Để giúp cho con người đón nhận được những sứ điệp Tin Mừng và có được một lòng tin vào mình, Đức Giê-su đã phải giảng dạy, đối thoại, tranh luận, làm nhiều dấu lạ điềm thiêng. Nhưng nhiều người vẫn không chịu tin vào Ngài. Đối diện với những con người cứng tin như vậy, Đức Giê-su đã đưa ra những lý chứng cụ thể, để tự biện hộ, nhằm soi sáng và thuyết phục, không chỉ những con người này mà cả con người mọi thời, trong đó có phần của chúng ta, là hãy tin vào Ngài. Vậy chúng ta cùng lắng nghe lại những chứng cứ biện hộ của chính Đức Giê-su.
Những chứng cứ của Đức Giê-su !
Trong Tin Mừng của thánh Gioan vừa được công bố, Đức Giê-su đã đề cập đến năm chứng cứ cụ thể như sau. Thứ nhất là chứng của Gioan tẩy giả. Quả thật, vị Tiền hô đã giới thiệu Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian, là Đấng đến sau tôi, nhưng có trước tôi. Tôi không đáng cúi xuống cởi dây dép cho Ngài. Đức Giê-su còn nói rõ : “Có Đấng khác làm chứng về tôi và tôi biết : lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan và ông đã làm chứng cho sự thật” (Ga 5, 32-34). Thứ hai chính là những công việc Đức Giê-su đã làm cho thấy Ngài là Thiên Chúa mới làm được những phép lạ phi thường như chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ quỷ dữ, dẹp yên sóng biển, hoá bánh ra nhiều, làm cho người chết sống lại… Bởi thế, Đức Giê-su đã nói : “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan : đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” ( Ga 5,36). Thứ ba là chứng của Chúa Cha. Trên dòng sông Gio-đan, sau khi Đức Giê-su vừa lên khỏi nước thì có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Đức Giê-su đã khẳng định rất rõ rằng : “Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 5,37-38). Thứ tư là chứng cứ của Kinh Thánh. Quả thật, Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với chúng ta về ý định, kế hoạch, chương trình tạo dựng và cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện cho con người. Trong chương trình, ý định và kế hoạch đó thì tất cả đều tập trung vào Đấng Cứu Độ duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô. Bởi thế, chính Đức Giê-su đã nói rõ : “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi” (Ga 5,39). Chứng thứ năm là ông Môi-sê. Không ai có thể phủ nhận được vai trò vĩ đại của ông Môi-sê trong lịch sử cứu độ và cách đặc biệt trong tâm thức của người Do Thái. Ông không chỉ là lãnh tụ vĩ đại mà còn là niềm vinh hạnh tự hào của Israel. Dù rằng chính dân tộc này đã làm cho ông bao phen khốn khổ. Ngay cả khi tranh luận với Đức Giê-su về việc ly dị, người Do Thái vẫn cứ nại đến vai trò của ông Môi-sê. Nhưng Đức Giê-su đã nói rõ : “Các ông đừng tưởng tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông là Môi-sê, tức là người mà các ông vẫn tin tưởng. Vì nếu các ông tin ông Môi-sê, thì có lẽ các ông cũng tin tôi, bởi vì chính Môi-sê đã viết về tôi. Nhưng mà nếu các ông không tin điều Môi-sê đã viết thì làm sao các ông tin vào lời của tôi được” (Ga 5,45-47). Tóm lại, Đức Giê-su đã đưa ra năm chứng cứ để thuyết phục người ta tin vào Ngài chính là Đấng Ki-tô mà Chúa Cha sai đến để cứu độ nhân loại. Nhưng những người Do Thái vẫn không tin và tìm cách để giết Ngài. Còn chúng ta thì sao?
Lòng tin của chúng ta !
Suy người để ngẫm ta. Chúng ta hãy suy xét lại lòng tin của mình vào Đức Giê-su Ki-tô. Để thuyết phục người khác tin vào những lời giải thích của mình, các luật sư phải nại đến những nhân chứng, vật chứng, lý chứng. Theo như luật Cựu Ước thì người ta chỉ cần đến hai chứng là được. Nhưng ở đây, Đức Giê-su đã dùng đến năm chứng cứ cụ thể để thuyết phục người ta tin vào Ngài và người ta đã từ chối không đón nhận Ngài là Đấng Ki-tô. Còn chúng ta thì sao? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Quả thật, có nhiều người thì chỉ cần nghe ai kẻ một câu chuyện tếu, tự bịa ra rất vô lý, nhưng lại nhập tâm và tin như thật. Nhưng những lời chứng của Đức Giê-su thì chẳng hề bận tâm. Chúa nói mặc Chúa, còn tôi thì cứ mặc tôi. Đó là thực trạng bi thương nơi khá nhiều người trong chúng ta, nhất là những người trẻ. Bằng chứng cho thấy có nhiều sinh viên khi mới bước vào đại học thì rất đạo đức, nhiệt thành, chăm lo cho đời sống đạo của mình. Nhưng những năm cuối và sau khi ra trường thì lại trở nên những con người khô khan, nguội lạnh, chẳng màng gì đến đời sống đạo của mình nữa. Bởi vì, họ đã đặt niềm tin vào chủ nghĩa duy vật, vô thần. Dù rằng những học thuyết này có đầy những mâu thuẫn nội tại, nhưng vì kiến thức giáo lý non yếu mà họ đã đánh mất dần niềm tin của mình vào Thiên Chúa, vào Đức Giê-su Ki-tô. Bởi thế, trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta được mời gọi hãy đối diện với lời Chúa để duyệt xét lại lòng tin của mình vào chính Đức Giê-su. Chúng ta có thật sự tin tưởng Đức Giê-su chính là Con Một Chí Ái của Cha được sai đến trần gian để làm Đấng Cứu Độ chưa? Chúng ta có dám sống và dấn thân hết mình cho Đức Kitô chưa? Chỉ khi chúng ta can đảm đối diện với sự thật, kế cả sự thật phũ phàng nhất, mới được giải thoát và trở về với Thiên Chúa là nguồn cội của mỗi chúng ta.
Cầu nguyện với Chúa Giê-su !
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã làm tất cả những gì có thể làm được để chinh phục lòng tin của những ai không tin, trong đó có chúng con, kế cả việc làm trạng sư để tự bào chữa cho mình. Nhưng vẫn còn có nhiều người chưa tin vào Chúa là Đấng Ki-tô, là Đấng Cứu Độ duy nhất của toàn thể nhân loại này. Chúng con thật đắc tội với Chúa. Xin Chúa dủ lòng thương tha thứ cho sự cứng tin và chậm tin của chúng con, ban thêm lòng tin cho chúng con mỗi ngày. Chúng con xin tạ ơn Chúa rất nhiều. Amen.
Bài đọc thêm: Hãy làm cho thế giới biết Mẹ !
Nguồn : svconggiao.net