Icon Collap
...
Trang chủ / Bài học từ Đức Mẹ

Bài học từ Đức Mẹ

Đức Mẹ là thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa, và là Thánh Mẫu Thiên Chúa. Tôn sùng Đức Mẹ vừa là nhiệm vụ vừa là quyền lợi của các tín hữu Công giáo. Hãy cùng Đức Mẹ cầu nguyện và hy sinh, nếu có thể thì đi hành hương, để tôn vinh, tạ ơn và xin ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, và các ơn lành sẽ được Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta qua Đức Mẹ.

Noi gương Đức Mẹ là cách hữu ích để chúng ta sống đời sống Kitô hữu và sống kết hiệp với Chúa Giêsu nhiều hơn. Nhờ suy niệm các mầu nhiệm thánh, chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ Đức Mẹ. Đây là 7 điều nổi bật nơi Đức Mẹ:

1. TÍN THÁC

Mặc dù sinh ra không mắc tội nguyên tổ, Đức Maria vẫn có ý muốn tự do. Nhưng khi cuộc sống khó khăn, và cả khi chứng kiến Con Yêu Dấu bị đóng đinh, Đức Mẹ vẫn không ngừng tín thác vào Thiên Chúa, luôn kiên vững giữ đức tin. Có những mầu nhiệm khó hiểu, chúng ta có thể suy niệm để học kỹ năng này, một trong các mầu nhiệm đó là sự kiện Truyền Tin.

Khi Thiên Chúa sai Tổng thần Gáprien đến báo tin cho Đức Maria biết rằng chính Đức Maria sẽ là Mẹ của Đấng Cứu Độ, khi đó Đức Maria còn là một thiếu nữ và là con nhà gia giáo. Biết người ta xì xầm bàn tán nhưng Đức Maria vẫn chịu đựng và biết trách nhiệm Thiên Chúa trao cho mình. Đức Maria có thể nói với sứ thần rằng rất sợ hãi khi phải nhận một nhiệm vụ như vậy. Tuy nhiên, Đức Maria lại hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Niềm tin vững vàng đó đã đem Chúa Giêsu đến thế gian để cứu độ chúng ta. Thật vậy, khi Thiên Sứ truyền tin, Đức Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:26-38).

2. KHIÊM NHƯỜNG

Sau khi sứ thần cho Đức Maria biết rằng người chị họ là Êlisabet cũng đã mang thai trong lúc tuổi già, Đức Maria vội vã đến nhà bà Êlisabet để giúp đỡ. Ngay khi Đức Maria chào người chị họ, con trai của bà Êlisabet là Gioan Tẩy Giả liền nhảy mừng trong lòng mẹ, bà Êlisabet được đầy Chúa Thánh Thần và nói với Đức Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:42-45).

Mặc dù Đức Maria có thể vui mừng vì mình thánh thiện nên được Thiên Chúa chọn giữa mọi phụ nữ để làm Thân Mẫu Thiên Chúa, thì Đức Maria lại chúc tụng Thiên Chúa và tôn vinh Ngài. Đức Maria liền cất tiếng xưng tụng Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1:46-55).

3. KIÊN NHẪN

Khi đến giúp đỡ bà Êlisabet, Đức Maria phải đi bộ xa xôi, vài ngày mới tới nơi. Đó là một chuyến đi không dễ dàng, nhưng Đức Maria vẫn đi vì lòng yêu thương. Khi gần tới ngày sinh, Đức Maria lại phải nhọc nhằn đi Giêrusalem. Sau chuyến đi đó, Đức Maria đã khai hoa nở nhụy tại một hang đá ở Belem trong một đêm giá lạnh. Sau đó, Đức Maria và Đức Giuse lại phải đưa Con Trẻ Giêsu trốn sang Ai Cập để tránh ác vương Hêrôđê. Đức Maria đã tìm được sức mạnh nơi Thiên Chúa để kiên vững vượt qua mọi khó khăn, kể cả hành trình gian khó theo Con trên Đường Thập Giá tới Đồi Sọ.

