“Những lần Mẹ hiện ra” từ thế kỷ 19 là dấu hiệu thứ nhất chứng tỏ đây là thời của Mẹ Maria. Dấu hiệu thứ hai chứng tỏ đây là thời của Mẹ Maria, đó là, cũng từ thế kỷ 19 trở đi, ba tín điều về Mẹ Maria đã được Giáo Hôi chính thức tuyên tín. Trong khi đó, 18 thế kỷ trước, chỉ có một tín điều duy nhất về Mẹ là tín điều Mẹ Thiên Chúa được Giáo Hội tuyên tín vào năm 431 ở công đồng chung Êphêsô mà thôi.
Vào thời kỳ ấy, thời công đồng Êphêsô, có một vị linh mục tên Anastasiô công khai chối bỏ thiên chức Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) của Mẹ, và chỉ công nhận Mẹ là Mẹ của Chúa Kitô (Khristotokos).Chính Nestôriô là thượng phụ Constantinôpôli năm 428 cũng chấp nhận như vậy, tức công nhận Chúa Kitô có hai Ngôi Vị, một thần linh và một nhân loại. Dựa vào bức thư thứ hai trong ba bức thư của thánh Giáo Phụ Cyrilô Alexandria gửi cho Nestôriô, các nghị phụ tham dự công đồng chung này, vào ngày 22-6-431, đã tuyên tín như sau:
“Không phải Ngôi Lời đã từ trời xuống ở với một phàm nhân được Trinh Nữ Thánh sinh ra đầu tiên; mà là, vì nên một với xác thể trong lòng (của Trinh Nữ Thánh), Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác thể, như là việc sinh ra theo xác thể của mình… Bởi thế, (các giáo phụ) đã không ngại gọi Trinh Nữ Thánh là ‘Mẹ Thiên Chúa’ (Theotokos). Điều này không có nghĩa là bản tính của Ngôi Lời hay Thiên Tính của Ngài đã được bắt đầu hiện hữu từ Trinh Nữ Thánh, mà là, vì Thánh Thể được sinh động bởi hồn thiêng, mà Ngôi Lời đã ngôi hiệp (kath’hupostasin) với chính mình, được sinh ra bởi Người, nên Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác thể” (TCF:148-149).
Và, cũng bắt đầu từ đó, Giáo Hội đã dạy cho con cái mình cầu nguyện cùng Mẹ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.
Tuy nhiên, việc Giáo Hội tuyên tín Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một tín điều duy nhất trong suốt 18 thế kỷ đầu của Giáo Hội, là một việc không thể nào không làm để chống lại những sai lầm của lạc thuyết Nestôriô, một lạc thuyết đã tác hại ghê gớm đến đức tin và phần rỗi đời đời của các tín hữu. Trong khi đó, từ bán thế kỷ thứ 19, trong vòng có 110 năm (1954-1964), Giáo Hội đã tự cảm thấy, (chứ không phải vì ngoại cảnh bắt buộc), đến lúc cần phải công bố thêm 3 tín điều về Mẹ nữa, đó là tín điều Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác và Mẹ Là Mẹ Của Giáo Hội.
TÍN ĐIỀU MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI.
Đức Thánh Cha Piô IX, bằng trọng sắc Ineffabilis Deus, đã long trọng tuyên bố tín điều này vào ngày 8/12/1854, (sau đó hơn 3 năm, ngày 25-3-1858, chính Đức Mẹ đã công nhận tín điều này khi hiện ra với chị thánh Bernadette tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”).
Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì
vết của nguyên tội” (TCF:204).
TÍN ĐIỀU MẸ LÊN TRỜI CẢ HỒN LẪN XÁC.
Qua tông hiến Munificentissimus Deus, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng tuyên bố tín điều này vào ngày lễ Các Thánh Nam Nữ, 1-11-1950.Phải chăng, như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra để xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Thánh Cha Piô IX công bố thế nào, Mẹ cũng tỏ ra xác nhận tín điều Hồn Xác Lên Trời về Mẹ do Đức Thánh Cha Piô XII công bố như vậy, khi cho ngài thấy bốn lần, vào những ngày 30 và 31 tháng 10 và ngày 1 và 8 tháng 11 năm 1950 (TWTAF3:284-287), hiện tượng mặt trời nhẩy múa như ở Fatima ngày 13-10-1917 trước kia?
