MA QUỶ THEO QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
M. Savio Phạm Lê Thành Trung
Dẫn nhập
“Ma quỷ có thật hay không?” Đây là câu hỏi rất nan giải mà không phải ai cũng có thể trả lời cách triệt để và thuyết phục được. Nhất là sự tồn tại của ma quỷ đối với một thế giới văn minh hiện đại như hiện nay ngày càng lu mờ, khi mà con người dần mất đi nhận thức về ma quỷ khi chúng không còn được người ta nhắc tên nhiều nữa. Dù vậy, người Kitô hữu chúng ta có tin là có ma quỷ tồn tại thật hay không, nếu có, thì chúng ta phải hiểu chúng như thế nào theo quan điểm của Giáo hội Công giáo?
I. MA QUỶ LÀ CÓ THẬT?
1. Định nghĩa
Theo trình thuật những trang đầu của sách Sáng thế, ma quỷ đã xuất hiện dưới hình ảnh con rắn để cám dỗ ông bà nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa qua việc hái trái cấm ăn (x. St 2,16-17). Và “ma quỷ phạm tội ngay từ lúc khởi đầu” (1Ga 3,8), “nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).
Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo:
Số 391: “Thoạt đầu đó là một Thiên thần tốt do Thiên Chúa tạo dựng. “Chắc chắn ma quỷ và các thần dữ khác được Thiên Chúa tạo dựng đều tốt lành theo bản tính, nhưng chính chúng đã làm cho mình nên ác xấu””[1].
Số 392: “Kinh Thánh nói đến tội của các thiên thần này. Sự “sa ngã” đó cốt tại một lựa chọn tự do của các thụ tạo thiêng liêng này, họ chối bỏ Thiên Chúa và Nước của Ngài một cách triệt để và không thể thay đổi”[2].
Định nghĩa trên nói đến “sự sa ngã của các thiên thần”. Như vậy, ma quỷ không chỉ có một, mà chúng rất đông, như sách Khải huyền minh chứng: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Micae và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó” (Kh 12,7-9). Cái đuôi của con mãng xà đã “quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất” (Kh 12,4) có thể được hiểu là “một phần ba” các thiên thần trên trời đã tham gia vào cuộc nổi loạn của Satan, cho thấy có nhiều thiên thần sa ngã, đó cũng là lý do khiến cho những ảnh hưởng của Satan ngày càng lan rộng trên thế giới[3].
Như vậy, không giống với triết học định nghĩa về ma quỷ như là sự thiếu vắng của điều thiện, nhưng mà quỷ là những thực thể hiện hữu. Theo định nghĩa của Kinh Thánh và Giáo Lý Hội thánh Công giáo, ma quỷ là có thật, chúng là những thiên thần sa ngã và chúng rất đông. Bằng chứng là ma quỷ đã nhiều lần được nhắc đến trong Kinh Thánh, cách riêng là được chính Đức Giêsu đề cập.
2. Ma quỷ được nhắc đến trong Kinh Thánh
Nói đến ma quỷ trong Kinh Thánh, có một trình thuật rất quen thuộc đối với chúng ta, đó là “Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc”. Trình thuật này đều được ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm viết lại để nói về cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu và Satan. Điểm đáng chú ý là câu chuyện trong trình thuật này do Chúa Giêsu kể lại. Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng Ngài đã thấy ma quỷ tận mắt. Lúc đó, Satan đã đề nghị với Ngài nhiều việc, muốn Ngài sống dưới ách của nó, muốn Ngài làm trệch hướng đi của mình[4].
Ngoài trình thuật “Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc”, còn có nhiều đoạn Tin Mừng khác nhắc đến ma quỷ, chẳng hạn như:
– Khi Đức Giêsu vào miền Garada, thì “có 2 người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả đi ra gặp Ngài. Chúng rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy” (Mt 8,28).
– Chúa Giêsu “đuổi quỷ” khi khởi sự rao giảng ở Galilê (Mc 1,30).
– Khi nhận thấy Chúa Giêsu là người có uy quyền và khả năng chữa lành, “người ta dẫn đến với Ngài tất cả những ai lâm tình trạng khốn khổ, bị những bệnh tật và đau khổ khác nhau, cả những người bị quỷ nhập, điên dại và bại liệt” (Mt 4,24) để “được Ngài chữa bệnh, và tất cả những ai bị thần ô uế dằn vặt đều được chữa lành cả” (Lc 6,18).
– Chúa Giêsu chữa cho bà Maria Mađalêna khỏi “bảy quỷ” (Lc 8,2).
– Sau khi các môn đệ rao giảng ở Galilê trở về, Chúa Giêsu nói với họ: “Ta đã thấy Satan từ trời rơi xuống như một ánh chớp” (Lc 10,17-20).
– Có lần, Chúa Giêsu khiển trách người cai quản Hội đường khi họ phản đối việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sa-bát: “Đồ giả hình! Trong ngày sa-bát, há các ngươi chẳng thả bò hay lừa trong chuồng ra dẫn chúng đi uống nước sao? Còn người con gái của Abraham đây, ma quỷ đã cầm buộc suốt 18 năm nay, lại chẳng nên cởi trói cho nó trong ngày sa-bát sao?” (Lc 13,10-17).
– Ở các Tin Mừng Nhất Lãm, nhất là Maccô đoạn 5, 1-20, Chúa Giêsu trừ một đám quỷ đang cư ngụ trong một người và cho phép chúng nhập vào đàn heo, đàn heo nhảy cả xuống hồ mà chết.
– Khi Chúa Giêsu phục sinh và hiện ra với các môn đệ, thấy họ hoảng sợ, Ngài trấn an: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương có thịt như các con thấy Thầy có đây” (Lc 24,38-39). Ở đây, Chúa Giêsu không cố ý nhắc đến ma quỷ, nhưng một cách nào đó, Ngài vẫn có khái niệm về ma quỷ.
