Icon Collap
...
Trang chủ / Hưởng nếm vị ngọt từ Thánh Tâm và phải trao ban

Hưởng nếm vị ngọt từ Thánh Tâm và phải trao ban

Câu chuyện: Chồng thua bạc, vợ tha hương 30 năm tìm con. Và cuộc đoàn tụ trong nước mắt.

Thánh Tâm Chúa Giêsu, Hưởng vị ngọt từ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Gia đình nghèo khó, Bà Xiong Fenglan Thiểm Tây, Trung Quốc luôn bị chồng đối xử tàn tệ. Sau khi sinh cô con gái Jin Sirong, gia đình nhà chồng lại thêm khinh miệt bà. Năm bé Sirong được 10 tuổi chồng bà thua bạc đã bán con để lấy tiền trả nợ. Quá thương nhớ con gái, Bà Xiong đã có lời trách giận chồng. Vì thế bà càng bị đánh đập và bị đuổi ra khỏi nhà không một tờ giấy tùy thân. Cuộc sống của Bà lang bạc nơi gầm cầu xó chợ. Kiếm được chút tiền bà lại dùng để đi tìm con. Nước mắt chảy xuôi thương con nên bà Xiong ngậm ngùi vượt qua khổ nạn. Kiên trì cuộc hành trình tìm con ở Hà Nam theo những dấu vết mong manh. Rồi bà gặp ông Chen Laiguai cũng là một người vô gia cư. Cảm thông với hoàn cảnh của bà nên hai người đã nương tựa vào nhau để sống. Ông chen rất hiểu những gì mà bà Xiong đang phải chịu đựng và sẵn sàng đồng hành cùng bà đi tìm con gái. Những chuyến đi đầy thách thức đối với hai ông bà. Cứ nghe thấy ở đâu có tin tức giống với hoàn cảnh của mình là ông bà đi tới. Không may, một lần đi tìm con bà gặp tai nạn tàu lửa bị mất đi một chân. Mong mỏi gặp con của bà Xiong quá lớn, vượt qua mọi nỗi gian khó nhọc nhằn. Suốt 30 năm long đong lận đận để mong tìm thấy con. Cuối cùng hoàn cảnh của ông bà được nhân viên điều tra dân số tiếp cận. Cảm động trước câu chuyện của bà Xiong, họ đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội và rồi từ thông tin truyền thông bà Xiong đã tìm thấy con gái Jin của mình. Ngày 2/11/2017 trước khi gặp mặt bà đã được nói chuyện với con gái qua video. Nhìn hình ảnh bà cũng không rõ là có thật chính xác con gái mình hay không. Cho tới khi được gặp mặt thì bà liền nhận ra ngay đó chính là con gái của mình. Khoảnh khắc được ở bên con mà bà chỉ dám nghĩ đến trong mơ thì nay đã trở thành hiện thực. Bà đã đi tìm con bằng khát vọng yêu thương của người mẹ. Cuộc đời tìm kiếm cơ cực nhưng linh cảm của người mẹ đã khiến bà không bỏ cuộc. Bà vẫn nhẫn nhịn kiên trì chịu đựng, chỉ mong một ngày có thể tìm thấy con gái. Và bà Xiong đã thành công.

Lời bàn: cuộc sống luôn có những phép màu và nó chỉ trở thành hiện thực khi bạn có niềm tin. Niềm tin được xây đắp từ tình mẫu tử thiêng liêng. Từ những gì tôt đẹp nhất mà ba mẹ luôn muốn dành cho con mình. Thì dù có mất mát và khó khăn đến đâu. Cuối cùng hạnh phúc cũng sẽ mỉm cười với bạn.

Chúng ta vừa nghe một câu chuyện hết sức cảm động về tình thương của một người mẹ đã vì con mà dám xả thân dù gặp bao nhiêu đau đớn và đắng cay. Bà Xiong đã miệt mài nắng mưa, vượt ngày vượt đêm, băng qua bao nhiêu chặng đường với thời gian 30 năm trời. Bà đã không ngại khó, không ngại khổ để đi tìm cho được đứa con yêu quý của mình. Và những cố gắng tuyệt diệu của Bà Xiong đã được đáp trả. Bà đã tìm được Jin sau 30 năm mày mò và dong duổi. Niềm vui lẫn nỗi buồn của sự gặp gỡ giữa bà Xiong và cô Jin đã làm cho nhiều người rơi lệ. 