Đức Thánh Cha Piô XII đã ban bố tín điều này như sau:
“Ta tuyên xưng, công bố và xác nhận tín điều được Thiên Chúa mạc khải là Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trinh nguyên, khi thời gian sống tại thế hoàn tất, cả hồn lẫn xác của Người đã được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc” (TCF:207).
TUYÊN XƯNG MẸ LÀ MẸ CỦA GIÁO HỘI.
Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong dịp kết thúc kỳ họp ba của công đồng chung Vaticanô II, cũng là dịp hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium được công bố, trước mặt toàn thể các nghị phụ của công đồng, đã chính thức tuyên bố: “Ta mong muốn Mẹ Thiên Chúa phải được cả thế giới Kitô hữu tôn vinh và khẩn cầu hơn nữa bằng tước hiệu (Mẹ Giáo Hội) tuyệt dịu ngọt này” (CTFY:88).
Trong dịp chính thức tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội này, Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng lập lại việc hiến dâng toàn thể thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, việc hiến dâng đã được Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện hai lần, một vào ngày 31-10-1942 và một vào ngày 7-7-1952.
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã lập lại việc hiến dâng này như sau: “Ta đã quyết định gửi một đại diện đến Fatima vào một ngày gần đây để mang Bông Hồng Bằng Vàng đến Đền Thánh Fatima, nơi yêu qúi hơn bao giờ hết, chẳng những đối với nhân dân của nước Bồ Đào Nha diễm phúc… mà còn được tín hữu trên khắp thế giới Công Giáo nhận biết và tôn kính. Bằng việc làm này, Ta có ý muốn phú thác cả gia đình nhân loại, với những hoạn nạn và âu lo của họ, với những ước vọng thâm sâu và hy vọng tha thiết của họ, cho sự chăm sóc của Mẹ thiên đình” (CTFY:88).
Ngoài ra, trong Thời Đại Maria này, Giáo Hội, qua Đức Thánh Cha Piô XII, cũng đã thực hiện hai việc liên quan trực tiếp đến Đức Mẹ nữa, đó là việc ngài cho mừng lễ Trái Tim Đức Mẹ trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ cũng như lập lễ Đức Mẹ Nữ Vương, và việc ngài phong hiển thánh cho hai vị Thánh của Mẹ, thánh Louis Marie Grignion De Monfort ngày 20/7/1947, và thánh Catarina Labuarê ngày 27/7/1947.
Lễ Trái Tim Đức Mẹ:
Thật ra, theo văn thư Acta Apostolicae Sedis của thánh bộ Lễ Nghi ban hành ngày 4/5/1944, lễ Trái Tim Đức Mẹ đã được bắt đầu mừng từ thời Trung Cổ và được Giáo Hội chấp nhận vào đầu thế kỷ thứ 19. Đức Thánh Cha Piô VII (1800-1823) đã cho phép các giáo phận hay dòng tu nào xin mừng lễ Khiết Tâm Mẹ sẽ được cử hành vào ngày Chúa Nhật sau tuần bát nhật Lễ Đức Mẹ Mông Triệu. Sau đó, Lễ Trái Tim Mẹ được lan rộng khắp nơi, và Đức Thánh Cha Piô IX (1848-1878) đã chính thức cho vào niên lịch phụng vụ hằng năm của Giáo Hội.
Cho đến ngày 24/10/1940, chị Lucia đã viết thơ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII điều “yêu cầu” của Mẹ liên quan đến việc Mẹ sẽ làm cho nước Nga trở lại, và cuối thơ chị có xin Đức Thánh Cha cho mừng chung trong Giáo Hội hoàn vũ lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ như là một trong những lễ chính.
Phần Đức Thánh Cha Piô XII, cũng trong văn thư của thánh bộ Lễ Nghi trên đây, “để ghi nhớ cuộc hiến dâng này, (cuộc hiến dâng Giáo Hội hoàn vũ và cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ mà Đức Thánh Cha đã thực hiện ngày 31/10/1942), Ngài đã quyết định cho Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Lễ này sẽ được cử hành mỗi năm vào ngày 22 tháng 8, thay ngày bát nhật lễ Đức Mẹ Mông Triệu, với bậc lễ hạng nhì…” (TWTAF3:82-83).
Lễ Mẹ Nữ Vương:
Lễ Mẹ Nữ Vương được Đức Thánh Cha Piô XII lập trong Năm Thánh Mẫu, vào ngày lễ Đức Mẹ Thiên Chúa 11/10/1954. Qua bức thông điệp Ad Coeli Reginam, Đức Thánh Cha nhắc lại việc đội triều thiên cho Mẹ năm 1946 và quyết định: “Ta ban hành và thiết lập Lễ Maria Nữ Vương, được mừng chung Giáo Hội hằng năm vào ngày 31/5”.
Cũng trong thông điệp này, Đức Thánh Cha còn đề cập đến: “Việc hiến dâng loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ phải được lập lại trong ngày này… Với niềm tin tưởng hơn trước, mọi người hãy đến với ngai tòa tình thương và ân sủng của Nữ Vương và Từ Mẫu để xin trợ giúp trong cơn quẫn bách, ánh sáng trong lúc tối đen, và sức mạnh trong lúc đau thương khóc lóc…” (TWTAF3:395).
Sau Công Đồng Chung Vaticanô II, theo tinh thần canh tân phụng vụ, một số Lễ kính Đức Mẹ cũng được thay đổi, trong đó có lễ Trái Tim Mẹ và lễ Mẹ Nữ Vương. Lễ Mẹ Nữ Vương được dời xuống ngày 22/8 thay vì 31/5 hằng năm, và lễ Trái Tim Mẹ được dời lên ngày Thứ Bảy ngay sát Thứ Sáu lễ Thánh Tâm Chúa trong tuần lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa.
Thánh Louis Marie Grignion De Monfort (1673-1716) Thánh nhân là vị thánh lập hai dòng tu cho Giáo Hội, một nữ và một nam. Dòng nữ là dòng Nữ Tử Đấng Khôn Ngoan, được lập năm “3, và dòng nam là dòng Thừa Sai Mẹ Maria (cũng gọi là dòng các Linh Mục Và Huynh Đệ Thánh Monfort). Ngài cũng là tác giả của tác phẩm thời danh Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, một tác phẩm mà chính ngài đã tiên đoán về số phận của nó: “Tôi thấy trước một cách r ràng là những con mãnh thú sẽ dùng nanh vuốt qủi quyệt của chúng để sâu xé bản văn nhỏ bé này… hay, ít là dấu nó đi trong bóng tối vắng lặng nào đó không lộ ra được” (TDTM,114). Quả nhiên, mãi đến năm 1842, cuốn sách này mới được một linh mục dòng của ngài tình cờ tìm thấy trong một thùng sách cũ ở tu viện Laurent- sur-Sèvre.
Đức Thánh Cha Piô XII đã nói về ngài khi phong thánh cho ngài như sau: “Sùng Kính Mẹ Maria là sức mạnh mãnh liệt trong công cuộc tông đồ của ngài và bí mật tuyệt diệu nhất của ngài trong việc lôi kéo các linh hồn và ban Chúa Giêsu cho họ” (TDTM:v).
Thánh Catarina Labuarê (1806-1876) Nữ Thánh Nhân là chị nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh-Sơn Phao-Lô, được Đức Mẹ hiện ra vào năm 1830 và trao cho 3 sứ mệnh, như Đức Thánh Cha Piô XII đã nói về chị trong dịp phong thánh cho chị ngày 27/7/1947, đó là: “Phục hồi lòng sốt sắng đã bị nguội lạnh trong hai hội dòng bác ái của chị; nhận chìm toàn thể thế giới vào trận lụt đầy những mẫu ảnh kim loại nho nhỏ là những gì chứa đựng các ơn xót thương của Đấng Vô Nhiễm Tội ban cho cả hồn lẫn xác; lập một hội đạo đức ‘Con Cái Mẹ Maria’ để bảo toàn và thánh hóa giới phụ nữ trẻ” (TWTAF3:108).
Hai Á Thánh Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho Hai Thiếu Nhi Fatima là Phanxicô và Giaxinta ngày 13/5/2000. Những tín điều về Mẹ Maria gồm có: tín điều Mẹ Maria Là Mẹ Thiên Chúa, tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh, tín điều Mẹ Maria Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, tín điều Mẹ Maria Mông Triệu Cả Hồn Lẫn Xác, và tước hiệu Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội. Để có một cái nhìn tổng quát và đầy đủ các tín điều hay tước hiệu về Mẹ Maria, xin trưng dẫn toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội theo thứ tự dưới đây.
Tín điều Mẹ Maria Là Mẹ Thiên Chúa được Công Đồng Chung Ephêsô tuyên tín năm 431 là: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa (theotokos) (vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt)”. (DS 252 hay “The Christian Faith” trang 149).
Tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh được Công Đồng Latêran tuyên tín năm 649, như sau:
“Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ”. (DS 503 hay “The Christian Faith”, như trên, trang 166).
Tín điều Mẹ Maria Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Piô IX long trọng tuyên bố bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus” vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm, 8/12/1854, rằng: “Để vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, để phấn khởi đức tin Công Giáo và phát triển Kitô Giáo; bằng quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận rằng: tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu thai của mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”. (DS 2803 hay “The Christian Faith”, như trên, trang 204).
Tín điều Mẹ Maria Mông Triệu Cả Hồn Lẫn Xác được Đức Piô XII long trọng tuyên bố bằng tông hiến “Munificentissimus Deus” ngày Lễ Kính Các Thánh, 1/11/1950, như sau: “Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng là Đấng đã ban muôn vàn ơn lành đặc biệt của Ngài trên Trinh Nữ Maria, để tôn kính Con Ngài là Vua muôn đời, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để Người Mẹ cao cả của Người được hiển vinh hơn, và để toàn thể Giáo Hội hân hoan phấn khởi; bằng quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi công bố, tuyên xưng và xác nhận như là một tín điều được Thiên Chúa mạc khải: Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa, Đức Maria Trinh Nguyên, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế của mình, đã được mang lên hưởng vinh quang trên trời cả thân xác lẫn linh hồn”. (DS 3903 hay “The Christian Faith”, như trên, trang 207).
Tước hiệu Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội được Đức Phaolô VI long trọng tuyên bố ngay trong buổi họp Công Đồng Chung Vaticanô II để ban hành Hiến Chế Tín Lý về Bản Chất Giáo Hội Lumen Gentium (Anh Sáng Muôn Dân) vào ngày 21/11/1964, như sau:
“Khi chúng ta xét đến những liên hệ chặt chẽ gắn bó Đức Maria và Giáo Hội, như những mối liên hệ này đã được diễn đạt hết sức rõ ràng trong Hiến Chế Công Đồng này, những mối liên hệ khiến chúng ta phán quyết, trong giây phút rất long trọng này đây, đặc biệt rất thích đáng để làm mãn nguyện một ước vọng, một ước vọng chúng tôi bộc lộ ở vào lúc kết thúc buổi họp cuối này, và cũng là ước vọng của rất nhiều vị Nghị Phụ, khẩn khoản yêu cầu là trong Công Đồng đây, vai trò từ mẫu mà Đức Thánh Trinh Nữ Maria thực hiện đối với dân Kitô Giáo cần phải được công bố bằng những từ ngữ rõ ràng. Vì lý do này, chúng tôi thấy rằng, trong cuộc họp công khai này, chúng tôi phải chính thức công bố tước hiệu mà Đức Trinh Nữ Maria cần được tôn kính, tước hiệu đã được đệ xin từ nhiều nơi trong Giáo Hội hoàn vũ, và cũng là một tước hiệu đối với chúng tôi đáng chấp nhận và thỏa lòng cách đặc biệt; vì tước hiệu này mang lại một cách xác thực tuyệt vời vị trí hiển nhiên xứng hợp với Mẹ Thiên Chúa trong Giáo Hội được Công Đồng này đã công nhận. Bởi thế, để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội, tức là Mẹ của toàn thể Dân Kitô Giáo, cả giáo dân lẫn mục tử, thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Kitô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”. (trích dịch từ “Theotokos”, by Michael O’Carroll, C.S.Sp, Michael Glazier, Inc., third revised edition, 1988, trang 251).
