Icon Collap
...
Trang chủ / Tình Yêu “Mặc Dầu”

Tình Yêu “Mặc Dầu”

Yêu được phân biệt ra ba bậc như sau, “yêu vì, yêu nếu, và yêu mặc dầu. Yêu vì được đặt trên lòng ham muốn đối với người khác. Cô ấy yêu anh vì anh có nhiều tiền, đẹp trai, con nhà giàu học giỏi. Có hai anh chị vừa mới cưới nhau về được khoảng 2 tuần, trong tuần trăng mật âu yếu nhau. Nàng hỏi chàng rằng, “chàng cho em biết vì sao mà chàng thương yêu và cưới lấy em.” Chàng trả lời, “Anh yêu nàng vì nàng có duyên, và cái duyên đó là tại vì nàng có cái nốt ruồi trên má.” Nàng cheo nghẹo tiếp, “Vậy sao, mà nếu ngày nào đó em bị người ta cắt nốt ruồi này thì sao.” “Biết làm sao, thì ngưng yêu chứ sao”, chàng trả lời. Bạn nào có nốt ruồi thì hãy cám tạ ơn chúa, và cố gắng giữ kín, đừng để nhiều người thấy kẻo bị cắt mất duyên.

“Yêu nếu” được đặt trên lý do điều kiện. Anh ấy sẽ yêu cô ấy nếu cô ấy chịu làm cái này hoặc cái kia cho anh ấy. Yêu vì và yêu nếu sẽ đổ vỡ một khi đối phương không thể đáp ứng được nhu cầu của hai bên. Thứ yêu này chúng ta vẫn đang thấy ngày nay, đặc biệt thường xảy ra ở nơi các nước nghèo nàn. Cách đây không lâu, khi được về thăm lại quê hương Việt Nam. Tôi nghe người ta bàn tán rằng, “Con cái bà ấy ông ấy, đứa nào cũng đẹp cả, họ chỉ ở vậy và chờ việt kiều về lấy thôi, chứ những người cùng quê cùng xóm thì chỉ đứng xa xa mà nhìn.” Tôi không có ý trách móc gì những người này, vì tôi rất thông cảm cho dân ta nghèo nàn. Khi trao thân gửi phận thì ít nhất cũng tìm được người có công ăn việc làm tốt để khỏi lo lắng vất vả cho kế sinh nhai. Thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy ở đất nước tự do này chứ không. Tuy nhiên, điều này nói lên người ta thường hay đặt điều kiện khi yêu nhau.

Bậc cuối cùng là bậc yêu cao nhất là “yêu mặc dù.” Cho dù anh ấy hoặc cô ấy có thế nào đi nữa tôi vẫn yêu. Bậc yêu này không phân biệt giàu nghèo, lý do đòi hỏi, nhưng sẵn sàng bất chấp mọi nghịch cảnh đối lập để hy sinh cho người mình yêu. Ca dao có câu, “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chổ hở cũng kê cho bằng”. Tình Yêu mặc dù thường mang đến kết qủa tốt và được bền vững lâu dài. Vì không đặt trên điều kiện hoặc đòi hỏi người khác. Không cần phải chờ đợi người khác đáp ứng ước muốn của mình. Vẫn yêu và yêu mãi.

Yêu mặc dù được thực hiện cao độ nhất nơi Chúa Giêsu. Ngôi Hai Thiên Chúa đã vì yêu, không màng chi đến thân phận quyền quí sang giàu, xuống thế gian mặc xác người phàm, sinh trong hang đá lạnh lẽo cô đơn, rồi cuối cùng lãnh lấy cái chết nhục nhã trên cây thánh giá để chuộc tội của bạn và tôi. Cái chết của Ngài không chỉ cho riêng một ai, nhưng là cho tất cả mọi người, dù cho người đó là kẻ tội lỗi, kẻ cướp bóp, hoặc là kẻ thù đóng đinh Ngài. Khi gần nhắm mắt xuôi tay, Ngài không than trách một ai, kể cả người lấy đòng đâm vào cạnh nương lòng của Ngài. Nhưng Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả không miễn trừ. “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Thật là một tình yêu cao thượng và vĩ đại biết bao. Chính vì Ngài yêu thương loài người với một tình yêu “mặc dù”. Mặc dù bạn là ai, thuộc loại người nào, da đen, da vàng, hoặc da trắng. Mặc dù bạn là người đầy đam mê tội lỗi, bay bướm hoang đàng, Ngài vẫn chết cho bạn. Thử hỏi có ai có thể làm được như Chúa Giêsu. “Không có tình yêu nào lớn lao bằng chết cho người mình yêu” (Ga 15:13).

Là một người kitô hữu bước theo chân Chúa Kitô, chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài với một tình yêu mặc dầu. Sống trong một gia đình, một xã hội, một quốc gia có quá nhiều tín ngưỡng khác biệt, như màu da, tiếng nói, tử tưởng, tánh tình. Chỉ có tình yêu mặc dù mới đưa ta đến sự chấp nhận lẫn nhau với một tình yêu cao thượng. Một tình yêu không đáp trả bằng thù oán. Hãy thương yêu hết mọi người. Chúng ta trở nên một Kitô không phải chỉ dựa trên nền tảng là ông bà cha mẹ chúng ta theo đạo dòng hoặc đạo gốc, nhưng vì chúng ta có lòng thương yêu hết mọi người. Vì yêu thương chính là giới răn Chúa truyền, là một dấu chỉ độc nhất để mọi người nhận biết chúng ta là người theo đạo Công giáo, là môn đệ của Chúa Kitô. “Cứ dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).

Nhiều người định nghĩa đạo gốc và đạo dòng như thế này. Đạo gốc được thiếp lập là khi cha đang giảng trong nhà thờ, các chú các cậu thanh niên ra ngoài gốc cây ngồi hút thuốc. Còn đạo dòng thì đi dòng dòng quanh nhà thờ, đến khi lễ gần xong thì mới vô để có lệ là đã đi lễ. Kể như là đã giữ được luật của Chúa, không bỏ ngày Chúa Nhật. Phải chăng lòng mến Chúa được dựa trên gốc cây và đi dòng dòng?

Chúng ta không cần thiết phải mặc áo dòng hay đeo thánh giá khi ra ngoài phố chợ, không cần phải giới thiệu mình là người Kitô hữu, nhưng chúng ta chỉ cần có “lòng thương yêu nhau”, đối với mọi người chúng ta gặp gỡ trên vạn nẻo đường trần gian. Vì yêu thương không đặt trên những cái tượng trưng, nhưng bằng sự yêu thương tự tấm lòng chân thật.

Một thoáng suy tư 

Tầm Xuân, CMC

Bình luận
error: Content is protected !!