Icon Collap
...
Trang chủ / Giáo xứ mang tước hiệu thánh Gioan Phaolô II

Giáo xứ mang tước hiệu thánh Gioan Phaolô II

Là giáo xứ đầu tiên của Giáo hội Việt Nam nhận thánh Gioan Phaolô II làm bổn mạng, xứ Thánh Gioan Phaolô II (giáo hạt Tân Ðịnh, TGP TPHCM) ngày càng phát triển về nhiều mặt. Trong đó, đời sống đức tin của cộng đoàn luôn khắc họa đậm nét đường hướng mục vụ của vị cha chung.

Từ khu giáo đến giáo xứ

Giáo xứ Thánh Gioan Phaolô II (tọa lạc tại số 91/10-12 Trần Quang Diệu, P13, Q3) vốn là giáo khu Thánh Linh (1 trong 10 giáo khu của giáo xứ Vườn Xoài). Năm 1967, khu giáo có nơi thờ phượng là ngôi nhà nguyện đơn sơ sàn gỗ, diện tích hơn 100m2, gần kênh Nhiêu Lộc. Từ năm 1980, các linh mục đến cử hành mục vụ thường xuyên và đến năm 2011 thì có linh mục trực tiếp coi sóc. Nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống đức tin của 650 giáo dân, Ðức cha Phaolô Bùi Văn Ðọc (khi đó là Tổng Giám mục TGP TPHCM) đã chấp thuận đề xuất thành lập giáo xứ Thánh Gioan Phaolô II và bổ nhiệm linh mục Vinhsơn Nguyễn Ðức Dũng là chánh xứ tiên khởi vào năm 2014. Thánh lễ tạ ơn và nghi thức nhậm chức do linh mục Tổng Ðại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân chủ sự vào ngày 20.7.2014.

Nhắc lại thời điểm đề xuất thành lập giáo xứ, cha Vinhsơn Nguyễn Ðức Dũng cho biết, 2011 là năm Ðức Gioan Phaolô II được tuyên chân phước. Sự kiện giáo xứ nhỏ bé xin nhận vị Giáo Hoàng người Ba Lan làm thánh bổn mạng là một vinh dự rất lớn lao. Ngài là mẫu gương tuyệt vời về đời sống cầu nguyện, tinh thần truyền giáo không mệt mỏi, nhiệt thành chăm lo mục vụ cho đoàn chiên, luôn yêu mến giới trẻ và là hiện thân của lòng bao dung. Với tâm huyết xây dựng giáo xứ như lòng Chúa mong ước, cha Dũng đã vận động ân nhân, thậm chí vay mượn mua đất mở rộng thánh đường để giáo dân có nơi thờ phượng cho xứng hợp.

Em Phanxicô Assisi Nguyễn Phúc Thiên Ân đang đọc “Lời nguyện trong cơn dịch bệnh” trong giờ sinh hoạt sau thánh lễ Chúa Nhật 10-5

“Cùng ngài lớn lên”

Sau hai năm xây dựng, ngôi thánh đường mới đã hoàn thành và được cung hiến vào ngày 1.10.2017. Khi còn là nhà nguyện, mỗi thánh lễ chỉ có khoảng 50 – 100 người tham dự. Từ khi có ngôi thánh đường mới, giáo dân tham dự các thánh lễ ngày một đông, thánh lễ thiếu nhi cũng được cử hành vào Chúa nhật hằng tuần. Cư ngụ trong khu vực đa phần là các hộ dân thuộc diện giải tỏa bờ kè kênh Nhiêu Lộc, chính tính tình cởi mở, gần gũi của vị chủ chăn đã xóa đi khoảng cách vô hình giữa đoàn chiên và người mục tử. Vì vậy, giáo dân có thể “gõ cửa nhà cha” bất kể giờ giấc, không phải câu nệ chuyện “giờ giới nghiêm”.

Với sự đồng hành của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Kiên Lao – Bùi Chu, các nam tu sĩ dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu và sự cộng tác của các giáo dân nhiệt thành, cha Vinh Sơn Nguyễn Ðức Dũng đã tổ chức các hoạt động mục vụ giáo xứ, mục vụ dành cho giới trẻ, giáo lý thiếu nhi… Ðặc biệt, các hoạt động dành cho thiếu nhi và giới trẻ ngày càng trở nên phong phú với những chương trình lễ Tết, Trung Thu; hoạt cảnh Giáng Sinh; phát động phong trào làm lá, trang trí trứng Phục Sinh; hoạt cảnh giới thiệu ơn thiên triệu; tổ chức đoàn dâng hoa Ðức Mẹ vào tháng 5… Bên cạnh đó, vị linh mục chánh xứ còn trực tiếp dạy giáo lý tân tòng, giáo lý hôn nhân cho các cặp đôi.

