Icon Collap
...
Trang chủ / Vinh Quang Đức Maria: Maria, Mẹ chúng ta

Vinh Quang Đức Maria: Maria, Mẹ chúng ta

Chương I

SALVE REGINA, MATER MISERICORDIE

KÍNH CHÀO NỮ VƯƠNG, MẸ TÌNH THƯƠNG

Tiết thứ hai

Maria, Mẹ chúng ta

Tặng trao sự sống chân thật

Không phải do một tưởng tượng bồng bột hay một ảo tưởng mơ hồ mà các tôi tớ nhiệt thành của Maria thích gọi Mẹ là Mẹ. Họ không chịu gọi Mẹ bằng một danh hiệu khác, và cũng không bao giờ chán gọi Mẹ bằng danh hiệu rất êm dịu là Mẹ ấy. Phải rồi, Maria thật là Mẹ chúng ta, không phải Mẹ thể xác, mà là Mẹ tinh thần. Mẹ là Mẹ linh hồn chúng ta, Mẹ sắm cho ta vĩnh phúc trên trời.

Tội lỗi, một khi đã tước đoạt ân sủng của linh hồn, cũng tước đoạt luôn sự sống của linh hồn nữa. Lúc đó, linh hồn phải thảm hại rơi vào bóng chết tối tăm. Trước thảm trạng này, Chúa Giêsu, Cứu Chúa của chúng ta, xúc động vì lòng cảm thương và yêu dấu, đã tình nguyện đến chịu chết trên thánh giá, chuộc lại cho ta sự sống mà ta đã bỏ mất. Chính Chúa đã tuyên phán: Ta đến để chiên Ta được sống và được sống dư tràn (Ga 10,10). Được sống dư tràn: thật vậy, vì theo các nhà thần học, công đức Chúa Giêsu mang lại cho ta do ơn cứu chuộc vượt xa trên sự thiệt hại Ađam gây ra cho ta do tội lỗi. Bằng công đức ấy, cùng lúc lập cuộc giao hòa giữa Thiên Chúa và chúng ta, Chúa Giêsu đã trở thành người Cha các linh hồn trong luật pháp ân sủng tân kỳ, theo lời tiên tri Isaia: Người ta gọi Ngài là cha của thế kỷ tương lai, là hoàng tử của hòa bình (Is 9,6). Lý luận theo chiều đó, nếu Chúa Giêsu đã là Cha linh hồn chúng ta, thì Mẹ Maria cũng phải là Mẹ. Vì lẽ khi đem Chúa Giêsu trao tặng chúng ta, Mẹ Maria đã tặng chúng ta sự sống chân thật. Rồi, khi hiến dâng sự sống Con Mẹ trên núi Canvê để cứu chuộc ta, Mẹ lại sinh chúng ta vào đời sống ân sủng nhiệm mầu.

Phôi dựng trong ngày Truyền Tin

Theo lời các thánh Giáo phụ, Maria trở nên Mẹ chúng ta trong hai trường hợp. Trước hết là khi Mẹ phôi dựng Con Thiên Chúa trong lòng đồng trinh của Mẹ. Đó là chủ trương của thánh Anbêtô Cả, và cũng là chủ trương quyết liệt của thánh Bênađinô Siêna. Trong ngày Truyền Tin, lúc Mẹ tỏ tình ưng thuận, sự ưng thuận mà Ngôi Lời đã từng chờ mong để trở nên Con của Mẹ, thì lúc đó, thánh Bênađinô viết, “do chính sự ưng thuận đó, với một nhiệt tâm trác tuyệt, Mẹ đã xin cho chúng ta được giải thoát, và cung cấp ơn giải thoát ấy cho chúng ta. Cũng cùng trong lúc ưng thuận đó, Mẹ đã hoàn toàn hiến mình trong công cuộc Cứu Chuộc loài người. Thế nên, ngay từ lúc ấy, Mẹ đã cưu mang chúng ta trong lòng Mẹ như các con của Mẹ và trở nên Mẹ thật của chúng ta”.