Trên đây là những đoạn Tin Mừng tiêu biểu nhắc đến ma quỷ, ngoài ra, còn có nhiều trình thuật khác. Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây, chính Chúa Giêsu cho chúng ta biết có Satan hiện diện và hoạt động trong thế gian. Ngài đã nhiều lần nhắc đến chúng, và chính điều này khiến chúng ta càng xác tin hơn về sự hiện diện của ma quỷ.
3. Dấu hiệu nhận biết sự hiện diện của ma quỷ
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói nhiều điều về ma quỷ, nhưng có một điều mà chúng ta cần chú ý để nhận biết sự hiện diện của chúng, đó là khi Chúa Giêsu khiển trách những người Biệt phái không ngừng mưu hại Người: “Các ông là con cái ma quỷ, nên các ông muốn làm theo ý muốn của nó là cha của các ông. Ngay từ ban đầu, ma quỷ đã là kẻ giết người. Nó không khi nào đứng về phía chân lý vì nó chẳng bao giờ thành thật. Đối với nó, gian trá chỉ là một điều rất tự nhiên, vì nó vốn là đứa gian trá và là cha đẻ của mọi dối trá” (Ga 8,44).
Đức Giêsu nói ma quỷ là “kẻ giết người” và là “cha đẻ của mọi dối trá”. Thật thế, thế giới càng thấm nhuần sự dối trá, sinh mạng con người càng bị coi thường, thì sự hiện diện của Satan càng trở nên rõ rệt[5]!
Do đó, sự dối trá và giết người là hai dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự hiện diện của ma quỷ, Chúng ta không thể phủ nhận sự hiện diện của Satan trong những dối trá quan trọng và những đe doạ khủng khiếp về mạng sống con người mà chúng ta đang chứng kiến vào thời đại bây giờ. Tuy nhiên, nói như thế không phải ma quỷ có toàn quyền trên chúng ta, quyền năng của chúng cũng có giới hạn. Vậy, đâu là giới hạn và mục tiêu của ma quỷ?
4. Mục tiêu và quyền hạn của ma quỷ
Về mục tiêu, từ lúc khởi đầu cho đến nay, ma quỷ luôn nhắm đến nhân loại. Sách Khải huyền cho chúng ta thấy rằng: “Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Chúa Giêsu” (Kh 12,17).
Con người được ví như viên ngọc quý của sự sáng tạo của Thiên Chúa, vì thế ma quỷ muốn tìm mọi cách để phá hủy viên ngọc này. Chúng tìm cách cám dỗ để chúng ta phạm tội, thực hiện những chọn lựa sai lầm, làm cho tâm hồn chúng ta nổi loạn, từ đó chúng nhắm đến mục tiêu cuối cùng là làm cho chúng ta hoàn toàn chối từ Thiên Chúa, lôi kéo chúng ta vào sự khốn khổ muôn đời của nó.
Thế nhưng, về quyền phép thì ma quỷ không phải là không có giới hạn, chúng hoàn toàn vô hại đối với những linh hồn hiệp nhất với Thiên Chúa. Như thánh Augustino xác nhận về chúng là “con thú bị xiềng lại”. Chúng không thể làm gì ngoài việc cố gắng làm cho chúng ta sợ hãi, trong khi chúng ta có thể cầu xin sức mạnh của Thiên Chúa để đẩy lui ma quỷ ra khỏi cuộc sống của mình. Ma quỷ không có quyền năng so với sự uy nghi và vinh quang của Thiên Chúa[6].
Quả thật, ma quỷ không thể làm gì chống lại chúng ta mà không do chúng ta. Chỉ khi chúng ta đồng ý thì ma quỷ mới có sức mạnh, còn khi chúng ta chống lại chúng thì chúng trở thành yếu đuối. Vì lý do này mà khi chúng ta hành động sai trái, chúng ta không thể chỉ quy tất cả cho ma quỷ, mà chúng ta cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Nếu chúng ta sử dụng tự do của mình mà hành động nương theo ma quỷ, thì có thể chúng sẽ làm hại chúng ta về mặt thể lý. Vậy đâu là những tác động mà ma quỷ thực hiện trên thể lý chúng ta?
II. TÁC ĐỘNG NGOẠI THƯỜNG CỦA MA QUỶ
Ngoài việc cám dỗ là tác động bình thường mà ma quỷ thường tác động đến con người, chúng còn có những tác động ngoại thường khác có thể kể đến như: quỷ quấy, quỷ áp chế, quỷ ám, quỷ nhập.
1. Ma quỷ tác động trực tiếp đến thể lý con người
a. Quỷ quấy
Quỷ quấy là các dấu hiệu khi ma quỷ xâm nhập vào một địa điểm, chẳng hạn như nhà ở, bao gồm: “Âm thanh hoặc tiếng gió thổi trên mái nhà hoặc bên trong nhà, trên sàn nhà, cửa ra vào, cửa sổ hoặc đồ nội thất; âm thanh của một ai đó hoặc một cái gì đó bước đi loanh quanh nơi đó nhưng không ai thấy gì; âm thanh ầm ĩ của xiềng xích hoặc xích sắt; tiếng nói, tiếng hò la, tiếng cười, tiếng thét, tiếng la hét; các đồ vật biến mất không tìm thấy được hoặc được tìm thấy trong các khu vực không ngờ tới trong ngôi nhà; gió thổi đột ngột trong môi trường hoàn toàn không có luồng gió nào khác… vật nuôi đột nhiên sợ hãi và bỏ chạy một cách không thể giải thích.
