Với thánh Anphong, khi nói về Chúa Giêsu, luôn thấy có sự hiện diện của Đức Maria, trong vai trò đặc biệt là Mẹ Thiên Chúa và là Đấng đồng công cứu chuộc, hợp tác trong sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu. Trong bài viết này, chúng ta cùng ôn lại những nét căn bản về lòng sùng kính Đức Mẹ, trong truyền thống DCCT, đặc biệt nơi chính cuộc đời thánh tổ phụ Anphong.
Cũng như nhiều vị thánh nổi tiếng khác trong Giáo Hội, thánh Anphong có một lòng yêu mến đặc biệt dành cho Đức Trinh Nữ Maria. Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy lòng yêu mến ấy có lẽ khởi đi từ truyền thống gia đình của thánh nhân, khi song thân của ngài, nhất là mẹ ngài, luôn là mẫu gương sáng cho con cái trong lòng sùng kính Đức Mẹ. Mỗi tối gia đình thường quây quần bên nhau đọc kinh Mân Côi, và các sử gia kể rằng cậu bé Anphong luôn siêng năng có mặt trong các giờ kinh nguyện này mà không cần ai nhắc nhở.
Lòng yêu mến ấy còn được củng cố bởi sự tôn kính Mẹ Maria của người dân Napoli, quê hương của ngài, vì nơi ấy đã chọn tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng cho mình. Hơn nữa, tên của Mẹ Maria cũng được ghi khắc ngay từ những giây phút đầu tiên trong cuộc đời của Anphong, vì khi tìm lại sổ rửa tội, người ta đọc thấy tên cháu bé: Anphong Maria De Liguori, được rửa tội ngày 29/9/1696 [hai ngày sau khi sinh]. Như vậy, có thể nói Anphong đã thật sự thuộc về Mẹ Maria ngay từ khi được sinh ra làm con cái Chúa!
Thế rồi ngày càng lớn lên, trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, thánh Anphong ngày càng thấm sâu lòng yêu mến đối với Mẹ Maria. Người ta vẫn còn nhớ sau lần tranh cãi thất bại ở 1 vụ kiện lớn tại thành Napoli, ngài đã quyết tâm từ bỏ nghề luật sư. Và như một bằng chứng cho sự quyết tâm ấy, ngài đã đến trước tượng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi (Our Lady of Ransom) ở một nhà thờ gần đó, để đặt thanh kiếm hiệp sĩ của ngài dưới chân Mẹ, diễn tả sự quy phục hoàn toàn cuộc đời ngài trong tay Đức Mẹ. Năm đó là năm 1723, Anphong được 27 tuổi.
Từ đó trở đi, sau Chúa Giêsu, Mẹ Maria chính là nguồn sức mạnh và người đồng hành thiết thân của thánh Anphong trên bước đường tông đồ. Nếu như trên cuộc hành trình rao giảng của Chúa Giêsu luôn có Mẹ cùng đi, thì thánh Anphong cũng không thể rời Mẹ trong cuộc đời thừa sai của mình. Thật vậy, nhìn vào cuộc sống tu đức của ngài, ta thấy Thánh Anphong luôn gắn bó với Mẹ cách đặc biệt. Trong những giờ chầu Thánh Thể hằng ngày, thánh Anphong thường dành những giây phút riêng để quy hướng về Mẹ. Những giờ phút lần chuỗi mân côi cũng là cơ hội để ngài gần gũi thiết thân với Mẹ trong tình mẹ con, và ngài đã từng tâm sự rằng cứ mỗi một khắc (15 phút) trong ngày, ngài đọc một kinh Kính Mừng (mỗi ngày ngài lần 8 chuỗi mân côi dâng kính Mẹ?)…Sau này, trong đời sống mục vụ, ngài không bao giờ ngần ngại khuyên bảo những người thân quen, nhất là các tu sĩ trong Dòng, phải biết tôn sùng Ðức Mẹ cách sốt sắng. Ngài khuyên họ năng lần chuỗi để được sự trợ giúp của Mẹ, năng viếng thăm các Ðền Ðức Mẹ, và luôn giữ ảnh tượng Mẹ trong gia đình. Ngài còn khuyến khích họ ăn chay mỗi thứ Bảy, như ngài vẫn làm cho đến cuối cuộc đời.