Thuật truyện ngày thánh đản của Chúa Cứu Thế, thánh Luca viết: Đức Maria đã sinh hạ vào đời người con đầu lòng (Lc 2,8). Đọc câu đó, một tác giả nêu lên một nhận xét này: thánh ký quả quyết Maria sinh con đầu lòng, thế ta có được nghĩ Mẹ còn sinh nhiều con khác nữa không? Có thể được. Nhưng, tác giả thêm, ta phải tin rằng theo thể xác, Mẹ Maria chỉ có một người Con duy nhất là Chúa Giêsu. Mẹ còn sinh nhiều con và rất nhiều người con khác nữa: nhưng những người con này là những người con thiêng liêng, Mẹ sinh ra về phần linh hồn. Đó là hết thảy chúng ta. Một lần đọc đoạn Phúc Âm này, thánh nữ Gertruđê hoảng sợ bối rối, không hiểu tại sao Chúa Giêsu là Con duy nhất của Đức Mẹ, mà lại gọi là con đầu lòng. Chúa Giêsu liền giảng nghĩa cho thánh nữ qua một mặc khải như chúng ta vừa đọc: Chúa Giêsu, phôi dựng trong thể xác, là Con đầu lòng của Mẹ Maria, và nhân loại chúng ta là những người con được Mẹ sinh ra sau, nhưng là những đứa con tinh thần.

Sách Diễm Ca có một câu nói về Mẹ Maria mà ý nghĩa rất thích hợp với những dòng vừa giải thích trên. Câu ấy như sau: Lòng Mẹ như một đống lúa mì, có hoa huệ mọc quanh (Dc 7,2). Ta hãy nghe thánh Ambrosiô chú giảng: “Tấm lòng rất trinh trong của Mẹ Maria chỉ chứa đựng một hạt lúa mì, đó là Chúa Giêsu Kitô. Nhưng lại gọi là đống lúa mì, vì hạt lúa mì này đã chứa sẵn mầm mống để mọc lên những ai được tuyển phúc mà Mẹ Maria sẽ sinh ra; do đó, Chúa Giêsu là Con đầu lòng, là trưởng tử giữa anh em (Rm 8,29). Đức viện phụ thánh thiện Guliemô viết: “Trong trái cây duy nhất này, tức là trong Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, Mẹ Maria đã sinh hạ một đông đảo các con khác vào phúc trường sinh. Mẹ đã sinh họ vào sự sống, vì Mẹ sinh ra sự sống”. Vậy kết luận: sinh Chúa Giêsu là Cứu Tinh, là sự Sống chúng ta, Mẹ Maria đã sinh tất cả chúng ta vào sự sống và vĩnh phúc.

Sinh hạ bên Thánh Giá

Trường hợp thứ hai Mẹ Maria tặng chúng ta sự sống ân sủng là trên núi Canvê, khi tâm hồn tràn ngập đau khổ, Mẹ hiến dâng sự sống Con chí thánh Mẹ cho Cha hằng hữu để cứu chuộc chúng ta. Thánh Âutinh quả quyết rằng “từ đó, Mẹ đã thực sự trở nên Mẹ thiêng liêng của tất cả các chi thể Chúa Cứu Thế, vì Mẹ đã yêu đương cộng tác vào sự sinh ra các tín hữu vào Giáo hội”, đã tái sinh chúng ta nhờ ân sủng của Thủ Lĩnh Giêsu Kitô.