Để nhận biết những biểu hiện như trên khi quỷ nhập vào một địa điểm, tiêu chuẩn là: Mọi thứ nằm ngoài quy luật tự nhiên nếu không đến từ Thiên Chúa thì đều đến từ Satan. Không có điều kiện trung gian. Một cuộc điều tra nghiêm ngặt cần được thực hiện để xác định nguyên nhân những biểu hiện của quỷ xuất hiện ở nơi đó. Nên loại trừ các nguyên nhân có tính tự nhiên”[7].
Nguyên nhân dẫn đến các dấu hiệu đó là do địa điểm, nơi bị ma quỷ xâm nhập, đã xảy ra những việc làm liên quan đến ma quỷ như gọi hồn, bói toán, bùa chú, lên đồng, cầu cơ… cho đến những tội lỗi tàn bạo như tự tử, phá thai, xúc phạm đến những đồ vật thánh. Cho nên, chúng ta cần phải chữa lành những trường hợp này để xua trừ ma quỷ quấy nhiễu.
b. Quỷ áp chế
Quỷ áp chế đôi khi được gọi là sự bực tức ma quỷ, sự áp bức đề cập đến “những hành vi của ma quỷ xâm chiếm thể xác một người có thể biểu hiện bằng vết bỏng, vết xước, vết cắn, đánh đập và tát mạnh để lại vết bầm tím, sưng tấy, vết loét chảy máu hoặc gãy xương. Một số người lại có các chữ cái, từ ngữ hoặc biểu tượng xuất hiện như vết rạch trên da của họ. Những điều này tồn tại trong một thời gian và sau đó biến mất”[8].
c. Quỷ ám
Quỷ ám theo lời giải thích của nhà trừ quỷ là cha Bamonte: “Quỷ ám là trường hợp ma quỷ gây hấn, trong đó, mặc dù nó không ngăn cản trí tuệ và ý chí tự do của người bị khủng hoảng, quỷ vẫn có thể truyền đạt những suy nghĩ hoặc hình ảnh ám ảnh mà đôi khi – xét theo lý trí – là phi lý đối với tâm trí nạn nhân (tức là trí tưởng tượng và trí nhớ) nhưng những suy nghĩ hoặc hình ảnh ấy không thể xua đuổi được. Trong những trường hợp này, người đó cảm thấy bị dằn vặt bởi một ý tưởng gắn chặt hoặc một hình ảnh có vẻ thực sự như là của riêng họ. Những nỗi ám ảnh có thể ở nhiều dạng khác nhau, có những nét biến chuyển và cường độ khác nhau và đạt đến mức chúng hoàn toàn thống trị tâm trí một người.
Những suy nghĩ hoặc hình ảnh đó có thể thu hút tất cả sự chú ý của người đó và tỏ ra lì lợm, bất chấp sự phản kháng kiên quyết và kiềm chế hết sức, là điều có vẻ như cần phải là anh hùng mới làm được. Chỉ khi buông bỏ chính mình cho Thiên Chúa mới giúp người bị quỷ ám không bị khuất phục trước sự chìm đắm này, và đôi khi việc trừ quỷ là cần thiết để giải thoát một người khỏi bạo lực bề ngoài hoặc bên trong.
Ám ảnh do quỷ khác với ám ảnh cá nhân như rửa tay quá mức, hoặc những suy nghĩ ám ảnh như “Mình quên tắt bếp phải không?”. Những điều này liên quan đến tâm trạng âu lo, không phải ám ảnh do ma quỷ. Các nhà trừ quỷ cần dựa vào lời khuyên y khoa của các chuyên gia sức khỏe tâm thần để giúp họ phân biệt giữa sự âu lo của con người và các cuộc tấn công do ma quỷ.
Phân biệt những trạng thái ám ảnh có thể là điều khó khăn vì không có những dấu hiệu hoặc những biểu hiện thể chất thường xảy ra khi bị quỷ áp chế và chiếm hữu… Giống như các bác sĩ cần phải nghiên cứu tính hiệu quả hoặc không hiệu quả của một cách điều trị để rồi mới đưa ra được một chẩn đoán chính xác, thì các linh mục có thể cũng cần phải áp dụng ý tưởng tương tự trong việc đánh giá những ám ảnh của ma quỷ”.
Nhiều khi những trường hợp quỷ ám xem ra đáng sợ hơn là quỷ nhập. Nếu quỷ nhập, chúng ta nhận biết ngay là nó qua những điều kinh thiên động địa mà nó đang làm (cũng có thể nó sẽ che giấu để né tránh phép trừ quỷ, những vẫn dễ nhận biết hơn), tuy nhiên, nó không thể làm gì được ta và ta biết và trừ được nó. Còn quỷ ám rất khó phát hiện, người bị ám vẫn có thể làm những việc đạo đức như đi nhà thờ, rước lễ trong khi trong lòng gian ác, ngoại tình, thù oán, gian dối, lừa gạt[9]. Tình trạng này mới đáng sợ, vì không ai biết để mà trừ, dẫn đến việc nạn nhân sống trong tình trạng nô lệ tội lỗi cho ma quỷ ngày này qua ngày khác.
d. Quỷ nhập
Đức Cha Saudreau nói: “Chứng quỷ nhập không bao giờ tới mức độ hoá hồn”, nghĩa là ma quỷ không bao giờ thay thế được linh hồn của người bị quỷ nhập, nó không làm cho thân xác người đó sống động được, nhưng nó lại có thể xâm chiếm thể xác, cư ngụ trong thân xác của nạn nhân. Vì thế nó làm cho linh hồn của nạn nhân không còn làm chủ được thể xác và tay chân mình nữa. Nét mặt của nạn nhân cũng thay đổi theo sự biểu lộ của ma quỷ, nghĩa là nó biểu lộ sự điên dại, giận dữ, đầu óc kiêu căng, ý đồ của nó, hoặc biểu lộ đau khổ khi bị người ta dùng phép trừ quỷ! Ma quỷ cũng hoạt động bằng chính cả con người nạn nhân qua mắt, tai, miệng, tay, chân,… đến độ dẫu nạn nhân là một người tế nhị, có giáo dục đàng hoàng vẫn có thể thốt ra những lời nói khó nghe hay cử chỉ điệu bộ hoàn toàn xa lạ đối với bệnh nhân ấy. Hơn nữa, có những trường hợp cả “đám quỷ” nhập vào một nạn nhân, mà mỗi con quỷ biểu lộ trên nạn nhân một tính nết riêng, đến độ nhờ phân biệt được tính nết đó mà người ta có thể đoán được con quỷ nào đang hoạt động. Tuy nhiên, hành động của ma quỷ vẫn bị lệ thuộc vào bản chất và tính nết của nạn nhân. Nó cũng phải dùng những cách nói, cách xử sự, cách hành động quen thuộc của nạn nhân nữa.