Quả thật, hình ảnh bà Xiong đáng được khen ngợi và đáng được tán thưởng vì bà đã dám bỏ hết mọi sự và dám vượt qua bao chông gai dù bị tan nát cuộc đời, dù bị cụt chân trong khi đi tìm con. Có thể nói Bà Xiong đã dành nửa cuộc đời cho cuộc tìm kiếm này vì tình yêu. Tuy nhiên, kính thưa anh chị em, có một gương mặt, có một nhân vật đáng để chúng ta khen ngợi hơn, tán dương hơn, đó chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Vì không như Bà Xiong chỉ đi tìm một đứa con gái của mình, Giê-su đã đi tìm từng con người, từng tâm hồn chúng ta, trong cả và nhân loại vượt qua mọi thời gian và không gian. Bà Xiong đã bị tai nạn tàu lửa và bị cụt chân trên đường tìm đứa con của mình, thì Giê-su đã bị khinh miệt, bị bắt, bị đánh, bị giết chết và bị đâm thủng trái tim, nguồn sống chính của con người vì yêu thương nhân loại chúng ta.

Bài đọc thêm: Hãy trao ban Giê-su đững giữ cho riêng mình

 Trong tâm tình ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta được được mời gọi chiêm ngắm khuôn mặt đầy nhân hậu và trái tim đầy xót thương của vị Thiên Chúa tình yêu ngang qua Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể.

Thật vậy, thánh sử Luca đã giới thiệu cho chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa là Cha, vì yêu thương, Ngài đã lặn lội để tìm kiếm con người, bất chấp những gian nan khổ cực. Câu chuyện Chúa Giêsu kể cho các biệt phái và kinh sư hôm nay nói về tình thương của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc, trò chuyện, đồng bàn với những người thu thuế và những người bị coi là tội lỗi, các luật sĩ và biệt phái tỏ ra khó chịu, họ chỉ trích Chúa Giêsu. Qua đây, Chúa Giêsu đã kể cho họ dụ ngôn để nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa: Ai trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng mà đi tìm cho bằng được con chiên bị mất ? Chúa Giêsu muốn nói rằng : Ai trong các ông cũng sẽ hành xử như thế, huống chi là Thiên Chúa. Việc đi tìm con chiên bị lạc là điều tất nhiên. Hiểu ngược lại, ai không hành động như thế, chắc chắn kẻ ấy là người vô cảm, dửng dưng và thờ ơ với chiên của mình.

Các luật sĩ và biệt phái đã để mình trở nên vô cảm trước đời sống của anh em. Họ là những người có trách nhiệm trong việc hướng dẫn người khác sống theo giới răn, lề luật của Thiên Chúa, như người mục tử chăm sóc, dẫn dắt đoàn chiên. Tuy nhiên, các luật sĩ và biệt phái chỉ lo chăm chút cho chiếc áo và những hình thức bên ngoài, họ đã để cho dân Chúa đi lạc đường, lạc nẻo, họ không cảm thấy áy náy và không cảm thấy bị thúc ép phải đi tìm đưa anh em mình trở về.

Vì thế, khi dùng dụ ngôn ‘đi tìm con chiên lạc’ với luật sĩ và biệt phái, Chúa Giêsu cho thấy, việc Ngài tìm đến với những người thu thuế và những người bị coi là tội lỗi không chỉ là trách nhiệm mà là sự thúc đẩy bởi một trái tim xót thương. Dụ ngôn cho thấy, trong mắt Thiên Chúa, mỗi người đều có giá trị và có một vị trí riêng. Vì thế, dù chỉ một con chiên đi lạc thôi, Thiên Chúa cũng không thể làm ngơ, không thể lãng quên, nhưng Ngài dám liều mình, chấp nhận đánh đổi, nghĩa là dám để lại chín mươi chín con khác trong hoang địa để đi tìm cho được con chiên bị lạc. Như người mục tử, Thiên Chúa cất bước đi tìm con chiên bị lạc. Vì khi bị lạc như thế, nó vô cùng hoảng sợ và gặp nhiều nguy hiểm. Nó sẽ bị sa chân trật bước, có thể bị rơi xuống vực sâu hoặc kẹt trong vách đá, cũng có thể bị thú dữ bao vây cắn xé. Hình dung được nỗi sợ hãi và tâm trạng của con chiên đi lạc, mục tử Giêsu đã không quản ngại nắng gió vất vả, cũng không ngại đường sá cheo leo trắc trở để đi tìm con chiên như tìm chính đứa con bị thất lạc. Qua đây, Chúa cũng nhắc nhở tôi, là mục tử của cộng đoàn truyền giáo, tôi cũng phải lên đường dù gặp chông gai, dù bị dọa nạt hay chống đối để gặp gỡ, nói chuyện, ban bí tích cho những ki-tô hữu xa Chúa lâu năm.

Hơn nữa, lý do con chiên đi lạc, có thể vì nó la cà mải mê với những thú vui vô bổ ven đường nên bị rớt lại khỏi đàn. Nhưng nhiều khi nó đi lạc là vì những con chiên khác trong đàn đã hắt hủi nó, loại trừ nó, coi nó như đồ thừa trong đàn. Vì thế, nó cứ lẽo đẽo theo đàn mà không được sự khích lệ của các con chiên khác, khiến nó ngày càng xa đàn rồi bị lạc đàn. Hiểu được tâm trạng con chiên đi lạc, trái tim của người mục tử Giêsu đã hết sức cảm thông với nó. Khi tìm được con chiên, Ngài không trách nó, cũng không hỏi nó tại sao. Ngài chỉ thấy điều nó cần lúc này là cái ôm nồng ấm cảm thông và sự tha thứ vỗ về. Vì thế khi tìm được con chiên, người mục tử đã ôm nó vào lòng, vác nó trên vai và đưa nó trở về với đàn. Trái tim và tâm hồn của mục tử Giêsu đối với con người tội lỗi của chúng ta là như thế. (Nói đến đây, tôi nhớ lại nhiều lần tôi đã khóc thầm vì vui sướng khi có những người 63 năm, 56, 40 năm, 20 năm, và nhiều người xa Chúa rất lâu đã tìm về với Chúa. Những lúc này không thể nạt nỗ hay la lối, nhưng Chúa dạy tôi phải tỏ lòng nhân từ và ôm nó vào lòng như Chúa đã làm.)

Quả thật, lòng thương xót từ trái tim Chúa luôn tuôn trào sự cảm thông, tha thứ. Ngài chấp nhận bước trên gai góc, vượt qua dốc đá cheo leo, băng qua vực đèo nguy hiểm để tìm gặp chúng ta là con, là chiên của Chúa. Chúa Giêsu không hề đưa ra bất cứ điều kiện nào, cũng không đặt một tiêu chuẩn nào. Ngài yêu chúng ta hoàn toàn bằng sự thúc đẩy của trái tim, mà trái tim thì luôn có những lý lẽ riêng của nó, không thể hiểu hết được. Ngài chỉ mong đợi nơi chúng ta một điều, là hãy ngoan ngoãn để cho Ngài ôm vào lòng, để cho Ngài vác trên vai đem chúng ta trở về. Quả thật, lòng thương xót của Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Đúng như Đức Thánh Cha Phanxico đã nói: Thiên Chúa đã không mệt mỏi tha thứ và thương xót chúng ta, chỉ sợ chúng ta mệt mỏi hay là chán chường khi đến với Ngài.

Mặt khác, người ta thường nói niềm vui chia sẻ niềm vui nhân. Chính Chúa Giêsu đã diễn tả sự vui mừng của Ngài và của cả Triều thần Thiên quốc khi đón nhận một người tội lỗi hối cải. Người mục tử khi tìm được con chiên bị lạc, ông vui mừng về báo tin cho mọi người và mời mọi người đến dự tiệc: Xin hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Chúa Giêsu kết luận: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải. Trong trái tim của Thiên Chúa, không ai bị bỏ rơi, không ai bị loại ra ngoài, dù chỉ là một người, thì người ấy vẫn là con Thiên Chúa, vẫn được yêu thương và tôn trọng. Cũng vì một người, một người thôi, Đức Giê-su đã chấp nhận chết treo trên thập giá để đem lại ơn cứu độ.

Quả thật, đến với Thánh Tâm Yêu Thương của Chúa Giê-su, chúng ta không chỉ chiêm ngắm, tôn thờ cảm mến, nhưng chúng ta được mời gọi hãy bắt chước Đức Giê-su để yêu, để tha thứ và để hy sinh ngay cả mạng sống cho tha nhân nơi môi trường sống hằng ngày. Thật vậy, kính thưa, con người ngày nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Chúng ta không thể nói yêu ai, thương ai mà chúng ta lại không thực hành, không muốn hy sinh, dấn thân hay phục vụ họ. Làm sao chúng ta giới thiệu Đạo Yêu Thương cho người khác, trong khi mình sống hận thù, ghen ghét, ích kỷ, hẹp hòi,…? Điều này, chính Thánh Gioan Tông Đồ đã cảnh cáo mọi người: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, mà yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”(1Ga 3, 18). Như vậy, chúng ta phải yêu thương như thế nào để trở thành chứng nhân Loan báo Tin Mừng cho người khác? Phải chăng chúng ta phải yêu thương bằng hành động cụ thể không chỉ bằng lý thuyết suông hay lời nói bâng quơ. Chẳng hạn chúng ta thực hành lời kinh ‘Thương người có 14 mối’, trong đó chúng ta được mời gọi thương xác 7 mối: “là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết” và thương linh hồn bảy mối: “lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”. Nếu chúng ta thực hành những điều đó cách thường xuyên và đúng đắn, chúng ta đang trở nên hình ảnh thiết thực của Đạo Công Giáo, Đạo yêu thương cho anh chị em đồng loại. Mặt khác, chúng ta sống đời sống yêu thương là biết nhạy bén để nhận ra được hình ảnh Đức Giê-su nơi mọi người, nhất là nơi người nghèo khổ và tật nguyền, nơi người tai nạn bị bỏ rơi, nơi những gia đình đang gặp khó khăn, nơi những người lang thang cơ nhỡ,…Hãy học lấy cung cách giúp đỡ và yêu thương của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu (x. Lc 10, 29-37) để biết quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc những mảnh đời đầy gian nan và khốn khổ. Đừng sống vô tâm, ích kỷ, dửng dưng và loại trừ như thái độ của lão nhà giàu đã đối xử với Lazaro trong Tin Mừng. (x. Lc 16,19-31).

