Hôm nay, Tin Mừng nhấn mạnh những khó khăn và nghịch cảnh mà người Kitô hữu sẽ phải chịu vì Đức Kitô và Tin Mừng của Người, cũng như cách họ phải kiên vững và bền đỗ đến cùng. Đức Giêsu đã hứa với chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20); nhưng Người không hề hứa ban cho những kẻ thuộc về Người một con đường dễ dàng. Trái lại, Người đã nói: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mt 10,22).
Giáo Hội và thế gian là hai thực tại khó mà dung hòa. Thế gian, thực tại mà Giáo Hội phải hoán cải về với Đức Giêsu Kitô, không phải là một môi trường trung lập, như thể là một tấm sáp nguyên chất đang chờ được in dấu để trở nên có hình dạng. Nó sẽ là như vậy, nếu giữa việc tạo dựng con người và việc cứu chuộc họ không có sự can dự của lịch sử tội lỗi. Thế gian, như một cơ cấu xa lìa Thiên Chúa, đang vâng phục một ông chủ khác, mà Tin Mừng theo thánh Gioan gọi là “thủ lãnh thế gian này”, kẻ thù của linh hồn, kẻ mà người Kitô hữu – vào ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội – đã long trọng tuyên bố chối bỏ, dứt bỏ, để chỉ thuộc về Chúa và về Giáo Hội đã sinh ra họ trong Đức Giêsu Kitô.
Mời đọc thêm: Từ bỏ để được nhiều hơn
Tuy nhiên, người đã chịu Phép Rửa vẫn tiếp tục sống trong thế gian này chứ không phải một thế gian khác; họ không từ chối làm công dân của thế gian, cũng không khước từ việc đóng góp lương thiện của mình cho sự nâng đỡ và cải thiện nó. Các bổn phận công dân cũng chính là các bổn phận Kitô hữu; việc đóng thuế là một nghĩa vụ công bằng đối với người Kitô hữu. Đức Giêsu đã nói rằng các môn đệ của Người sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 17,14-15). Chúng ta không hoàn toàn thuộc về thế gian một cách vô điều kiện; chúng ta chỉ hoàn toàn thuộc về Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội – quê hương thiêng liêng đích thực – hiện diện nơi trần thế này nhưng lại vượt qua mọi giới hạn không gian và thời gian, để đưa chúng ta đến quê hương vĩnh cửu trên trời.
Chính tình trạng “hai quốc tịch” này tất yếu sẽ đụng chạm với những sức mạnh của tội lỗi và sự thống trị đang vận hành guồng máy thế tục. Khi nhìn lại lịch sử của Giáo Hội, chân phước Newman đã nói rằng: “Bách hại là dấu chỉ của Giáo Hội – có lẽ là dấu chỉ bền vững nhất trong tất cả.”
Mời đọc thêm: Hoa hồng trong bụi gai – Phần 1
Để giúp cho chúng ta cách ứng xử cho đúng với cung cách của một Kitô hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vạch ra một đường lối: “Đức Giêsu nói với chúng ta: ‘ Thầy sai anh em đi như chiên ở giữa sói rừng’. Người Kitô hữu cần phải thận trọng, và đôi khi còn phải can đảm nữa: đó là những nhân đức mà lý lẽ Tin Mừng chấp nhận. Nhưng tuyệt đối không bao giờ dùng bạo lực”!
Cha Josep LAPLANA OSB – (Montserrat, Barcelona, Tây Ban Nha)