Noi gương Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong đời sống thường nhật, giáo dân được mời gọi siêng năng lần chuỗi Mân Côi, duy trì lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót sau mỗi thánh lễ, tích cực tham dự giờ chầu thứ Năm đầu tháng, yêu thương và chia sẻ với tha nhân trong cuộc sống hằng ngày. Khuyến khích giáo dân chú trọng thực hành các nhân đức, linh mục chánh xứ cũng nỗ lực từng ngày bằng đời sống đơn sơ, âm thầm, năng thăm viếng các gia đình, giúp đỡ người khó khăn bất kể lương giáo… Ngài chia sẻ: “Mỗi khi cử hành thánh lễ, tôi đều cầu nguyện thánh Gioan Phaolô II, xin ngài bầu cử và đồng hành với giáo xứ, với cộng đoàn luôn mãi”.

Linh mục chánh xứ Vinhsơn Nguyễn Đức Dũng ban phép lành cho thiếu nhi trong thánh lễ mừng xuân

Những cánh tay nối dài

Trong lễ thiếu nhi đầu tiên vào ngày Chúa Nhật 10.5 sau kỳ giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, thiếu nhi thưa với vị chủ chăn rằng lúc phải nghỉ ở nhà, các em nhớ nhà thờ, muốn dự thánh lễ và được học giáo lý như trước kia. Ðể khuyến khích trẻ tiếp tục cầu nguyện cho dịch bệnh mau chấm dứt, trong giờ sinh hoạt sau thánh lễ, chị Lucia Ðặng Thị Ðức Hạnh (Trưởng Ban Giáo lý) đã tuyên dương em Phanxicô Assisi Nguyễn Phúc Thiên Ân (6 tuổi, lớp Khai tâm). Là học sinh lớp 1 “chưa rành chữ”, nhưng em đã đọc thuộc lòng “Lời nguyện trong cơn dịch bệnh”. Cậu bé cho biết em làm được điều này là do “đi lễ qua tivi” và được mẹ dạy cho vào mỗi tối.

Theo chị Hạnh, hoạt động dạy giáo lý của giáo xứ ngày càng khởi sắc, với đầy đủ các cấp lớp, từ Khai tâm đến Bao đồng. Còn nhớ lúc giáo xứ mới được thành lập, có một số em đã là học sinh cấp 3 và sinh viên đại học nhưng chưa được Rước lễ lần đầu. Do đó, chị cùng 3 giáo lý viên khác (phụ trách lớp giáo lý ở nhà thờ Kỳ Ðồng trước đó) đã trở về để hướng dẫn lớp giáo lý đầu tiên với sự hỗ trợ của hai nữ tu dòng MTG Kiên Lao – Bùi Chu. Ðến nay, trong lớp giáo lý đầu tiên đã có em trở thành giáo lý viên của giáo xứ. Chị Hạnh khẳng định: “Giáo lý là nền tảng giáo dục đức tin cho các em. Có lẽ nhận thức được tầm quan trọng này nên một số phụ huynh đã gởi con vào lớp Khai tâm từ lúc 4 tuổi để tập cho con quen dần với nề nếp”.

Cụ Maria Ðặng Thị Thi, 88 tuổi là người đã có nhiều hỗ trợ cho xứ Thánh Gioan Phaolô II trong giai đoạn khởi đầu còn nhiều khó khăn. Cụ đã chứng kiến xứ nhà đổi thay từng ngày. Mặc dù không có con đi tu, nhưng các tu sĩ và mọi người thường gọi cụ Thi bằng hai tiếng “bà cố” thân thương. Hỏi ra mới biết, bà cố Thi là người chăm lo công tác hậu cần đắc lực của giáo xứ, từ việc phục vụ bữa ăn cho linh mục giáo xứ và các tu sĩ đến trọ học, bữa sáng cho các thầy đến dạy giáo lý. Chưa kể bà còn là “trưởng ban” gói bánh chưng ngày Tết và thường chung tay hỗ trợ người khó khăn trong và ngoài giáo xứ. Tự hào về giáo xứ mang tước hiệu vị thánh Giáo Hoàng, bà Thi bày tỏ: “Nhờ đường hướng chăm lo mục vụ nhiệt thành của cha chánh xứ theo gương Ðức Gioan Phaolô II, nên giáo xứ ngày càng phát triển, đời sống đức tin của các tín hữu ngày càng thăng tiến. Niềm hạnh phúc hôm nay chính là mùa trái ngọt sau những ngày tháng giáo dân dự lễ phải đứng tràn ra lòng hẻm vì nhà nguyện không đủ chỗ, nhất là khi trời mưa thì khổ lắm vì không biết chạy đâu…”.

Nguồn: cgvdt.vn

 

 

 

Bình luận
error: Content is protected !!