Chúng ta đang bước vào Mùa Chay Thánh và hôm nay là ngày chúng ta ăn chay. Vậy, ăn chay hay mùa chay thực chất là gì và đây là ý nghĩa thực của việc chay tịnh. Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia sẽ soi dọi cho chúng ta thấy rõ chay tịnh là gì.
Có một số người cho rằng ăn chay hay giữa chay là sáng không ăn hoặc ăn chút ít, trưa ăn no, tối ăn ít hơn thường nhật. Đơn giản chỉ có vậy thôi. Người khác lại nghĩ xa hơn chút nữa ăn chay là không say sưa, nhậu nhẹt, biết kiêng khem những gì làm cho thân xác mình sung sướng, thỏa mãn như hút thuốc, rượu bia, xem phim, sinh hoạt tính dục, đánh bài, lô đề cờ bạc… Người khác nữa thì ăn chay là cúi rạp người như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, mặt ủ rũ, rầu rĩ đau thương…Nhưng những cách ăn chay đó không phải là điều Thiên Chúa ưa thích, không đúng ý Thiên Chúa.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy dân Chúa đã trải qua 40 năm trong sa mạc để chịu thanh luyện từ cái đói, cái khát, cái nóng nảy, lạnh lẽo, sự nguy hiểm, địch thù…Rõ ràng chặng đường từ Ai cập về đất Israel không xa, làm gì mà phải đi đến 40 năm trong sa mạc. Nhưng lịch sử cho thấy, dân Do thái đã phải trải qua 40 năm trường mới tới được Đất Hứa. Con số 40 năm này gợi lại con số 40 ngày đêm Môi sê lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa và Elia mất 40 đêm ngày để lên núi khoreb gặp Chúa. Như vậy, chúng ta thoáng thấy chay tịnh thực chất là sự thử thách, thanh luyện lòng trung thành với Gia Vê, Thiên Chúa các đạo binh dành cho những ai muốn làm con dân của Ngài.
Trong thời gian sa mạc, dân Chúa đã trải qua nhiều thử thách, thanh luyện đến từ bên ngoài như cái đói, cái khát, cái lạnh, cái nóng của sa mạc, những thiếu thốn vật chất, những rình rập của thú dữ, đối diện với kẻ thù vây quanh. Những hình ảnh manna, chim cút, nước vọt ra từ tảng đá, rắn cắn, cuộc chiến với Amalec…làm nổi bật những thanh luyện cần có đối với dân Chúa. Bên trong đó chính là sự nổi loạn của dân, thách thức đòi hỏi Thiên Chúa phải đáp ứng nhu cầu của họ. Họ nuối tiếc quá khứ, thích trở lại làm kiếp nô lệ để được ăn củ hành, củ tỏi bên Ai cập. Như vậy, xiềng xích trói buộc họ đến từ những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống thường nhật. Còn gông cùm trói họ lại đó là những ký ức dĩ vãng, những thời khắc làm nô lệ cho người khác.
Trong ngôn sứ Isaya (C. 58, câu 1-12) thì việc ăn chay đích thực là mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục.
Vậy, ăn chay trước hết là cởi mở những xiềng xích bạo tàn đang trói buộc chính mình và anh chị em của mình. Mà muốn cởi mở xiềng xích cho người khác thì bản thân mình phải được cởi mở trước. Nhưng muốn tự cởi cho mình những xích xiềng bạo tàn đó thì phải tối thiểu ta phải biết rõ những xích xiềng bạo tàn đó cụ thể là những cái gì?
Hiểu một cách đơn sơ thì những xích xiềng bạo tàn đó đang xích, đang giam hãm chúng ta lại trong một không gian chật hẹp, làm chúng ta mất tự do, nhưng chúng ta có thể đi lại và nói năng được. Những xích xiềng này thường được khóa lại bởi một ổ khóa mà chỉ cần có chìa là mở được. Với một số người thì những xích xiềng bạo tàn đó có thể là sự khó chịu bực bội, buồn lòng, bất mãn vì những gì người khác làm cho mình không vừa ý như nấu ăn không ngon, nhà cửa không sạch, không có không gian để nghỉ ngơi, không hiểu ý mình. Xiềng xích đó có thể đến từ một ánh mắt cay cú, một sự hiểu nhầm, một lời nói hờn dỗi, chua chát, một cử chỉ vô lễ, một thái độ kinh thường, không có thiện chí, một phán đoán, nhận xét sai lệch và đầy ác ý…
Xiềng xích đó có thể là cơ chế do mình tự tạo ra để trói buộc người khác lại như những sự dọa dẫm, sự đòi buộc phi lí dành cho người khác, một sự thiếu quan tâm, một sự vu khống, nói xấu, nói hành, làm giảm uy tín thế giá của người khác. Xiềng xích đó có thể là những lo lắng, ám ảnh sợ hãi đeo bám, những nghi ngờ, đố ký, bất an, những tham lam, toan tích ích kỷ, ươn hèn hoặc là những tâm thức bất mãn, tiêu cực.