Nếu căn cứ vào kiểu cách Đức Phaolô VI công bố tước hiệu Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội này thì có khác gì với lần Đức Piô IX công bố tín điều Mẹ Maria Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội và lần Đức Piô XII công bố tín điều Mẹ Maria Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác. Vì Đức Phaolô VI cũng dùng đến quyền bính tối cao của mình, chẳng những “công bố Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội” mà còn “truyền cho toàn thể Dân Kitô Giáo” phải “kính tôn” Mẹ và “cầu nguyện” với Mẹ “bằng tên gọi rất ngọt ngào này” nữa. Và việc Đức Phaolô VI đã “công bố” và “truyền” làm như thế không phải chỉ bằng một văn kiện, mà là bằng lời nói sống động ngay trước mặt toàn thể hàng giáo phẩm thế giới đang tham dự Công Đồng Chung bấy giờ, thành phần đại diện cho toàn thể Dân Chúa. Nếu “Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội” được thẩm quyền tối cao của Giáo Hội công bố một cách long trọng chưa từng có như thế, thì điều công bố này lại có thể sai lầm được chăng, và có thể phủ nhận và không đáng tin chăng? Do đó, “Rất Thánh Maria là Mẹ Giáo Hội”, theo cách thức và ngôn từ công bố của Đức Phaolô VI, cũng có thể mang một tính chất quan trọng và thiết yếu như các Tín Điều Thánh Mẫu chính thức khác.
Bản Tuyên Xưng Đức Tin do Thánh Bộ Phụ Trách Tín Lý Đức Tin phác họa và phổ biến ngày 9/1/1989 cho các vị có trách nhiệm liên quan đến các chân lý đức tin và luân lý, có đoạn thứ hai về việc:
“Tôi phải lấy cả ý muốn lẫn trí khôn thuận phục các giáo huấn do Giáo Hoàng hay Giám Mục Đoàn công bố khi các ngài thực hành Huấn Quyền chính thức của mình, cho dù các ngài không có ý công bố những giáo huấn này bằng một hành động dứt khoát” (đoạn 2, Tông Thư Motu Proprio: “Ad Tuendam Fidem” của ĐTC Gioan Phaolô II, L’Osservatore Romano, bản Anh Ngữ, số 28/1550, 15/7/1998).
Nếu căn cứ vào đoạn thứ hai của Bản Tuyên Xưng trên đây, thì việc Đức Thánh Cha Phaolô VI công bố tước hiệu Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội, một tước hiệu nói lên chính thực tại của vai trò Mẹ Maria thực sự là Mẹ của Giáo Hội, cũng là một đối tượng của Đức Tin, như các Tín Điều Thánh Mẫu khác.
Giáo lý Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc, tuy chưa được Giáo Hội chính thức long trọng tuyên bố như các tín điều trên đây, tuy nhiên, Đức Gioan Phaolô II cũng đã công nhận và trình bày vai trò cộng tác của Mẹ trong dự án cứu độ của Thiên Chúa cũng như trong công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, qua bài giáo lý (trong loạt 70 bài vào thời khoảng 6/9/1995-12/11/1997) về Mẹ, hôm Thứ Tư ngày 9/4/1997, như sau:
“Từ ngữ ‘cộng tác viên’ áp dụng cho Mẹ Maria đòi có một ý nghĩa đặc biệt. Việc các tín hữu cộng tác trong ơn cứu chuộc xẩy ra sau biến cố Canvê, một biến cố sinh hoa kết trái do nỗ lực nguyện cầu và hy sinh của họ. Còn Mẹ Maria đã cộng tác trong chính biến cố này và với vai trò làm mẹ; bởi thế, việc cộng tác của Mẹ bao hàm toàn thể công cuộc cứu độ của Chúa Kitô. Chỉ có một mình Mẹ đã được liên kết vào hiến tế cứu chuộc bằng cách này, một hiến tế mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Hiệp nhất với Chúa Kitô và tùy thuộc vào Người, Mẹ đã hợp tác để chiếm lấy ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Vai trò làm cộng sự viên của Đức Trinh Nữ bắt nguồn từ thiên mẫu chức của Mẹ… Việc cộng tác đặc thù của Mẹ Maria vào dự án cứu độ có một ý nghĩa như thế nào? Điều này cần phải tìm thấy nơi ý định đặc biệt của Thiên Chúa đối với Mẹ Chúa Cứu Thế, nhân vật mà vào hai trường hợp, một ở tiệc cưới Cana và một ở chân Thập Giá, Chúa Giêsu đã ngỏ lời như với một ‘Bà’ (x.Jn.2:4;19:26). Mẹ Maria đã liên kết trong công cuộc cứu chuộc như một người đàn bà. Tạo dựng nên con người ‘có nam có nữ’ (x.Gn.1:27), Chúa cũng muốn đặt một Tân Evà bên cạnh một Tân Adong trong việc cứu độ. Cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã chọn con đường tội lỗi như là một cặp vợ chồng; Con Thiên Chúa và việc cộng tác của Mẹ Người cũng có nhau để tái thiết lập giòng giống loài người theo phẩm giá nguyên thủy của nó… Công Đồng đã nghĩ đến vấn đề tín lý này và nhận làm của mình khi nhấn mạnh đến việc đóng góp của Đức Trinh Nữ chẳng những vào việc hạ sinh Đấng Cứu Thế, mà còn vào sự sống của Nhiệm Thể Người nữa qua các thế hệ cho đến lúc ‘cánh chung’: nơi Giáo Hội Mẹ Maria ‘đã cộng tác’ (x.Lumen Gentium, đoạn 63) và Mẹ đã ‘cộng tác’ trong công cuộc cứu độ (cùng nguồn, đoạn 53)… Hơn nữa, Công Đồng Chung Vaticanô II trình bày Mẹ Maria chẳng những như ‘Mẹ của Đấng Cứu Chuộc thần linh’, mà còn là ‘cộng tác viên quảng đại một cách đặc biệt’, Mẹ ‘đã cộng tác bằng đức tuân phục của Mẹ, bằng đức tin, đức cậy và đức mến bừng cháy của Mẹ trong công cuộc của Chúa Cứu Thế’. Công Đồng còn nhắc lại rằng hoa trái cao qúi của việc cộng tác này là thiên chức làm mẹ phổ quát của Mẹ: ‘Vì lý do này, Mẹ là mẹ của chúng ta theo trật tự ân sủng’” (L’Osservatore Romano, bản Anh Ngữ, số 16/1487, 16-4-1997, trang 7).
Đã có 500 vị giám mục, 40 vị hồng y và mấy triệu tín hữu, trong đó có Mẹ Têrêsa Calcutta, đồng ký tên đệ trình Đức Thánh Cha để xin ngài công bố tín điều Mẹ Maria Là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Là Đấng Trung Gian An Sủng và Là Đấng Biện Hộ Cho Dân Chúa. Nếu Biến Cố Paris và Lộ Đức liên quan đến tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội thì tước hiệu và tác dụng thần năng vô địch của tước hiệu “Ta là Đức Mẹ Mân Côi” trong Biến Cố Fatima cũng rất có thể sẽ liên quan đến tín điều Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc. Biết đâu việc công bố Tín Điều Thánh Mẫu cuối cùng này nằm ở trong Bí Mật Fatima phần thứ ba, phần chỉ có Đức Thánh Cha được đọc, tức phần thuộc về phần nhiệm của riêng ngài, nên không một vị giáo hoàng nào (Gioan XXIII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II) sau khi xem xong đã cảm thấy cần phải công bố nội dung của nó.
Trong năm tín điều này, hai tín điều đầu được Giáo Hội tuyên tín cách nhau 118 năm, còn ba tín điều tiếp theo lại được thẩm quyền Giáo Hoàng, chỉ trong thời khoảng 110 năm. Sở dĩ ba tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời và Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội là “dấu chỉ thời đại” cho Thời Điểm Maria là vì, so với hai tín điều đầu, Mẹ Maria Là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh, Giáo Hội chỉ tuyên tín khi có lạc giáo mà thôi, trong khi ba tín điều sau là do Giáo Hội tự động “nhận biết và yêu mến Mẹ”.