Bên cạnh đó, ma quỷ không luôn luôn ở trong người nạn nhân, lúc chúng ở, lúc chúng đi. Một ví dụ dễ thấy, khi một người mua một căn nhà, không nhất thiết lúc nào người đó cũng ở trong căn nhà đó, họ muốn ở thì ở, muốn đi thì đi, nhưng dù ở hay đi, thì căn nhà đó vẫn thuộc quyền sở hữu của họ. Trường hợp quỷ nhập cũng thế, có những trường hợp nhờ các phép trừ quỷ, chúng tạm thời rời khỏi bệnh nhân, nhưng sau đó chúng lại nhập vào. Người bị quỷ nhập khi ở tình trạng bình thường khó ai có thể tưởng tượng họ là người bị quỷ nhập, cho đến khi họ phát hiện ra người đó có những biểu hiện lạ thường trong những cơn khủng hoảng. Và chính những cơn khủng hoảng cũng không luôn luôn mãnh liệt như nhau, có khi nạn nhân vẫn còn giữ được lương tâm của mình mặc dù không thể kiểm soát cử chỉ, điệu bộ của thân xác, có khi nạn nhân lâm vào tình trạng “ngủ” mà không biết chuyện gì đã xảy ra[10].
Mặt khác, mỗi con quỷ có hành động và quyền lực khác nhau. Có những con có thể trừ dễ dàng và không bao giờ trở lại, có những con trở đi trở lại nhiều lần khiến việc trừ quỷ gặp nhiều gian nan hơn. Như Đức Cha Saudreau nhận xét: “Khi những con quỷ thuộc loại ‘bét’ quấy phá, thì chỉ cần đọc một vài kinh, làm một vài việc đạo đức hay nói một vài lời cầu nguyện thì cũng đủ khiến chúng phải chấm dứt”. Trái lại, trong những trường hợp quỷ nhập nổi tiếng nhất, vị trừ quỷ phải kiên trì chiến đấu.
2. Nguyên nhân con người bị ma quỷ tác động
a. Tội lỗi
Tội lỗi là một trong những nguyên nhân khiến cho ma quỷ nhập vào con người, như đã nói ở trên, ma quỷ không thể làm gì con người, nhưng khi con người phạm tội, con người đã mở cửa cho ma quỷ lộng hành.
Tuy nhiên, nói thế không hẳn là khi con người phạm tội, ma quỷ muốn làm gì thì làm, nhiều người có khuynh hướng cho rằng nguyên nhân hàng đầu khiến người ta bị quỷ nhập là những lầm lỗi của họ. Hoàn toàn không phải vậy, vì nếu ma quỷ tự do phá hoại con người khi con người phạm tội, thì chúng sẽ ngăn cản được con người làm chủ tự do của mình, từ đó chúng sẽ chuyển hướng được những công trình của Thiên Chúa đặt để nơi con người, làm cho những công trình ấy trệch ra khỏi mục đích của Thiên Chúa. Quả thật, ma quỷ dù có quyền năng đến đâu thì chúng vẫn là “những con thú bị xiềng”, dù chúng có thể quấy nhiễu, thậm chí là nhập vào con người đi chăng nữa thì chúng vẫn không nằm ngoài phép tắc của Thiên Chúa, tất cả đều nằm trong mức độ mà Thiên Chúa là Đấng nắm quyền tối thượng cho phép[11].
Bởi thế, những người phạm tội trọng sẽ làm cớ cho ma quỷ nhập, nhưng không phải bất cứ người nào phạm tội cũng đều bị như vậy. Bên cạnh đó, có những trường hợp bị quỷ nhập do những trò ma thuật điển hình như bùa ngải.
b. Bùa ngải
Đức Cha Saudreau quả quyết dứt khoát rằng: “Một trong những nguyên nhân thông thường nhất khiến ma quỷ quấy nhiễu là bùa ngải”. Và Đức Cha xác định rằng “bùa ngải là những bí tích của ma quỷ”[12].
Thật vậy, ma quỷ tự tạo ra những nghi thức và hành động theo lệnh của những người cử hành nghi thức đó. Những người cử hành đó thường được gọi là thầy pháp hay thầy phù thủy, được xem như là người có quyền năng siêu nhiên, khiến người ta vừa ghét, vừa sợ, nhưng vừa phải nhờ vả. Các phù phép mà thầy pháp sai khiến ma quỷ hành động không phải là điều mê tín (trừ các thầy pháp giả chuyên lừa bịp để tống tiền những người nhẹ dạ dễ tin), chúng có thật. Trong sách Các phép đã nhìn nhận điều đó và yêu cầu những người có năng quyền trừ quỷ chống lại chúng qua các kinh nguyện trừ tà trọng thể.