Đó cũng chính là ý nghĩa lời sách Diễm Ca đã áp dụng vào Mẹ Đồng Trinh sau đây: Người đã đặt Mẹ canh giữ các vườn nho; Mẹ đã không canh giữ vườn nho của riêng Mẹ (Dc 1,5). Mẹ Maria đã đành lòng hi hiến sự sống của Con Mẹ, để cứu độ linh hồn chúng ta. Ý nghĩa lời giảng thích của cha Guliemô là thế. Cha viết: “Để cứu độ nhiều linh hồn, Mẹ đã đành để linh hồn riêng của Mẹ phải chết”. Linh hồn riêng của Mẹ Maria là gì, nếu không phải là Chúa Giêsu? Chúa chính là sự sống và là tất cả tình yêu của Mẹ. Theo nghĩa đó, thánh Simêon đã tiên báo cho Mẹ biết ngày kia một lưỡi gươm đau khổ sẽ xuyên thấu qua linh hồn thánh đức của Mẹ (Lc 2,35). Mũi gươm oan nghiệt đó chính là mũi đòng đã đâm thâu qua cạnh sườn Chúa Giêsu, linh hồn riêng của Mẹ. Trong giờ phút đó, Maria đã sinh hạ chúng ta vào sự sống vĩnh cửu, ngay trong giữa những đau đớn ê chề, và cũng từ giờ phút đó, tất cả chúng ta đã được gọi là con của Mẹ, những người con mà Mẹ đã sinh ra từ thống khổ đau thương.

Lúc nào Mẹ chí ái chúng ta cũng hoàn toàn tuân hợp thánh ý Chúa. Thấy Cha hằng hữu yêu thương loài người đến sẵn sàng trao phó Con mình để cứu chuộc họ, và thấy Con yêu thương chúng ta đến sẵn sàng chịu chết vì chúng ta, Mẹ cũng muốn dâng mình hi sinh như vậy. Thánh Bonaventura khuyến cáo chúng ta không được phép hoài nghi điều này: “Mẹ Maria muốn hòa tan vào tình yêu tha thiết của Cha và của Con, nên đã đem tất cả tấm lòng hào hiệp hiến dâng Con chịu chết để loài người được sống”.

Thực ra, chỉ có một mình Chúa Giêsu chịu chết cho loài người, Chúa phán: Chỉ có một mình Ta đã bước lên máy ép (Is 63,3). Nhưng trước tấm lòng nhiệt thành của Mẹ Maria ao ước hoại thân để cứu chuộc loài người, Chúa đã ưng thuận cho Mẹ đồng công vào công cuộc phục hồi nhân loại. Mẹ đã tự tình hi sinh và hiến dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa; do tấm lòng tự nguyện này, Mẹ đã trở thành Mẹ linh hồn chúng ta. Khi sắp trút linh hồn trên thánh giá, thấy Mẹ và môn đệ Gioan đứng gần mình, Chúa Giêsu cũng đương nhiên tỏ rõ ý hướng đó. Chúa di chúc cho Mẹ: Đây là con Mẹ (Ga 19,26), đây loài người đã được sinh vào đời sống ân sủng, nhờ Mẹ hiến dâng sự sống Con đây để cứu chuộc họ. Chúa lại di ngôn với môn đệ: Đây là Mẹ con (Ga 19,27). Những lời này đã minh nhiên tôn nhiệm Mẹ Maria là Mẹ không phải chỉ một mình thánh Gioan, nhưng là Mẹ cả loài người. Thánh Bênađinô Siêna giảng nghĩa: “Ở đây, thánh Gioan đại diện cả nhân loại, và Mẹ Maria cũng trở nên Mẹ cả nhân loại trong tình Mẹ tha thiết yêu thương họ”. Nhà thần học Sylveira lưu ý chúng ta về từ ngữ thánh Gioan dùng để thuật lại sự kiện di mạng của Chúa ấy trong Phúc Âm của ngài. Ông viết: “Gioan là một danh từ riêng chỉ một nhân vật; môn đệ là một danh từ chung hợp được với mọi người: như vậy đã rõ Mẹ Maria được chỉ định làm Mẹ tất cả chúng ta”. Theo chỉ định đó, phàm giáo hữu nào đã là môn đệ Chúa Giêsu tất cũng là con Mẹ Maria: ý muốn của Chúa Cứu Chuộc đã rõ ràng như thế rồi.

