Icon Collap
...
Trang chủ / Các tín điều về Đức Maria

Các tín điều về Đức Maria

Từ thế kỷ 19 Giáo hội tuyên tín thêm 3 tín điều về Mẹ Đức Maria. Trong khi đó, 18 thế kỷ trước, chỉ có một Tín Điều duy nhất về Mẹ là Tín Điều Mẹ Thiên Chúa được Giáo Hội tuyên tín vào năm 431 ở Công Đồng chung Ê-phê-sô mà thôi.

Vào thời kỳ ấy, thời Công Đồng Ê-phê-sô, có một vị Linh Mục tên Anastasio công khai chối bỏ thiên chức Mẹ Thiên Chúa ( Theotokos ) của Mẹ, và chỉ công nhận Mẹ là Mẹ của Chúa Ki-tô ( Khristotokos ). Chính Nestorio là thượng phụ Constantinopoli năm 428 cũng chấp nhận như vậy, tức công nhận Chúa Ki-tô có hai Ngôi Vị, một thần linh và một nhân loại. Dựa vào bức thư thứ hai trong ba bức thư của thánh Giáo Phụ Cyrillo Alexandria gửi cho Nestorio, các nghị phụ tham dự Công Đồng chung này, vào ngày 22.6.431, đã tuyên tín như sau:

“Không phải Ngôi Lời đã từ trời xuống ở với một phàm nhân được Trinh Nữ Thánh sinh ra đầu tiên; mà là, vì nên một với xác thể trong lòng ( của Trinh Nữ Thánh ), Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác thể, như là việc sinh ra theo xác thể của mình… Bởi thế, ( các Giáo Phụ ) đã không ngại gọi Trinh Nữ Thánh là ‘Mẹ Thiên Chúa’ ( Theotokos ). Điều này không có nghĩa là bản tính của Ngôi Lời hay Thiên Tính của Ngài đã được bắt đầu hiện hữu từ Trinh Nữ Thánh, mà là, vì Thánh Thể được sinh động bởi hồn thiêng, mà Ngôi Lời đã ngôi hiệp ( kath’hupostasin ) với chính mình, được sinh ra bởi Người, nên Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác thể” ( TCF: 148 – 149 ).

Và, cũng bắt đầu từ đó, Giáo Hội đã dạy cho con cái mình cầu nguyện cùng Mẹ: “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

Tuy nhiên, việc Giáo Hội tuyên tín Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một Tín Điều duy nhất trong suốt 18 thế kỷ đầu của Giáo Hội, là một việc không thể nào không làm để chống lại những sai lầm của lạc thuyết Nestorio, một lạc thuyết đã tác hại ghê gớm đến Đức Tin và phần rỗi đời đời của các tín hữu. Trong khi đó, từ bán thế kỷ thứ 19, trong vòng có 110 năm ( 1954 – 1964 ), Giáo Hội đã tự cảm thấy ( không phải vì ngoại cảnh bắt buộc ), đến lúc cần phải công bố thêm 3 Tín Điều về Mẹ nữa, đó là tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác và Mẹ Là Mẹ Của Giáo Hội.

TÍN ĐIỀU MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Đức Thánh Cha Pi-ô IX, bằng trọng sắc Ineffabilis Deus, đã long trọng tuyên bố Tín Điều này vào ngày 8.12.1854: “Để vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, để phấn khởi Đức Tin Công Giáo và phát triển Ki-tô Giáo; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của các Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận rằng: tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Ma-ri-a, ngay từ giây phút đầu thai của mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”.

Sau đó hơn 3 năm, ngày 25.3.1858, chính Đức Mẹ đã công nhận Tín Điều này khi hiện ra với chị Thánh Bernadette tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội” : “Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận Tín Điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là: “Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội” ( TCF: 204 ).

TÍN ĐIỀU MẸ LÊN TRỜI CẢ HỒN LẪN XÁC

Qua Tông Hiến Munificentissimus Deus, Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã long trọng tuyên bố Tín Điều này vào ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ, 1.11.1950. Phải chăng, như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra để xác nhận Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Thánh Cha Pi-ô IX công bố thế nào, Mẹ cũng tỏ ra xác nhận Tín Điều Hồn Xác Lên Trời về Mẹ do Đức Thánh Cha Pi-ô XII công bố như vậy, khi cho ngài thấy bốn lần, vào những ngày 30 và 31 tháng 10 và ngày 1 và 8 tháng 11 năm 1950 ( TWTAF3: 284-287 ), hiện tượng mặt trời nhẩy múa như ở Fatima ngày 13.10.1917 trước kia ?

Đức Thánh Cha Pi-ô XII đã ban bố Tín Điều này như sau: “Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng là Đấng đã ban muôn vàn ơn lành đặc biệt của Ngài trên Trinh Nữ Ma-ri-a, để tôn kính Con Ngài là Vua muôn đời, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, để Người Mẹ cao cả của Người được hiển vinh hơn, và để toàn thể Giáo Hội hân hoan phấn khởi; bằng quyền bính của Chúa Giê-su Ki-tô, của các Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi công bố, tuyên xưng và xác nhận như là một Tín Điều được Thiên Chúa mạc khải: Người Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a Trinh Nguyên, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế của mình, đã được mang lên hưởng vinh quang trên Trời cả thân xác lẫn linh hồn”.

TÍN ĐIỀU MẸ MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Công Đồng chung Ê-phê-sô tuyên tín năm 431 là: “Tuyệt thông cho những ai không tuyên xưng rằng Đấng Emmanuel thực sự là Thiên Chúa, và bởi thế, Đức Trinh Nữ là Mẹ của Thiên Chúa ( Theotokos – vì Mẹ đã hạ sinh Ngôi Lời Thiên Chúa hóa thành nhục thể theo xác thịt )”.

TÍN ĐIỀU MẸ MARIA TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH

Công Đồng Laterano tuyên tín năm 649, như sau: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Ma-ri-a, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ”.

TUYÊN XƯNG MẸ LÀ MẸ CỦA GIÁO HỘI

Đức Phao-lô VI, trong dịp kết thúc kỳ họp ba của Công Đồng chung Vatican II, cũng là dịp Hiến Chế về Giáo Hội Lumen Gentium được công bố, trước mặt toàn thể các nghị phụ của Công Đồng, đã chính thức tuyên bố:

“Ta mong muốn Mẹ Thiên Chúa phải được cả thế giới Ki-tô hữu tôn vinh và khẩn cầu hơn nữa bằng tước hiệu ( Mẹ Giáo Hội ) tuyệt dịu ngọt này”…

“Khi chúng ta xét đến những liên hệ chặt chẽ gắn bó Đức Ma-ri-a và Giáo Hội, như những mối liên hệ này đã được diễn đạt hết sức rõ ràng trong Hiến Chế Công Đồng này, những mối liên hệ khiến chúng ta phán quyết, trong giây phút rất long trọng này đây, đặc biệt rất thích đáng để làm mãn nguyện một ước vọng, một ước vọng chúng tôi bộc lộ ở vào lúc kết thúc buổi họp cuối này, và cũng là ước vọng của rất nhiều vị Nghị Phụ, khẩn khoản yêu cầu là trong Công Đồng đây, vai trò từ mẫu mà Đức Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a thực hiện đối với dân Ki-tô Giáo cần phải được công bố bằng những từ ngữ rõ ràng”.

“Vì lý do này, chúng tôi thấy rằng, trong cuộc họp công khai này, chúng tôi phải chính thức công bố tước hiệu mà Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cần được tôn kính, tước hiệu đã được đệ xin từ nhiều nơi trong Giáo Hội hoàn vũ, và cũng là một tước hiệu đối với chúng tôi đáng chấp nhận và thỏa lòng cách đặc biệt; vì tước hiệu này mang lại một cách xác thực tuyệt vời vị trí hiển nhiên xứng hợp với Mẹ Thiên Chúa trong Giáo Hội được Công Đồng này đã công nhận. Bởi thế, để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Ma-ri-a là Mẹ Giáo Hội, tức là Mẹ của toàn thể Dân Ki-tô Giáo, cả Giáo Dân lẫn Mục Tử, thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Ki-tô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”.

Trong dịp chính thức tuyên xưng Mẹ Ma-ri-a là Mẹ của Giáo Hội này, Đức Thánh Cha Phao-lô VI cũng lập lại việc hiến dâng toàn thể thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, việc hiến dâng đã được Đức Thánh Cha Pi-ô XII thực hiện hai lần, một vào ngày 31.10.1942 và một vào ngày 7.7.196?. Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã lập lại việc hiến dâng này như sau:

“Ta đã quyết định gửi một đại diện đến Fatima vào một ngày gần đây để mang Bông Hồng Bằng Vàng đến Đền Thánh Fatima, nơi yêu quý hơn bao giờ hết, chẳng những đối với nhân dân của nước Bồ Đào Nha diễm phúc… mà còn được tín hữu trên khắp thế giới Công Giáo nhận biết và tôn kính. Bằng việc làm này, Ta có ý muốn phú thác cả gia đình nhân loại, với những hoạn nạn và âu lo của họ, với những ước vọng thâm sâu và hy vọng tha thiết của họ, cho sự chăm sóc của Mẹ Thiên Đình”.

Nếu căn cứ vào cách thức Đức Phao-lô VI công bố tước hiệu “Mẹ Ma-ri-a Là Mẹ Giáo Hội” không khác gì với lần Đức Pi-ô IX công bố Tín Điều “Mẹ Ma-ri-a Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và lần Đức Pi-ô XII công bố Tín Điều “Mẹ Ma-ri-a Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác”.

Vì Đức Phao-lô VI cũng dùng đến quyền bính tối cao của mình, chẳng những “công bố Rất Thánh Ma-ri-a là Mẹ Giáo Hội” mà còn “truyền cho toàn thể Dân Ki-tô Giáo” phải “kính tôn” Mẹ và “cầu nguyện” với Mẹ “bằng tên gọi rất ngọt ngào này” nữa. Và việc Đức Phao-lô VI đã “công bố” và “truyền” làm như thế không phải chỉ bằng một văn kiện, mà là bằng lời nói sống động ngay trước mặt toàn thể hàng giáo phẩm thế giới đang tham dự Công Đồng chung lúc bấy giờ, là thành phần đại diện cho toàn thể Dân Chúa.

Nếu “Rất Thánh Ma-ri-a là Mẹ Giáo Hội” được thẩm quyền tối cao của Giáo Hội công bố một cách long trọng chưa từng có như thế, thì điều công bố này lại có thể sai lầm được chăng, và có thể phủ nhận và không đáng tin chăng ? Do đó, “Rất Thánh Ma-ri-a là Mẹ Giáo Hội”, theo cách thức và ngôn từ công bố của Đức Phao-lô VI, cũng có thể mang một tính chất quan trọng và thiết yếu như các Tín Điều Thánh Mẫu chính thức khác.

Bản Tuyên Xưng Đức Tin do Thánh Bộ Phụ Trách Tín Lý Đức Tin phác họa và phổ biến ngày 9.1.1989 cho các vị có trách nhiệm liên quan đến các chân lý đức tin và luân lý, có đoạn thứ hai về việc: “Tôi phải lấy cả ý muốn lẫn trí khôn thuận phục các giáo huấn do Giáo Hoàng hay Giám Mục Đoàn công bố khi các ngài thực hành Huấn Quyền chính thức của mình, cho dù các ngài không có ý công bố những giáo huấn này bằng một hành động dứt khoát” ( đoạn 2, Tông Thư Motu Proprio: “AdTuendam Fidem” của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II )

Nếu căn cứ vào đoạn thứ hai của Bản Tuyên Xưng trên đây, thì việc Đức Thánh Cha Phao-lô VI công bố tước hiệu “Mẹ Ma-ri-a Là Mẹ Giáo Hội”, một tước hiệu nói lên chính thực tại của vai trò Mẹ Ma-ri-a thực sự là Mẹ của Giáo Hội, cũng là một đối tượng của Đức Tin, như các Tín Điều Thánh Mẫu khác.

Như vậy, có 4 Tín Điều và 1 Tuyên Xưng về Mẹ Ma-ri-a:

         Tín Điều Mẹ Ma-ri-a Là Mẹ Thiên Chúa,

         Tín Điều Mẹ Ma-ri-a Trọn Đời Đồng Trinh,

         Tín Điều Mẹ Ma-ri-a Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội,

         Tín Điều Mẹ Ma-ri-a Mông Triệu Cả Hồn Lẫn Xác,

         Tuyên Xưng Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Giáo Hội.

Tu sĩ DCCT (biên soạn)

Nguồn tin: mhcgdcct.com

Bình luận
error: Content is protected !!