Các thầy pháp có thể “vẽ bùa” và sai khiến ma quỷ nhập vào một người nào đó, nhưng không phải lần nào việc này cũng thành công. Vì do tác dụng tốt đẹp của vị trừ quỷ mà ma quỷ đành phải rời khỏi nạn nhân, nhưng nó không bỏ hẳn, nó đến với ông thầy pháp đã điều khiến nó và than phiền những điều đau đớn mà nó phải chịu, sau đó nó lại tiếp tục công việc dang dở khi ông thầy pháp ra lệnh nó phải làm. Điều này đã được Đức Cha Saudreau nói rõ: “Sau khi vị trừ quỷ đọc lời nguyện và làm những nghi thức thánh, con quỷ bị mất phần lớn sức mạnh của nó, nhưng nó sẽ tìm lại được sức mạnh mới nhờ những thực hành ma thuật của ông thầy pháp. Đó là điều nó nhìn nhận khi bị bó buộc trả lời cho vị trừ tà hỏi nó”.
Thoạt nhiên, đến đấy chúng ta có thể nghĩ các thầy pháp có quyền năng thực sự qua những lá bùa, nhưng bùa ngải chỉ có tác dụng do ma quỷ mà thôi, và đó cũng là nguyên nhân cho thấy những ai dính bén đến bùa ngải cũng chịu sự tác động của ma quỷ, như Đức Cha Saudreau đã nhận thấy: “Nguyên nhân hầu hết của những trường hợp quỷ ám nổi tiếng đều là bùa ngải”.
Bùa ngải là nguyên nhân dẫn đến ma quỷ ám hại, nhưng các lá bùa cũng có những hiệu nghiệm khác nhau, tùy theo hình thức luyện bùa. Nếu hình thức luyện bùa càng tội lỗi thì bùa ngải đó càng hoạt động mạnh, và ngược lại. Có những hình thức luyện bùa xúc phạm đến Mình Thánh Chúa hoặc cử hành những “thánh lễ đen” (messe noire), hoặc luyện bằng việc giết các trẻ em hay những tội phản tự nhiên,…
Qua bùa ngải, chúng ta thấy rằng các thầy pháp là những người có một thế lực đen tối, giữa họ và ma quỷ có một sự tương quan với nhau. Họ có thể sai khiến và huy động ma quỷ làm việc cho họ, nếu có thể nói, họ cũng có thể sai khiến đích thân Lucifer[13].
c. Ý muốn Thiên Chúa
Sau khi nói về hai nguyên nhân của chứng quỷ nhập: là tội lỗi của người bị quỷ nhập, hay thường hơn là những bùa ngải người ta đã luyện để hãm hại nạn nhân. Còn có một nguyên nhân nữa nếu nói ra có thể sẽ khó chấp nhận hơn, đó là ý muốn của Thiên Chúa. Tuy vậy, nguyên nhân này không phải là vô lý.
Đôi khi việc ma quỷ ám hại con người là do thử thách mà Thiên Chúa cho phép xảy ra. Điều này dễ thấy ở trường hợp ông Gióp (x. G 1,12; 2,6), thánh Vianney, thánh Pio 5 dấu hay ở các vị thánh khác. Không phải do các ngài lầm lỗi hay do dính bùa dính ngải mà ma quỷ lộng hành, nhưng do ma quỷ đã xin và được Thiên Chúa cho phép hành động. Đây có thể là thử thách khó khăn đối với các vị thánh đã bị ma quỷ ám hại, nhưng kết cục các ngài đã chiến thắng và điều đó đem đến cho ma quỷ sự ô nhục.
Trong một số trường hợp quỷ nhập khác, người ta thấy lời của thánh Augustinô rất đúng: “Thiên Chúa thích biến điều ác thành điều thiện, hơn là tiêu diệt điều ác đó hoàn toàn”.
Chẳng hạn như có những trường hợp ma quỷ nhập vào một người, nó rất đau khổ khi phải chịu các phép trừ quỷ, rơi vào trạng thời “tiến thoái lưỡng nan”, ra cũng không được, ở cũng không xong. Nó thú nhận sẵn sàng rời khỏi nạn nhân, nhưng vì Thiên Chúa chưa cho phép. Khi ở trong tình trạng này, ma quỷ buộc phải nới lỏng sự chi phối của nó đối với nạn nhân. Như người bị quỷ nhập, họ sẽ không thể làm được những việc đạo đức, nhưng nhờ các phép trừ quỷ, họ lại có thể xưng tội, đọc kinh, rước lễ,… nhiều nạn nhân hiểu được tình trạng của mình nên đã chấp nhận tình trạng ấy, khi biết rằng ma quỷ ở trong mình chỉ như “những con thú bị xiềng”, chúng không thể gây cho họ một điều dữ nào.
Đối với những tâm hồn phi thường đó, họ thường được Thiên Chúa đền bù cách này cách khác, như Đức Cha Saudreau kết luận: “Khi ma quỷ nhập vào một người tín hữu, Thiên Chúa thường ban phép cho người này nhận được những ơn trợ lực phi thường từ trời cao, như một đối trọng cân bằng với những thử thách phi thường mà hoả ngục bắt người đó phải chịu. Thông thường, nếu có những thị kiến về ma quỷ thì cũng có những thị kiến về thiên đàng, nếu ma quỷ làm cho người đó đau khổ thì thiên thần bản mệnh của họ sẽ an ủi và thêm sức cho họ. Những vị thánh mà họ tôn sùng, những thiên thần mà họ kêu cầu, đôi khi ngăn cản không để ma quỷ làm hại họ, và một cách rất quyền năng giúp đỡ họ làm những việc đức hạnh để làm cho kẻ thù suy yếu, đồng thời thúc đẩy họ tiến tới hoàn hảo”. Quả thế, ở trường hợp này, có nhiều tâm hồn đã lợi dụng những đau khổ do chứng quỷ nhập để đạt tới một trình độ cao của sự thánh thiện.
