Icon Collap
...
Trang chủ / Với bộ áo Đức Bà tôi sẵn sàng chết vì Đạo Công Giáo

Với bộ áo Đức Bà tôi sẵn sàng chết vì Đạo Công Giáo

Sáng ngày 20-7-1900, làng Công Giáo Châu-Gia-Hà thuộc Tần Huyện, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) bị thất thủ. Bọn giặc Quyền Phỉ tràn vào lục soát các gia đình Công Giáo. Họ giết chết các tín hữu. Một số đông chạy đến ẩn trú trong nhà thờ. Tại đây có Cha Sở Léon Ignace Mangin (1857-1900), Thừa Sai dòng Tên người Pháp, và Cha Paul Denn (1847-1900) cũng dòng Tên. Hai Cha nhất quyết cùng sống cùng chết với đoàn chiên. Các ngài can đảm khuyến khích các tín hữu Công Giáo bình tĩnh và sẵn sàng chịu chết vì Đức Tin.

Khi quân lính tiến vào nhà thờ, họ giơ súng bắn xối xả vào đám tín hữu đang quỳ cầu nguyện trước Nhà Tạm, trước Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ và trước hai vị Chủ Chăn. Trong giây phút hỗn độn và hãi hùng, một số thanh niên và đàn ông tìm cách thoát khỏi cơn sát hại. Họ ùa vào Phòng Thánh, phóng mình qua cửa sổ và chạy trốn. Đợt chạy đầu thoát nhưng đến đợt thứ hai thì bị bọn lính chặn lại. Lính đứng sẵn dưới đất, khi một thanh niên vừa phóng qua cửa sổ, chạm chân xuống đất, họ giơ súng bắn ngã gục. Sau cùng, vì mệt và vì chán ngấy với hành động sát hại dã man, bọn lính bắt khoảng 50 tín hữu đem nộp cho toán quân của chính phủ đang chiếm đóng ở làng Công Giáo gần đó.

Trong số 50 tín hữu Công Giáo bị bắt có thanh niên Phêrô Châu Nhật Tân (1881-1900). Châu Nhật Tân là con trai thứ hai của ông Châu Vũ Đình. Anh Châu là học trò Các Linh Mục dòng Tên. Anh nổi tiếng gương mẫu về tinh thần kỷ luật và về các sinh hoạt cộng đoàn. Anh còn là tín hữu đạo đức, thâm trầm và được mọi người mến chuộng.

Khi tướng Trần Tắc Lâm nhìn thấy anh Châu Nhật Tân đi chân không, áo quần tơi tả và khuôn mặt ướt đẫm nước mắt, ông động lòng cảm thương và nhất định cứu sống anh. Tướng Trần Tắc Lâm thừa lệnh tổng trấn Lý Bình Hằng của tỉnh Sơn Đông đến giải quyết vấn đề các tín hữu Công Giáo. Ông gọi riêng anh Châu và dùng lời lẽ vừa nhân ái vừa đượm đầy tình phụ tử để thuyết phục:
– Hãy dứt khoát một lần từ bỏ Đạo Công Giáo, em sẽ được tự do.

Anh Châu vừa mạnh mẽ trả lời KHÔNG! KHÔNG! vừa ngoảnh mặt đi nơi khác như lộ vẻ kinh tởm.

Tướng Trần vẫn tiếp tục dụ dỗ:
– Em chỉ cần nói một lời thôi, tôi sẽ cứu em khỏi chết.

Anh Châu cương quyết:
– Không! Không! em không nói!

Tướng Trần nài nỉ:
– Thôi em không cần nói chi hết. Chỉ cần làm một dấu hiệu chứng tỏ em chối Đạo là đủ. Nếu không, tôi sẽ ra lệnh bắn em!

Những người không Công Giáo có mặt tại buổi đối thoại hôm đó, sau này làm chứng rằng cuộc dụ dỗ và chiến đấu giữa tướng Trần và anh Châu kéo dài rất lâu. Sau cùng, để dứt khoát trước mọi dụ dỗ của tướng Trần, anh Châu thẳng thắn nói:
– Thưa ngài, ngài đâu có thể chối bỏ Cha Mẹ ngài. Em đây cũng vậy. Em không thể nào chối bỏ THIÊN CHÚA em kính yêu và tôn thờ.

Tức giận vì không thuyết phục được chàng thanh niên Công Giáo can đảm, ông tướng hét lớn:
– Hãy xéo đi, mày thực là tên ngu xuẩn!

Và ông ra lệnh bắn chết anh Phêrô Châu Nhật Tân. Năm đó anh vừa đúng 19 tuổi xuân.

