Icon Collap
...
Trang chủ / Maria: “Phúc vì đã tin” – Lưỡi gươm Ðồng Công

Maria: “Phúc vì đã tin” – Lưỡi gươm Ðồng Công

Nếu trong Biến Cố Truyền Tin, Mẹ Maria được Tổng Thần Gabrien, đại diện cho chính Thiên Chúa và thay mặt cho toàn thể các thần trời, trân trọng kính chào là “đầy ân phúc” (Luca 1:28) thì ở Biến Cố Thăm Viếng Bà Isave “được tràn đầy Thánh Thần” (Luca 1:41) đã dẫn giải thêm về tình trạng “đầy ân phúc” này của Mẹ. Thật vậy, vì được tràn đầy Thánh Thần mà vị thai mẫu của thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã chẳng những có thể biết được Mẹ Maria đang cưu mang Con Thiên Chúa, dù Mẹ không tiết lộ và bụng Mẹ cũng chưa có dấu hiệu gì: “… Phúc thay hoa trái trong lòng của em. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm” (Luca 1:42), mà còn biết được cả những gì Tổng Thần Gabrien đã nói với Mẹ Maria trong Biến Cố Truyền Tin liên quan đến tương lai của Con Mẹ: “những lời Chúa nói sẽ được thực hiện” (Luca 1:45).
Trước hết, Bà Isave, đại diện chẳng những cho riêng nữ giới mà còn cho chung toàn thể nhân loại, vào lúc bấy giờ, khi bà tuyên xưng Mẹ Maria “có phúc hơn mọi người nữ” (câu 42) trong thân phận được làm “Mẹ của Chúa tôi” (câu 43). Mẹ Maria tuy là nữ giới (mới có thể làm mẹ) nhưng đồng thời cũng là loài người, một con người trở thành mẹ của Thiên Chúa. Bởi thế, Mẹ chẳng những “có phúc hơn mọi người nữ” mà còn hơn cả loài người nữa. Thân phận làm người nói chung và thân xác con người nói riêng, nơi Mẹ Maria và nhờ Mẹ Maria, đã trở nên vô cùng cao trọng, khi được thụ thai và cưu mang cùng sinh hạ “Con Ðấng Tối Cao” (Luca 1:32) – Vị Thiên Chúa làm người!

 Sau nữa, Bà Isave cũng cho biết một trong những lý do chính yếu về lý do tại sao Mẹ Maria được “đầy ân phúc”, đó là vì Mẹ “đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói”. Những gì Chúa đã nói với Mẹ trong Biến Cố Truyền Tin mà Bà Isave không biết nhưng được đầy Thánh Thần đã nhắc đến ở đây liên quan chẳng những trực tiếp đến việc thụ thai cách lạ của Mẹ: “Thánh Thần sẽ đến trên người, và quyền năng Ðấng Tối cao trên người rợp bóng; bởi thế mà trẻ sắp sinh sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa!” (Luca 1:35), mà còn đến chính Thai Nhi Giêsu là “người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (câu 42), một người con mà Tổng Thần Gabrien đã khẳng định rằng: “Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Ðấng Tối cao, và Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Ðavit cha Ngài; và Ngài sẽ làm vua trên nhà Yacob cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận!” (Luca 1:32-33).

Phải, Mẹ Maria “có phúc vì đã tin” không phải chỉ trong Biến Cố Truyền Tin mà còn trong suốt cuộc đời của Mẹ nữa, một đức tin sẽ phải đối diện với tất cả những gì là phản ngược lại với những gì được Tổng Thần Gabiên khẳng định, thậm chí trở thành vô hiệu và không thật, những gì trở thành mâu thuẫn hoàn toàn với lời tiên báo của vị tư tế lão thành Simêon khi ông ẵm Hài Nhi Giêsu trong tay mà nói: “Này! Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều người bổ nhào và chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối, – và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm thâu – ngõ hầu ý nghĩa của nhiều tâm hồn phải bày ra” (Luca 2:34-35). Ðúng thế, thân phận “đầy ân phúc” của Mẹ Maria gắn liền với “mũi gươm sẽ đâm thâu” này, gắn liền với đau thương “cay đắng” là ý nghĩa của tên gọi Maria của Mẹ, (theo tiếng Do Thái), một tên gọi trần gian không ngờ lại tương xứng với tên gọi thần linh “đầy ân phúc” của Mẹ!

Căn cứ vào lời tiên tri của vị tư tế lão thành Simêon này, truyền thống có ảnh Ðức Bà 7 Sự Thương Khó với 7 lưỡi gươm đâm vào Trái Tim Mẹ, cũng như có bản Kinh Ngắm Bảy Sự Thương Khó Ðức Bà. Theo bản kinh ngắm này thì 7 lưỡi gươm đâm vào Trái Tim Mẹ bao gồm 7 biến cố đau thương Mẹ phải chịu thứ tự như sau: 

1- Ông Thánh Simêon nói tiên tri cùng Ðức Mẹ;

2- Ðức Mẹ đem Ðức Chúa Giêsu trốn sang nước Êgýptô;

3- Ðức Chúa Giêsu ở lại trong Ðền thờ, mà Ðức Mẹ tìm kiếm Người ba ngày;

4- Ðức Mẹ gặp Ðức Chúa Giêsu đang vác cây Thánh giá;

5- Ðức Mẹ đứng kề Thánh giá Ðức Chúa Giêsu là Con rất yêu dấu khi trút linh hồn;

6- Hai môn đệ hạ xác Ðức Chúa Giêsu mà trao cho Ðức Mẹ ẵm kính;

7- Môn đệ táng xác Ðức Chúa Giêsu vào huyệt đá mới.

Tuy nhiên, ngoài 7 niềm đau theo truyền thống này của Mẹ, chúng ta còn có thể kể đến một số niềm đau nữa chưa được chính thức bao gồm, nhưng không phải vì thế mà không phải là niềm đau của Mẹ, bởi những gì Mẹ chịu tất cả cũng chỉ vì Chúa Giêsu, đúng như lời tiên báo của vị tư tế lão thành Simêon, có thể xẩy ra ngay trước khi Mẹ nghe thấy lời tiên tri ấy nữa. Chẳng hạn niềm đau khi Mẹ biết được Thánh Giuse rất khổ tâm khi ngài thấy thân thể của Mẹ mỗi ngày một biến đổi theo cái thai thần linh trong bụng của Mẹ, cho dù Mẹ có biết hay không biết rằng ngài bấy giờ đang toan tính bỏ Mẹ mà đi. Ngoài ra, chúng ta có thể kể đến niềm đau khi Mẹ thấy Con Mẹ bị dân làng và thân thuộc phủ nhận và còn tìm cách hãm hại Người. Chưa hết, Mẹ không đau sao được khi thấy các môn đệ người thì phản nộp Người, hầu hết bỏ rơi Người và trốn chạy, thậm chí chối bỏ Người, cũng như bị thành phần lãnh đạo trong dân lên án tử cho Người. Ngay cả trên đồi Canvê, sau khi Chúa Giêsu tắt thở, niềm đau nhức nhối nhất của Mẹ, niềm đau của Con Mẹ nhưng thay cho Con Mẹ, khi Mẹ thấy thi thể vô hồn của Con Mẹ còn bị một lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn của Người.

Nếu Mẹ Maria “có phúc vì đã tin” và cái phúc của Mẹ lại liên quan đến lưỡi gươm được vị tư tế lão thành Simêon tiên báo thì có thể căn cứ vào từng niềm đau của Mẹ để thấy đức tin “có phúc” của Mẹ ra sao. Căn cứ vào Phúc Âm, chúng ta có thể kể đến những niềm đau của Mẹ thứ tự như sau:

1- Khi Mẹ thấy Thánh Giuse bối rối trước bụng dạ đang cưu mang Thai Nhi Thần Linh Giêsu (xem Mathêu 1:19);

 2- Khi Mẹ và Thánh Giuse không tìm được chỗ trọ xứng đáng cho việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người (xem Luca 2:6-7);

3- Khi Mẹ nghe thấy vị tư tế lão thành Simêon báo trước về thân phận khổ nạn của Hài Nhi Giêsu (xem Luca 2:34-35);

 4- Khi Mẹ cùng Thánh Giuse phải mang Hài Nhi Giêsu chạy trốn sang Ai Cập để Người khỏi bị Quận Vương Hêrôđê sát hại (xem Mathêu 2:13-14);

 5- Khi Mẹ bị lạc mất Thiếu Nhi Giêsu 3 ngày trong cuộc hành hương tham dự Lễ Vượt Qua ở Giêrusalem (xem Luca 2:41-50);

 6- Khi Mẹ thấy dân làng Nazarét chống đối Con Mẹ và thực hiện cuộc sát hại Người (xem Luca 4:16,28-30);

7- Khi Mẹ thấy thân thuộc của Con Mẹ không tin tưởng nơi Người và tỏ ra khinh Người (xem Marco 3:20-21);

 8- Khi Mẹ thấy Con Mẹ bị tông đồ Giuđa Íchca phản nộp (xem Marco 14:10-11; Gioan 18:1-3);

9- Khi Mẹ thấy Con Mẹ bị tông đồ Phêrô chối bỏ (xem Marco 14:66-72);

 
10- Khi Mẹ thấy Con Mẹ bị nhà cầm quyền Rôma lên án tử bởi áp lực của thành phần lãnh đạo trong dân phủ nhận Người (xem Gioan 19:12-16);

11- Khi Mẹ thấy Con Mẹ gò lưng vác cây thập giá nặng bằng tấm thân đã bị đòn tan nát lên Núi Sọ (xem Marco 15:20-23);

12- Khi Mẹ thấy Con Mẹ bị lột trần ra trước mặt mọi người (xem Gioan 19:23-24);

13- Khi Mẹ thấy Con Mẹ quằn quại đớn đau lúc Người bị đóng đinh chân tay vào thập tự giá (xem Marco 15:22-25; Luca 23:26-31);

14- Khi Mẹ nghe thấy Con Mẹ trên cây thập giá bị mọi người mỉa mai, nhạo báng, khinh chê (xem Mathêu 27:39-44);

15- Khi Mẹ thấy Con Mẹ đã chết mà còn bị một lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn của Người (xem Gioan 19:33-34).  

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BV

Nguồn tin: mehangcuugiup.net

Bình luận
error: Content is protected !!