Tháo gông cùm cho mình và cho người khác. Gông cùm đây được hiểu là những dụng cụ có khả nằng nhốt và cầm giữ chúng ta lại một chỗ, tước đoạt sự tự do thực gần như hoàn toàn của con người. Gông cùm đó có thể là lòng thù hận, bất khoan dung, không chịu tha thứ cho những khiếm khuyết lầm lỗi của mình cũng như người khác. Cũng có thể gông cùm đó là sự ích kỷ, vô tâm thờ ơ lãnh cảm trước những nỗi đau của chính mình, với người khác. Gông cùm đó có thể là những đam mê tội lỗi như lô đề, hút chích, cờ bạc, rượu chè, những chuyện dâm ô trụy lạc…Gông cùm đó cũng có thể là sự kiêu căng, tự mãn, tự tôn, não trạng duy ngã độc tôn hay ý chí hùng bá luôn muốn mình là nhất, mình là tâm điểm, là thước đo của tất cả mọi người. Gông cùm đó là những say mê tiền bạc, ham hố quyền lực, danh vọng thế gian. Gông cùm đó có thể là những ký ức đáng sợ trong dĩ vãng hay những ước vọng vô bờ trong tương lai.
Gông cùm đó chính những nhà tài phiệt, những tổ chức đảng phái, những nhóm lợi ích độc tài, độc ác, tham lam, bạo tàn, bất công, bất nhân, bất nghĩa, lạm dụng chức quyền để mua quan tiến chức rồi quay trở lại bóc lột, trấn áp, khủng bố, tra tấn, hành hạ vu khống người khác một cách trơ trẽn, không chút lương tri. Chúng chuyên đi làm những chuyện áp bức, cướp đất, cướp hết tài nguyên và các phương tiện sống của dân nghèo, bóc lột khai thác tài nguyên của thiên nhiên và sức lao động của con người cho đến mức tán tận cả lương tâm để trục lợi, làm giàu cách bất chính và hưởng thụ một cách ngông cuồng, điên dại trên bao nỗi đau, nỗi khổ cùng tận của người khác.
Gông cùm đó là những thể chế phi nhân, những cơ chế sai lầm, những chính sách, những chủ trương vô thần, vô luân, vô nhân đạo nhằm buộc người cha, người mẹ phải tước đoạt sự sống từ trong trứng nước của con mình, biến con người trở thành những con vật, nhưng công cụ, phương tiện lao động, tước hết những quyền lợi căn bản và phẩm giá cao quý của con người, biến con người trở thành những nô lệ cho họ.
Gông cùm đó có thể là những nhu nhược, sợ hãi, tham sống sợ chết, chối bỏ sự thật, chỉ muốn giữ lại mạng sống, sự an toàn cho mình còn người khác muốn sống hay chết chẳng bận tâm. Gông cùm đó có thể là những thủ đoạn, mưu mô để lừa gạt, phỉnh phờ những người nhẹ dạ cả tin đi vào trong các giáo phái và dùng các độc tố cũng như những lời dọa dẫm và cả những kế sách đeo bám để cầm tù những người này lại.
Chay tịnh là sẻ chia những gì mình có và đón nhận người khác, nhất là những người đói rách, khổ sở khốn cùng. Chúng ta có muôn điều có thể sẻ chia cho người khác như của cải, tri thức, kinh nghiệm, đức tin, tình cảm, ước muốn, việc làm, vốn sống…Chúng ta cũng có thể đón nhận sự nghèo đói, thất hút, những sự hiểu nhầm, những sự bất toàn, khác biệt có khi là đối kháng để từ những người anh chị em của chung quanh.
Như vậy, mút cùng của chay tịnh là đưa tới sự giải thoát cho chính mình, cho người khác bằng việc thoát ra khỏi những xiềng xích, gông cùm đang trói buộc chúng ta hay người khác bằng những việc hy sinh đầy can đảm và dũng mạnh cùng với sự đón nhận những thiệt thòi tất yếu phải xảy đến với mình. Điều quan trọng là chúng ta có muốn tự giải thoát và ra đi giải thoát cho người khác hay không mới đáng nói.
Xin Thiên Chúa xót thương ban thêm ơn nâng đỡ, trợ giúp để mỗi người chúng ta can đảm bước vào cuộc chiến thiêng liêng cao thượng và cũng đầy khó khăn gian nan nay mà giành lấy vành hoa nguyệt tuế cho mình và cho người khác. Nhờ đó, mùa chay thánh mới sinh ích cho chúng ta và thật sự trở thành Mùa Hồng Ân Cứu Độ. Amen.
Lễ Tro 2017
Ga Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR