GIỚI THIỆU:
Đây là một tài liệu học hỏi và tôn sùng Đức Mẹ, đã chuyển tất cả các ý tưởng căn bản của cuốn sách “MYSTÈRE DE NOTRE DAME ET NOTRE DÉVOTION MARIALE” của cha Clément Dillenschneider, DCCT, là nhà thần học lỗi lạc và Thánh Mẫu Học nổi danh bên Giáo Hội Âu Châu, nhưng đối với độc giả Công Giáo Việt Nam còn ít được biết đến. Sau nhiều năm dầy công nghiên cứu và trình bày trong những sách Thánh Mẫu Học loại chuyên môn, nay cha gói ghém tất cả đạo lý Thánh Mẫu mà cha đề xướng, dưới một hình thức bình dân để giúp giáo hữu hiểu, yêu mến và tôn sùng người Mẹ Đức Yêsu và cũng là Mẹ thiêng liêng của chúng ta.
“Về Đức Mẹ, biết nói sao cho cùng”, vì thế chúng tôi tin chắc nhiều độc giả còn có những quan điểm Thánh Mẫu Học khác với của cha Cl. Dillenschneider, và của đường hướng chúng tôi. Chúng tôi mong lãnh ý kiến của các độc giả, cũng như xin đón nhận những chỉ bảo về các điều sai sót, chắc chắn có rất nhiều trong tập tài liệu này.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn các tác giả của những sách mà chúng tôi mạn phép trích đăng trong tập tài liệu này. Chúng tôi cũng ghi ơn tất cả những bạn bè, thân hữu và những ai đã góp công, góp sức xa hay gần, để tập tài liệu này có thể ra mắt công chúng. Cũng như tất cả các vị đó, chúng tôi chỉ mong muốn Đức Mẹ được thêm hiểu biết và yêu mến, và nhờ đó Đức Mẹ càng tỏ ra Người thật là người Mẹ nhân hậu và từ bi của mỗi người chúng ta.
HƯỚNG ĐI…
Có cần tìm hiểu hay học hỏi về Đức Maria nữa không sau bao sách vở đã viết về Người ? Nhất là sau khi Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” của Công Đồng Vatican 2, đã dành cả một chương VIII để nói về “Đ.T.N. Maria, Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội” ? Chị Lucia thố lộ một lời của Đức Mẹ Fatima nói với chị lần hiện ra thứ nhì: “Phần con, phải còn ở lại lâu hơn dưới thế gian. Chúa Yêsu muốn dùng con để làm cho người ta hiểu biết và yêu mến Mẹ. Ngài muốn thiết lập trên thế gian lòng Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Mẹ” ( C. Barthas et Da Fonseca, “Fatima, Merveille inouie”, 2e éd., 43 ). Đang khi đó, hình như có một trào lưu do một số nhà thần học và các nhà giảng thuyết khởi xướng càng ngày bớt nói đến Đức Maria, càng giảm việc làm cho người ta hiểu biết và yêu mến Người. Vì sao ? Do phản ứng chống lại một kiểu sùng kính Đức Mẹ quá tình cảm ? Do nể anh em Tin Lành ? Hay do khó nói về Đức Mẹ ? Theo đó, cần gì học hỏi về Đức Mẹ ? Học về một mình Thiên Chúa không đủ sao ? Cha K. Rahner cũng đặt vấn đề ấy:
• Có cần học về Thánh Mẫu không ?
Thánh Mẫu học có phải là đề tài đáng nói trong địa hạt đức tin, thần học, tín điều chăng ? Nhìn sang phía anh em Tin Lành, chúng ta không thấy một dấu vết gì về Thánh Mẫu học. Hay là phía Công giáo quá sùng thượng Đức Maria nên mới bày ra một môn thần học về Thánh Mẫu ?
Sau đó, một cách sâu sắc và trong một cái nhìn bao quát, Cha K. Rahner giải quyết ( K.R., tr.34-35 ):
“Lẽ dĩ nhiên, đặt một câu hỏi như thế không có nghĩa là chúng ta muốn đặt lại vấn đề về sự hiện hữu của Đức Trinh Nữ Maria, hay hồ nghi những gì Thánh Kinh nói về Maria, Mẹ Đức Kitô. Nhưng nói thế chúng ta vẫn chưa trả lời cho câu hỏi trên đây:
• Chỉ được phép nói về Thiên Chúa:
Chắc hẳn chúng ta sẽ nói rằng Đức Trinh Nữ Maria ấy có thật, nhân vật được kể tới bên lề Thánh Kinh ấy có thật, người Trinh nữ được nhắc tới trong khi người ta trình bày về sử hạnh của Đức Yêsu ấy có thật. Nhưng chúng ta có quyền nói về Maria trong lãnh vực đức tin, và trong khi con người tuyên xưng những gì mình biết về TC nhờ ( chính ở ) lời của Người không ? Thưa: Không, vì trong lãnh vực ấy chỉ có một vấn đề là vấn đề một mình TC và ân huệ của Người mà thôi. Bởi vì thần học chính là vậy: nói về Thiên Chúa. Con người chỉ được quyền nói về một mình TC mà thôi, thế nghĩa là con người không có quyền nói tới tất cả những gì mình muốn nói, cho dù những điều muốn nói đó có cao đẹp, có sắc bén, có nhiệm mầu và gợi cảm đến đâu đi nữa… Ngoài ra, chúng ta chỉ có thể nói tới tất cả những gì còn lại một cách bên lề, tương tự như khi nói tới Philatô trong kinh Tin Kính.
• Thần học phải bàn về con người:
Muốn giải đáp vấn đề trên, trước hết chúng ta phải trả lời cho câu hỏi này đã: “Nói cách tuyệt đối, có một thần học về con người hay không ?” Chỉ sau khi trả lời cho câu ấy, chúng ta mới có thể hăng hái, tin tưởng và vui sướng tiến sâu vào lãnh vực của đức tin và của thần học, để nói một đôi điều về một con người thánh thiện nhất, đích thực nhất và hạnh phúc hơn hết mọi con người, người được chúc phúc trong hết mọi người nữ: Đức Maria !
Chúng ta công nhận thực sự có một thần học về con người, có một tuyên tín và một thần học ca tụng và làm hiển vinh Thiên Chúa khi nói về con người. Tại sao vậy ? ( Đây ta hãy xem: )
Trước hết, đành rằng TC là tất cả trong mọi sự. Bên cạnh Người, không còn gì, tự nó, đáng được nhắc tới trong các tín điều và trong thần học cả. ( Như nói trên )…, con người khi ấy không thể làm gì khác hơn là cúi đầu tôn thờ và ca tụng TC. Vì rằng đức tin và những cố gắng của thần học phải vươn tới một đời sống, mà tất cả nội dung là việc chiêm ngắm TC trong yêu đương, mặt đối mặt, là một bài ca tán tụng đời đời ân huệ của Thiên Chúa.
Dầu vậy, chúng ta cũng công nhận có một thứ thần học về con người, một thứ tuyên tín nhắc đến con người không phải nhắc đến như chuyện bên lề của tuyên tín về Thiên Chúa đời đời và độc nhất. Nhưng là ở ngay phần chính của tuyên tín. Tại sao vậy ? Bởi vì chính Thiên Chúa, trong sự sống Ba Ngôi của Người, trong cái cao sang khôn tả của Người, trong sự hằng hữu đời đời của Người, Người đã ôm lấy loài người chúng ta vào đời sống vĩnh cửu của Người.
• Thiên Chúa đã đến và đối thoại với con người:
…Thiên Chúa không chỉ ban cho chúng ta một vật ( mà Người đã tạo nên từ không không ) nhưng hơn thế nữa, Người tự ban chính mình Người cho chúng ta ( 1 ). Người đã kéo chúng ta ra khỏi cõi hư vô để chúng ta có thể hiện hữu thực sự. Người đã ban cho chúng ta tự do, để trước mặt Người chúng ta thực sự là những kẻ đối thoại với Người. Người đã ký kết với chúng ta một giao ước. Người đã không muốn đàm thoại với chúng ta qua môi giới của tạo vật, một môi giới chỉ đưa chúng ta gặp những cái hữu hạn, những thứ dấu chỉ, những hình ảnh phản chiếu một TC xa vời, cách biệt. Người đã muốn đích thân đối thoại với chúng ta, đến nỗi những gì xảy ra, những gì Người làm, những gì Người tỏ ra và những gì Người ban, cuối cùng vẫn là chính Người, cho dù hiện tại, Người chỉ mới hứa là một ngày kia Người sẽ tỏ hiện với chúng ta “mặt nhìn mặt”, đến nỗi không có gì sẽ chen vào giữa Người và ta nữa.