Ngoài ra, chúng ta có thể dẫn ra một vài cách thức yêu thương thực tế nơi môi trường sống thường ngày để giúp người khác nhận ra chúng ta là con cái của Đức Giê-su, hiện thân Tình Yêu của Thiên Chúa nơi trần gian. Yêu thương là loan báo Tin Mừng khi mỗi chúng ta biết sống tinh thần hy sinh phục vụ cho những hoàn cảnh khổ đau và bệnh tật mà không kêu ca hay phản kháng. Tại các nhà thuốc nơi vùng miền truyền giáo, các nữ tu hoặc các y bác sĩ cần biết tận tình, dễ thương, dễ mến đối với các bệnh nhân đến với mình. Chúng ta sẵn sàng niềm nở đón tiếp và tạo mối dây thân tình với họ, nhờ đó, phần nào họ được tôn trọng, được an ủi, được chữa lành bệnh tâm lý trước khi chữa bệnh thể xác. Phải chăng qua thái độ đón tiếp và phục vụ tận tình đó, chúng ta đang tự giới thiệu một hình ảnh yêu thương của Đạo chúng ta cho họ. Công việc đó nói lên tất cả mà không cần phải rao giảng hay tuyên truyền bằng lý thuyết. Một ví dụ tiếp theo để giúp người khác được cảm hoá và hiểu về Đạo công giáo, đạo yêu thương, đạo bác ái của chúng ta: Yêu thương qua việc ra đi và thăm viếng các gia đình nghèo khổ, già cả neo đơn, bệnh hoạn tật nguyền,…không chỉ dừng lại ở việc trò chuyện, hỏi han, thăm viếng đầu môi trót lưỡi, nhưng chúng ta có thể sẵn sàng bắt tay ngay vào việc lau chùi vệ sinh, thay đồ áo, giặt giũ, nấu ăn cùng họ, sửa sang hoặc xây nhà cho họ nếu thật sự quá tồi tàn,…Hành vi cử chỉ thiết thực như thế, không chóng thì chầy, sớm muộn người ta cũng tự đặt câu hỏi: tại sao người công giáo lại tốt như thế? Và cứ như vậy, chúng ta cứ yêu thương và cứ phục vụ bằng đời sống thường ngày, chắc chắn nhiều người ở nhiều nơi sẽ được thúc đẩy và sẽ dễ dàng nhận ra được sự quan tâm của Thiên Chúa ngang qua những người công giáo biết sống yêu thương bằng những hành động cụ thể và gần gũi.

Bài đọc thêm: Được trao ban – Được biến đổi và phải trao ban

Thật vậy, trong tâm tình mừng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, chúng ta chỉ thật sự yêu thương được tha nhân và dấn thân trong đời sống hằng ngày, khi chúng ta luôn biết kết hợp mật thiết với Đức Ki-tô, nguồn mạch yêu thương của Thiên Chúa qua Lời Ngài và Mình Máu Thánh Ngài. Chúng ta không thể cảm nếm được tình yêu dạt dào của Thiên Chúa mà không trao ban, sớt chia cho tha nhân. Chúng ta được mời gọi một khi đã đón nhận được tình yêu ngọt ngào từ nguồn mạch Lời Chúa, nhất là từ Bàn Tiệc Thánh Thể, chúng ta không thể không ra đi để trở nên tấm bánh bẻ ra cho mọi người bắng sự quan tâm hơn là vô tâm -vô cảm, bằng đời sống yêu thương hơn là ghen ghét – hận thù, bằng đời sống hy sinh phục vụ hơn là khép mình – ích kỷ, bằng đời sống cho đi hơn là lãnh nhận, bằng cuộc sống vui tươi hơn là buồn phiền, bằng đời sống xây đắp-nối kết hơn là dửng dưng hay loại trừ nhau. Như thế, nhờ đó, đời sống yêu thương của chúng ta mới thật sự là phương thức Loan báo Tin Mừng một cách rõ ràng cho anh chị em đồng loại, nhất là anh chị em đồng bào chưa nhận biết Chúa. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

Nguồn: giaophanvinhlong.net

Bình luận
error: Content is protected !!