4. TẠ ƠN và VUI MỪNG

Mặc dù được Thiên Chúa yêu thương, Đức Maria vẫn phải sống cực khổ. Tuy nhiên, Đức Mẹ vẫn tạ ơn Thiên Chúa và tìm thấy niềm vui sống trong cảnh gian khó, thậm chí trong tình trạng không chắc chắn. Cuộc thăm viếng Đức Maria dành cho bà Êlisabet là mẫu gương hoàn hảo về lòng yêu thương, niềm hy vọng và sự vui mừng mà Đức Maria đã trải nghiệm bằng cách mang Chúa Giêsu trong cung lòng. Đức Mẹ vui mừng trong Thiên Chúa và tin tưởng vào quyền năng của Con Trai Giêsu.

5. TỬ TẾ

Chắc chắn rằng nhờ sự tử tế và tình mẫu tử của Đức Mẹ mà mọi người được Chúa Con cứu độ. Có nhiều mầu nhiệm để chúng ta suy niệm, nhưng có hai mầu nhiệm đặc biệt. Thứ nhất là mầu nhiệm Đức Mẹ Thăm Viếng: Mặc dù Đức Mẹ đang mang thai, Đức Mẹ vẫn đến giúp đỡ người chị họ Êlizabet trong ba tháng.

Thứ hai là mầu nhiệm tiệc cưới Cana, chính Đức Mẹ là nguồn động viên để Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên. Đó là phép lạ lấy lại danh dự cho đôi tân hôn và gia đình họ. Nếu khách dự tiệc biết gia chủ hết rượu, gia chủ hẳn sẽ bị chê trách. Đức Mẹ chứng tỏ cho Chúa Giêsu biết rằng Đức Mẹ tin tưởng vào Ngài nên mới bảo gia nhân làm theo lời Ngài. Đức Mẹ vinh danh Ngài bằng cách giữ thể diện cho mọi người. Đức Mẹ tử tế không chỉ với những người cần loại rượu mà Chúa Giêsu biến hóa từ nước lã, mà còn với tất cả chúng ta và bất cứ ai cậy nhờ Đức Mẹ nguyện giúp cầu thay.

6. VỊ THA

Có nhiều trường hợp Đức Mẹ vị tha, điển hình nhất là cuộc hành trình theo Chúa Giêsu lên Đồi Sọ. Mặc dù sợ hãi và đau buồn khi thấy Con chịu quá nhiều cực hình, Đức Mẹ vẫn không rời bước theo Con. Không ai có thể trách Đức Mẹ nếu Đức Mẹ rút lui khỏi cuộc chịu đựng đau khổ, nhưng Đức Mẹ không hề có ý bỏ cuộc. Đức Mẹ cần ở bên Con để an ủi Con: MẸ LÀ TẤT CẢ.

7. YÊU MẾN CHÚA

Không ai yêu mến Chúa Giêsu bằng Đức Mẹ. Đức Mẹ luôn tin Chúa Giêsu ngay từ giây phút Ngài ngự vào cung lòng Đức Mẹ. Đức Mẹ giữ chặt Chúa Giêsu để ru Chúa Giêsu bằng những nhịp đập trái tim của Đức Mẹ. Đức Mẹ trở thành người tỵ nạn để bảo vệ Chúa Giêsu. Đức Mẹ suy nghĩ như Chúa Giêsu, và sự vĩ đại của Chúa Giêsu cũng ở trong trái tim của Đức Mẹ. Nếu chúng ta suy niệm về các mầu nhiệm bằng tình yêu trọn vẹn của Đức Mẹ dành cho Chúa Giêsu, chúng ta sẽ biết cách yêu mến Chúa Giêsu sâu đậm nhiều hơn.

Mặc dù chúng ta có thể suy niệm về Đức Mẹ và các mầu nhiệm bằng nhiều cách, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Trong tông thư “Rosarium Virginis Mariæ”, ngài viết: “Với Kinh Mân Côi, các Kitô hữu được học tại Trường học Đức Maria và được học cách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Đức Kitô, đồng thời cũng được trải nghiệm chiều sâu của tình yêu. Qua Kinh Mân Côi, các Kitô hữu lãnh nhận vô vàn hồng ân của Thiên Chúa qua tay Mẹ của Đấng Cứu Thế”.

8. VĨ NGÔN

Hãy dành thời gian suy tư về hành trình của Đức Mẹ trong Kinh Thánh, điều này sẽ giúp củng cố đức tin của chúng ta và giúp chúng ta kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Giêsu.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Bình luận
error: Content is protected !!