Và còn hơn thế, chính Người đã đích thân trở thành con người trong Lời của mình, và đó là mầu nhiệm của đức tin đáng tôn thờ hơn cả… Do đó, chúng ta thực sự không thể đề cập tới TC mà không đồng thời đề cập tới con người. Người tự hiến đến nỗi chúng ta không còn có thể nói trong chân thật và đích thực, ai là Thiên Chúa cụ thể và sống động, mà không nói đến Đấng Lời đời đời của Người, và qua Đấng Lời ấy, Thiên Chúa diễn tả chính Người cho chúng ta: Thiên Chúa đã làm người và sẽ là người mãi mãi.
Sau khi Đức Kitô ra đời, trong Kitô giáo của ngày hôm nay, chúng ta không còn có thể nói một điều gì chân thực, cụ thể về TC mà không tuyên tín Ngài là Emmanuel, là Thiên Chúa ở với chúng ta, là Thiên Chúa với xương thịt của chúng ta, Thiên Chúa với bản tính nhân loại của chúng ta. Thiên Chúa đã sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, và bởi đó, đã nên một người giữa chúng ta.
• Bàn về Thiên Chúa là bàn về con người:
Vì Ngài là Thiên Chúa sống động, chân thật và đích thực, nên trong lãnh vực của đức tin và của thần học, ( từ đây đã ) chiếu sáng gương mặt của một con người. Và do đó, cái khoa học đích thực về Thiên Chúa ấy cũng là một thứ thần học tán tụng con người, không phải phải chỉ trong phần phụ thuộc, nhưng là trong chính bản tính thiết yếu nhất của thần học, như thể không nói đến con người thì không còn là thần học nữa, và khoa học thần học ấy, trong khi tán tụng con người thì cũng ca ngợi một mình Thiên Chúa mà thôi. Và cũng do đó mà chúng ta có một Thánh Mẫu học; một tín lý về Nữ Trinh rất thánh và Mẹ của chúng ta. Chính vì thế, Thánh Mẫu học không phải chỉ là một nét trong tiểu sử của Đức Yêsu thành Nazaret, không chút dính líu gì tới phần rỗi của chúng ta, nhưng mà là biểu hiện của đức tin về một thực tại phải tin, không có đức tin ấy, sẽ không có ơn cứu chuộc. Cha K. Rahner sẽ giúp hiểu: Thần học bàn về Thiên Chúa là cũng bàn về con người, song không phải con người cá thể, đơn độc, mà con người trong liên hệ với nhau, và Thiên Chúa muốn dùng con người mà cứu con người, như sau:
• Mối giây liên hệ giữa các con người:
“Chúng ta còn phải thêm một điều này nữa: là con người, chúng ta không phải là không liên hệ với nhau”. Liên hệ không phải chỉ ở trong cái thường nhật của cuộc sống chúng ta, cũng không phải vì đời sống chúng ta đòi phải có kẻ làm cha mẹ, và cũng không phải chỉ là những sinh hoạt khác nhau của sinh lý, của chính trị, của nghệ thuật và của khoa học, bắt chúng ta luôn luôn phải hướng về một cộng đoàn rộng lớn. Giây liên hệ giữa con người và con người không phải chỉ do những điều kiện ấy mà ra, không phải chỉ có ở trong lãnh vực đó. Không, chúng ta còn liên hệ với nhau ngay cả trong lãnh vực của phần rỗi nữa. Đó là một điều tất nhiên nhưng khó lĩnh hội.
• Ta sống không đơn độc:
Chúng ta sẽ nghĩ rằng chúng ta chỉ quan trọng, chỉ cần nhau trong lãnh vực trần tục này mà thôi, trong cái thế giới hữu hình này mà thôi, bất quá đi nữa thì chỉ ở trong cái khung cảnh một trật tự tâm linh hoàn toàn thuộc về trần tục. Chúng ta sẽ nghĩ rằng: nếu điều quan hệ là chính thái độ của Thiên Chúa đối với riêng cá nhân tôi và thái độ của tôi đối với Thiên Chúa; nếu điều cần phải để ý tới là chính cái tự quyết cuối cùng định đoạt cuộc đời của tôi; nếu điều cần phải quan tâm đến là biết rõ tôi sẽ thế nào, khi thần chết tới tách tôi ra khỏi mọi sự để đưa tôi tới trước mặt Thiên Chúa…, nếu chỉ có thế thì quả thực tôi hoàn toàn cô đơn và bị bỏ rơi. Khi ấy, chỉ còn có Thiên Chúa và tôi, một bên là tình yêu và tình thương xót của Người, một bên là tự do của tôi trước lỗi lầm và trước ân huệ, sự tự do của riêng tôi và không một ai khác có thể cáng đáng được.
