Icon Collap
...
Trang chủ / Sống mầu nhiệm cứu độ

Sống mầu nhiệm cứu độ

Lời Chúa qua Tin Mừng của Chúa nhật XXV, Mùa Thường niên, nhắc nhở, cảnh tỉnh các môn đệ của Đức Giê-su, cũng là chúng ta, về việc sống mầu nhiệm cứu độ trong từng ngày sống của mình.

 

Sống mầu nhiệm cứu độ

Thánh kinh nói rõ cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su Ki-tô đến trần gian này với mục đích cứu độ, cứu chuộc con người về lại cho Thiên Chúa. Để cứu độ, cứu chuộc con người, Đức Giê-su đã loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho con người và sẵn sàng đón nhận những đau khổ và cả cái chết bi thương vào mình, do chính những gì Ngài đã rao giảng. Đức Giê-su biết rõ cái giá phải trả do việc Ngài rao giảng là bị bắt, bị đánh đòn, bị giết chết bởi các kinh sư và biệt phái. Nhưng Đức Giê-su không lùi bước. Ngài sẵn sàng, chủ động đón nhận tất cả những khổ hình chỉ vì tình yêu dành cho Thiên Chúa và dành cho nhân loại. Thiên Chúa đã đón nhận của lễ hy sinh này của Đức Giê-su bằng việc làm cho Đức Giê-su phục sinh khái hoàn chiến thắng. Để từ đây những ai tin vào Đức Giê-su, nghĩa là đi trên con đường cứu độ của Thầy Giê-su thì sẽ người đó sẽ được phục sinh vinh hiển với Ngài. Vậy mầu nhiệm cứu độ là gì và chúng ta phải làm gì để được cứu độ? Đấy là một trong những sứ điệp quan trọng mà Đức Giê-su muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta.

Mầu nhiệm cứu độ

Mầu nhiệm cứu độ thực chất là việc Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến trần gian này để cứu con người khỏi quỷ dữ, khỏi sự hư mất đời đời mà cho con người được trở về làm con của Thiên Chúa và được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trong Vương Quốc Nước Trời. Và Đức Giê-su Ki-tô cứu con người bằng cách rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, xua đuổi quỷ dữ và các thần ô uế, để người ta tin vào Ngài, đón nhận Ngài, đi trên con đường cứu độ của Ngài và được Thiên Chúa cho sống muôn đời. Như vậy, đỉnh điểm của mầu nhiệm cứu độ chính là cuộc Vượt qua của Đức Giê-su. Đức Giê-su phải vượt qua đau khổ, vượt qua cái chết, để bước vào cõi sống muôn đời bằng sự phục sinh khải hoàn của chính Ngài. Đức Giê-su đã nhắc đi nhắc lại ba lần công khai và nhiều lần mang tính ám chỉ về mầu nhiệm ượt qua, mầu nhiệm cứu độ của Ngài với các môn đệ. Nhưng xem ra các ông không đón nhận, không hiểu hay cố tình lái sang một hướng khác như bàn với nhau chuyện ai là người lớn nhất Nước Trời. Thậm chí, có người còn dùng lời khuyên can Thầy đừng có làm như thế. Vậy mà chung cục, Đức Giê-su vẫn không thay đổi quyết định, không thay đổi con đường cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã vạch sẵn cho Ngài. Như vậy, mầu nhiệm cứu độ là mầu nhiệm vượt qua đau khổ, vượt qua cái chết để bước vào cõi sống muôn đời. Vậy chúng ta phải sống mầu nhiệm cứu độ đó như thế nào?

Bài đọc thêm: Đón nhận và giới thiệu Chúa

Sống mầu nhiệm cứu độ

Để được cứu độ thì phải sống mầu nhiệm cứu độ trong chính từng ngày sống của mỗi người. Người ta thường thích, quen và muốn suy niệm, suy gẫm, suy tưởng thật nhiều, thật sâu về cuộc vượt qua của Đức Giê-su. Đó cũng là một cách lảng tránh, không dám đối diện với cuộc vượt qua của Đức Giê-su trong chính con người và cuộc đời của mỗi người chúng ta. Sống mầu nhiệm cứu độ nghĩa là đi trên con đường cứu độ mà Đức Giê-su đã đi và đã dành được chiến thắng. Con đường đó chính là hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng đón nhận tất cả những cực hình, đau khổ và cả những cái chết bi thương, nhục nhã, vì Tin Mừng, với một lòng yêu mến, tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa như Đức Giê-su đã sống. Đừng sống chui lủi, sợ hãi, không dám rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho người khác. Đừng ngại khó ngại khổ khi rao giảng Tin Mừng cho những người chung quanh. Đừng kêu ca, phàn nàn, trách móc Thiên Chúa, than thân trách phận, khi những đau khổ thử thách xảy đến như bệnh tật, ốm đau, đói khổ, người thân qua đời, bị hiểu lầm, chụp mũ, gắn nhãn, vu khống, lăng mạ, làm nhục, coi thường, vứt bỏ, loại trừ, chưởi bới, đánh đòn, giết chết… Khi chúng ta sống được như vậy, nghĩa là chúng ta đang đi trên con đường cứu độ của Đức Giê-su. Và chắc chắn chúng ta sẽ được Thiên Chúa cứu độ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến để cứu chúng con khỏi sự chết, sự tội, sự ác và nhất là sự hư mất đời đời. Chúa đã chấp nhận bị giết chết để cho chúng con được cứu, được sống. Không những thế, Chúa còn thiết lập nên con đường cứu độ và mời gọi chúng con đi trên con đường cứu độ đó để được vào Nước Trời. Chúng con xin hết lòng cảm tạ tri ân Chúa. Chúng con xin Chúa ban thêm sức mạnh và lòng can đảm để chúng con dám bước đi trên con đường cứu độ của Chúa mỗi ngày. Nhờ đó, chúng con sẽ được Chúa thực hiện cuộc vượt qua của chính Chúa, nơi cuộc đời của từng người trong chúng con, là những chi thể của Chúa. Amen.

Bài đọc thêm: Mầu nhiệm đau khổ

Lm. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, CSsR

Truyền Thông Sinh Viên Công Giáo

 

Bình luận
error: Content is protected !!