Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. (2Cr 1,3-4)
Cho đến nay, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã cảm nhận được phần nào những nỗi khó khăn, những đau đớn, xót xa của nhiều hoàn cảnh do nạn đại dịch Covid-19 gây nên. Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên cả nước đang “nóng” dần lên do sự bùng phát ngày càng mạnh của virus Corona.
Đứng trước thực trạng nguy kịch ấy, chúng ta không thể tránh khỏi sự hoang mang, lo lắng. Nhưng tạ ơn Chúa, Ngài đã không bỏ mặc chúng ta, Ngài vẫn hiện diện bên chúng ta qua những anh chị em với những nghĩa cử cao đẹp, giàu lòng nhân ái, sống hết mình vì sự sống của người khác. Họ đã biểu lộ hình ảnh sống động của một Thiên Chúa là “Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an” (2Cr 1,3)
Trong kho tàng ca dao Việt nam có câu:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Vâng, tuy khác giống nhưng chung một giàn nên bầu ơi hãy thương bí cùng. Những anh chị em giàu lòng nhân ái của chúng ta đã thể hiện thật đẹp về điều đó. Họ ý thức tất cả mọi người là anh chị em trong cùng đại gia đình nhân loại, không phân biệt sắc tộc, màu da, tôn giáo, địa vị xã hội,… Tất cả đều có quyền được yêu thương, chăm sóc, quyền được bảo vệ sự sống, dù có khi sự sống đó thật mong manh, được tính bằng từng phút trong từng ngày.
Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta được biết đến nhiều những hình ảnh thật cảm động của các nhân viên, y bác sĩ ngày đêm vất vả, hy sinh để bảo vệ sự sống cho các bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Khi xem những hình ảnh mệt mỏi, rã rời vì kiệt sức của các nhân viên, y bác sĩ, chúng ta thật khó có thể kìm lòng và không khỏi xúc động, nghẹn ngào trước những hy sinh cao đẹp mà họ đã dành cho các bệnh nhân.
Kênh Channel News Asia ngày 1-12-2020 đưa hình ảnh một bệnh nhân lớn tuổi nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã ngã vào lòng bác sĩ Joseph Varon ở Trung tâm Y tế United Memorial tại thành phố Houston, bang Texas (Mỹ). Bệnh nhân khóc và nói muốn được về nhà.
Bài đọc thêm: Chìa khóa hạnh phúc gia đình
Theo đài CNN, bác sĩ Varon đã ôm và an ủi bệnh nhân lớn tuổi này. Bác sĩ Varon cảm thấy buồn và có lỗi với bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân sẽ chưa thể về nhà và gặp lại vợ của mình cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính. Hình ảnh ấy đã chạm đến trái tim của biết bao người, đặc biệt người dân quốc gia Mỹ, khi họ phải hứng chịu những mất mát và bi kịch do đại dịch Covid-19 gây nên.
Thời gian gần đây, chúng ta biết đến quốc gia Ấn Độ là một trong ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do đại dịch Covid-19, sau Mỹ và Brazil. Trong tinh thần hiệp thông liên đới, nhiều quốc gia khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ niềm cảm thông và chia sẻ bằng nhiều hình thức để chung tay giúp đỡ anh chị em Ấn Độ như trao gửi máy trợ thở, các trang thiết bị y tế, tài chính…
Tại Việt Nam, trước nguy cơ dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, tính mạng của người dân đang bị đe dọa do việc lây lan khó kiểm soát của virus Corona, nhưng thật đáng trân trọng những tấm lòng cũng như những nghĩa cử cao đẹp của người dân trong cả nước đã chung lòng chung sức để hỗ trợ nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh được xem là tâm dịch lớn nhất của cả nước, thật cảm động khi các nhân viên y tế sẵn sàng luân phiên đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi để được chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19. Họ không đòi hỏi và cũng không một lời than khó nào, mặc dù không ít bác sĩ điều dưỡng đã có dấu hiệu mệt mỏi và kiệt sức, cũng đã có người âm thầm nhập viện để được chăm sóc sức khoẻ.
Họ đã hy sinh rất nhiều cho các bệnh nhân, cho đất nước và xã hội. Họ cho đi thời gian, sức khỏe, trí lực. Họ hy sinh nỗi đau không được gặp người thân trong thời gian dài, đặc biệt những người cha, người mẹ phải xa những đứa con thơ bé của mình.