Bên cạnh việc thánh hóa con người, có những trường hợp, khi ma quỷ nhập vào nạn nhân, vì chịu sự tác động của các phép trừ quỷ, ma quỷ buộc phải khai ra lý do, là để biểu hiện quyền năng trừ quỷ của đạo Công giáo cho những người ngoại giáo biết và trở lại đạo. Đương nhiên, nó rất đau khổ khi nhập vào nạn nhân và phải nói cũng nhưng làm chứng về những điều bất lợi cho nó[14].
Ngoài ra, “cái quỷ quyệt nhất của ma quỷ là làm cho chúng ta tin rằng nó không có, không hiện hữu”. Nếu thực sự “cái quỷ quyệt nhất của ma quỷ là làm cho chúng ta tin rằng nó không có, không hiện hữu”, thì đối với nó, không có một mâu thuẫn nào rõ rệt hơn, không có một phi lý nào dễ thấy hơn là những biểu hiện của nó trong sự kiện quỷ nhập. Vì đó là lúc nó phải làm cho người ta nhận ra sự hiện hữu của nó và nói cho người ta biết được những điều bất lợi về nó. Và đây cũng là ý muốn mà Thiên Chúa cho phép ma quỷ nhập vào một người.
Cuối cùng, để kết thúc phần “nguyên nhân con người bị ma quỷ tác động”, xin liệt kê ra những việc làm cụ thể của chúng ta dẫn đến những hành động khác thường của ma quỷ, đó là[15]:
1. Do lỗi của chính chúng ta: tội mê tín hay tội tin vào những điều huyền bí. Tham gia vào các hoạt động này là tạo ra cơ hội rộng mở cho ma quỷ.
2. Những phương tiện bói toán hoặc bùa chú, đặc biệt là những phương tiện do người thực hành ma thuật đưa ra, là người đã thực hiện những nghi thức gọi hồn bằng các phương tiện đó.
3. Thực hành các kỹ thuật nào đó của Thiền Siêu Niệm[16], Thiền định Reiki[17], khai mở luân xa[18] (yoga), và liên kết với phong trào Thời Đại Mới[19] (New Age).
4. Sử dụng bói toán.
5. Trải qua những buổi học nhằm nhận được những loại thuốc ma thuật hoặc chế phẩm để ngăn chặn vận xui hoặc lời nguyền độc ác của Mắt quỷ[20].
6. Sở hữu các đồ vật, chẳng hạn như đồ lưu niệm, đã được sử dụng trong các nghi lễ ma thuật địa phương.
7. Thực hành hoặc có mặt tại các nghi lễ đi ngược với đức tin của Giáo Hội (voodoo[21] hoặc macumba[22])
8. Tham gia vào các giáo phái hoặc hội nhóm nơi các nghi thức bí truyền hoặc thực hành huyền bí được thực hiện.
9. Từng tham gia vào các giáo phái Satan hoặc ngay cả tham gia vào Satan giáo không thường xuyên (ví dụ, thực hiện các ký kết bằng máu với ma quỷ, tham dự hoặc tham gia vào các thánh lễ đen[23], hoặc xúc phạm Mình Máu Thánh Chúa Giêsu).
10. Từng nghe, trong một thời gian dài, loại nhạc xúi giục mọi người thờ phượng Satan hoặc thực hiện các hành vi bạo lực, báng bổ, giết người hoặc tự sát. Các cá nhân thậm chí còn dễ bị ảnh hưởng của thứ âm nhạc như vậy hơn khi việc thực hành mê tín dị đoan và các hình thức huyền bí được mô tả ở trên kết hợp với các tệ nạn gây nghiện, chẳng hạn như nghiện rượu, sử dụng ma túy, thực hiện các hành vi đồi trụy và báng bổ. Đặc biệt, sự báng bổ khiến người ta hòa mình với ma quỷ, theo bản chất của nó, là kẻ nguyền rủa Thiên Chúa với sự căm thù tuyệt đối.
11. Là người tiếp nhận, thậm chí vô tình, một nghi thức độc ác. Ví dụ, có thể là cha mẹ dâng con cho Satan. Một người có thể đã bị lời nguyền khi còn trong bụng mẹ, cũng như sau này khi lớn lên. Trong những trường hợp như vậy, hậu quả ác độc tiếp theo thường củng cố điều ác trước đó.
Trên đây là những nguyên do dẫn đến hành động khác thường của ma quỷ đối với con người, đứng trước tình cảnh đó, Giáo hội Công giáo có những phương thế nào để chống lại ma quỷ hay không
III. NHỮNG PHƯƠNG THẾ CHỐNG LẠI MA QUỶ
1. Trừ quỷ trọng thể
Định nghĩa của việc trừ quỷ trọng thể theo GLHTCG, số 1673, là: “Khi Hội Thánh, một cách công khai và có thẩm quyền, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì gọi là Trừ tà”[24].
Tuy nhiên, ma quỷ biết rằng các phép trừ quỷ sẽ làm cho nó đau đơn, nên nó lẩn tránh chừng nào tốt chừng đấy, bằng cách che đậy không cho người ta biết nạn nhân bị quỷ nhập, hoặc làm cho người ta lầm tưởng bệnh nhân bị điên, nhờ vậy mà nó tránh được các phép trừ quỷ và tự do hành động trong người bệnh nhân. Vào thế kỷ XVII, sách lược này của ma quỷ đã bị tố giác. Và sách các phép, nơi qui tụ kinh nghiệm ngàn đời của Giáo Hội, đã ghi một cách chính xác như sau: “Ma quỷ có thói quen trả lời dối trá và chỉ tỏ cho thấy sự hiện diện của chúng một cách bất đắc dĩ, để khiến vị trừ tà ngưng công việc trừ quỷ lại, hay làm cho mọi người tin rằng bệnh nhân không phải bị quỷ nhập”[25].
Ma quỷ rất sợ các phép trừ quỷ, đứng trước sự trốn tránh của ma quỷ ấy, chúng ta dựa vào dấu hiệu nào để nhận biết rằng ma quỷ đang nhập vào một người nào đó.