Lòng yêu mến đó còn được thể hiện nơi những tác phẩm nghệ thuật của thánh Anphong, như các bức tranh ảnh vẽ Mẹ (Our Lady of Good Counsel), các bài thơ, các sáng tác âm nhạc về Mẹ, và nhất là qua tác phẩm văn chương nổi tiếng mang tên “Vinh quang Đức Maria”. Đó là một công trình tim óc mà thánh Anphong đã dùng 16 năm trời (1734-1750) để nghiên cứu, sưu tập, kết hợp với những kinh nghiệm sống thiết thân của ngài với Mẹ. Tác phẩm này được rất nhiều độc giả thời ngài hưởng ứng, tán dương. Người ta đã làm một thống kê cho thấy, ngay tại thành Napôli, kể từ lúc ra mắt, quyển sách này đã được tái bản đến 9 lần trong vòng 25 năm. Từ lần xuất bản đầu tiên đến nay, quyển sách này được dịch ra trên 60 thứ tiếng khác nhau và in ra hơn 1000 lần trên khắp thế giới. (Rey Mermet, CSsR).
Trong thực tế, tác phẩm này ra đời như muốn phản kháng lại trào lưu “Chống-Giáo-Sĩ” và “Duy-lý” rất phổ biến vào thời đó, phát sinh từ các nhóm Tin Lành và Jansenist. Những người thuộc những trào lưu này mỉa mai, bài bác những ai sùng kính Ðức Maria. Họ cho việc tôn sùng Ðức Mẹ là chuyện mê tín dị đoan. Vì vậy, tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria mang theo một sứ mạng đặc biệt, đó là giải thích và cổ vũ lòng yêu mến Đức Mẹ nơi người tín hữu.
Về nội dung, tác phẩm được chia thành hai phần. Phần đầu là những lời bình chú về Kinh Lạy Nữ Vương. Sau mỗi câu kinh, Thánh Anphongsô có lời phân tích và chú giải chi tiết. Phần hai gồm có một số giải thích về các nhân đức của Ðức Mẹ, gợi ý những việc làm tôn sùng Mẹ, và các bài giảng cho những dịp lễ kính Ðức Mẹ Maria.
Về phương pháp viết, thánh Anphong đã dựa vào kinh nghiệm thừa sai chuyên nghiệp và các sự kiện về Ðức Maria được ghi trong Kinh Thánh để nhấn mạnh tầm quan trọng của Ðức Mẹ trong đời sống Kitô hữu. Ngài còn bổ túc thêm vào đó những kết quả của bao năm dày công tìm tòi, khảo cứu, đó là những lời của các Giáo phụ và các thánh nói về vai trò Ðức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài cũng dùng những mẩu chuyện phép lạ có liên quan đến Ðức Mẹ trong tác phẩm này hầu khuyến khích tín hữu tin tưởng, phó thác và kêu cầu Mẹ thường xuyên hơn.
Qua tác phẩm này, thánh Anphong muốn ca tụng vinh quang Mẹ, vinh quang của tình yêu thương xót, và tỏ bày cho mọi người biết vai trò quan trọng của Mẹ đối với ơn cứu độ của nhân loại. Dù rằng vẫn có một vài ý kiến chưa đồng ý, nhưng đa số các tác giả đều cho rằng tác phẩm “Vinh Quang Đức Maria” chính là một kiệt tác về lòng tôn sùng Ðức Mẹ từ thế kỷ 17 cho đến thời nay. Chúng ta hãy lắng nghe một đoạn trong lời nói đầu mà Thánh Anphong đã viết trong tác phẩm này:
“…Lạy Mẹ Maria là Mẹ và là Nữ Vương dịu dàng, Mẹ đã biết, ngoài Chúa Giêsu thì con đặt trót niềm hy vọng được hạnh phúc đời đời nơi Mẹ. Con nhận ra rằng, nhờ trung gian của Mẹ, con mới được đón nhận hết những gì tốt lành cho cuộc đời con: Ơn sám hối, ơn thiên triệu và biết bao ơn khác đến từ Thiên Chúa. Vì thế, con luôn tìm cách cao rao lời chúc tụng Mẹ nơi công khai cũng như nơi tư riêng, bằng cách truyền bá lòng sùng kính Mẹ qua các thực hành dịu dàng và hữu ích. Lạy Mẹ, xin cho con mỗi ngày được mến yêu Mẹ hơn những ngày qua. Con hy vọng sẽ tiếp tục công việc này bao lâu con còn sống, cho tới hơi thở cuối cùng của con…Trước khi chết, con muốn lưu lại cho hậu thế cuốn sách này, để nó thay con tiếp tục ca ngợi Mẹ và thúc đẩy mọi người ca tụng lòng từ ái bao la của Mẹ đối với những ai phụng sự Mẹ. Sau cùng, xin cho họ dốc hết nhiệt tâm nỗ lực cao rao vinh quang Mẹ, và đổ tuôn trên mọi tâm hồn niềm tin tưởng vào sự can thiệp toàn năng của Mẹ. Tôi tớ dấu yêu của Mẹ, (ký tên) Anphong Maria, DCCT.”