Bên cạnh đó, rất nhiều mạnh thường quân trong cả nước đến từ các tổ chức cũng như cá nhân đã góp công, góp của cách công khai hay âm thầm để chung tay hỗ trợ trong tinh thần tương thân tương ái đối với anh em đồng bào đang gặp khó khăn.
Có câu nói rằng: “Có tình yêu ắt sẽ có sáng kiến”. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt những máy ATM xuất hiện, máy “ATM gạo” miễn phí, máy “ATM khẩu trang” miễn phí, đặc biệt “ATM lướt ống” do linh mục Nguyễn Hoàng Lê Nguyên tại Giáo xứ Tân Sa Châu (Phường 2, Quận Tân Bình) là một sáng kiến tuyệt vời, không chỉ “xuất” gạo nhưng còn “xuất” mì tôm, khoai lang, cơm, bánh mì, trứng…
Nhiều hội đoàn, dòng tu đã tổ chức góp cơm, góp gạo hỗ trợ các y bác sĩ tại các bệnh viện và những người dân đang gặp nhiều khó khăn trong mùa đại dịch. Và chắc chắn còn rất nhiều những tấm lòng nhân ái khác dù không được xưng danh nhưng họ đã âm thầm chung lòng chung sức vì mọi người. Có lẽ đối với họ, không gì hạnh phúc bằng khi thấy người khác được hạnh phúc bởi sự cho đi không mỏi mệt của mình.
Bài đọc thêm: Tưởng mình cho đi nhiều hơn
Họ là những con người “thánh thiện”, đúng như lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Tông huấn Gaudete et exsultate: Một người biết nhìn sự vật đúng như sự thật của chúng và biết cảm thông với những nỗi buồn đau, đó là người có thể chạm đến những chiều sâu của đời sống và tìm thấy hạnh phúc chân thực. Người ấy được ủi an, không phải bởi thế gian nhưng là bởi Chúa Giêsu. Những người như thế không ngại chia sẻ khổ đau của người khác; họ không trốn tránh các hoàn cảnh đau buồn. Họ khám phá ý nghĩa của đời sống qua việc đi đến giúp đỡ những ai đau khổ, cảm thông nỗi khốn khó của người ta và đem lại sự xoa dịu. Họ cảm nhận rằng tha nhân là thịt bởi thịt mình, họ không sợ đến gần, ngay cả chạm đến những vết thương nơi người ấy. Họ chạnh lòng thương cảm người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Bằng cách đó họ sống giáo huấn của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15). Biết khóc than với tha nhân: đó là thánh thiện
Đại dịch Covid-19 đã gây nên nhiều nỗi đau thương cho thế giới, nhưng qua đó ta thấy được tình Chúa, tình người được thể hiện thật cụ thể, rõ ràng qua tinh thần liên đới của rất nhiều anh chị em chúng ta trong đại gia đình nhân loại. Khi ta sống tinh thần liên đới là ta đang sống nhân đức của tình huynh đệ và Kitô giáo. Và còn đi xa hơn nữa, mỗi Kitô hữu được Giáo hội mời gọi thể hiện “nhân đức liên đới vượt quá phạm vi của cải vật chất, khi phân phát các của cải tinh thần của đức tin” qua những hy sinh, những lời cầu nguyện âm thầm tha thiết, những nghĩa cử cao đẹp với tất cả lòng yêu mến dành cho Chúa và anh chị em trong cùng đại gia đình nhân loại.
Đó cũng là phương cách hữu hiệu để chúng ta sống tinh thần loan báo Tin mừng bằng đời sống chứng tá cách sống động và cụ thể. Chúng ta nhớ lại lời dạy của Thánh Phaolô: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6, 9-10).
Ước gì mỗi chúng ta luôn phản chiếu được hình ảnh của một Thiên Chúa giàu lòng thương xót theo gương mẫu tuyệt vời là Đức Giêsu Kitô, chính “Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. Để cuối cùng, Ngài mang tất cả đau khổ đó lên thập giá, nơi đó Ngài bị tan nát vì yêu thương ta.
Nguồn: dongten.net