Mẹ tình yêu mĩ diệu

Mẹ Maria tự xưng: Mẹ là Mẹ tình yêu mĩ diệu (Hc 24,24). “Đúng thế, tình yêu của Mẹ đã trang điểm linh hồn chúng ta một vẻ mĩ diệu trước thánh nhan Chúa, cũng biến hóa Mẹ trở nên thùy mị đối với chúng ta là con Mẹ”. Ôi Nữ Vương dịu dàng của chúng con, có người mẹ nào yêu thương con mình, lo lắng đến hạnh phúc của con mình bằng Mẹ yêu thương chúng con, và ân cần lo đến lợi ích của chúng con bằng Mẹ không? Thánh Bonaventura trả lời thay Mẹ rằng: “Chẳng có người mẹ nào có thể sánh được với Mẹ trong tình âu yếm và săn sóc đến hạnh phúc chúng con”.

Hạnh phúc và chân phúc cho những ai sống dưới bóng một người Mẹ vừa yêu đương vừa quyền thế như Mẹ Maria! Ngay từ thời Maria chưa sinh vào đời, tiên tri Đavít đã tự nhận mình là con của Mẹ để xin Chúa cứu mình. Ngài cầu xin: “Xin Chúa cứu độ đứa con của nữ tì Chúa” (Tv 85,16). Thánh Âutinh hỏi và trả lời: “Con của nữ tì nào? Của nữ tì đã nói: Đây con là nữ tì Chúa”. Thánh Robêtô Bêlaminô cảm động kêu lên: “Ôi, được một người Mẹ hiền từ như Mẹ gìn giữ, chúng ta có phúc chừng nào! Ai dám có gan kéo chúng ta ra khỏi lòng Mẹ”, nếu chúng ta cứ nằm gọn giữa hai vòng tay từ mẫu của Mẹ mà chống đánh cừu địch ta? “Chúng ta đã nương ẩn dưới quyền bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ chúng ta rồi, thì còn căm hờn nào của hỏa ngục, còn xáo động nào của dục tình thắng được chúng ta”?

Người ta ngoa truyền rằng: thấy con mình lâm nguy, xô dạt trên sóng hay bị thợ câu săn đuổi, loài cá voi thường há miệng ngậm con vào. Điều ấy không đúng, nhưng cha Nôvarinô dựa theo đó viết: “Mẹ mến thương của chúng ta cũng làm như vậy. Khi sóng gió dục tình nổi dậy xô dạt các con của Mẹ, và thấy các con của Mẹ lâm nguy, Mẹ nương ẵm họ vào lòng Mẹ; ôm ẵm họ trong vòng tay phù trì của Mẹ, và luôn luôn âu yếm xiết chặt họ bên trái tim Mẹ, cho đến khi đưa họ vào tới cửa bình an thiên đàng”. Ôi Mẹ rất yêu mến, Mẹ hoàn toàn mĩ diệu, con chúc tụng Mẹ luôn luôn, con chúc tụng Chúa đời đời, vì đã ban Mẹ làm Mẹ chúng con, làm nơi chúng con ẩn trú an toàn trong mọi cảnh đời nguy hiểm!

Một bà mẹ thấy con sắp rơi vào lưỡi gươm quân thù, hẳn sẽ làm hết sức để cứu con. Đó là điều Mẹ Đồng Trinh đã đích thân nói với thánh nữ Brigita, và thêm rằng: “Mẹ cũng làm như vậy, và sẽ làm như vậy mãi cho bất cứ người con nào của Mẹ, dầu nó tội lỗi, miễn là nó cứ cầu xin và kêu cứu Mẹ thương”. Bí quyết để chiến thắng trong mọi cuộc giao phong với hỏa ngục là cậy trông Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng ta, đọc đi đọc lại mãi lời này: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con đến ẩn nương dưới bóng Mẹ! Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con đến ẩn nương dưới bóng Mẹ!4 Chỉ bằng mấy lời kêu xin vắn tắt ấy, giáo hữu đã chiến thắng hỏa ngục bao phen hiển hách! Cũng chỉ nhờ có thế mà nữ hiền phước Maria Thánh giá, nữ tu dòng thánh Bênêđitô, đã luôn luôn thắng lướt được ma quỉ đến tấn công bà .