Những tâm tình trên của thánh Anphong giúp chúng ta hiểu được phần nào lòng thiết tha yêu mến Mẹ Maria của ngài. Đó là tâm tình của một người con đơn sơ, phó thác, tin yêu nói với mẹ của mình. Tuy nhiên, qua cuộc sống thực tế của ngài, thánh Anphong cho chúng ta thấy những tâm tình đó không chỉ dừng lại ở những cảm xúc hay tình cảm bình thường của con người mà thôi, nhưng còn đưa chúng ta đến sự tin tưởng sâu xa nơi ân sủng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ qua Đức Giêsu, con của Mẹ. Trong tác phẩm Vinh quang Đức Maria, thánh Anphong giải thích rất rõ về điều này. Thánh nhân tin rằng nơi Đức Giêsu Cứu Thế, ơn cứu độ đã được dẫy tràn cho nhân loại. Chính Đức Maria là hoa trái đầu tiên của ơn cứu độ chứa chan ấy qua hồng ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vì thế, Mẹ trở thành niềm hy vọng cho chúng ta, vì điều đã được ban cho Mẹ thì cũng sẽ được ban cho mỗi người chúng ta, trong sự liên đới của thân phận con người.
Ở một đoạn khác trong tác phẩm, khi suy niệm về hình ảnh Mẹ đứng dưới chân thập giá (Gioan 19,25-27), thánh Anphong nhận ra với câu nói của Chúa Giêsu: “Này là Mẹ con”, thánh Gioan tông đồ đã đại diện cho cả nhân loại để đón nhận Mẹ Maria là Đấng đầy ân sủng làm mẹ mình, để rồi trong chính lời trao gởi “này là Con Mẹ”, Mẹ Maria lại tiếp tục cưu mang và hạ sinh thêm những người con trong đức tin và ân sủng của Chúa, để những người con ấy – là chính nhân loại hôm nay– lại được đón nhận ân ban cao cả đến từ Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô
Đoạn Tin Mừng hôm nay còn nói: “Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình”. Thánh Anphong nhìn thấy người môn đệ ấy không chỉ là thánh Gioan, mà còn là tất cả môn đệ của Chúa Giêsu sau này, trong đó có chính bản thân ngài, có Hội Dòng Chúa Cứu Thế, và có tất cả cộng đoàn Dân Thiên Chúa. Vâng, tất cả mọi người đều được mời gọi hãy đón Mẹ về căn nhà tâm hồn mình, để được Mẹ yêu thương, nâng đỡ, và đưa dẫn đến hạnh phúc đời đời trong ân sủng của Thiên Chúa. Có lẽ trong ý nghĩa đó mà thánh Anphong đã muốn chọn tước hiệu Mẹ Vô nhiễm nguyên tội làm Bổn Mạng cho Dòng thánh mà ngài thành lập, như là sự đón rước Mẹ về với cộng đoàn của những người con, ước nguyện bước theo Chúa Giêsu cứu thế trong đời tận hiến.
Mặt khác, trong nhãn quan cứu độ, khi chọn Mẹ Maria vô nhiễm như là Bổn mạng chính của Nhà Dòng, có lẽ thánh Anphong nhận ra chính Mẹ là công trình tuyệt hảo đầu tiên của ơn cứu độ chứa chan nơi Đức Kitô, là điều mà các tu sĩ DCCT đang đón nhận, đang cảm nghiệm, và được mời gọi để công bố cho toàn thể nhân loại. Thánh Anphong đã nhận thấy sự liên kết mật thiết giữa đặc ân Vô Nhiễm của Đức Maria với câu “Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người.” Nên trong tác phẩm Vinh Quang Đức Maria, ngài khẳng định: “Đức Maria là Đấng trung gian mọi ân sủng, mà ân sủng quan trọng nhất chính là ơn cứu độ, là chính Chúa Giêsu Kitô”.
Tóm lại, khởi đi từ diệu cảm về một người mẹ thánh của Con Thiên Chúa, cũng là người mẹ thân thương của nhân loại, nhất là của những ai tin nhận Chúa Giêsu là Cứu Chúa, mà thánh Anphong đã kêu mời tu sĩ DCCT cũng như mọi người hãy bước vào một tương quan thân nghĩa với Mẹ Maria. Mẹ có đó như một ân huệ lớn lao Chúa ban cho nhân loại, như niềm cậy trông cho con người trong cảnh đời tha hương lữ thứ…Thánh Anphong còn cảm nghiệm một cách sâu xa về chân dung của Mẹ Maria như một người Mẹ của lòng thương xót và là Đấng cầu bầu thần thế trước tòa Thiên Chúa cho con người. Nhiều thế hệ tu sĩ DCCT đã chia sẻ linh đạo này và đã làm cho lòng sùng kính Đức Mẹ ngày càng được lan rộng trong đời sống đức tin của Dân Chúa.
Lm. Máccô Bùi Quan Đức, CSsR
Nguồn tin: Nguồn GNsP