn lụi, còn đạo Công giáo vẫn đứng vững và đóng góp cho đất nước này bao nhiêu giá trị đạo đức và làm cho xã hội Việt Nam đã thấm dần các giá trị của Tin Mừng, như lòng bác ái, luân lý về hôn nhân và gia đình. Còn chúng ta thì sao ?

Bài đọc thêm: Các Thánh tử đạo Việt Nam – Chứng nhân đức tin

Cùng nhau thay đổi xã hội này !

Noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy chung tay góp sức, cùng nhau tiếp tục làm cho xã hội Việt Nam, cho thế giới này ngày càng được biến đổi, tiến gần đến Vương Quốc Nước Trời. Các Thánh tử đạo Việt Nam đã dám hy sinh cả tính mạng của mình để hạt giống đức tin được sinh sôi nảy nở trên mảnh đất này thì đến phiên chúng ta cũng phải làm cho những hạt giống đức tin đó tiếp tục triển nở và lan rộng hơn. Đành rằng xã hội tác động, ảnh hưởng và đã làm thay đổi chúng ta nhiều phương tiện như nhận thức, đức tin, đời sống luân lý…Nhưng với tư cách là chủ thể của xã hội thì chúng ta cũng có khả năng và vai trò vô cùng quan trọng, trong việc làm thay đổi xã hội hôm nay. Tại sao những người vô thần đang cố gắng làm thay đổi xã hội mang đậm sắc thái Ki-tô giáo mà chúng ta lại không thể làm thay đổi xã hội vô thần được? Tại sao người ta tục hóa các tôn giáo được mà các tôn giáo lại không thể thánh thiêng hóa xã hội phàm tục này? Phải chăng chúng ta chưa đầu tư đúng mức, đúng tầm cho sứ vụ Tin Mừng hóa xã hội trần thế như trước đây Giáo hội đã làm được, làm thành công và đã làm cho xã hội đón nhận văn minh Kitô giáo? Thiên Chúa trao cho chúng ta cái quyền làm chủ và điều khiển thế giới này, ngay từ lúc khởi đầu việc tạo dựng vũ trụ, chẳng nhẽ chúng ta quên rồi sao ? Vậy cụ thể trong cộng đoàn Phanxicô Assisi, rộng hơn là cộng đoàn sinh viên Công giáo Vinh – Hà Tĩnh và Gia Đình Sinh viên Alfonso, thì mỗi người trong chúng ta sẽ làm gì để thay đổi tình trạng tục hóa và vô thần hoá đang ngày càng bùng phát khắp nơi? Có nhiều cái chúng ta cần làm, phải làm, làm tốt, nhưng liệu chúng ta có dám làm, quyết tâm làm cho đến cùng không? Chẳng hạn, chúng ta dám hứa với Thiên Chúa, với các thánh tử đạo và với nhau là nỗ lực hy sinh xây dựng cộng đoàn ngày càng gắn kết, yêu thương, và hiệp nhất với nhau trong khiêm hạ cùng nỗ lực thực hành quyết tâm đó mỗi ngày hay là quyết tâm sử dụng phương tiện truyền thông vào trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chỉ cần từng người chúng ta trung thành thực hiện hai sứ vụ này hàng ngày thì chắc chắn chúng ta sẽ nên giống các thánh tử đạo Việt Nam trong việc làm thay đổi xã hội này.

Cầu nguyện với các thánh tử đạo!

Thân lạy tất cả các thánh tử đạo Việt Nam kính yêu ! Hôm nay là ngày chúng con tôn kính các ngài là những người con ưu tú của đất nước Việt Nam, đã dám can đảm hy sinh chính mình để làm thay đổi, biến đổi cả xã hội và làm cho Giáo hội được phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Chúng con kính phục và chân thành tri ân các ngài. Chúng con xin các thánh tử đạo Việt Nam cầu bầu cho chúng con là hậu duệ của các ngài, cũng luôn biết can đảm hy sinh và dấn thân hết mình, để cùng nắm tay nhau, chung sức, chung lòng, làm cho Nước Thiên Chúa ngày càng lan rộng và phát triển khắp nơi. Cúi xin Thiên Chúa nhậm lời và chúc lành cho nguyện ước của chúng ta. Chúng con xin cảm tạ và tri ân Thiên Chúa cho đến muôn muôn đời. Amen.

Bài đọc thêm: Hoa trái các thánh tử đạo !

Bình luận
error: Content is protected !!