2. Dấu hiệu nhận biết
Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu khác thường, chúng ta cần phải biết nghi ngờ và kiểm soát chặt chẽ hơn, để xem bệnh nhân có dấu hiệu gì gọi là quỷ nhập hay không. Đức Cha Saudreau khi trích dẫn bác sĩ Hélot, một bác sĩ chuyên môn thời của ngài có đưa ra những dấu hiệu sau đây[26]:
– Bệnh nhân bị co giật, khiến ta có thể nhận ra có một trí tuệ khác với trí tuệ của bệnh nhân, và có lúc bệnh nhân bình thường, có lúc bất thường xen kẽ nhau.
– Bệnh nhân có những cử động dị thường luôn luôn đi kèm với sự tác động kéo dài như: nhảy, múa, mất thăng bằng, bò lê dưới đất, đập phá, đau đớn, té ngã mà không có nguyên nhân rõ rệt, vặn cổ, vặn gáy….
– Bệnh nhân có những biến chứng, đau đớn không chịu nổi, đột nhiên được chữa lành bằng nước thánh, bằng dấu thánh giá, bằng Mình Thánh Chúa,…
– Bệnh nhân đột nhiên bị mất cảm giác, giác quan và cảm tính, và có thể lấy lại được trong chốc lát nhờ cầu nguyện.
– Bệnh nhân kêu la giống như thú vật, bị buộc phải tru tréo lên một cách vô ý thức, nghĩa là sau đó bệnh nhân không còn nhớ gì nữa.
– Khi nhìn một người bình thường, bệnh nhân lại thấy người đó dị thường, hay thấy người đó là quỷ.
– Bệnh nhân tự nhiên nổi giận khi thấy những vật dụng đã được làm phép, hay khi thấy một linh mục, hay khi đi ngang qua một nhà thờ mà thấy người ta muốn vào.
– Bệnh nhân không thể ăn uống hay gìn giữ được những đồ ăn thức uống đã được làm phép.
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết mà Đức Cha Saudreau đã trích dẫn, bây giờ chúng ta nói đến những dấu hiệu mà sách Các Phép đã đưa ra như những dấu hiệu chắc chắn của chứng quỷ nhập. Nói chung, những dấu hiệu này là những dấu hiệu chứng tỏ có một trí tuệ nào đó chắc chắn khác với trí tuệ của nạn nhân đang hiện diện trong họ. Trong Sách Các Phép những dấu hiệu đó là[27]:
– Bệnh nhân nói tiếng lạ, hay hiểu được người nói tiếng đó
– Bệnh nhân nói cho biết những chuyện ở xa hay còn trong vòng bí mật.
– Bệnh nhân biểu lộ những khả năng vượt quá tuổi tác hay vượt quá điều kiện của mình, như lơ lửng trên không mà không bám hay dựa vào đâu cả, đi lộn ngược đầu trên vòm nhà hay trần nhà, vẫn khư khư bất động bất chấp những nỗ lực đẩy hay kéo của những người mạnh hơn hợp lại…
Bên cạnh việc đưa ra những dấu hiệu xác nhận bệnh nhân bị quỷ nhập, Sách Các Phép còn nói rất rõ: “Ma quỷ gây trở ngại được chừng nào hay chừng ấy để cản trở bệnh nhân lãnh nhận phép trừ quỷ”. Cho nên, việc trừ quỷ cho dẫu có gian nan, cam go, thì những vị trừ quỷ vẫn phải kiên trì chiến đấu và không được lùi bước trước những khó khăn trong việc trừ quỷ. Và việc trừ quỷ này nên diễn ra càng sớm càng tốt sau khi xác nhận bệnh nhân chắc chắn bị chứng quỷ nhập. Thế nhưng, ai mới là người có thẩm quyền trừ quỷ?
b. Người có thẩm quyền trừ quỷ
Để chuẩn xác hơn khi nói về người có thẩm quyền trừ quỷ, xin trích dẫn nguyên văn một số điều Giáo Luật liên quan đến việc trừ quỷ:
Điều 1172[28]:
- 1. Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương.
- 2. Đấng Bản Quyền địa phương chỉ ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan, và có đời sống vẹn toàn.
Điều 1151: Cho dầu có quyền năng trừ quỷ, nếu không nhận được phép đặc biệt và khẩn cấp của Đấng Bản Quyền tức Đức Giám mục của mình, thì không ai có thể trừ quỷ một cách hợp pháp cho những người bị quỷ nhập[29].
Điều 1152: Các thừa tác viên hợp pháp có thể thi hành phép trừ quỷ không chỉ cho các tín hữu hay tân tòng mà còn cho những người ngoài Công giáo hay đã bị vạ tuyệt thông nữa[30].
Điều 1153: Khi thi hành phép trừ quỷ trong lễ rửa tội, trong lúc truyền phép Thánh Thể, hay khi chầu phép lành, thì vị trừ quỷ phải chính là thừa tác viên hợp pháp làm các nghi lễ đó[31].
Qua những điều luật này, chúng ta thấy được giám mục không bao giờ ban quyền trừ quỷ một cách long trọng cho ai ngoài những linh mục đã được tuyển chọn kỹ lưỡng về khả năng trừ quỷ và tư cách sống của vị đó. Nếu vị nào không đạt được điều kiện theo các điều luật trên, thì vị đó sẽ không thể là người trừ quỷ một cách hợp pháp.