Nhưng câu chuyện lại không phải là thế. Những điều chúng ta vừa kể ra trên đây là đúng, nhưng đó không phải là tất cả sự thật. Bởi vì sự thật cuối cùng sẽ là: cho dù chúng ta có ở trong cái hoàn cảnh chúng ta vừa vạch ra trên đây đi nữa, chúng ta vẫn còn liên đới với nhau. Vẫn biết rằng mỗi người đều có một cái tự do riêng biệt của chính mình, một tự do độc nhất không ai có thể thay thế, và cái tự do ấy, mỗi người đều phải mang lấy chứ không thể đẩy sang cho kẻ khác. Nhưng không phải vì thế mà tự do của chúng ta lại trở thành một thứ tự do đơn độc, ngay cả khi cái tự do ấy định đoạt về số phận đời đời của con người.
• Nhân loại là một cộng đồng liên đới trong tội lỗi cũng như trong ơn thánh:
Bởi vì Người Con đời đời, Lời đời đời của Cha đã mang lấy xác thịt do Đức Trinh Nữ Maria. Lời của Cha đã mang lấy xác thịt của nòi giống chúng ta, một nòi giống khởi đầu từ Adam, gồm từ người thứ nhất cho tới người cuối cùng. Và như thế, toàn thể nhân loại đã được thắt chặt trong một vòng đai liên hệ, toàn thể nhân loại đã trở thành một cộng đồng, cộng đồng của tội lỗi, cộng đồng của nhân từ, của ân huệ TC, một cộng đồng của nguồn gốc và của cứu cánh. Những tội lỗi và ân huệ, nguồn gốc và cứu cánh đều thuộc thẩm quyền của TC. Và do đó, cái tính cách cộng đồng của nhân loại còn tồn tại trong cả lãnh vực của chương trình cứu chuộc trước Thiên Chúa.
Cộng đồng nhân loại bởi đó là một cộng đồng của ơn cứu chuộc và của đổ vỡ trước Thiên Chúa, là một cộng đồng rộng lớn hằng diễn ra trước mặt Thiên Chúa ( trong toàn khối, chứ không phải chỉ trong danh nghĩa của từng cá nhân đơn lẻ ), cái tấn kịch hùng vĩ của lịch sử, một tấn kịch duy nhất diễn tả ý tưởng của Thiên Chúa về con người. Trăm ngàn vạn cái biến đổi, cái thăng trầm của con người, mà những hiện tượng qui tụ và chống đối đã cấu tạo nên cái lịch sử duy nhất của thế giới này, đã và đang thực hiện kế đồ Thiên Chúa, được vạch ra từ buổi đầu khi Người nói: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta và giống chúng ta.”
• Liên đới với nhau trong lịch sử cứu chuộc:
Chính vì chúng ta liên đới với nhau trong lịch sử ơn cứu chuộc nữa, nên không một ai là vô nghĩa với kẻ khác, tất cả cùng có giá trị, tất cả cùng phải gánh vác cái trách nhiệm của tội lỗi và của ân huệ không phải cho chính mình mà thôi, mà còn cho tất cả nữa. Những đau khổ, những lời nguyện, những giọt nước mắt, những gánh nặng và những vui sướng của một người cũng sẽ là của tất cả mọi kẻ khác, cho cả đoàn lũ đông đảo và vô vàn vô số là nhân loại đang tiến tới trong lịch sử độc nhất này. Chúng ta liên đới với nhau.
