Hôm nay Tin Mừng là một dụ ngôn mạc khải cho chúng ta về thực tại của con người sau khi chết. Chúa Giêsu nói với chúng ta về cái giá hay đúng hơn là về hình phạt mà chúng ta sẽ phải đón nhận dựa trên hành vi của chúng ta.
Bài đọc thêm: Cái chết lần hai
Sự tương phản giữa giàu và nghèo rất mạnh mẽ. Sự xa hoa và thờ ơ của người giàu; hoàn cảnh đáng thương của Ladarô, với những con chó đến liếm vết loét của ông (x. Lc 16:19-21). Tất cả điều này giúp ta thừa nhận về một thực tế luôn hiện hữu, rất phong phú, mãnh liệt, và rất quan trọng mà tất cả chúng ta chính là người trong cuộc!
Chúng ta có thể nghĩ, tôi sẽ ở đâu nếu tôi là một trong hai nhân vật chính trong dụ ngôn? Xã hội thực dụng hôm nay luôn khuyến khích chúng ta tìm mọi cách để sống tốt. Với sự thoải mái và hạnh phúc, chúng ta cứ tận hưởng và không phải lo lắng. Hãy sống cho chính mình, không cần phải ưu tư cho người khác, hoặc cùng lắm thì chỉ lo những điều cần thiết để lương tâm được xoa dịu thôi, chứ không phải vì ý thức công lý, yêu thương hay đoàn kết…
Nhưng Chúa Giêsu Kitô lại dạy chúng ta khác! Hôm nay chúng ta thấy cần phải biết lắng nghe tiếng Chúa nói trong đời sống của từng cá nhân chúng ta, phải biết hoán cải tận đáy lòng mình theo ý Chúa và tận dụng thời gian Người đã ban cho chúng ta. Chúng ta phải biết làm cho cuộc sống của mình được tươi nở, được có ý nghĩa trong cõi đời này!
Chúa Giêsu làm sáng tỏ sự tồn tại của địa ngục và mô tả cho chúng ta một số đặc điểm của nó : sự đau đớn mà các giác quan của chúng ta phải chịu – “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát ; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16:24) – và Chúa cũng cho chúng ta thấy được vĩnh cửu là thế nào: – “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc 16:26).
Thánh Grêgôriô Cả đã nói với chúng ta rằng: “Tất cả những điều này được nói ra để không ai có thể cho là mình không biết”. Chúng ta phải cởi bỏ con người cũ và tận tình yêu thương người lân cận; phải thấu cảm, đáp lại và đỡ nâng những nỗi đau khổ của người nghèo, người bệnh tật hoặc những người bị bỏ rơi.
Bài đọc thêm: Phép lạ – sám hối – án phạt !
Sẽ rất tốt nếu chúng ta nhớ dụ ngôn này thường xuyên để nó có thể khiến chúng ta trở nên có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình. Tất cả chúng ta đều phải chết. Và chúng ta phải luôn sẵn sàng cho điều đó, vì một ngày nào đó chúng ta chắc chắn sẽ bị phán xét!
Cha Xavier SOBREVÍA Vidal (Sant Just Desvern, Barcelona, Tây Ban Nha)