Trong xã hội ngày nay, việc nhiều người được cứu sống nhờ tim, thận được lấy từ một người tự nguyện hiến xác; nhiều người mù được thấy nhờ giác mạc lấy từ những người đã qua đời,… là một vấn đề đáng quan tâm. Phải chăng, đây chính là một quan điểm tiến bộ của những người biết yêu thương, biết kính trọng những gì còn lại mà ở đó họ cho là có ý nghĩa và hạnh phúc? Hay đây là việc làm trái ngược với phong tục và văn hoá của cha ông ta?
Trước vấn đề “Hiến xác nhân đạo”, nhiều người hoàn toàn ủng hộ và tích cực tham gia đăng ký. Nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều ý kiến e dè, ngần ngại, phản đối hay thậm chí lên án. Còn chúng ta, những người Kitô hữu có suy nghĩ gì về việc làm này? Liệu rằng hành động này có đi ngược lại với giáo huấn của Thiên Chúa và Hội Thánh không? Trang Học tập hai số báo tháng 7 và tháng 8, xin phép được cùng với quý độc giả tìm hiểu và suy nghĩ thêm về vấn đề mang tính thời sự này dưới hai khía cạnh : Xã hội và Giáo hội. Lưu ý thêm, trong phạm vi bài viết, chỉ xin được bàn về vấn đề hiến xác nhân đạo của những con người đã chết thật sự.
1. QUAN NIỆM CỦA XÃ HỘI
Cách đây không lâu, khi mới bắt đầu phong trào hỏa táng, hầu hết xã hội còn rất dè dặt. Bây giờ, với phong trào tự nguyện hiến xác sau khi qua đời, dù là một sự tiến bộ của xã hội nhưng cũng còn quá mới mẻ nên tâm lý nhiều người Việt Nam không chấp nhận. Đồng thời, quan niệm Á Đông còn nặng về việc “cái chết toàn thây” cho nên việc giải phẫu tử thi đối với nhiều người, nhiều gia đình là điều cấm kỵ. Ngoài ra, người ta không khỏi lo ngại về việc hiến tặng các bộ phận cơ thể dễ dẫn đến việc buôn bán các nội tạng.
Với ngành y học phát triển như ngày nay thì có thể thấy rằng: vấn đề hiến xác, hiến mô tạng, hiến bộ phận cơ thể người là một việc nên đưa vào cuộc sống. Bản thân vấn đề này không làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần sau khi chết, mà còn thuận lòng người vì nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng và tôn vinh, vì nó đáp ứng nhu cầu thực tế của tất cả những người đang sống và đóng góp cho sự phát triển của khoa y học. Thật vậy, những người hiến xác thật sự cống hiến bằng chính cái tâm cao đẹp của mình. Đây là cơ hội để họ – những người đã ra đi – tặng lại món quà quý giá cho những người đang cần đến. Cái chết của họ không phải là dấu chấm hết, nhưng là mở ra con đường mới để họ tiếp tục gieo mầm sự sống. Cố gắng cuối cùng của họ là hiến tặng cái chết để phục vụ cho sự sống. Với họ, hiến xác cho y học là để được sống mãi, được sống tiếp một cuộc đời khác ý nghĩa hơn, phong nhiêu hơn và tròn đầy hơn…
(còn tiếp)