… Vị tử vì đạo thứ hai là Chị Rosa Phạm Huệ (1855-1900), trinh nữ Trung Hoa. Chị chào đời trong một gia đình Công Giáo tại làng Phạm, tỉnh Hà Bắc. Chị là giáo viên nhân từ, đạo đức, khiêm tốn và luôn sống thanh đạm.

Khi bọn giặc Quyền Phỉ nổi lên giết chết các tín hữu Công Giáo Trung Hoa, Chị Rosa Phạm Huệ đang dạy giáo lý cho các trẻ em tại làng Vương-Gia-Trang. Tháng 7 năm 1900, thấy tình thế bắt Đạo mỗi ngày một dữ dội, Chị Huệ đóng cửa lớp và trở về quê quán ở Trương-Não-Gia. Từ đó, Chị lang thang nay đây mai đó, tìm nơi ẩn trốn.

Tuy nhiên, dầu trốn ẩn, tận nơi sâu kín tâm lòng, Chị vẫn ao ước có ngày được diễm phúc tuyên xưng Đức Tin Công Giáo. Chính bạn gái của Chị làm chứng như thế trong lời khai cho án tôn phong chân phước cho Chị. Ngày 15-8-1900, cả hai cùng tham dự Thánh Lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chị Phạm Huệ đã thức suốt đêm hôm đó để cầu nguyện.

Sáng ngày 16-8, bọn giặc Quyền Phỉ đột nhiên ồ ạt tấn công làng Trương Não Gia, cho đến giờ phút ấy vẫn tạm yên, không bị quân lính quấy nhiễu. Chúng bắt ngay em trai Chị Huệ và một tín hữu Công Giáo khác. Nhưng thật ra bọn giặc chỉ chủ ý tìm Chị Phạm Huệ, một trinh nữ Công Giáo quá nổi tiếng về lòng đạo đức, tinh thần bác ái và nhất là lòng nhiệt thành giảng dạy giáo lý cho các trẻ em.

Binh lính hùng hổ lục soát mọi hang cùng ngõ hẻm để tìm cho ra tông tích Chị Huệ, nhưng vô hiệu. Thấy vậy, ba tên du đãng ngoại giáo trong làng nhập cuộc để tìm cho ra chỗ trú của Chị Huệ. Sau cùng, ba tên này khám phá ra Chị đang ẩn nơi bờ đê của làng. Chúng nói với Chị:
– Chị an tâm, bọn giặc đi rồi, tụi tôi sẽ đưa Chị về làng an toàn.

Chị Huệ hiểu ngay chúng chỉ giả vờ giúp Chị để tóm trọn số tiền Chị đang mang trong mình. Chị Huệ nhất định từ chối không chịu đi theo 3 tên côn đồ. Thấy vô hiệu, chúng đổi chiến thuật, hô lớn tiếng, gọi bọn lính Quyền Phỉ đến.

Bọn lính quá mừng, chạy ào tới hỏi:
– Chị có phải là tín hữu Công Giáo không?

Chị Rosa Phạm Huệ trả lời:
– Chắc chắn rồi, tôi là người Công Giáo!

Bọn lính dùng dao đâm Chị một nhát và hỏi tiếp:
– Chị có chịu bỏ Đạo không?

Chị bình tĩnh đáp:
– Không!

Bọn lính dùng dao rạch một đường nơi mông Chị, rồi lập lại câu hỏi, Chị cũng lập y lại: ”KHÔNG”. Bọn lính xẻo một tai của Chị nhưng Chị Huệ vẫn can đảm nói:
– Không, tôi không chối Đạo! Tôi là nữ tử Thiên Hoàng, tôi không chối bỏ Ngài!

Rồi Chị giơ cao Bộ Áo Đức Bà Camêlô đang mang trong mình và nói:
– Với Bộ Áo Đức Bà tôi sẵn sàng chết vì Đạo Công Giáo!

Bọn lính đâm tiếp mấy lát dao nữa rồi liệng Chị xuống sông. Chị Rosa Phạm Huệ dùng chút sức còn lại bơi vào bờ, nhưng rồi kiệt sức, Chị buông mình cho dòng nước mang đi.

… Đức Chúa GIÊSU ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: ”Phúc cho anh chị em là những kẻ nghèo khó, vì Nước THIÊN CHÚA là của anh chị em. Phúc cho anh chị em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì THIÊN CHÚA sẽ cho anh chị em được no lòng. Phúc cho anh chị em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh chị em sẽ được vui cười. Phúc cho anh chị em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh chị em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh chị em ở trên Trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Luca 6,20-23).

(Celestino Testore, S.I, ”Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo”, Curia Generalizia della Compagnia di Gesù, 1955)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Bình luận
error: Content is protected !!