2. Các phương thế khác
Song song với các phép trừ quỷ trọng thể mà một vị có năng quyền trừ quỷ hợp pháp có thể cử hành, thì người Công giáo còn có những vũ khí sắc bén và mạnh mẽ khác để chống lại sự hiện diện của ma quỷ[32]:
a. Bí tích Hòa Giải
Phương thế quan trọng nhất khởi đầu cho các phương thế là chúng ta cần phải hoán cải qua bí tích Hòa giải. Qua đó, chúng ta sẽ được Chúa tha thứ mọi tội lỗi, và một khi chúng ta không còn tội lỗi, thì chúng ta cũng không còn nô lệ cho ma quỷ và sống trong tình trạng ân sủng.
b. Tham dự Thánh Lễ
Cùng với bí tích Hòa giải là Thánh lễ. Khi tham dự thánh lễ, chúng ta tham dự vào phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Ở phần phụng vụ Lời Chúa, chúng ta được lắng nghe Lời Chúa, là Lời có sức mạnh xua đuổi ma quỷ. Ở phần phụng vụ Thánh Thể, chúng ta rước chính Chúa Giêsu vào lòng, là Đấng mà ma quỷ phải run sợ khi nghe đến Danh Thánh của Ngài.
c. Thánh Giá
Ma quỷ chạy trốn khỏi mặt Chúa Giêsu trên thánh giá. Vì thế chúng ta cần có một cây thánh giá được linh mục làm phép và đặt ở một nơi cao trọng nhất trong nhà. Hoặc đeo thánh giá ở cổ với niềm tin rằng Chúa sẽ giữ gìn chúng ta khỏi tà thần.
d. Lời cầu nguyện với Đức Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh
Bằng quyền năng và thánh ý Chúa, Đức Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh luôn giúp đỡ chúng ta trong chiến trận với ma quỷ. Chúng ta nên cầu nguyện với Đức Mẹ bằng Kinh Mân Côi, vì chuỗi Mân Côi là xiềng xích trói buộc ma quỷ. Ngoài ra chúng ta còn có thể cầu xin với các thiên thần và các thánh để các ngài giúp chúng ta chống lại ma quỷ tấn công.
e. Mang trong mình những vật thánh
Các vật thánh như nước phép và muối làm phép cần được rẩy thường xuyên ở trong nhà. Nước phép và muối phép có thể được rẩy trong các món ăn, thức uống để xin Chúa bảo vệ chúng ta.
Xương các thánh cũng có quyền năng mạnh mẽ chống lại ma quỷ, chúng ta nên đeo các xương thánh, hay các ảnh vẩy, mề đay, hình ảnh các thánh để xin các ngài bảo vệ.
f. Ăn chay và cầu nguyện
Đây là điều mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Ngài dạy chúng ta phải ăn chay và cầu nguyện, vì “loại quỷ đó không thể trừ được nếu không cầu nguyện và ăn chay” (Mc 9,29). Ăn chay là để nâng con người lên khỏi sức mạnh của thân xác và của cám dỗ vật chất. Cầu nguyện là để đón nhận sức mạnh chiến thắng của Đức Kitô – Đấng đã đánh bại quyền lực của Satan.
g. Tuân theo Giáo huấn của Giáo hội
Với những vỏ bọc tốt đẹp, ma quỷ dễ dàng dụ dỗ những người thánh thiện nhất xa rời Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói trước: “Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: “Này, Đấng Kitô ‘ở đây’ hoặc ‘ở đó, thì anh em đừng tin. Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy” (Mt 24,23-25). Vì thế chúng ta cần phải cẩn thận với những giáo phái đi ngược lại với Giáo hội, đồng thời vững tin vào những gì Giáo hội dạy. Vì Giáo hội là do Chúa Giêsu thiết lập, nên Chúa Giêsu sẽ không bao giờ phản bội Giáo hội, và nơi Giáo hội luôn có Chúa Thánh Thần hoạt động.
Trên đây là những phương thế chống lại ma quỷ. Nếu phép trừ quỷ trọng thể cần phải điều tra kỹ lưỡng, nghiêm ngặt về những dấu hiệu của nạn nhân mới có thể thực hiện, thì các phương thế này lại rất dễ thực hiện trong đời sống mỗi người chúng ta. Cho nên, chúng ta hãy tận dụng các phương thế này với đức tin, đức cậy và đức mến để được thoát khỏi sự chi phối của ma quỷ nhất có thể. Đồng thời, chúng ta cũng cần tránh những việc huyền bí như thờ lạy Satan, gọi người chết về, cầu cơ, phù thuỷ, ma thuật, bùa chú, bói toán,…để không làm cớ cho ma quỷ ám hại.
Kết luận
Theo quan điểm của Giáo hội đã trình bày ở trên thì có ma quỷ thật, chúng có nhiều khả năng phi thường và có thể gây ảnh hưởng trên con người, kể cả thân xác như: quấy phá, áp chế, ám và nhập. Thế nhưng “các cuộc tấn công của ma quỷ chỉ có thể xảy ra chừng nào Thiên Chúa cho phép vì lợi ích của chúng ta – để thanh luyện, thử thách đức tin và tăng trưởng trong sự thánh khiết. Sự quan phòng cho phép những gì cần thiết cho sự cứu rỗi của một linh hồn và luôn ban cho chúng ta những ơn cần thiết trong những thử thách của chúng ta”[33].
Chúng ta cần phải xác tín rằng Thiên Chúa luôn luôn mạnh hơn ma quỷ, ma quỷ luôn ghét Thiên Chúa và sợ hãi Ngài cũng như bất cứ điều gì mang hương thơm của sự thánh thiện. Vì thế, nếu chúng ta làm cho đời sống của mình trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu: “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) thì chắc chắn ma quỷ sẽ lui bước. Hơn nữa, để ngăn chặn sự tấn công của ma quỷ, chúng ta cần giữ mình sạch tội trọng và năng lãnh nhận các bí tích, tuyệt đối tránh mọi tiếp xúc với ma quỷ – là nguyên cớ cho ma quỷ hành động.
Bài đọc thêm: Có thể chống lại ma quỷ
Nguồn: Svconggiao.net