Ai thơ dại hãy đến cùng Mẹ

Hỡi các con yêu dấu của Mẹ Maria, các bạn hãy vui lên! Mẹ Maria đón nhận hết mọi người muốn làm con Mẹ! Phải, hãy vui lên mà tin tưởng! Được Mẹ Maria phù trì bênh vực, ta còn sợ gì phải tiêu trầm? Hỡi các bạn đang mến yêu Mẹ Maria, đang tin tưởng vào thế phòng thủ của Mẹ, thánh Bonaventura mời các bạn can đảm thêm lên: “Linh hồn ta ơi, hãy tin tưởng vững mạnh nhắc lại câu này: tôi sẽ hân hoan, tôi rún lên một nhịp điệu vui mừng, vì, trong cuộc tuyên án tôi sắp chịu, án lý lại do Anh tôi và Mẹ tôi thẩm xử”. Anh tôi là Chúa Giêsu; Mẹ tôi là Mẹ Maria, định mệnh đời đời của tôi ở trong tay Giêsu Maria, tôi không thể nào bị thua lý được. Nghĩ tới đó, thánh Anselmô thốt lên một giọng tươi vui tin tưởng rằng: “Ồ, bảo đảm lắm rồi! Tôi phải hi vọng mãnh liệt đến đâu, vì người Anh hiền hậu và người Mẹ lân tuất của tôi sẽ tùy theo sở thích của tình thương mà định đoạt về vĩnh phúc của tôi” trong vụ án cuối đời.

Bạn hãy đọc lời Mẹ kêu mời sau đây làm câu kết luận cho tiết này: Ai thơ dại hãy đến cùng Mẹ (Cn 9,4). Trẻ nhỏ lúc nào cũng luôn miệng gọi mẹ mình. Một nguy hiểm vừa đe dọa, một sợ hãi vừa gieo kinh hoàng, là người ta đã nghe kêu cứu rối rít: Mẹ ơi, Mẹ ơi! Ôi Maria, Mẹ rất thùy mị, rất yêu thương, Mẹ từng đợi chờ chúng con bé nhỏ lại như trẻ thơ, kêu cầu Mẹ trong mọi gian nan, chạy đến cùng Mẹ trong mọi cảnh đời. Mẹ muốn lưu ẩn chúng con trong lòng Mẹ, muốn cứu độ chúng con, như Mẹ đã từng cứu độ hết mọi người đến cầu xin Mẹ.

Thay vào chỗ mẹ trần gian

Trong lịch sử kiến lập nhà dòng Chúa Giêsu ở Neapoli, có kể truyện một nhà quí phái trẻ tuổi người Tô cách lan, tên là Guliemô Elphinstone, hoàng thân của hoàng đế Giacôbê.

Sinh trưởng trong bè rối, ông đã nhiễm lây tất cả học thuyết của lạc giáo. Nhưng một ánh sáng trên trời cho ông dần dần khám phá ra cái giả dối của đạo ông theo. Ông sang Pháp. Ở đây, nhờ một vị linh mục dòng Tên đồng hương giúp đỡ, và nhất là nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ, nhận ra chân lý, ông đã từ bỏ lạc giáo và trở lại công giáo. Sau đó, ông sang Rôma. Một hôm có người bạn thân thấy ông âu sầu thảm não. Bèn hỏi duyên cớ thì Elphinstone trả lời rằng đêm trước, thân mẫu ông hiện đến và bảo ông: “Con ơi! Con có phúc lắm vì đã gia nhập Giáo hội chân thật! Phần mẹ, mẹ đã chết trong lạc giáo, nên mẹ phải trầm luân đời đời !” Từ ngày đó, hơn bao giờ hết, ông tăng gia nhiệt tâm sùng kính Mẹ Đồng Trinh mà ông nhận làm Mẹ thay vào chỗ bà mẹ ly trần của ông. Mẹ Maria soi sáng cho ông vào dòng, ông hứa sẽ thực hiện ý định. Nhưng rồi ông lâm bệnh, và buộc lòng phải đổi khí để tìm sức khỏe. Ông đến Napoli. Đây là nơi Chúa định cho ông từ trần, mà từ trần đang lúc làm một tu sĩ. Vừa tới nơi, bệnh ông nặng thêm, nguy đến tính mệnh. Ông thảm thiết nài xin các bề trên nhận ông vào dòng. Trước Thánh Thể, lúc chịu của ăn đàng, ông tuyên khấn theo Hiến pháp dòng Chúa Giêsu. Từ đó, ông dồn hết tâm lực để cảm tạ Mẹ Maria đã cứu ông khỏi bè rối, dẫn đưa ông vào Giáo hội Công giáo, lại đưa ông vào nhà Chúa để ông được chết giữa các tu sĩ thân yêu. Trước cảnh hấp hối sốt sắng của một người con thân yêu Đức Mẹ ấy, những anh em tu sĩ chứng kiến đều cảm động: Ông kêu lên:

– Ôi! Đẹp biết bao được chết giữa các thiên thần này! Người ta bảo ông nghỉ một chút, ông trả lời:

– A! đây chưa phải là lúc nghỉ, tôi sắp bước bước cuối cùng đời tôi rồi. Khi sắp trút hơi, ông nói với các tu sĩ vây quanh:

– Anh em ơi, anh em có trông thấy các thiên thần từ trời xuống giúp đỡ tôi không?
Một tu sĩ thấy ông lẩm nhẩm mấy lời nhỏ nhẹ, hỏi thì ông trả lời:

– Thiên thần bản mệnh của tôi vừa cho tôi biết: Tôi sẽ chỉ phải qua luyện ngục ít thôi, rồi sẽ được lên Thiên đàng.

Sau đó, ông lại than thở với Đức Mẹ, và nhắc đi nhắc lại: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” với thái độ ngây thơ như trẻ nhỏ sà vào lòng Mẹ âu yếm mà ngủ, ông tắt hơi an lành. Ít lâu sau, một thày dòng thánh thiện được mặc thị thấy thầy Elphinstone đã lên thiên đàng.

Mẹ là Mẹ con

Lạy Nữ Vương Đồng Trinh Maria là Mẹ con, sao Mẹ thánh thiện như vậy mà con thì tội lỗi ghê gớm! Mẹ đầy tình sốt sắng mến yêu Thiên Chúa, mà con thì lưu luyến thụ tạo quá chừng! Mẹ sung mãn dư đầy ơn phúc, mà con thì ngặt nghèo cùng cực! A! Lạy Mẹ rất đáng mến, con tin chắc: con chẳng đáng gọi là con Mẹ; lầm lạc đã làm cho con bất xứng nhiều lắm rồi. Mẹ chỉ nhận con làm một tên tôi tớ cũng đã quá đủ cho con. Con sẵn sàng từ bỏ tất cả các nước thế gian, để được nhận vào hàng rốt hết các linh hồn phụng sự Mẹ. Vâng, thế đã đủ cho con rồi. Nhưng Mẹ đừng cấm con gọi Mẹ là Mẹ nhé! Tiếng “Mẹ” khuyến khích con chứng tỏ với Mẹ một niềm cậy trông không bến bờ. Giữa những kinh hoàng mà tội lỗi và phép công thẳng Thiên Chúa làm con run giùng, một tư tưởng Mẹ là Mẹ con đủ làm cho con can đảm. Xin cho con được nói: Mẹ ơi! Mẹ rất đáng mến yêu của con! Con đang gọi Mẹ như thế, và con sẽ gọi Mẹ mãi như thế. Sau Thiên Chúa, thì Mẹ là niềm hi vọng muôn đời của con, là nơi nương ẩn, là tình yêu của con giữa thung lũng nước mắt này. Con hi vọng được chết trong những tâm tình con đang bày tỏ; con hi vọng giờ sau hết đời con, con được trút linh hồn trong tay phúc đức của Mẹ, đang khi con nói cùng Mẹ: Mẹ ơi, Mẹ Maria ơi, xin giúp đỡ con, xin thương xót con. Amen.

Tác phẩm “Vinh Quang Đức Maria” của Thánh Anphongsô

Nhathothaiha.net

 

Bình luận
error: Content is protected !!