• Tiến một bước nữa: Thiên Chúa muốn cứu độ con người nhờ con người:
…Thiên Chúa đã xếp đặt lịch sử thuộc quyền Người thế nào để một người cũng là quan trọng đối với mọi người. Vì thế… Thiên Chúa đã muốn rằng ơn cứu độ Người thực hiện nơi chúng ta phải được thực hiện từ Người tới chúng ta, qua môi giới của con người. Và như thế, khi đức tin và thần học diễn tả về vai trò cứu chuộc của con người trong lịch sử của Thiên Chúa, thì cũng phải nói tới một người Trinh nữ tốt phúc là Maria, bởi Người là Mẹ của Đấng là vị Thiên Chúa và là người trong một ngôi vị duy nhất, nên đã là nền tảng độc nhất của tất cả ơn cứu chuộc Thiên Chúa ban cho con người. Và bởi vì tất cả ơn cứu chuộc của chúng ta đều do nơi Đức Yêsu Kitô, nên Đức Maria cũng có một vai trò quyết liệt trong lịch sử cứu độ. Vai trò ấy, chính Thiên Chúa, trong ý định cứu chuộc khôn lường, đã ban cho Người. Đó là lý do mà thần học phải nói tới Maria. Thần học sẽ tất yếu trở thành nhân loại học, và do đó trở thành Thánh Mẫu học. Đức tin của chúng ta cũng phải bàn tới Maria khi tán tụng một Thiên Chúa độc nhất của ơn cứu chuộc, của nhập thể, của ân huệ và của lịch sử cứu độ duy nhất.”…Với cái nhìn sâu sắc như K. Rahner vừa trình bày, người ta chỉ còn có thể kết luận: Đối với chúng ta, không thể học hỏi về Thiên Chúa mà không học hỏi về Mầu Nhiệm Đức Trinh Nữ Maria; không thể tìm hiểu công trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Yêsu, mà không tìm hiểu vai trò của Đức Maria trong công trình ấy.
• Đóng góp của tài liệu này:
Tập tài liệu này muốn đóng góp phần mình vào việc hiểu biết Đức Maria hơn, và từ đó thêm yêu mến Người, nhờ học hỏi bằng cứ Kinh Thánh và Thánh Truyền sống động của Hội Thánh, đúng như hướng đi của Công Đồng Vatican 2, để “làm sáng tỏ vai trò của Đức Nữ Trinh ( Thánh Mẫu học ) trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể ( Kitô học ) và Mầu Nhiệm Nhiệm Thể ( Giáo Hội học ), cũng như làm sáng tỏ bổn phận những người được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, cách riêng Mẹ các tín hữu” ( H.C.G.H., số 54 ). Chính Công Đồng, cũng trong Hiến chế ấy ( số 67 ) đã khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng Lời Chúa, khi cứu xét đến phẩm chất phi thường của Mẹ Thiên Chúa… hãy làm sáng tỏ đúng mức những chức vụ và đặc ân của Đức Trinh Nữ… – vốn qui hướng về Chúa Kitô, nguồn mạch chân lý thánh thiện và đạo đức – nhờ học hỏi Thánh Kinh – Các thánh Giáo phụ, các tiến sĩ, …Các Phụng Vụ trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền. Còn về phần tín hữu, Công đồng nhắc nhở và dạy rằng: “Lòng tôn sùng Đức Mẹ chân chính: không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật.” Công Đồng cắt nghĩa tại sao: Là vì “đức tin chân thật ấy dẫn chúng ta nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta.” Sự “noi gương nhân đức Mẹ chúng ta” đây phải mở ra hai chiều: lên và xuống !
1 ) Chiều lên là nhằm làm đẹp lòng Chúa, khi ta học đòi các nhân đức Maria vâng phục, tin, yêu, trong sạch, v.v…
2 ) Chiều xuống là nhằm mưu ích cho đồng loại, cho thế giới. Đây là điều hết sức quan trọng mà nhiều người ít lưu ý.
Vì nếu không, việc noi gương các nhân đức của Mẹ, dù tự nó tốt đẹp, cũng chỉ là một thứ đạo đức cá nhân, không làm chứng cho ai, có pha mùi vị kỷ, dù là vị kỷ thiêng liêng. Điều quan trọng là có noi gương Mẹ trong cả cái phần Mẹ mang ơn cứu rỗi đến cho thế giới không ? Các nhân đức đã học đòi nơi Mẹ đem lại lợi ích gì cho người xung quanh, gia đình, xã hội, thế giới ? ( x. Mt 5.13-14 ). Có làm cho thế giới thêm tốt đẹp, thêm yêu thương, thêm hạnh phúc không ? Giờ đây, theo Công Đồng dạy, ta lần lượt:
Lm. Ph. HOÀNG MINH TUẤN, DCCT (còn tiếp)