Chẳng hạn như tín điều Mẹ Maria Là Mẹ Thiên Chúa được tuyên tín là vì lạc thuyết Lưỡng Ngôi, một lạc thuyết được khai triển thêm bởi vị thượng phụ giáo chủ (từ năm 428) ở Antiôkia là Nestôriô (?-450), thành lạc thuyết Nestorianism, chủ trương Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Đức Kitô (khristotokos) mà thôi, chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa (theotokos), vì theo Nestoriô, Đức Kitô là một con người được kết hợp với thần tính của Ngôi Lời Thiên Chúa, và Ngôi Lời Thiên Chúa ở nơi Đức Kitô “như ở trong một đền thờ”.
Trường hợp tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh cũng thế, Giáo Hội tuyên tín vào dịp phi bác lạc thuyết Nhất Ý (Monothelitism), một lạc thuyết biến thiên từ lạc thuyết Nhất Tính (Monophysitism) nơi Chúa Giêsu Kitô. Theo lạc thuyết Nhất Tính, như Eutyches (378-454), một đan sĩ ở Contantinôpôli đã chấp nhận và hết mình ủng hộ, chủ trương rằng nhân tính của Chúa Giêsu Kitô bị tiêu biến trong thần tính của Người khi hiệp nhất với thần tính, do đó, nơi Người chỉ còn lại một bản tính duy nhất. Còn theo lạc thuyết Nhất Ý, do vị thượng phụ giáo chủ Contantinôpôli (610-638 AD) là Sergius chủ trương, với mục đích nhằm tái hợp các giáo hội đang bị phân rẽ vì lạc thuyết Nhất Tính, thì ông công nhận Chúa Giêsu Kitô có cả hai bản tính, thần tính và nhân tính, tuy nhiên, ông lại cho rằng, nơi Người chỉ có một hành động duy nhất (mono-energism) và chỉ có một ý muốn duy nhất (monothelitism). Nếu nơi Chúa Giêsu Kitô chỉ có một hành động và một ý muốn duy nhất như Sergius quan niệm như thế, thì ông vẫn mặc nhiên cho rằng Người chỉ có duy một bản tính chứ không phải có hai bản tính. Trong bản phi bác lạc thuyết Nhất Ý của Sergius này, Công Đồng Lateranô năm 649 đã dành riêng khoản thứ 3 (trong 16 khoản), một khoản liên quan trực tiếp đến tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh như đã được trích dẫn trên đây.
Trong khi hai Tín Điều Thánh Mẫu đầu tiên là tín điều Mẹ Maria Là Mẹ Thiên Chúa và tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh được Giáo Hội tuyên tín chỉ vì có trường hợp lạc thuyết để bảo vệ Đức Tin Tông Truyền của Giáo Hội, bằng những thành ngữ nghiêm trọng “tuyệt thông cho những ai” hay “khốn cho những ai”, thì ba Tín Điều Thánh Mẫu còn lại là tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời và Mẹ Maria Là Mẹ Giáo Hội lại được Giáo Hội tự động công bố như chỉ để tỏ ra “nhận biết và yêu mến Mẹ”, được diễn tả qua các thành ngữ “để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa”, hay “để Người Mẹ cao cả của Người được hiển vinh hơn” hoặc “để vinh danh Đức Trinh Nữ”, đúng như lời tiên đoán của thánh Louis Grignion de Montfort đã được nhắc đến từ đầu: “Vào lần đến lần thứ hai của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria phải được Thánh Linh làm cho nhận biết và tỏ hiện, để qua Mẹ, Chúa Giêsu Kitô cũng được nhận biết, mến yêu và phục vụ”.
Như thế, Thời Điểm Maria, đúng như Mẹ đã tiết lộ ở Bí Mật Fatima phần thứ hai, là thời điểm “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, tức đối với thành phần con cái cưng yêu của Mẹ, như Mẹ đã nói về thân phận của riêng thiếu nhi Lucia trong lần hiện ra thứ hai, 13/6/1917, là Thời Điểm “Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”.
Cao Tấn Tĩnh